TỌA ĐÀM KHOA HỌC BÀN TRÒN: “TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VÀ LẠM PHÁT Ở VIỆT NAM – NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN QUAN TÂM”

Với trên 50 các chuyên gia kinh tế, giáo sư, giảng viên đại học, các chuyên viên kinh tế thuộc các Viện nghiên cứu kinh tế, các trường đại học và giám đốc một số doanh nghiệp tham gia. Phát biểu gợi mở với đề cương hướng dẫn thảo luận, Giáo sư Trần Đình Bút – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TP.HCM, nguyên là thành viên nhóm tư vấn Chính phủ, đã đề cập và đi sâu phân tích chủ đề: “Suy thoái của nền kinh tế Mỹ, tác động của nó đối với nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam”. GS. Bút đã trình bày 03 nội dung cốt lõi:

1. Nền kinh tế Mỹ, nguồn gốc suy thoái và giải pháp.

2. Quan điểm chính thức của Đảng và Nhà nước Việt Nam, các chính sách ứng phó.

3. Phân tích tính khả thi và triển vọng của những giải pháp chủ yếu.

Theo Giáo sư Bút, nền kinh tế Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới, với một số đặc điểm nổi trội như: GDP đạt 13.840 tỷ USD (trong năm 2007); nhịp độ tăng trưởng qua các năm: 4,2% (năm 2004), 3,5% (năm 2005); riêng năm 2007 dự kiến 5,2% nhưng thực hiện chỉ được 2,2%; năm 2008 dự kiến 1,5% nhưng 03 tháng đầu năm đánh giá lại chỉ có khả năng đạt 0,5%; GDP/đầu người: 46.000USD (con số của năm 2007); cơ cấu kinh tế gồm: nông nghiệp (0,9%); công nghiệp (20,6%) và dịch vụ (78,5%); lạm phát: 4,4% (kể từ tháng 02/2007 đến tháng 02/2008); nợ của Chính phủ: 9.000 tỷ USD (tương đương 64% GDP); dân số dưới mức nghèo khổ: 12% (con số năm 2006); tỷ lệ thất nghiệp: 4,6% (con số thống kê năm 2007); doanh số ngoại thương bao gồm: xuất khẩu cho Canada 22%; cho Mexico 12%; cho Trung Quốc 10%; Nhật Bản: 6%; Đức: 5%, Việt Nam: 94 triệu USD (tháng 01/2008 ở vị trí 65) và nhập khẩu từ Trung Quốc: 19%; Canada: 16%; Mexico: 11%; Nhật Bản: 8%; Đức: 50% và từ Việt Nam: 804 triệu USD (vị trí thứ 22).

Với mức tăng trưởng giảm dần qua các thời kỳ: giai đoạn 1973 – 1975: tăng trưởng 3,1%; giai đoạn 1981 – 1982: tăng trưởng còn 2,9%; năm 2007: còn 2,2% và năm 2008: dự kiến tỷ lệ tăng trưởng chỉ còn từ 0,5 – 1,5%, cho thấy nền kinh tế của siêu cường Hoa Kỳ đang suy thoái, mặc dù Tổng thống Bush khi họp báo đã tránh né đề cập đến cụm từ suy thoái (recession) của nền kinh tế Mỹ mà chỉ dùng cụm từ “bị chậm lại”(slowdown). Nhưng các tổ chức kinh tế, tiền tệ thế giới và các chuyên gia kinh tế quốc tế đã có những đánh giá khác nhau về sự suy thoái kinh tế Hoa Kỳ và tác động của nó đến nền kinh tế toàn cầu. Theo IMF thì “có đến 25% nguy cơ là nền kinh tế thế giới tăng trưởng dưới 3%, đồng nghĩa với một cuộc suy thoái toàn cầu và đó sẽ là tình trạng tệ hại nhất kể từ cuộc đại suy thoái năm 1929” (theo báo cáo của IMF ngày 09/04/2008). Theo Alan Greenspan, cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), thì: “Nhìn về quá khứ, cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay chắc sẽ được mô tả như là một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất  kể từ sau thế chiến thứ hai”. Còn theo ông John Mark – Giám đốc điều hành của tập đoàn tài chính Morgan Stanley, thì đã thừa nhận vào ngày 08/04/2008 là: “Thị trường tài chính đang đối mặt với những khó khăn ghê gớm nhất” mà ông ta từng chứng kiến trong 40 năm qua. Còn trùm tài phiệt thế giới G. Soros thì cho rằng: “Cuộc khủng hoảng tín dụng toàn cầu hiện nay sẽ còn tiếp tục tồi tệ hơn nữa rồi mới có thể cải thiện được”. Theo đài Bloomberg, khi đề cập đến sự suy thoái của nền kinh tế Mỹ, Tổng thống Bush thường có thái độ biện minh, tránh né, nên thường dùng các cụm từ “khủng hoảng thị trường nhà ở và tài chính” và có luận điểm cho rằng: “đã là thị trường tự do thì có lúc lên có lúc xuống. Đó là quy luật của thị trường” (tham khảo www.google.recession).

Và thông qua các cơ quan truyền thông thế giới, các chuyên gia quốc tế, GS. Trần Đình Bút đã tổng hợp đánh giá các nguyên nhân đưa đến dấu hiệu suy thoái của nền kinh tế Hoa Kỳ. Nguyên nhân trực tiếp là do buông lỏng quản lý tín dụng thứ cấp như mua, vay thế chấp nhà ở, đến hạn không trả nổi, đe dọa sự đổ vỡ của hệ thống ngân hàng trực tiếp của Mỹ, và kéo theo là những ngân hàng của châu Âu kinh doanh tại Mỹ. Còn nguyên nhân sâu xa là nạn thất nghiệp tăng cao (rất ít thấy trong 50 tháng qua) do nhiều doanh nghiệp chuyển ra nước ngoài để được sử dụng nhân công giá rẻ hơn, dịch vụ phần mềm, dịch vụ kế toán văn phòng cũng sử dụng chuyên gia của nước ngoài, nhất là tại Ấn Độ. Theo đánh giá của Stiglitz, đó chính là “mặt trái của hội nhập kinh tế quốc tế mà người lao động Mỹ phải gánh chịu”.

Giáo sư Trần Đình Bút cũng tập hợp, giới thiệu các giải pháp lớn mà hiện nay chính quyền của Tổng thống Bush và lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ đã phải thông qua để giải quyết cấp thời các dấu hiệu khủng hoảng kinh tế của nước này. Các giải pháp đó tập trung vào các nội dung, chính sách cụ thể sau:

1. Hạ lãi suất (từ 5,25% xuống còn 2,25%).

2. Kéo dài thời hạn thế chấp vay vốn ở các ngân hàng.

3. Chính phủ trợ giúp tài chính trọn gói từ 150 tỷ – 169 tỷ USD cho những công dân có khó khăn với hy vọng “kích cầu”.

4. Tích cực cứu các ngân hàng lớn sắp phá sản.

Tuy áp dụng các giải pháp mạnh tay như vậy, nhưng theo Giáo sư Bút, các nhà khoa học kinh tế vẫn hoài nghi hiệu lực của các giải pháp này và vẫn xem đó chỉ là những giải pháp tình thế, không phải là những giải pháp căn cơ vì cũng không giải quyết được cái gốc của nạn thất nghiệp gia tăng hiện nay ở Mỹ.

Và trước tác động tiêu cực có tính toàn cầu của sự suy thoái của nền kinh tế Mỹ và thực tế lạm phát đột biến hai con số ở Việt Nam, Giáo sư Bút cho rằng Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam đã đưa ra quan điểm lãnh đạo kịp thời (theo Nghị quyết của Bộ Chính trị) với nội dung: “Thống nhất nhận thức về đánh giá tình hình, nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm vượt qua những khó khăn trước mắt, tiếp tục đưa nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững” và Chính phủ cũng nhạy bén (qua Thông điệp của Thủ tướng) đưa ra 07 giải pháp tổng thể để chống lạm phát, ổn định đời sống nhân dân và đảm bảo tăng trưởng của nền kinh tế (tuy đã phải đề nghị Quốc hội hạ thấp tỷ lệ tăng trưởng xuống 7,5% thay vì trên 8% dự kiến từ đầu năm tài chính 2008).

Và trong bài tham luận, Giáo sư Bút đề nghị tập trung vào 03 giải pháp trong 07 giải pháp lớn của Chính phủ, gồm: Giải pháp chống lạm phát (một vấn đề cấp bách trước mắt); giải pháp cắt giảm các đầu tư công và chi phí thường xuyên; giải pháp về các vấn đề xã hội, đời sống của người hưởng lương, phụ cấp và nông dân.

Nhưng theo Giáo sư Bút, để đánh giá tính khả thi và hiệu quả của các chính sách, giải pháp lớn của Chính phủ Việt Nam hiện nay, cũng cần điểm lại một số thông tin cụ thể về nền kinh tế hiện nay của nước ta, với các đặc điểm sau:

1. Nhập siêu tăng đột biến, cụ thể năm 2007 nhập siêu 12,4 tỷ USD và riêng quý I/2008 đã nhập siêu lên tới 7,4 tỷ USD.

2. Thâm hụt thương mại: bình quân 2002 – 2006 khoảng 10% GDP, năm 2007 đã lên đến 17,5% GDP (so với 5% của Mỹ).

3. Đầu tư chiếm 44% GDP (cao và hiếm có), nhưng chỉ tạo ra nhịp độ tăng trưởng GDP có 8,44%, từ đó tính ra chỉ số ICOR khoảng 5,2% (cũng cao hiếm có).

4. Hiện tượng “kinh tế ngầm” khó tính chính xác, nhưng đã có ước lượng khoảng 40 – 50% GDP, nó hoạt động theo quy luật riêng, quy luật của thị trường hoàn toàn tự do, không những không có sự quản lý của Nhà nước mà còn luôn luôn thách đố sự quản lý đó. Cụ thể như lượng vàng tồn trữ trong dân ước lượng khoảng 18 tỷ USD, là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên kinh tế ngầm, kèm theo quy luật riêng có của nó, với những làn sóng ngầm khó lường, cho nên khi hoạch định chính sách phát triển và cả khi kinh tế gặp khó khăn, nếu không chú ý đến nó thì sẽ phải ở trong thế bị động hơn.

Và Giáo sư Bút đã đưa một số phân tích, đánh giá tính khả thi và triển vọng của các giải pháp nói trên của Chính phủ Việt Nam. Theo giáo sư, với yếu tố tăng giá cả thị trường thế giới thì chỉ số CPI của Việt Nam tăng cao nhất với 12,6% trong khi các nước chung quanh như Trung Quốc chỉ tăng có 8,7%; Thái Lan 2%; Philippines 2,8%; Indonesia 6,3%; các nước OECD tăng 3,5%; Ý và Pháp chỉ tăng 2,9%; Anh và Canada tăng 2,2%. Nên theo GS. Bút thì không chỉ có nguyên nhân “bảo giá” mà có các nguyên nhân khác, nên giáo sư hoàn toàn đồng tình với Nghị quyết Bộ Chính trị Đảng ta là dám nhìn thẳng vào sự thật với tinh thần thực sự cầu thị khi mạnh dạn nêu rõ 03 nguyên nhân chủ quan và cụ thể như: sự yếu kém của công tác quản lý, thể hiện ở sự buông lỏng thị trường tài chính tiền tệ, thị trường chứng khoán; chưa quan tâm đúng mức công tác dự báo; thông tin, số liệu chưa đủ độ chuẩn xác, công tác giám sát kiểm tra bị buông lỏng. Song, theo Giáo sư Bút thì giải pháp kiềm chế và chống lạm phát ở nước ta là khả thi, vì chúng ta đã có kinh nghiệm chống lạm phát 03 con số vào đầu năm 1989 khi ngân hàng Nhà nước áp dụng “liệu pháp sốc” bằng cách tăng đột ngột lãi suất huy động lên đến 10% và 12%/tháng (tức là hơn 100%/năm) và việc can thiệp vào giá vàng một cách kiên quyết và đồng bộ, quả nhiên trong một thời gian ngắn đã ổn định thị trường tiền tệ và Giáo sư Bút cho rằng đây là một bài học kinh nghiệm chống lạm phát rất quý của Việt Nam, đã từng được giới chuyên gia thế giới ngạc nhiên, khâm phục, đáng vận dụng.

Về giải pháp giảm đầu tư công không cần thiết để khắc phục tình trạng vô chủ đối với tài sản, vốn Nhà nước đưa ra đầu tư, tình trạng lợi dụng vốn Nhà nước như “bầu vú sữa”, “chùm khế ngọt” để chia phần một cách “vô trách nhiệm”, lãng phí, kém hiệu quả (theo số liệu Tổng cục Thống kê từ năm 2000 – 2006) được thể hiện qua các hợp đồng “ma giáo” đổi lấy những “lót tay béo bở” (handsome payoffs) hy sinh cả lợi ích quốc gia, vì lợi ích cục bộ của các tập đoàn bị “chìm xuống” hoặc chậm được xử lý nghiêm minh. Nên Giáo sư Bút đưa ra quan điểm là rất tâm đắc về nhận định của Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta về các hiện tượng gây lãng phí đầu tư công nói trên là “Nếu không khắc phục, sẽ làm tăng tính đầu cơ trên thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, tăng thêm tính lạm phát của nền kinh tế”.

Về giải pháp liên quan đến các vấn đề xã hội, đời sống đông đảo những người ăn lương và nông dân, Giáo sư Bút ủng hộ hoàn toàn và cho là rất cần thiết để ổn định nền kinh tế, giữ vững ổn định xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, góp phần chống lạm phát, ngăn ngừa các vụ công nhân đình công, công chức bỏ nhiệm sở, học sinh bỏ học do thu nhập thấp kém, do nghèo đói từ hậu quả lạm phát. Vấn đề đặt ra, theo Giáo sư Bút, là phải thể hiện sự quyết tâm khắc phục để vượt qua như thế nào?

Và cuối cùng, để kết thúc bài phát biểu có tính đề dẫn cho buổi tọa đàm, GS. Trần Đình Bút đã kết luận trên cơ sở những đòi hỏi mới, tiêu chí mới của quản lý và triển vọng thực thi trong tình hình mới của nền kinh tế thị trường với nhiều tác động trong thời kỳ hội nhập và toàn cầu hóa là các nhà quản lý, nhà khoa học phải thể hiện 03 đức tính quan trọng là phải: nhạy cảm, có tâm và có tầm.

Theo Giáo sư Bút, hiện nay những tiêu chí để đánh giá các quyết định quản lý có đúng, có phù hợp hay không, nên chăng phải dựa trên 03 cơ sở: tiết kiệm nhiều nhất; hiệu quả cao nhất; lợi ích quốc gia, toàn dân tộc là trên hết.

Phát biểu tham luận bổ sung, PGS-TS Phương Ngọc Thạch (Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TP.HCM) đã bày tỏ quan điểm thống nhất với nội dung bài đề dẫn của Giáo sư Bút, nhưng nhấn mạnh sâu hơn các nguyên nhân dẫn đến lạm phát hai con số hiện nay và triệu chứng giảm tỷ lệ tăng trưởng của nền kinh tế, mà nổi cộm là do nền kinh tế ta phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài, quản lý Nhà nước yếu kém lỏng lẻo, trong đầu tư công có nhiều hiện tượng tiêu cực gây thất thoát ngân sách Nhà nước (kể cả vốn tài tự phát triển ODA) thông qua các dự án, v.v... Cho nên theo Phó giáo sư Tiến sĩ Phương Ngọc Thạch, muốn thành công 7 giải pháp lớn đề ra, chính phủ phải có quyết tâm cao trong thực hiện và thực hiện một cách đồng bộ.

Cùng phát biểu tham luận tại buổi tọa đàm, còn có Tiến sĩ Trương Thị Minh Sâm – Ủy viên thường trực Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TP.HCM, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ, đã đề cập khá đầy đủ và sâu về tình hình khủng hoảng lương thực trên thế giới, bên cạnh sự suy thoái của các nền kinh tế với sáu nguyên nhân cùng nhiều biện pháp giải quyết phòng ngừa, chống nạn đói do thiếu gạo, thiếu lương thực ở các nước trên thế giới và trong khu vực. Trong các nguyên nhân dẫn đến thiếu hụt lương thực, có nguyên nhân là các nước chạy theo công nghiệp hóa, thiếu quan tâm đến đầu tư nông nghiệp và cả việc thiếu đất để trồng trọt cây lương thực, đặc biệt là cây lúa. Tiến sĩ Minh Sâm cũng nhấn mạnh lợi thế của Việt Nam hiện nay là nước đứng hàng thứ hai (chỉ sau Thái Lan) về xuất khẩu gạo nên khả năng bình ổn đời sống nhân dân và đảm bảo an ninh lương thực là tốt, là khá bền vững.

Và có nhiều ý kiến tham gia thảo luận, đại bộ phận đều thống nhất đánh giá các tác động của hiện tượng suy thoái kinh tế của Hoa Kỳ và của các nước đối với nền kinh tế Việt Nam là có thật; hiện tượng lạm phát hai con số hiện nay của nền kinh tế Việt Nam và việc giảm sút bước đầu về tăng trưởng của nền kinh tế xuất phát từ nhiều nguyên nhân, đồng thời cũng đồng tình với quan điểm định hướng của Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cùng 07 giải pháp lớn của Chính phủ đã đề ra, các đại biểu (kể cả các đại diện doanh nghiệp) đều cho là có giá trị thực tiễn, có triển vọng và tính khả thi tin cậy.

Nổi bật trong những ý kiến tham gia góp ý thảo luận của ông Trần Hồng Đởm (Ủy viên Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TP.HCM, Chủ tịch Công ty liên doanh TNHH Nippon Express Việt Nam), của ông Nguyễn Ngọc Điển (Ủy viên Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TP.HCM, Giám đốc KS Thiên Thai, Thành viên Ban Chủ nhiệm CLB DN) và TS. Nguyễn Đăng Liêm (Ủy viên Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TP.HCM, Trưởng Văn Phòng Luật Sư Quang Trung).

Ông Trần Hồng Đởm đề nghị cần phân tích sâu các ảnh hưởng tác động của tình trạng suy thoái kinh tế của Hoa Kỳ - nền kinh tế lớn nhất thế giới, đối với nền kinh tế Việt Nam và các nước khác trên thế giới. Ông Nguyễn Ngọc Điển thì đề nghị đẩy mạnh đầu tư phát triển trên nhiều lĩnh vực, trong đó là lĩnh vực nông nghiệp, để phát huy thế mạnh lương thực của Việt Nam với tư thế là nước đứng hàng thứ hai về xuất khẩu gạo của thế giới. Ngay tại tỉnh Bình Dương, ông kiến nghị Nhà nước tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng đầu tư cho mọi thành phần kinh tế, để tăng khả năng và hiệu quả tăng trưởng kinh tế, để góp phần khắc phục, giảm lạm phát.

TS. Nguyễn Đăng Liêm phát biểu đồng tình về các nguyên nhân tác động đến tình hình tăng trưởng kinh tế và lạm phát hơi cao của nền kinh tế Việt Nam như: Tình hình suy thoái kinh tế của Hoa Kỳ (nền kinh tế lớn của thế giới), do lệ thuộc vào các nguồn nguyên liệu, năng lượng nhập khẩu của nước ngoài, còn phụ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài và do cả quản lý Nhà nước còn yếu, sơ hở lỏng lẻo để xảy ra thất thoát trong đầu tư công còn khá lớn. Hậu quả của các tác động tiêu cực từ các nguyên nhân trên có thể đưa lạm phát khó khắc phục, dễ làm vô hiệu hóa dần hoặc giảm tỷ lệ, tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước và có thể phá vỡ chính sách xóa đói giảm nghèo đã và đang phát huy tác dụng tích cực ở Việt Nam, thậm chí có thể dẫn đến tái nghèo trong một bộ phận nhân dân lao động, dễ làm phát sinh phản ứng tiêu cực trong xã hội. TS. Liêm cũng bày tỏ quan điểm thống nhất với 07 giải pháp lớn mà Chính phủ đã đề ra và đang chỉ đạo thực hiện. Nhưng TS. Liêm cũng bày tỏ sự băn khoăn, không mấy đồng tình với quan điểm của GS. Trần Đình Bút khi cho rằng kinh nghiệm giải quyết lạm phát hiệu quả vào năm 1989 chứng minh khả năng Việt Nam có thể giải quyết tốt, hiệu quả tình hình lạm phát hai con số hiện nay. Vì theo phân tích của TS. Nguyễn Đăng Liêm thì bối cảnh nền kinh tế Việt Nam vào thời điểm 1989 có nhiều điểm khác biệt so với thời điểm hiện nay (năm 2008) dựa trên các yếu tố như: vào thời điểm 1989, nền kinh tế Việt Nam mới đổi mới thực sự mới 03 năm (vì Nghị quyết 6 của Trung ương Đảng ra đời vào năm 1986 và Hiến pháp năm 1992 mới công nhận nền kinh tế hàng hóa theo cơ chế thị trường với nhiều thành phần kinh tế cạnh tranh bình đẳng trước pháp luật), đại bộ phận các doanh nghiệp là Doanh nghiệp nhà nước, kể cả các ngân hàng thương mại, sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế còn nhiều, sự chỉ đạo của nhà nước có tính tập trung, đồng bộ kể cả việc áp dụng các biện pháp hành chính và vào thời điểm đó Việt Nam còn ở ngưỡng cửa hội nhập quốc tế, chưa ký Hiệp định thương mại Việt – Mỹ và cũng chưa trở thành thành viên chính thức của WTO nên tác động của các nền kinh tế thế giới (trong đó có kinh tế Hoa Kỳ) đối với nền kinh tế Việt Nam chưa đáng kể, cho nên việc giải quyết chận đứng lạm phát thuận lợi hơn nhiều so với hiện nay. Cho nên bài học kinh nghiệm mà GS Bút cho là quý giá đó, theo TS Liêm, là khó áp dụng hiệu quả tức thời trong tình hình chống lạm phát hiện nay, vì bối cảnh kinh tế đã hoàn toàn đổi khác, vì Việt Nam đã hội nhập rộng rãi và đang hoàn chỉnh cơ chế thị trường. TS Liêm cũng cho rằng chính lạm phát và  “Bảo giá” sẽ tác động đến đông đảo cán bộ công chức và người lao động sống theo đồng lương, làm giảm thu nhập thực tế của các đối tượng đó, đó là nguy cơ có thể dẫn đến khó khăn cuộc sống của ho,ê dễ làm phát sinh các thái độ và phản ứng tiêu cực.

Đồng thời, TS. Liêm cũng đồng tình với phát biểu của Ông Nguyễn Ngọc Điễm, là Việt Nam cần phát huy lợi thế về sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu gạo, để chủ động đầu tư cơ khí hóa, hiện đại hóa nền sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất, sản lượng nông nghiệp (khắc phục tình trạng sản xuất nông nghiệp còn hơi lạc hậu hiện nay) để góp phần đẩy mạnh tăng trưởng của nền kinh tế. Theo TS Liêm, thì nếu chúng ta có khuynh hướng cực đoan chỉ biết chạy theo phát triển dịch vụ thương mại và công nghiệp, mà thiếu quan tâm đầy đủ về phát triển thế mạnh sản xuất nông nghiệp, lương thực thì về lâu dài sẽ phát sinh hiện tượng đất đai dành cho nông nghiệp bị thu hẹp dần, lao động nông thôn theo nguyên lý “đất lành chim đậu” sẽ có khuynh hướng di dân đi đến các khu đô thị, công nghiệp phát triển, đưa đến hậu quả là vùng nông thôn khan hiếm dần lao động, sản xuất nông nghiệp về lâu dài có thể lâm vào tình trạng sụt giảm cả về năng suất và sản lượng. Đó là bài học kinh nghiệm hiện nay ở một số nước về khủng hoảng lương thực, mà tổ chức Liên Hiệp Quốc đang đánh động.


Buổi tọa đàm đã kết thúc với Nghị quyết đa số giao trách nhiệm cho Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TP.HCM tổng hợp các ý kiến để có văn bản đề xuất ý kiến tham mưu xây dựng đối với các cơ quan nhà nước thẩm quyền liên quan tham khảo trong quá trình thực hiện 7 giải pháp lớn của chính phủ một cách có hiệu quả, tốt đẹp nhất.


Luật sư Nguyễn Đăng Liêm

 

Tin tức khác


   Trang sau >>