HIỆP ƯỚC SCHENGEN LÀ GÌ?

Tới năm 1990, các nước trên ký thêm một văn bản thay thế gọi là Hiệp ước Schengen và lần lượt có thêm các nước khác gia nhập. Sau đợt mở rộng năm 2001, khu vực Hiệp ước Schengen có 15 thành viên là Áo, Bỉ, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Iceland, Italy, Hy Lạp, Luxembourg, Hà Lan, Na Uy, Bồ Đào Nha, Tây  Ban Nha và Thuỵ Điển. Công dân các nước tham gia Hiệp ước Schengen có thể đi lại tự do bằng đường hàng không, đường bộ và đường biển giữa các nước mà không cần xin thị thực và không bị kiểm soát ở khu vực biên giới.

Bên cạnh việc tạo ra một biên giới chung, Hiệp ước Schengen còn có quy định chung về chính sách đường biên giới như quy chế chung về tị nạn, thành lập Hệ thống thông tin Schengen giúp cảnh sát và cơ quan lãnh sự truy cập kho dữ liệu chung về tội phạm. Ngoài ra, cảnh sát trong khu vực Schengen có quyền truy bắt nghi can xuyên biên giới trong khối.

Ngày 21 tháng 12 năm 2007 có thêm chín thành viên mới của khu vực Schengen là Séc, Estonia, Hungary, Latvia, Lithuania, Malta, Ba Lan, Slovakia và Slovenia nâng tổng số các nước trong khối lên 24 nước với 400 triệu dân đưa biên giới khu vực Schengen tiến sát tới các nước Ukraine, Belarus và Nga. Hiện quy định về khu vực biên giới tự do của các nước này chỉ bao gồm đường bộ và đường biển, sau đó sẽ áp dụng cho đường hàng không vào tháng 3-2008. Đối với công dân các nước ngoài EU, chỉ cần được cấp thị thực nhập cảnh một trong 24 nước nói trên là có thể đi lại tự do trong toàn khối. Các nhà phân tích đánh giá việc mở rộng khu vực Schengen của EU là bước đi tượng trưng cuối cùng dỡ bỏ "bức màn sắt" ngăn cách những thành viên thuộc Liên Xô (trước đây) với phương Tây. Khu vực Schengen giờ đây bằng một phần ba diện tích của Mỹ và chỉ với một thị thực duy nhất là Schengen, công dân châu Âu và nước ngoài có thể đi toàn bộ khu vực từ Estonia ở phía bắc đến Bồ Đào Nha ở phía nam hay sang tận phía đông là Hungary. Tuy nhiên, hiện Anh vẫn đứng ngoài khu vực Schengen, trong khi hai nước không thuộc EU là Na Uy và Iceland lại tham gia hiệp ước. CH Síp sẽ vào khu vực Schengen sau đợt mở rộng này một năm, còn Romania và Bulgary vẫn chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn an ninh để tham gia hiệp ước. Theo kế hoạch, trong năm 2008, Thuỵ Sĩ sẽ trở thành thành viên thứ 25 của khối Schengen.

Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) José Manuel Barroso khẳng định, việc mở rộng biên giới sẽ thúc đẩy thương mại và du lịch của châu Âu, mang lại sức sống mới cho nền kinh tế khu vực. Du lịch hiện chiếm khoảng 4% kinh tế EU và được dự đoán sẽ tăng lên 11% trong thời gian tới. Đối với những du khách cần phải có thị thực trước khi vào EU, đây quả là một chuyển biến hết sức tích cực, giúp họ tiết kiệm được thời gian và tiền bạc.

Tuy nhiên, nhiều nước Tây Âu lo ngại rằng, việc mở rộng sẽ làm gia tăng hoạt động tội phạm và nhập cư trái phép, có thể khiến việc đi lại khó khăn hơn cho người ngoài khối, do phí thị thực tăng cao và quá trình xin thị thực sẽ gắt gao hơn. Lãnh đạo nhiều nước châu Âu khẳng định, Hiệp ước Schengen sẽ góp phần bảo đảm tự do, hoà bình, an ninh và đoàn kết trong khu vực.(Nguồn: http://www.cpv.org.vn).

LS. Huỳnh Anh Tuấn tổng hợp

Tin tức khác


   Trang sau >>