CAI NGHIỆN TẬP TRUNG, LỢI TIỀN, ÍCH XÃ HỘI

Ước tính, mỗi năm có khoảng 17.000 người nghiện ma tuý được đưa vào các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội (Trung tâm) thuộc ngành LĐTB&XH quản lý…


Theo Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (PCTNXH) - Bộ LĐTB&XH - ông Nguyễn Văn Minh, nếu để các đối tượng này ở ngoài xã hội sẽ không đảm bảo an ninh trật tự, tội phạm sẽ gia tăng.


Giảm chi từ ngân sách Nhà nước
    
Theo đánh giá mới đây của dự án “Đánh giá hiệu quả cai nghiện ma tuý và các biện pháp phòng ngừa, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS tại các Trung tâm của Việt Nam” do Cục PCTNXH phối hợp với Văn phòng Thường trực phòng chống ma tuý- Bộ Công an và Trung tâm tư vấn Pháp luật và Chính sách về Y tế, HIV/AIDS - Hội Luật gia Việt Nam thì cai nghiện tập trung tại các Trung tâm là một chính sách nhân đạo của Nhà nước, giúp cho người nghiện ma tuý được cai nghiện và tái hoà nhập cộng đồng.

 

 

Qua kết quả khảo sát tại 10 Trung tâm của 10 tỉnh, thành phố như: Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng tàu, Đồng Nai, Kiên Giang, Hoà Bình, Nghệ An, Thái Bình, Hải Dương, Hải Phòng và Hà Nội cho thấy, mỗi năm có khoảng 17.000 người nghiện ma tuý được đưa vào các Trung tâm.


Số tiền sử dụng ma tuý cho mỗi người nghiện trung bình là 100.000 đồng/ngày (khi họ còn đang ở cộng đồng). 
Như vậy, trong thời gian cai nghiện 2 năm tại Trung tâm, ước tính sẽ tiết kiệm được khoảng 1.241 tỷ đồng chi phí cho việc sử dụng ma tuý đối với số người trên. Trong khi đó, ước tính ngân sách Nhà nước chi cho công tác cai nghiện ma tuý theo chương trình quốc gia năm 2010 là khoảng 390 tỷ đồng.


Với hình thức cai nghiện tập trung này, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực phòng chống ma tuý đánh giá cao và cho rằng hình thức này sẽ cách ly người nghiện khỏi môi trườmg còn khá phức tạp, giúp làm giảm bức xúc trong nhân dân, giảm bớt các tệ nạn do ma tuý gây ra. 


Ông Minh nhấn mạnh, hiện cả nước có 123 Trung tâm, trong đó ngành LĐTB&XH quản lý khoảng 80 Trung tâm. Vấn đề ma tuý đang rất phức tạp, nóng bỏng; người nghiện ma tuý chủ yếu trong độ tuổi lao động từ 17 đến 45 tuổi và có liên quan đến tiền án, tiền sự rất nhiều. Nếu không đưa các đối tượng này vào các Trung tâm sẽ không đảm bảo an ninh trật tự, tội phạm tăng lên.


Cũng theo một lãnh đạo Cục PCTNXH, khi người nghiện ma tuý mới vào Trung tâm, sức khoẻ của họ thường kém, trình độ văn hoá thấp (tỷ lệ mù chữ và học hết cấp 1 chiếm 60- 70%), không có việc làm. Nhưng sau khi cai nghiện 2 năm, sức khoẻ của học viên tăng lên trông thấy, bỏ được ma tuý trong 2 năm ở Trung tâm, được học văn hoá và học nghề.


Tuy nhiên, một thực tế cho thấy công tác sau cai nghiện còn hạn chế, từ Trung tâm về xã hội, tỷ lệ tái nghiện vẫn còn cao, khoảng 80%. Thách thức lớn nhất chính là người nghiện ma tuý vẫn có thể mua ma tuý để sử dụng tại cộng đồng.


Cuộc chiến dai dẳng


Theo một lãnh đạo Trung tâm tại Hải Dương: Một trong những nguyên nhân tái nghiện là do người nghiện chưa quyết tâm cai nghiện. Sau khi cai, về địa phương họ vẫn tìm được nguồn ma tuý, nên rất dễ tái nghiện.


Thậm chí, có người chưa đầy một tuần hoặc một tháng họ đã tái nghiện. Có trường hợp có người cai nghiện được 7 năm, nhưng sau đó lại tiếp tục dấn sâu vào con đường nghiện ngập. Điều này cho thấy, ý chí quyết tâm cai nghiện của mỗi người là rất quan trọng, nó quyết định sự thành bại của việc cai nghiện.


Ngoài ra, dự án cho thấy, không ít Trung tâm còn rất thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn để làm việc, đặc biệt là cán bộ y tế. Một trong những nguyên nhân khiến các Trung tâm chưa thu hút được cán bộ có trình độ đáp ứng yêu cầu công việc là do vấn đề hưởng chế độ. 


Nói về những vướng mắc, khó khăn tại các Trung tâm, ông Minh đánh giá: Nhà nước hỗ trợ cho đối tượng 240.000 đồng/tháng, tính ra mỗi người ăn uống, sinh hoạt 8.000 đồng/ngày. Gia đình nào khó khăn Nhà nước còn hỗ trợ tiền ăn, học nghề, chữa bệnh.


Nhưng ở đây khó khăn thu hút về nhân sự là do lương thấp, độ rủi ro cao vì ngày nào cũng phải tiếp xúc với người nghiện, người bị phơi nhiễm HIV. Thậm chí nhiều đối tượng nghiện ốm nằm viện, gia đình không quan tâm, cán bộ Trung tâm phải vào viện chăm sóc. Cá biệt có người nghiện bị chết, Trung tâm gọi gia đình đến họ cũng không nhận…


Có thể nói, việc các Trung tâm phải kiếm việc làm cho học viên và tạo thu nhập cho họ là vô cùng khó khăn, bởi thực tế người có trình độ, được đào tạo nghề bài bản còn khó có thể tìm được việc làm, trong khi đó học viên ở các Trung tâm phần lớn không có trình độ tay nghề cao, thậm chí không có nghề nghiệp trong tay lại vô cùng khó khăn.


Hiện các công việc tạo thu nhập của một số Trung tâm chỉ là những công việc lao động giản đơn, lao động chân tay. Do vậy, sự thiếu hụt về tài chính là một sức ép đối với các Trung tâm và ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng cai nghiện cũng như điều kiện sống của các học viên.


Chính vì vậy mà tổ chức công đoàn tại các Trung tâm đang phát huy tính năng động trong công việc tổ chức các hoạt động có thu là một việc làm đáng được khuyến khích và cần có cơ chế để hoạt động này phát triển mạnh mẽ hơn nữa ở các Trung tâm.


Anh Tuấn - Vũ Hoài

Tin tức khác