BÀO CHỮA, BẢO VỆ QUYỀN LỢI HỢP PHÁP CHO ÔNG VŨ ĐÌNH CHÂU TRONG VỤ ÁN XẢY RA TẠI CÔNG TY TNHH MTV XỔ SỐ KIẾN THIẾT TỈNH BÌNH DƯƠNG TẠI PHIÊN TÒA PHÚC THẨM TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO TẠI TP. HỒ CHÍ MINH NGÀY 15/12/2011

 

Luật sư Phan Trung Hoài

Kính thưa Hội đồng xét xử phúc thẩm

Thưa đại diện Viện kiểm sát xét xử phúc thẩm

Liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Một Thành viên Xổ số Kiến thiết tỉnh Bình Dương (“CTXSKT”), ông Vũ Đình Châu- nguyên Giám đốc Công ty XSKT đã bị Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương (“Tòa sơ thẩm”) xét xử sơ thẩm. Tại bản án sơ thẩm số 34/2011/HSST ngày 22/6/2011 (“bản án sơ thẩm”) đã tuyên phạt ông Vũ Đình Châu mức án 8 năm 6 tháng tù tổng hợp cả 3 tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” (2 năm tù), “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” (6 năm tù) và “che dấu tội phạm” (6 tháng tù). Sau khi xét xử sơ thẩm, ông Vũ Đình Châu đã có đơn kháng cáo kêu oan vào ngày 23-6-2011, đề nghị Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại TP. Hồ Chí Minh xem xét lại toàn bộ bản chất vụ án, tuyên bố ông Vũ Đình Châu không phạm 3 tội danh nói trên.

Với tư cách là người bào chữa (theo Giấy chứng nhận số 573/2011/HS-GCNNBC ngày 10/8/2011 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại TP. Hồ Chí Minh), nay tôi xin trình bày quan điểm pháp lý bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho ông Vũ Đình Châu tại phiên tòa phúc thẩm, kính đề nghị Hội đồng xét xử và Viện kiểm sát xét xử phúc thẩm minh xét cho yêu cầu kháng cáo của ông Vũ Đình Châu như sau:

I/- Bản án sơ thẩm đánh giá sai lệch bản chất giao dịch giữa CTXSKT và Công ty Tấn Lợi, có dấu hiệu hình sự hóa quan hệ dân sự- kinh tế, quy buộc tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” đối với ông Vũ Đình Châu không bảo đảm căn cứ pháp lý.

Liên quan việc chuyển nhượng trụ sở 672 Đại lộ Bình Dương từ Công ty Cổ phần Tấn Lợi (”CTTL”) sang CTXSKT, Bản án sơ thẩm đã quy buộc ông Vũ Đình Châu tự mình giao dịch chuyển nhượng tài sản, không kiểm tra hồ sơ pháp lý về tài sản của CTTL, không thực hiện các thủ tục thẩm định giá theo quy định, nên quy buộc ông Vũ Đình Châu phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” với khoản tiền thiệt hại được tính là 861.595.240 đồng (?). Có thể khẳng định, phán quyết của Tòa sơ thẩm liên quan tội danh này đối với ông Vũ Đình Châu là hoàn toàn không có căn cứ, thể hiện sự quy buộc thiếu khách quan, có dấu hiệu hình sự hóa quan hệ dân sự- kinh tế giữa hai doanh nghiệp, thể hiện ở những điểm mấu chốt sau đây:

Thứ nhất, có thể khẳng định, việc tìm kiếm và giao dịch chuyển nhượng nhằm xây dựng trụ sở mới cho CTXSKT xuất phát từ nhu cầu thực tế khách quan, trên cơ sở CTXSKT đã xin chủ trương của UBND tỉnh Bình Dương, không phải là quyết định mang tính cá nhân và tự mình giao dịch của ông Vũ Đình Châu.  Các chứng cứ được thu thập trong quá trình điều tra vụ án đã thể hiện rõ:

- Chủ trương tìm địa điểm mới xây dựng trụ sở CTXSKT được đưa ra bàn bạc thống nhất trong cuộc họp của BCH Đảng ủy ngày 23-9-2006 và họp Ban giám đốc Công ty ngày 3-10-2006 (BL 11-15 tập I-3). Chính các cán bộ lãnh đạo của Công ty như ông Nguyễn Hữu Song, bà Ngô Kim Anh, Huỳnh Thị Hiệp cũng đã trình bày rõ về chủ trương và biết rõ sự bàn bạc thống nhất nói trên (BL 01, 09, 18, 27, 65, 69, 74 tập I-7).

- Thông qua giới thiệu của Lê Thị Kim Chi là nhân viên Phòng Đầu tư kỹ thuật CTXSKT, vào ngày 16-10-2006, giữa CTXSKT và CTTL có ký Biên bản làm việc, xác định rõ phần đất nói trên do CTTL thuê của Sở Địa chính tỉnh Bình Dương, nên sẽ làm thủ tục hoàn trả để CTXSKT ký lại hợp đồng thuê mới. Đồng thời xác định công trình tài sản trên đất và thiệt hại do ngừng hoạt động, di chuyển mà CTTL đề nghị CTXSKT thanh toán là 7 tỷ đồng và bên CTXSKT có trách nhiệm trình UBND tỉnh Bình Dương, sau khi có đầy đủ thủ tục pháp lý CTXSKT được UBND tỉnh chấp thuận, hai bên sẽ tiến hành các công việc ký kết hợp đồng và thanh toán.

- Ngay sau đó, vào ngày 17-10-2006, CTXSKT có văn bản số 210/ĐTKT-SX gửi UBND tỉnh Bình Dương xin phép và được UBND tỉnh Bình Dương tại văn bản số 5637/UBND-SX ngày 01-11-2006 chấp thuận về chủ trương cho CTXSKT được nhận chuyển nhượng toàn bộ tài sản trên đất từ CTTL và đền bù, hỗ trợ di dời để Công ty này di chuyển đến địa điểm làm việc mới… (BL 20 tập I-3). Quá trình nhận tờ trình và chấp thuận chủ trương cho CTXSKT đã được CQĐT tiến hành xác minh đầy đủ tại VP UBND tỉnh Bình Dương. Sở Tài nguyên môi trường chỉ có ý kiến tại văn bản số 12 ngày 2-01-2008 là mẫu hợp đồng chuyển nhượng chưa phù hợp với mẫu do Thông tư liên Bộ số 04 ngày 13-6-2006 (BL 01, 21-22, 49 tập I-9).

-Nhằm triển khai thực hiện chủ trương nói trên, ông Vũ Đình Châu đã ban hành Quyết định số 341 ngày 14-11-2006 thành lập ban kiểm kê tài sản do bà Ngô Kim Anh làm Trưởng ban (BL 54 tập I-6). Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm, bà Ngô Kim Anh thừa nhận có tiến hành kiểm kê tài sản với mục đích tài sản có tương ứng với giá 7 tỷ đồng không và trực tiếp ký phiếu chi làm 3 lần thay vì 2 lần như hợp đồng quy định (BL 200)

- Ngày 28-11-2006, trên cơ sở văn bản chấp thuận của UBND tỉnh, tại văn phòng CTXSKT, Hội đồng thẩm định giá nhận chuyển nhượng tài sản của CTXSKT và CTTL, bao gồm các thành phần đại diện cho Sở Tài chính, Chi cục Tài chính doanh nghiệp, Sở Xây dựng (vắng Sở tài nguyên môi trường) tỉnh Bình Dương đã tiến hành cuộc họp. Sau khi thảo luận đã thống nhất kết luận và ghi nhận danh mục tài sản theo biên bản thống nhất và công nhận sự thỏa thuận giữa CTXSKT và CTTL với giá trị đền bù tài sản gắn liền diện tích đất 8.054,4 m2 là 6.999.995.000 đồng, đã bao gồm thuế VAT. Hội đồng cũng chấp thuận cả nguồn vốn chuyển nhượng lấy từ quỹ đầu tư phát triển của CTXSKT (BL 24 tập I-3). Theo kết quả xác minh của CQĐT và thẩm tra công khai tại phiên tòa sơ thẩm đã thể hiện rõ, các Sở ngành như Tài chính, Xây dựng đều thừa nhận đã cử cán bộ của mình tham gia thẩm định giá nhận chuyển nhượng tài sản giữa CTXSKT và CTTL, thừa nhận các thành viên có ý kiến “về giá cả chuyển nhượng Hội đồng công nhận sự thỏa thuận giữa hai bên theo quy định của pháp luật” (BL 72 tập I-5, 13, 16a, 28-29 tập I-8). Về phần mình, Sở Tài chính biết rõ thực trạng của CTTL và việc chuyển nhượng tài sản trên lô đất nói trên với CTXSKT, do CTTL còn nợ Sở Tài chính tỉnh Bình Dương 1,5 tỷ đồng và vào tháng 12-2006, ông Nguyễn Văn Toàn lúc đó là Phó Giám đốc Sở Tài chính đã điện báo cho bà Ngô Kim Anh “nhờ thu hồi nợ dùm” (BL 32 tập I-8).

Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm, Tòa sơ thẩm cho rằng có tiến hành xác minh và Sở Tài chính trong văn bản số 3063 ngày 18-12-2009 trả lời cho rằng: Ở tỉnh Bình Dương không có Hội đồng thẩm định giá tài sản chuyên trách, mà chỉ hình thành tùy theo yêu cầu tính chất vụ việc phát sinh, đồng thời khẳng định Biên bản cuộc họp ngày 28-11-2006 không phải là văn bản thẩm định giá (BL 57 tập I-6) (?). Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng Tòa sơ thẩm vận dụng nội dung trả lời như trên để bác bỏ biên bản cuộc họp thẩm định giá là chưa có căn cứ, đồng thời cũng chưa giải thích và làm rõ được trách nhiệm của các thành viên đại diện cho các Sở, ngành chức năng của tỉnh trong việc thẩm định và chấp thuận giá chuyển nhượng theo Hợp đồng giữa CTXSKT và CTTL.

Bản án sơ thẩm không chứng minh được về bất cứ một thỏa thuận nào giữa hai bên về việc bên bán giao đầy đủ giấy tờ thì mới ký kết hợp đồng; quy buộc ông Châu thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra giấy tờ, nhưng lại không chỉ dẫn được việc quy buộc nói trên dựa trên căn cứ, qui định pháp luật nào; đồng thời kết luận ông Châu không thẩm định tài sản chuyển nhượng là một nhận định hoàn toàn sai sự thật, có tính chất kết tội oan sai đối với ông Vũ Đình Châu. Trong trường hợp này, điều 15 Nghị định 170/2003/NĐ-CP ngày 25/12/2003 của Chính phủ mà bản án sơ thẩm viện dẫn chỉ điều chỉnh đối với tài sản được mua bằng toàn bộ hoặc một phần từ nguồn ngân sách Nhà nước.. Khái niệm “nguồn ngân sách Nhà nước” không đồng nghĩa với tài sản của doanh nghiệp Nhà nước hình thành từ các nguồn vốn khác. Tài sản CTXSKT nhận chuyển nhượng từ CTTL sử dụng nguồn vốn phát triển sản xuất của công ty, do đó không thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định này.

Thứ hai, về mặt pháp lý, đây thực chất là giao dịch dân sự- kinh tế hợp pháp, phù hợp về hình thức và nội dung được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2005, đang  được các bên triển khai và thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình, thể hiện qua các chứng cứ, tài liệu:

- Dựa trên sự chấp thuận và căn cứ pháp lý nêu trên, vào ngày 6-12-2006, ông Vũ Đình Châu đại diện cho CTXSKT đã ký Hợp đồng chuyển nhượng tài sản với ông Đỗ Văn Hạnh, Giám đốc CTTL, với giá trị chuyển nhượng đúng như kết quả thẩm định của Hội đồng thẩm định giá. Xuất phát từ thực tế diện tích đất này CTTL thuê của Sở Địa chính và về phần mình, CTXSKT vẫn phải làm thủ tục thuê đất lại, nên trong Hợp đồng hai bên không thỏa thuận, cam kết bàn giao đầy đủ giấy tờ chứng minh quyền sử dụng hợp pháp diện tích đất của CTTL.

- Về phần mình, CTXSKT đã thành lập Ban kiểm kê tài sản theo Quyết định số 341/QĐ-XSDV ngày 14-11-2006 để xác định và kiểm kê thực tế tài sản của CTTL trên đất (BL 59 tập I-1), đồng thời CTXSKT đã thanh toán cho CTTL số tiền 6,8 tỷ đồng và hai bên đã lập biên bản và tiến hành bàn giao tài sản vào ngày 30-12-2006.

- Trong quá trình thực hiện Hợp đồng chuyển nhượng, về phía CTXSKT đã nhiều lần yêu cầu CTTL xuất trình và cung cấp các giấy tờ liên quan, đồng thời báo cáo UBND tỉnh và Sở Tài chính tỉnh, chứng minh thực tế CTTL chưa bàn giao giấy tờ và có dấu hiệu lừa đảo, chứng minh rõ lãnh đạo CTXSKT đã cố gắng làm hết trách nhiệm trong việc thực hiện và kiểm tra quá trình thực hiện hợp đồng giữa hai bên, thông qua các biên bản cuộc họp và tài liệu sau đây:

+ Sau khi CTTL chưa bàn giao hồ sơ, giấy tờ, CTXSKT đã có văn bản số 250 ngày 14-12-2007 gửi Sở Tài nguyên môi trường, đề nghị xác nhận về tình trạng thuê đất của CTTL để CTXSKT tiến hành lập các thủ tục tiếp theo (BL 05 tập I-6).

+ Bản thân ông Đặng Văn Đức lập bản cam kết ngày 27-3-2008 sẽ chuyển giao toàn bộ hồ sơ giấy tờ liên quan hợp đồng chuyển nhượng vào trước ngày 3-4-2008 nhưng không thực hiện.

+ Biên bản làm việc ngày 16-4-2008 giữa CTXSKT, CTTL và Chi nhánh NHCT tỉnh Bình Dương, trong đó CTTL cam kết thanh toán khoản nợ Ngân hàng trước ngày 18-4-2008 và CTXSKT nhận lại Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình và quyền sử dụng đất.

+ Biên bản các cuộc họp chính thức vào các ngày 25-4-2008, ngày 14-5-2008 và ngày 19-6-2008 nhằm giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện, làm rõ dấu hiệu lừa đảo tài sản của CTXSKT khi CTTL sau khi nhận tiền đã không thanh toán khoản nợ tại Ngân hàng…

+ Ngày 23-7-2008, CTXSKT lập tờ trình xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Dương, trong đó nêu rõ thực trạng CTTL chưa hoàn tất việc bàn giao giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu công trình và thanh lý hợp đồng thuê với Sở Tài nguyên môi trường, nhận định qua nhiều lần làm việc, có dấu hiệu CTTL lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đồng thời kiến nghị xin phép UBND tỉnh tạm thời cho CTXSKT khai thác cho các đối tác thuê ngắn hạn để tránh gây lãng phí tài sản (BL 08 tập I-6).

- Hồ sơ vụ án phản ánh rõ đây là quan hệ tranh chấp về dân sự- kinh tế phát sinh giữa hai chủ thể là CTXSKT và CTTL. Theo quy định tại điều 5 của Hợp đồng, trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc sẽ cùng nhau thỏa thuận giải quyết, trong trường hợp xảy ra khiếu kiện thì Tòa án kinh tế tỉnh Bình Dương sẽ là nơi có thẩm quyền phán quyết (BL26 tập I-3). Thực tế vào ngày 10-4-2009, CTXSKT tiếp tục có Tờ trình gửi UBND tỉnh, đề xuất phương án giải quyết nhằm giải chấp hồ sơ, nếu không hòa giải được thì kiện ra Tòa án giải quyết. Về phần mình, CTTL cũng đã làm thủ tục ủy quyền cho ông Bùi Như Tường để tiến hành các thủ tục liên quan tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng tài sản với CTXSKT (BL 27 tập I-11).

Do bản chất chỉ là quan hệ tranh chấp dân sự- kinh tế (nếu có), nên việc các cơ quan tiến hành tố tụng tự dành cho mình quyền đề nghị xử lý kỷ luật về mặt Đảng và chính quyền đối với một số cá nhân thuộc một số Sở, ngành chức năng tỉnh Bình Dương và một số người trong Ban Giám đốc CTXSKT là hoàn toàn không có căn cứ, làm ảnh hưởng đến các quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Thứ ba, bản án sơ thẩm đã xác định hậu quả thiệt hại do hành vi “thiếu trách nhiệm…” thiếu căn cứ, cách thức và phương pháp xác định thiệt hại tùy tiện:

Thật vậy, do việc hình sự hóa quan hệ tranh chấp dân sự- kinh tế nêu trên, cấp sơ thẩm đã cố tình tưởng tượng ra “hậu quả thiệt hại” bằng những cách thức và phương pháp hoàn toàn sai lệch, tùy tiện, mâu thuẫn với chính lập luận nêu trong bản án sơ thẩm. Bản án sơ thẩm quy kết, do chưa nhận được thủ tục pháp lý về tài sản của CTTL, ông Châu đã duyệt chi 6,8 tỷ đồng, nên giá trị thực của tài sản chuyển nhượng cũng không phải là giá thực 6.999.995.000, nhà xưởng chỉ được sử dụng cho thuê mà không thể sử dụng để xây dựng trụ sở mới. Bản án sơ thẩm dựa vào kết quả xác định “giá trị tài sản còn lại”, dùng cách thức lấy số tiền đã chi trừ đi giá trị tài sản còn lại tại thời điểm khởi tố vụ án, để tính ra số tiền thiệt hại 3.465.198.000 đồng. Hơn thế nữa, bản án sơ thẩm bên cạnh việc chấp nhận khoản tiền cho thuê nhà xưởng 1.367.239.578 đồng và 600 triệu đồng hỗ trợ di dời, lại “tự sáng tạo” ra lời đề nghị của luật sư và bị cáo trừ số tiền thuế VAT là 636.363.182 đồng !? Từ đó, bản án sơ thẩm quy buộc số tiền thiệt hại do hành vi thiếu trách nhiệm là 861.595.240 đồng và chấp nhận quan điểm của đại diện Viện kiểm sát tỉnh Bình Dương dựa vào căn cứ “áp dụng tương tự pháp luật” (?)

Chúng tôi cho rằng, thiệt hại mà bản án sơ thẩm quy kết nêu trên có thể nói là kết quả của một phép tính số học đơn thuần không có nội dung kinh tế, vì việc chậm làm giấy tờ không phải là nguyên nhân của khoản tiền chênh lệch đó. Đó cũng không phải là phép tính hiệu quả kinh doanh, vì không thể lấy các khái niệm, phạm trù kinh tế có “nội hàm” khác nhau như lấy giá đền bù xây dựng để trừ giá mua thỏa thuận, tiền thuế, tiền cho thuê ... là vô nghĩa về mặt kinh tế và không có căn cứ về mặt pháp lý.

Việc quy buộc một cách tùy tiện, thậm chí tự bịa đặt ra “đề nghị của luật sư và ông Vũ Đình Châu liên quan việc khấu trừ khoản thuế VAT” nói trên đã đi ngược lại với toàn bộ bản chất vụ án và tài liệu, chứng cứ thể hiện trong hồ sơ:

- Ngay từ đầu, CQĐT tỉnh Bình Dương vào ngày 8-6-2009 đã báo cáo Cơ quan điều tra Bộ Công an không đúng sự thật khi cho rằng diện tích đất này không làm được thủ tục mua bán, trong khi vào ngày 7-5-2009 toàn bộ hồ sơ liên quan diện tích đất đã được Ngân hàng giải chấp. Cụ thể, hồ sơ vụ án thể hiện Ngân hàng Công thương Việt Nam chi nhánh Khu công nghiệp Bình Dương đã có Thông báo giải tỏa tài sản số 23/CNKCNBD ngày 7-5-2009 gửi Phòng Công chứng số 01 tỉnh Bình Dương thông báo giải tỏa tài sản thế chấp của Công ty CTTL, trong đó có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số N 070461 (vào sổ số 893QSDĐ/2000 ngày 21-11-2000 do UBND tỉnh Bình Dương cấp) (BL 18 tập I-19). Mặt khác, việc xác định tính hợp pháp của tài sản liên quan đến việc nắm giữ các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu và quyền sử dụng không bị mất đi thể hiện thông qua việc CQĐT đã có Quyết định thu giữ đồ vật, tài liệu là toàn bộ hồ sơ thế chấp vay vốn tại Chi nhánh Ngân hàng công thương Khu Công nghiệp Bình Dương số 01 ngày 5-5-2009 và lập Biên bản thu giữ các giấy tờ bản chính liên quan đến quyền sử dụng lô đất của Công ty Tấn Lợi (BL 02- 03 tập I-12).

 

- Trong khi vụ án đang được tiến hành điều tra, chưa phát sinh hậu quả thiệt hại, UBND tỉnh Bình Dương trong văn bản số 3252/UBND-KTTH ngày 26-10-2009 đã khẳng định “UBND tỉnh Bình Dương đã có chủ trương cho CTXSKT chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất của CTTL tại địa điểm 672 Đại lộ Bình Dương…”. Từ đó, UBND tỉnh đề nghị Công an tỉnh Bình Dương “xem xét và có ý kiến đề xuất cho UBND tỉnh giải quyết thủ tục chuyển nhượng về tài sản gắn liền với đất nhằm tạo điều kiện cho CTXSKT triển khai hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh và khai thác có hiệu quả tài sản được chuyển nhượng theo đúng quy định của pháp luật”. Công an tỉnh Bình Dương đã có văn bản số 120 ngày 10-6-2010 đề xuất UBND tỉnh tổ chức cuộc họp gồm các cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân, Cục thi hành án dân sự và các ngành liên quan của tỉnh Bình Dương để thống nhất đường lối xử lý (BL 14 tập VI).

- Về phần mình, CTXSKT cũng đã có văn bản số 335 ngày 12-10-2009 và số 362/TT-XSKT ngày 23-10-2009 gửi Thường trực UBND tỉnh và Công an tỉnh Bình Dương đề nghị cho phép Công ty được thực hiện chuyển giao quyền sử dụng đất gắn với tài sản chuyển nhượng trên đất, được nhận hồ sơ đất đai của CTTL trước đây từ cơ quan Công an để thực hiện các thủ tục chuyển quyền sử dụng đúng theo quy định, với mục đích dùng tài sản trên đất và giá trị quyền sử dụng đất để tham gia góp vốn liên doanh cùng Công ty Lotte Mart (Hàn Quốc) xây dựng cơ sở hạ tầng Trung tâm thương mại siêu thị… (BL 66- 67 tập I-1).

- Đến ngày 20-5-2010, VKSND tỉnh Bình Dương trong Quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung số 02/QĐ-VKS-P1 đã yêu cầu CQĐT “thu thập chứng cứ để xác định hậu quả nghiêm trọng do hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng của bị can Vũ Đình Châu gây ra” (BL 01 tập VI). Rõ ràng, sau khi khởi tố vụ án, bắt tạm giam đối với ông Vũ Đình Châu hơn 01 năm trời, thiệt hại của vụ án vẫn chưa hề được xác định, có nghĩa là chưa hề có thiệt hại xảy ra. Trong Báo cáo số 586 ngày 29-7-2010 của CTXSKT đã nêu rõ: “Dự án liên doanh với Tập đoàn Lotte Mart hai bên đã tiến hành ký Biên bản ghi nhớ, thỏa thuận thực hiện Liên doanh đầu tư siêu thị, đến nay đã hoàn tất việc thẩm định giá trị quyền sử dụng đất đưa vào Liên doanh là 142,950 tỷ đồng…”, hiện đang chờ UBND tỉnh tham khảo ý kiến giải quyết của các cơ quan pháp luật như Tòa án, Viện kiểm sát.

- Theo đề nghị của VKSND tỉnh Bình Dương tại văn bản số 25/CV-VKS-P1 ngày 28-01-2011 (BL 02 tập V) vẫn tiếp tục yêu cầu CTXSKT “xác định thiệt hại do hành vi phạm tội của bị can Vũ Đình Châu và Lê Hoàng An gây ra cho Công ty XSKT (thiệt hại vật chất và các thiệt hại khác…)”.  Điều này đồng nghĩa với việc cho đến đầu năm 2011, thiệt hại của CTXSKT vẫn chưa hề được xác định và CTXSKT vẫn chưa có yêu cầu đòi bồi thường với tư cách là nguyên đơn dân sự trong vụ án. Thực tế nhà xưởng này CTXSKT vẫn đang quản lý, sử dụng; giá trị hiện nay tăng gấp nhiều lần, hiện CTTL đã giải chấp ngân hàng và thu hồi giấy chứng nhận QSD đất nộp lại cho cơ quan chức năng. Trong thời gian chờ đợi giải quyết, tính đến ngày 16-3-2010, mặt bằng này cũng đã được cho các doanh nghiệp và cá nhân thuê với tổng doanh thu theo kết quả xác minh của CQĐT là 1.367.239.578 đồng (BL 123 tập I-13).      Thứ tư, việc áp dụng biện pháp tư pháp và xử lý vật chứng không phù hợp quy định của pháp luật và mâu thuẫn với việc xác định hậu quả của hành vi bị quy buộc là “thiếu trách nhiệm…” của ông Vũ Đình Châu.

Trong khi quy buộc ông Vũ Đình Châu đã có hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng’ từ việc xác định giá trị chênh lệch của khoản tiền đã thanh toán, sau khi khấu trừ một số khoản được chấp nhận và giá trị còn lại của tài sản, điều đáng ngạc nhiên là trong phần quyết định về biện pháp tư pháp và xử lý vật chứng, bản án sơ thẩm lại đưa ra các quyết định trái ngược, mâu thuẫn nhau:

1) Giao cho UBND tỉnh Bình Dương 01 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số N070461 ngày 21-11-2000 của CTTL “để xử lý theo thẩm quyền”;

2) “Giao cho CTXSKT 01 Giấy chứng nhận sở hữu công trình số 150484/SHCT ngày 28-6-2001 của CTTL” (đã chuyển giao cho Cục thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương);

3) Buộc ông Đặng Văn Đức- Chủ tịch HĐQT và ông Đỗ Văn Hạnh- Tổng Giám đốc CTTL “phải thanh lý hợp đồng thuê đất giữa CTTL với Sở Tài nguyên môi trường”…

Sự mâu thuẫn, chồng chéo của các quyết định nói trên thể hiện ở chỗ, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nói trên được UBND tỉnh Bình Dương cấp cho CTTL một cách hợp pháp theo Hợp đồng thuê đất với Sở Tài nguyên môi trường. Nếu như buộc CTTL phải thanh lý Hợp đồng với Sở Tài nguyên môi trường mà phát sinh tranh chấp thì thẩm quyền giải quyết sẽ thuộc Tòa án nhân dân theo quy định tại khoản 1 điều 136 Luật Đất đai. Mặt khác, trong khi buộc CTTL thanh lý Hợp đồng thuê và giao UBND tỉnh xử lý Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thể hiện là một biện pháp “cưỡng chế trái pháp luật” đối với giao dịch giữa các chủ thể trong quan hệ cho thuê đất, bản án sơ thẩm lại giao cho CTXSKT giất chứng nhận sở hữu công trình. Rõ ràng, việc giao Giấy chứng nhận sở hữu công trình nói trên cho CTXSKT đồng nghĩa với việc Nhà nước công nhận giao dịch chuyển nhượng tài sản trên đất giữa CTXSKT và CTTL, đồng thời có thể hiểu trong giao dịch này, Nhà nước hay CTXSKT không hề bị thiệt hại !

Chính vì vậy, trong Đơn kháng cáo ngày 18-7-2011, ông Đặng Văn Đức- Chủ tịch Hội đồng quản trị CTTL đã khẳng định việc chuyển nhượng của các bên đang tiến hành nhưng đã bị ngưng trệ do nguyên nhân khách quan và vụ án bị khởi tố và nêu rõ phán quyết của bản án sơ thẩm đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của CTTL. Nội dung kháng cáo của ông Đặng Văn Đức cho rằng Tòa án sơ thẩm khi xét xử đã không triệu tập CTTL mà chỉ triệu tập cá nhân ông Đức, buộc ông Đức và ông Hạnh phải thanh lý Hợp đồng là trái pháp luật và Tòa án không có quyền giao các giấy tờ của CTTL cho UBND tỉnh và CXTXSKT mà phải giải quyết bằng một vụ án dân sự riêng (BL 982-983).

Kết luận: Từ những chứng cứ và lập luận nêu trên, chúng tôi có đủ căn cứ vững chắc để khẳng định, bản chất việc tranh chấp giữa CTXSKT và CTTL thuộc quan hệ dân sự- kinh tế, nếu CTTLvi phạm hợp đồng chuyển nhượng tài sản thì phải được đưa ra giải quyết tại Tòa án như quy định tại điều 5 của Hợp đồng theo trình tự tố tụng dân sự, chứ không thể tiến hành biện pháp tố tụng hình sự mà CQĐT khởi tố vụ án và bắt tạm giam ông Vũ Đình Châu như đã nêu.

II/- Bản án sơ thẩm kết tội ông Vũ Đình Châu về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan việc thi công Trung tâm thương mại TXTDM là không bảo đảm căn cứ pháp lý:

Liên quan đến hành vi này, bản án sơ thẩm quy buộc ông Vũ Đình Châu phê duyệt khối lượng phát sinh hạng mục đóng cừ thép và duyệt thanh toán cho Công ty xây lắp và VLXD số 5 số tiền 1.201.306.000đ là thiệt hại cho tài sản Nhà nước, trái với khoản c, khoản 2 điều 11 Quyết định số 17 ngày 2-8-2000 của Bộ Xây dựng; khoản 16, 17 điều 3 Nghị định số 88/1999/NĐ-CP ngày 01-9-1999 của Chính phủ (NĐ88) và Nghị định 14/2000/NĐ-CP ngày 5-5-2000 sửa đổi bổ sung Nghị định 88. Về vấn đề này, chúng tôi xin được đề nghị xem xét và đánh giá những vấn đề sau đây:

Thứ nhất, hồ sơ vụ án và bản án sơ thẩm thừa nhận, dự án TTTM được Công ty tư vấn xây dựng tổng hợp lập ngày 6-7-1998 với chủ đầu tư là CTXSKT. Sau khi tổ chức đấu thầu, Tổng Công ty xây dựng công nghiệp Việt Nam trúng thầu, sau đó ủy quyền cho Công ty xây lắp và VLXD số 5 và giao cho ông Phạm Đức Huân là giám đốc Xí nghiệp xây lắp số 1 (XNXL) tiến hành thi công. Đáng chú ý, ngay trong trang 6 chương I của Hồ sơ mời thầu cũng đã quy định: “Khối lượng dự thầu bao gồm: Khối lượng mời thầu và khối lượng tính toán bổ sung của nhà thầu (nếu có)”; cũng như trang 7 chương I của Hồ sơ mời thầu nhấn mạnh: “Nếu nhà thầu nào có khối lượng bổ sung thì tính luôn phần đề nghị phát sinh để các cơ quan chức năng xem xét (nếu có)”.

Như vậy, việc đề xuất và tính toán khối lượng phát sinh đã được dự liệu trong hồ sơ mời thầu, với điều kiện khối lượng nhà thầu tính toán bổ sung sẽ được chủ đầu tư, thiết kế, thẩm định thiết kế, tư vấn mời thầu… xem xét và tính khối lượng phần phát sinh cho nhà thầu được trúng thầu. Trong trường hợp này, Hợp đồng trọn gói vẫn có thể phát sinh, vì theo điều 6, 7 NĐ88 cho phép chủ đầu tư và nhà thần thương lượng HĐ trong trường hợp sự cố bất khả kháng. Mặt khác, Thông tư số 02 của Bộä Xây dựng hướng dẫn thi hành NĐ88 có xác định về trường hợp bất khả kháng, chứ không phải như bản án sơ thẩm nói là “lời ăn – lỗ chịu”.

Như văn bản số 3028/SXD-KTKT ngày 7-12-2009, Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương đánh giá: “Dự án TTTM sử dụng nguồn vốn từ quỹ phát triển sản xuất của CTXSKT tức là dự án sử dụng vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp Nhà nước. Do đó, CTXSKT (chủ đầu tư công trình TTTM) có thẩm quyền quyết định đầu tư và thực hiện đầu tư đối với các dự án của mình đầu tư. Việc CTXSKT tự quyết định phê duyệt hạng mục đóng cừ lá thép phát sinh công trình TTTM nói trên là đúng thẩm quyền” (BL 5 tập IV-11).

Thứ hai, hồ sơ vụ án thể hiện, trước khi thiết kế đã có khoan thăm dò địa chất, nhưng lần khoan địa chất này không phản ánh đúng thực trạng địa chất tại đó, do khu đất có địa chất không đồng đều, nên bên thiết kế mới thiết kế biện pháp thi công không phù hợp và đưa ra mời thầu. Trong quá trình tổ chức thi công phần móng công trình, do mặt bằng hiện trạng không giống như hồ sơ mời thầu nên diện tích không đủ để thực hiện biện pháp mở mái dốc hố móng, công trình nằm trên triền dốc không đồng đều, phát hiện ra mạch nước ngầm mạnh, móng công trình nằm trên nền cát chảy… Nếu đào hố móng sẽ gây mất an toàn cho khu vực đang thi công và cát chảy sẽ làm lún các công trình xung quanh, không thể tiếp tục thi công theo biện pháp cũ. Sau khi khoan thăm dò địa chất bổ sung, XNXL có văn bản số 47 ngày 8-8-2001 đề nghị CTXSKT cho sử dụng cừ thép đóng xung quanh hố móng để ngăn chặn sạt lở đất và phần này được tính phát sinh. Các hạng mục phát sinh này đã được chủ đầu tư, đơn vị giám sát thi công, đơn vị thiết kế và đơn vị thi công lập thành biên bản họp điều độ thi công và chấp nhận vào ngày 16-8-2001, phù hợp với quy định trong hồ sơ mời thầu, nên đây là khoản phát sinh khách quan trong quá trình thi công, không được dự liệu trước, không phải do ý chí chủ quan của đơn vị thi công hay chủ đầu tư. Khoản phát sinh này là bắt buộc phải thực hiện để tiếp tục thi công và bảo đảm an toàn cho công trình.

Trên cơ sở Tờ trình đề xuất số 34 ngày 2-11-2001 của ông Võ Ngọc Châu là Trưởng phòng Quản lý dự án, ông Vũ Đình Châu chấp thuận phần chi phí dự toán hạng mục phát sinh là 1.201.306.000 đồng (BL 49 tập I-10). Ông Võ Ngọc Châu đã trình bày rõ cơ sở để lập tờ trình nêu trên căn cứ vào các tài liệu sau:

- Bảng dự toán bổ sung hạng mục đóng cừ lá thép tháng 7-2001 do Chi nhánh Công ty Lâm Viên Bộ quốc phòng lập.

- Biện pháp thi công đóng cừ lá thép do Xí nghiệp xây lắp số 01 lập ngày 20-8-2001 (BL30 tập IV-7).

Để chứng minh điều này, bà Ngô Kim Anh vào thời điểm đó là Kế toán trưởng cho biết, sau khi nhận được bảng dự toán và bảng thiết kế về phần phát sinh cừ lá thép, bà Anh đã ra trực tiếp Trung tâm thương mại nơi đang thi công để xem tình hình thực tế và đã hỏi công nhân đang thi công tại công trình về việc thực hiện đóng cừ lá thép, được biết hình thức đóng là cuốn chiếu (đóng xong đoạn này rồi nhổ cừ lên đóng đoạn tiếp) và lúc bà Anh ra công trình thì phần đóng cừ này đã thực hiện xong (BL 19 tập IV-7). Đến ngày 31-01-2002, ông Vũ Đình Châu còn chủ trì cuộc họp xử lý khối lượng phát sinh (với sự tham gia của các đơn vị thiết kế, thi công và cả đơn vị kiểm toán là AISC), thống nhất dự toán thiết kế hạng mục cừ thép là 1.201.306.000 đồng và chấp nhận thanh toán cho đơn vị thi công. Trong biên bản này còn phản ánh một thực tế CTXSKT đã phải chi đền bù hỗ trợ do sạt lở đất số tiền là 17.000.000 đồng cho bà Phùng Thị Hiền phải di dời nhà để thi công công trình (BL 50 tập I-10).

Trên cơ sở đó, CTXSKT mới ký phụ lục hợp đồng số 28A/2002/HĐ-XSDV ngày 5-3-2002 với tổng chiều dài cừ thép đóng là 7.449m trị giá như trên. Sau khi thi công, hai bên cùng giám sát đã lập biên bản nghiệm thu khối lượng đóng cừ thép để đưa vào sử dụng từ ngày 1-12 đến ngày 10-12-2004 (BL 557 tập IV-11). Trong quá trình giải quyết vướng mắc trong kiểm toán, quyết toán công trình, ngày 3-3-2006, bốn bên gồm chủ đầu tư, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng số 5, đơn vị thiết kế Nageco và Công ty cổ phần kiểm toán và tư vấn A&C đã thống nhất đơn vị thi công giải trình và có bằng chứng cụ thể việc thi công đóng cọc cừ lá thép chống sạt lở, nếu hợp lý, hợp lệ chủ đầu tư chấp nhận thanh toán theo thực tế, nhưng không vượt quá giá trị phê duyệt là 1.201.000.000 đồng (BL 127 tập II-11).

Thứ ba, bản án sơ thẩm trích dẫn các văn bản trả lời của Sở Xây dựng để cho rằng, khối lượng cừ thép thuộc biện pháp thi công chứ không phải là khối lượng phát sinh, theo chúng tôi đó chỉ là quan điểm đánh giá của cơ quan chuyên môn. Không thể vận dụng một văn bản cấp Sở để sử dụng làm căn cứ quy buộc tội danh “cố ý làm trái…” đối với ông Vũ Đình Châu được. Thật vậy, khi xem xét hồ sơ vụ án, việc xử lý tình huống phát sinh việc đóng cừ thép tuy không được nhà thầu đưa vào hồ sơ mời thầu, nhưng đó chính là “khối lượng phát sinh”, chứ không thể kết luận như Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương nêu trong văn bản ngày 7-12-2009. Khi trích dẫn lời khai của ông Phạm Đức Huân đại diện Xí nghiệp xây lắp số 01 tại BL 21-7-IV, bản án sơ thẩm đã cố tình bỏ qua lời khai tại phiên tòa và lời khai trong quá trình điều tra của ông Phạm Đức Huân đã khẳng định: “Hạng mục đóng cừ lá thép là hạng mục bổ sung không có trong hồ sơ dự thầu đã được phê duyệt do Công ty Lâm Viên Bộ Quốc phòng lập dự toán và thiết kế thi công, Xí nghiệp xây lắp số 1 xây dựng biện pháp thi công việc đóng cừ lá thép TTTM” (BL 71 tập IV-7).

Về mặt pháp lý và thực tế, như ông Vũ Đình Châu đã trình bày trong quá trình điều tra lại, tuy hạng mục cừ thép là biện pháp thi công, nhưng do thay đổi biện pháp thi công làm cho khối lượng tăng thêm nên được coi là khối lượng phát sinh (BL 30 tập VI). Khi xem xét thực trạng phát sinh theo đề nghị của nhà thầu, ký phụ lục với tư cách là đại diện cho pháp nhân của CTXSKT, nhằm mục đích bảo đảm việc thi công xử lý phần móng công trình được an toàn. Mặt khác, việc ông Vũ Đình Châu quyết định chọn hình thức khoán gọn hạng mục đóng cừ thép là căn cứ vào bảng thiết kế bổ sung của đơn vị thiết kế và bản dự toán bổ sung, trong đó xác định giá trị hạng mục cừ thép 1,2 tỷ là hợp lý vì thời điểm này đơn giá xây dựng của tỉnh Bình Dương chưa quy định về giá đóng, nhổ cừ, tỷ lệ hao hụt của cừ khi đóng, nhổ… (BL 8 tập VII).

Ngay sau khi có kết luận thanh tra, ông Vũ Đình Châu đã có trình bày, thực tế các khoản bị coi là khoản phát sinh nói trên đã được xử lý đúng pháp luật thông qua các cuộc họp giữa các cơ quan chức năng và được kiểm toán cùng với sự giám sát của ngân hàng tài trợ vốn. Bên cạnh đó, CTXSKT và Sở Xây dựng cũng có nhiều văn bản liên quan điều chỉnh và thẩm định điều chỉnh thiết kế tầng hầm đều cho thấy việc tuân thủ quy trình, thủ tục pháp lý, cũng như có việc kiểm tra, giám sát đối với các hạng mục phát sinh này là cần thiết. Chúng tôi nhận thấy, việc Sở Xây dựng Bình Dương cho rằng các hạng mục phát sinh nói trên đơn vị thi công phải có trách nhiệm thanh toán là không hợp lý, bởi trong dự toán ban đầu của công trình không hề có các hạng mục phát sinh.

Bản án sơ thẩm nhận định “cuộc họp vắng mặt giám sát thi công là không có giá trị pháp lý của Sở Xây dựng” (Biên bản ngày 16/8/2001) là không đúng sự thật, vì thực tế cuộc họp này có sự tham gia của đơn vị giám sát (ông Lê Xuân Thọ, ông Nguyễn Anh Hoằng). Ý kiến của Sở Xây dựng nói trên đã nhầm lẫn phát sinh trước khi ký hợp đồng với phát sinh trong quá trình thi công như quy định tại điều 6 và 7 Nghị định 88 và Thông tư số 02 năm 2005 của Bộ Xây dựng. Chính vì vậy, trong quá trình thi công có phát sinh thì chính CTXSKT phải có nghĩa vụ thanh toán và việc làm này phù hợp với quy định của pháp luật.

Mặt khác, theo điều 8 Hợp đồng nhận thầu thi công xây lắp số 59 ngày 8-6-2001 giữa Công ty XSKT và Công ty xây lắp và VLXD số 5 cũng quy định: “Nếu hai bên không thương lượng hòa giải được thì sẽ phân xử tại Tòa Kinh tế tỉnh Bình Dương theo luật hợp đồng kinh tế và các văn bản hiện hành của Nhà nước quy định về đầu tư và xây dựng” (BL 547 tập IV-11). Như vậy, trong trường hợp phần phát sinh nói trên không được quyết toán, nếu phía chủ đầu tư hoặc nhà thầu thi công có yêu cầu tranh chấp, việc này cũng sẽ được giải quyết theo trình tự tại Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương, chứ không thể giải quyết theo trình tự tố tụng hình sự được.

Thứ tư, điểm đặc biệt quan trọng mà chúng tôi muốn nhấn mạnh là, dấu hiệu đặc trưng của tội danh theo điều 165 BLHS là cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh được ông Vũ Đình Châu đã “cố ý làm trái” các quy định nào của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng ? Bản án sơ thẩm kết luận hành vi làm trái quy định của Chính phủ được quy định tại Nghị định 88/1999/NĐ-CP ngày 01-9-1999 về việc ban hành Quy chế đấu thầu và Nghị định số 14/2000/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đấu thầu ban hành kèm theo Nghị định 88 gây thiệt hại 1.201.306.000 đồng…”. Tuy nhiên, sau đó Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2006/NĐ-CP ngày 29-9-2006 hướng dẫn thi hành Luật đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật xây dựng năm 2003. Tại điều 64 của Nghị định này quy định: “Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thì các Nghị định số 88/1999/NĐ-CP ngày 01-9-1999, số 14/2000/NĐ-CP ngày 5-5-2000, số 66/2003/NĐ-CP ngày 12-6-2003 của Chính phủ hết hiệu lực thi hành. Những quy định trước đây của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ và của các địa phương trái với quy định của Luật đấu thầu, Luật xây dựng và của Nghị định này đều bị bãi bỏ”. Như vậy, Cáo trạng đã quy buộc ông Vũ Đình Châu vi phạm các quy định của Nhà nước, nhưng các quy định này đã hết hiệu lực thi hành, là không phù hợp nguyên tắc áp dụng pháp luật.

Thứ năm, như đã nêu trong phần liên quan hành vi thiếu trách nhiệm, VKSND tỉnh Bình Dương trong Quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung số 02/QĐ-VKS-P1 ngày 20-5-2010 cũng đã yêu cầu CQĐT “thu thập chứng cứ để xác định hậu quả nghiêm trọng do hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng của bị can Vũ Đình Châu gây ra” (BL 01 tập VI). CQĐT đã có văn bản số 112/PC46 (Đội 6) ngày 10-6-2010 gửi Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương “hỗ trợ về nghiệp vụ”, đặt vấn đề hỏi về phương pháp, biện pháp nào để xác định dưới chân móng tòa nhà Trung tâm Thương mại Thị xã TDM hiện tại có cừ lá thép không, số lượng bao nhiêu và cơ quan nào có chức năng, thẩm quyền để tiến hành giám định số lượng cừ lá thép thực tế còn dưới phần móng công trình ? (BL 12 tập VI).

Tuy nhiên, Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương trong văn bản số 972/SXD-HĐXD ngày 15-6-2010 đã trả lời và khẳng định: ”Do cừ lá thép thường đóng cách mặt đất trên 2m để tránh sạt lở đất khi thi công móng công trình xây dựng, nên hiện nay trong lĩnh vực xây dựng chưa có phương pháp, biện pháp gián tiếp nào để xác định dưới chân móng công trình xây dựng có đóng cừ lá thép hay không. Vì vậy, để xác định chính xác dưới chân móng công trình TTTMDVTXTDM nhà thầu thi công công trình có đóng cừ lá thép hay không và số lượng đóng cừ lá thép là bao nhiêu thì phải tiến hành đào thực tế tại hiện trường công trình” (BL 13 tập VI). Tất cả những yêu cầu của VKSND tỉnh Bình Dương đã không được CQĐT thỏa mãn. Trong Dự toán bổ sung hạng mục cừ thép là trên 3 tỷ đồng, nhưng sau khi xem xét cuộc họp kết luận và ông Vũ Đình Châu chỉ chấp nhận 1,2 tỷ, nằm trong tổng giá trị gói thầu thực hiện đạt 11 tỷ đồng. Nếu so với trên 13 tỷ đồng là giá thầu, việc bản án sơ thẩm vẫn dựa vào đó để quy buộc việc thi công đóng cừ lá thép và việc thanh toán khối lượng phát sinh nói trên gây thiệt hại cho CTXSKT là không có căn cứ về mặt pháp lý.

Kết luận: Kết quả thẩm tra công khai các chứng cứ tại phiên tòa cho thấy, chất lượng công trình TTTM đến nay vẫn đảm bảo, khoản tiền thanh toán cho nhà thầu nói trên đã được đưa vào báo cáo kiểm toán và quyết toán, hiện đã được CTXSKT khấu hao trong quá trình hạch toán công trình. Dù là biện pháp thi công hay khối lượng phát sinh thì thẩm quyền vẫn thuộc chủ đầu tư là CTXSKT, nằm trong hạn mức giá thầu xác định, không thể coi là thiệt hại của hành vi cố ý làm trái nào của ông Vũ Đình Châu.

III/- Về việc quy buộc hành vi che dấu tội phạm liên quan hành vi làm giả vé số của Lê Hoàng An:

Bản án sơ thẩm nhận định ông Vũ Đình Châu sau khi bị cáo Lê Hoàng An tự thú việc làm giả vé số trúng giải tổng cộng 65.100.000 đồng (gồm 17.100.000 đồng loại vé số trúng thưởng 100.000 đồng/vé và 48 triệu đồng của 6 vé loại 8.000.000 đồng/ vé), nộp lại toàn bộ dụng cụ làm giả vé số nhưng đã không xử lý hành chính đối với An và không báo cơ quan chức năng xử lý, lại còn cất giấu dụng cụ làm giả của bị cáo An... nên phạm tội “che dấu tội phạm” theo điều 313 BLHS do bị cáo Lê Hoàng An phạm tội vào điểm (e) khoản 2 điều 139 BLHS. Theo chúng tôi, việc quyết định truy tố tội danh nói trên đối với ông Vũ Đình Châu là không đảm bảo căn cứ về mặt pháp lý, vì những lý do sau đây:

Thứ nhất, về bối cảnh và nguyên nhân xảy ra sự việc: Nội dung việc khởi tố thêm tội danh này xuất phát từ việc CQĐT khởi tố ông Lê Hoàng An về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 139 Bộ luật hình sự. Từ năm 2001, ông An nguyên là Phó giám đốc Xí nghiệp in, sau đó sát nhập về CTXSKT nhận trách nhiệm Phó phòng kế toán, trong quá trình công tác, ông An có nhặt được một con số nhảy, dùng để đóng số trên tờ vé số. Từ đó, ông An sử dụng con số nhảy này để đóng vào các tờ vé số trống và mang đổi ở những người bán vé số dạo khu vực TP. Hồ Chí Minh, những người này cũng không hề biết ông An đưa vé số giả. Quá trình này, ông An thực hiện được 03 kỳ, loại vé số trúng giải 100.000 đồng, với tổng số 171 tờ trị giá 17.100.000 đồng. Đến kỳ thứ 04, ông An làm giả 6 tờ vé số trúng giải 8 triệu đồng/vé và nhờ người cầm vào CTXSKT lĩnh thưởng, các vé số này không khớp với cùi số đã lưu nên vụ việc bị phát hiện. Tuy nhiên, thực chất các lần đổi vé số giả và chiếm hưởng 17.100.000 đồng của chính những người bán vé số dạo trên thị trường, lại chỉ là lời khai thừa nhận của ông An, ơng An tự nguyện đến gặp ông Châu trình báo, làm tường trình và kiểm điểm, nhưng không có nhân chứng, vật chứng nào chứng minh. Trong trường hợp này, CTXSKT không hề bị chiếm đoạt 17.100.000 đồng !

Theo trình bày của ông Vũ Đình Châu, nguyên nhân ông Vũ Đình Châu giữ số tang vật kể trên trước hết cũng xuất phát từ quan điểm xử lý, giải quyết của lãnh đạo Công ty và Ban chấp hành Đảng ủy. Mặt khác, chính ông An là người thành khẩn tự nguyện khai báo việc làm sai của mình, ông An cũng chưa chiếm đoạt được số tiền nào của CTXSKT, nên cũng tạo cơ hội cho ông An khắc phục sai sót, khuyết điểm… Về phần mình, ông Lê Hoàng An từ việc chủ động khai báo toàn bộ sự việc vi phạm, tuy Ban giám đốc không có hình thức kỷ luật nào, nhưng từ đó bản thân ông An luôn phấn đấu tốt hoàn thành nhiệm vụ, không vi phạm kỷ luật gì nữa (BL 05 tập II-2).

Thứ hai, trong quá trình điều tra vụ án, CQĐT chưa làm rõ được các dụng cụ và bộ số nhảy bằng kim loại mang các ký tự A, B, C, D, H, K, L mà Lê Hoàng An lấy trộm là từ đâu. Chính Cáo trạng cũng chỉ ghi nhận kết quả xác minh của CQĐT là theo số liệu kiểm kê và kiểm tra thì toàn bộ 53 bộ số được đóng số thứ tự từ 245 đến 297 do Đức sản xuất mà CTXSKT tiếp nhận từ Xí nghiệp in Bình Dương vào năm 2000, từ đó đến nay CTXSKT không nhập (trang bị) thêm bộ số nhảy nào khác do Đức sản xuất, có nghĩa là bộ số nhảy do CTXSKT hoàn toàn không bị mất. Tại biên bản ghi lời khai ngày 30-6-2009, Lê Hoàng An cho biết không xác định được bộ số nhảy của Đức sản xuất và 7 con chữ chì mà ông An lấy trộm có nguồn gốc từ đâu... (BL05 tập II-2).

Trong khi đó, theo trình bày của ông Vũ Đình Châu, sau sự việc Lê Hoàng An trình báo và giao nộp bộ số nhảy nói trên, ông Châu có chỉ đạo miệng cho Phân xưởng II kiểm tra lại số lượng số nhảy quản lý thì được báo cáo là tại phân xưởng II không mất số nhảy nào (BL 46 tập II-2). CQĐT cũng đã lấy lời khai của ông Võ Tấn Tài là người quản lý các con số nhảy và các con chữ chì, được biết hàng năm tại Phân xưởng II đều tiến hành kiểm kê công cụ, dụng cụ, không hề có mất mát hoặc nghe nói về sự mất mát số nhảy và con chữ chì nào (BL 35-36 tập II-2). Ông Trần Văn Dũng là Tổ trưởng Tổ máy in typo, Đinh Thanh Quyên là Trưởng phòng kế hoạch vào thời điểm xảy ra sự việc cũng khẳng định hàng năm CXSKT đều tiến hành kiểm kê các con số nhảy và con chữ chì, kết quả đầy đủ không mất bộ số nào (BL38, 39 tập II-2). Các tài liệu, biên bản kiểm kê, bàn giao, xác minh đều thể hiện không có sự mất mát bộ số nhảy và chữ chì nào.

Chính CQĐT trong khi tiến hành lấy lời khai của Lê Hoàng An ngày 20-01-2010 đã đặt câu hỏi: “Qua các biên bản kiểm kê số nhảy của Công ty hàng năm và biên bản kiểm tra thực tế số lượng các bộ số nhảy lớn do Đức sản xuất được quản lý tại CTXSKT thể hiện từ khi nhà máy in và CTXSKT sát nhập với nhau vào năm 2000 thì số lượng các bộ số nhảy lớn  do Đức và Đài Loan sản xuất (trong đó có Đức sản xuất là 53 bộ) đến nay thì số lượng các bộ số nhảy lớn do Đức sản xuất vẫn không thay đổi...” (BL 53 tập I-12). Do đó, việc CQĐT kết luận dựa vào lời khai của Lê Hoàng lấy trộm bộ số nhảy tại phân xưởng in II vào thời gian tháng 9-2001 là không có cơ sở.

Thứ ba, như trên đã nêu, vào thời điểm phát hiện sự việc, ông Lê Hoàng An thừa nhận đã thụ hưởng số tiền 17.100.000 đồng của chính những người bán vé số dạo và CQĐT khởi tố ông An về tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”  với mức độ xác định ban đầu như vậy là chưa bảo đảm căn cứ. Sau này, trong quá trình điều tra, CQĐT quy buộc thêm ông An lừa đảo bằng hành vi làm giả 06 tờ vé số trúng giải nhất loại 8.000.000 đồng/ tờ, trị giá 48.000.000 đồng và được bản án sơ thẩm công nhận. Tuy nhiên, như chính Bản kết luận điều tra đã ghi nhận, sau khi CTXSKT mở thưởng kỳ K42, Lê Hoàng An lén lấy trộm 6 tờ vé số trúng giải nhất đã chặt góc (trong số 40 tờ do đại lý trả về), sau đó tự tạo ra 6 tờ vé số trúng giải nhất đưa cho Nguyễn Đức Phong đến Công ty XSKT lãnh thưởng thì bị phát hiện. Từ sự phát hiện này, bà Ngô Kim Anh báo lên cho ông Vũ Đình Châu, giao toàn bộ 6 tờ vé số giả cho ông Châu và ông An đem toàn bộ tang vật nêu trên đến phòng làm việc của ông Châu. Như vậy, có thể khẳng định, số tiền 48 triệu đồng nói trên hoàn toàn không phải là số tiền ông Lê Hoàng An đã thực sự chiếm đoạt (vì đã bị phát hiện trước khi chiếm đoạt), nên việc bản án sơ thẩm cộng dồn với khoản tiền 17.100.000 đồng, thành số tiền chiếm đoạt 65.100.000 đồng là không đúng.

Theo quy định tại điều 313 BLHS quy định về tội “che dấu tội phạm” đòi hỏi người che dấu tội phạm đã che dấu hành vi của người phạm tội được quy định tại khoản 2, 3 và 4 điều 139 BLHS, trong khi số tiền 17.100.000 đồng vào thời điểm phát hiện sự việc và sau này khởi tố vụ án, chỉ tương ứng với khoản 1 điều 139 BLHS, không phát sinh trách nhiệm hình sự về tội “che dấu tội phạm”. Mặt khác, trong vụ việc này chưa có bản án có hiệu lực pháp luật quy buộc xác định Lê Hoàng An phạm tội lừa đảo và pháp luật cũng không có quy định nào ràng buộc thời gian phát hiện và lưu giữ tài liệu chứng minh dấu hiệu tội phạm là bao lâu thì có quyền làm đơn tố cáo, nên không có căn cứ quy buộc tội danh “che dấu tội phạm” đối với ông Vũ Đình Châu.

Thứ tư, mặc dù sau khi xảy ra sự việc, CTXSKT không có quyết định xử lý kỷ luật đối với ông Lê Hoàng An, nhưng thực tế đã không giao công việc nào liên quan đến vật tư, hàng hóa, điều chuyển công tác đối với ông Lê Hoàng An từ phòng kế toán sang phòng hành chính tổng hợp, bản thân An hoàn thành được nhiệm vụ, không vi phạm kỷ luật, nên sau đó được bổ nhiệm vào một số nhiệm vụ khác nhau (BL 4 tập VI). Theo trình bày của ông Vũ Đình Châu, hành vi sai phạm của Lê Hoàng An được nêu ra trong cuộc họp của Ban giám đốc gồm ông Châu, bà Ngô Kim Anh, ông Nguyễn Hữu Song, thống nhất không đề bạt Lê Hoàng An lên giữ chức kế toán trưởng (BL 28 tập VI). Chính CQĐT cũng ghi nhận khi bộ phận trả thưởng phát hiện 6 tờ vé số giải giải nhất, đã báo cho bà Ngô Kim Anh là Kế toán trưởng Công ty XSKT (BL 05 tập II).

Bà Ngô Kim Anh trong biên bản ngày 25-6-2009 đã trình bày rõ: Sau khi báo cáo về phát hiện vé số giả, do không thấy phản hồi, bà Kim Anh sang phòng Giám đốc để hỏi thì được ông Châu cho biết người làm giả vé số là Lê Hoàng An, chính An là người đưa vé số giả cho người khách đi đến Công ty lãnh thưởng, sau đó An đến Công ty tự thú. Ông Châu chỉ đạo không nói cho ai biết để giải quyết, giáo dục An. Bà Anh còn suy nghĩ sự việc chưa xảy ra thất thoát tài sản Công ty, bản thân Lê Hoàng An đã nhận ra cái sai và đã tự thú nhận sự việc trước Giám đốc, đồng thời Giám đốc bảo để giải quyết nên không quan tâm đến việc này nữa (BL 28, 30 tập II-2). Bản thân ông Nguyễn Hữu Song là Phó Tổng giám đốc CTXSKT vào thời điểm đó cũng biết sự việc và được ông Châu cho biết người làm giả vé số là An và An đã tự nhận việc này… (BL 31-33 tập II-2). Như vậy, nếu gọi là che giấu tội phạm thì phải xem xét trách nhiệm của cả 3 người, vì thực tế trong sự việc này ông Vũ Đình Châu, bà Ngô Kim Anh và ông Nguyễn Hữu Sang đều biết.

Từ những đánh giá và phân tích về mặt pháp lý nêu trên, với tư cách là luật sư bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho ông Vũ Đình Châu, chúng tôi nhận thấy bản án sơ thẩm đã đánh giá sai lệch toàn bộ bản chất vụ án, quy buộc các hành vi bị coi là tội phạm đối với ông Vũ Đình Châu chưa đảm bảo cơ sở pháp lý, nhiều quan hệ tranh chấp mang bản chất quan hệ dân sự- kinh tế đã bị hình sự hóa. Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, CTXSKT chưa bao giờ có văn bản xác định thiệt hại và yêu cầu ông Vũ Đình Châu bồi thường (BL 229 Biên bản phiên tòa) nên việc xác định CTXSKT là nguyên đơn dân sự là không đúng. Mặt khác, gần như toàn bộ lập luận của bản án sơ thẩm là dựa trên suy đoán có tội, sử dụng quan điểm cá nhân và văn bản trả lời không có thẩm quyền nhằm kết tội ông Vũ Đình Châu một cách không có căn cứ pháp lý.

Căn cứ theo điều 251 BLTTHS năm 2003, do có một trong những căn cứ được quy định tại điểm 1 và điểm 2 điều 107 BLTTHS, chúng tôi xin trân trọng kính đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm quyết định chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Vũ Đình Châu và quan điểm bào chữa của luật sư:

1) Tuyên bố ông Vũ Đình Châu không phạm cả 3 tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Che dấu tội phạm”;

2) Hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án, trả tự do cho ông Vũ Đình Châu ngay tại phiên tòa, khôi phục toàn bộ các quyền và lợi ích hợp pháp của ông Vũ Đình Châu theo quy định của pháp luật.

Trân trọng cám ơn sự lưu tâm xem xét thận trọng, công minh của Hội đồng xét xử phúc thẩm, Viện kiểm sát xét xử phúc thẩm Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

 

Thông tin về kết quả phiên tòa phúc thẩm:

Sau một ngày tiến hành thẩm vấn công khai và tranh tụng tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát đề nghị tuyên bố bị cáo Vũ Đình Châu không phạm tội “thiếu trách nhiệm...”, đề nghị giảm án từ 6 năm xuống 3 năm tù về tội “cố ý làm trái...” và giữ nguyên tội danh và hình phạt 6 tháng tù đối với tội “che dấu tội phạm”. Vào 16h chiều ngày 15/12/2011, Hội đồng xét xử đã tuyên đọc bản án phúc thẩm, quyết định: Hủy bản án sơ thẩm, đình chỉ vụ án, tuyên bố Vũ Đình Châu không phạm 2 tội “Thiếu trách nhiệm...” và “Cố ý làm trái...”; giữ nguyên tội danh và hình phạt về tội “che dấu tội phạm”; đồng thời quyết định trả tự do ngay tại phiên tòa cho ông Vũ Đình Châu.

Tin tức khác


   Trang sau >>