XÁC ĐỊNH TƯ CÁCH THAM GIA TỐ TỤNG

LỜI GIỚI THIỆU
“Tòa án Nhân dân TP.HCM ngày 30/12/2011 đã xét xử bị cáo Trần Phước Toàn 20 năm tù giam vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị Cáo Toàn không kháng cáo, nhưng Ngân Hàng Sacombank đã kháng cáo đề nghị xem xét về tư cách tham gia tố tụng của Ngân Hàng Sacombank cho rằng mình không phải Người Bị Hại. Luật sư Nguyễn Đăng Trừng bảo vệ quyền lợi cho Sacombank.
Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân Dân Tối Cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm đã xác định lại tư cách tham gia tố tụng của Sacombank không phải là Người Bị Hại mà là Bị Đơn Dân sự.
Trang Web Đoàn Luật sư TP.HCM xin đăng lại toàn bộ bài phát biểu của Luật sư Nguyễn Đăng Trừng tại phiên Tòa Phúc Thẩm để các Luật sư các tập sự hành nghề luật sư nhất là các Luật sư và tập sự hành nghề luật sư trẻ tham khảo.”
Kính thưa Qúi Tòa
Theo yêu cầu của Sacombank và được Qúi Tòa chấp nhận, tôi nhận bảo vệ quyền lợi cho Sacombank tại phiên Tòa Phúc Thẩm hôm nay.
Mặc dầu Bản Án Sơ Thẩm ngày 30 tháng 12 năm 2011 của Tòa án Nhân dân TP.HCM cho rằng “Căn cứ vào các qui định của Bộ Luật Tố Tụng Hình sự về người tham gia tố tụng đã qui định cụ thể tại Khoản 1 Điều 51 về Người Bị Hại. Hội Đồng xét xử có căn cứ xác định Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Sài Gòn Thương Tín, chi nhánh Quận 10 đã bị thiệt hại về tài sản do tội phạm gây ra nên phải tham gia tố tụng là Người Bị Hại”.
Nhưng qua nghiên cứu Hồ sơ vụ án, Bản án sơ thẩm, nghe bị cáo, khai nhận và các đương sự trình bày và phát biểu của vị Đại Diện Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tôi đề nghị Quí Tòa xem xét 2 vấn đề
_ Có phải Sacombank là Người Bị Hại trong vụ án này không?
_ Nếu Sacombank không phải là Người Bị Hại thì ai là Người Bị Hại trong vụ án này?
I/ Vấn đề thứ nhất: Sacombank có phải là Người Bị Hại không?
_ Theo tôi là không.
_ Tại sao? Bởi vì Điều 51 Bộ Luật Tố Tụng Hình sự đã xác định rõ “Người Bị Hại là Người bị thiệt hại về tài sản do tội phạm gây ra”. Tài sản bị thiệt hại do tội phạm gây ra ở đây là số tiền 6.775.778.901 đồng mà Bị Cáo Trần Phước Toàn đã chiếm đoạt là tài sản của Ban Bồi Thường Giải Phóng Mặt Bằng Quận 10 tức là tài khoản tiền gởi có kỳ hạn của Ban Bồi Thường Giải Phóng Mặt Bằng Quận 10 tại Sacombank mà người đứng tên là chủ tài khoản đó là ông Nguyễn Phú Sỹ, chức vụ Trưởng Ban.
Tóm lại số tiền gần 7 tỷ tại tài khoản trên là tài sản của Ban Bồi Thường Giải Phóng Mặt Bằng Quận 10, chứ không phải tài sản của Sacombank nên Sacombank không phải là Người Bị Hại trong vụ án hình sự này.
Ngân Hàng Sacombank chỉ làm dịch vụ nhận tiền gởi Kỳ hạn có trả lãi cho Ban Bồi Thường Giải Phóng Mặt Bằng Quận 10 mà thôi.
Nên bị cáo Trần Phước Toàn không chiếm đoạt tài sản của Ngân Hàng Sacombank mà chiếm đoạt tài sản của Ban Bồi Thường Giải Phóng Mặt Bằng Quận 10.
Còn về phía Ngân Hàng Sacombank khi làm dịch vụ nhận tiền gởi có trả lãi cho Ban Bồi Thường Giải Phóng Mặt Bằng Quận 10 như các Nhân Viên Ngân Hàng đã khai rõ trước Tòa.
Họ hoàn toàn không biết và thực tế cũng không thể biết Bị Cáo Trần Phước Toàn ký giả các chứng từ thanh lý.
Họ đã thực hiện đúng các qui trình, kiểm tra đầy đủ các chứng từ nhưng không thể phát hiện được.
Tôi cho rằng các Nhân Viên Giao Dịch Ngân Hàng Sacombank đã rất thận trọng khi làm dịch vụ nhận gởi tiền kỳ hạn với Ban Bồi Thường Giải Phóng Mặt Bằng Quận 10 .
Theo tôi không thể thận trọng hơn nữa.
     Nhưng bị Cáo Toàn đã giả chữ ký rất tinh vi mắt thường không thể biết được.
Ban Bồi Thường Giải Phóng Mặt Bằng Quận 10 lại để cho Bị Cáo xử dụng Con Dấu của Ban, đây là con dấu thật thì các Nhân Viên giao dịch Ngân Hàng Sacombank vô phương, không thể phát hiện được sự gian dối của Bị Cáo Toàn.
Từ những phân tích trên, tôi cho rằng Sacombank không phải là Người Bị Hại trong vụ án Hình Sự mà Qúi Tòa đưa ra phúc thẩm xét xử hôm nay.
Nên theo tôi không cần thiết phải triệu tập Đại Diện của Sacombank có mặt tại phiên Tòa Sơ Thẩm.
Bởi vì Sacombank không phải Người Bị Hại.
Chỉ cần triệu tập một số Nhân Viên giao dịch của Sacombank có mặt tại phiên Tòa Sơ Thẩm với tư cách là những Nhân Chứng.
Vì rằng họ là những người trực tiếp thực hiện dịch vụ nhận tiền gởi kỳ hạn có trả lãi với Ban Bồi Thường Giải Phóng Mặt Bằng Quận 10, nên lời khai của họ trước Tòa sẽ giúp cho Qúi Tòa xác định rõ hành vi phạm tội của Bị Cáo Trần Phước Toàn.
Việc xác định Sacombank là Người Bị Hại sẽ dẫn đến hậu quả là sự đối xử không công bằng, không bình đẳng trong việc bảo vệ tài sản của Nhà Nước và tài sản của tư nhân. Cụ thể ở đây nếu Sacombank là Người Bị Hại thì Sacombank phải chuyển trả cho Ban Bồi Thường Giải Phóng Mặt Bằng Quận 10 số tiền mà bị cáo Trần Phước Toàn đã chiếm đoạt và sau đó Sacombank sẽ đòi Bị Cáo Trần Phước Toàn phải bồi thường cho Sacombank số tiền trên. Với tình trạng tài chánh thực tế của Bị Cáo Toàn thì sự bồi thường này chắc chắn sẽ không bồi thường được.
Có thể trước đây đã có một số bản án đã xét xử theo hướng trên nhưng theo đây là những án lệ đó không còn phù hợp, cần phải thay đổi.
Bởi vì luật pháp hiện nay đã thừa nhận sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong đó có sự bảo vệ bình đẳng đối với tài sản nhà nước và tài sản của tư nhân.
Nên tôi đề nghị Qúi Tòa đặc biệt quan tâm nội dung mà tôi đã trình bày trên đây.
II/ Vấn đề thứ hai: Nếu Sacombank không phải là Người Bị Hại thì ai sẽ là Người Bị Hại trong vụ án hình sự này
Như phần trên tôi đã dẫn chiếu Điều 51 Bộ Luật Tố Tụng Hình sự đã định nghĩa “Người Bị Hại là Người bị thiệt hại về tài sản do tội phạm gây ra”
Bị cáo Trần Phước Toàn đã chiếm đoạt 6.775.778.901 đồng của Ban Bồi Thường Giải Phóng Mặt Bằng Quận 10 nghĩa là Ban Bồi Thường Giải Phóng Mặt Bằng Quận 10 đã bị thiệt hại về tài sản do hành vi phạm tội của Bị Cáo Toàn gây ra, thì Người Bị Hại trong vụ án hình sự này phải là Ban Bồi Thường Giải Phóng Mặt Bằng Quận 10.
Nên tôi đề nghị Qúi Tòa xem xét và xác định Sacombank không phải là Người Bị Hại trong vụ án này.
Xin trân trọng cảm ơn Qúi Tòa.

Tin tức khác


   Trang sau >>