HỘI THẢO “HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHĨA VỤ THAM GIA BỒI DƯỠNG VỀ CHUYÊN MÔN, NGHIỆP VỤ CỦA LUẬT SƯ”

 

Hội thảo “Hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ của luật sư”

KHẨN TRƯƠNG ĐƯA THÔNG TƯ 10 VÀO CUỘC SỐNG

Nóng hổi  việc sắp tới xử lý kỷ luật luật sư vi phạm.

Để việc miễn, giảm nghĩa vụ không bị “tuýt còi”.

Ngày 21/12/2014, tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), Liên đoàn luật sư Việt Nam (Liên đoàn) đã tổ chức hội thảo “Hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ của luật sư” với sự tham dự của đại diện các Đoàn luật sư ở các tỉnh, thành phố phía nam. Sau đây là một số nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, thảo luận  tại  hội thảo này, do Luật sư Nguyễn Bảo Trâm - Chủ tịch Hội đồng khen thưởng, kỷ luật Đoàn luật sư TP.HCM lược ghi lại.

Tách hai hay nhập một?

Phó Chủ tịch Liên đoàn- Tiến sĩ- Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh và Chủ nhiệm Ủy ban đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng, phổ biến pháp luật của Liên đoàn- Tiến sĩ- Luật sư Nguyễn Đình Thơ cho biết hiện nay, Liên đoàn đã xây dựng Dự thảo 01 là hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ của luật sư quy định tại Thông tư số 10/2014/TT-BTP ngày 07/4/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, có hiệu lực từ ngày 21/5/2014 (viết tắt là Thông tư 10) và Dự thảo 02 là Quyết định ban hành quy định tạm thời xử lý kỷ luật luật sư không thực hiện nghĩa vụ này. Tuy nhiên, Liên đoàn còn băn khoăn là để thành hai hay nhập lại một văn bản?

Theo ý kiến của đại diện Đoàn luật sư TP.HCM (hai Phó Chủ nhiệm- Luật sư Trần Mỹ Thoa, Luật sư Nguyễn Hải Nam và Chủ tịch Hội đồng khen thưởng, kỷ luật- Luật sư Nguyễn Bảo Trâm) thì nên nhập hai Dự thảo trên thành một vì: Theo khoản 2 Điều 15 Thông tư 10 thì: “Liên đoàn quy định cụ thể về hành vi vi phạm và hình thức xử lý tương ứng”. Như vậy, Liên đoàn chỉ cần xây dựng quy định cụ thể hành vi nào là vi phạm nghĩa vụ này và tính chất, mức độ vi phạm ra sao thì áp dụng hình thức xử lý kỷ luật tương ứng (khiển trách, cảnh cáo, tạm đình chỉ tư cách thành viên Đoàn luật sư từ 06 tháng đến 12 tháng) và nhập chung vào Dự thảo 01 để thể hiện sự tập trung, xuyên suốt, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu, thực hiện; còn trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật luật sư vi phạm thì đã có Quy định về xử lý kỷ luật luật sư (ban hành kèm theo Quyết định số 68/QĐ-BTVLĐLSVN ngày 05/10/2012  của Ban Thường vụ Liên đoàn luật sư Việt Nam) để áp dụng. Luật sư Nguyễn Bảo Trâm phân tích thêm: “phần lớn Dự thảo 02  nhắc lại các nội dung đã quy định tại Thông tư 10 và đã nêu trong Dự thảo 01, chỉ có một phần nhỏ nội dung của Dự thảo 02 là quy định cụ thể chế tài xử lý vi phạm. Thế nên tách thành hai Dự thảo như nêu trên là trùng lắp về nội dung, không cần thiết”. Luật sư Nguyễn Toàn Thiện – chủ nhiệm Đoàn luật sư Bình Thuận cũng đồng tình với việc nhập hai Dự thảo trên thành một. Tuy nhiên, cũng có ý kiến luật sư đồng tình với việc để thành hai dự thảo riêng biệt. Tiến sĩ- Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh đã tiếp thu các ý kiến này và sẽ trình Ban Thường vụ Liên đoàn quyết định.

Để việc miễn, giảm nghĩa vụ không bị “tuýt còi”

Luật sư Nguyễn Bảo Trâm cảnh báo Dự thảo 02 nêu việc giảm nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng là trái Thông tư 10 vì theo thông tư này, chỉ có miễn mà không có giảm và đề nghị Liên đoàn xem xét, cân nhắc cách thức giải quyết để bảo đảm việc hướng dẫn không trái pháp luật. Tiến sĩ- Luật sư Nguyễn Đình Thơ xác nhận Dự thảo 02 nêu như vậy là chưa đúng với Thông tư 10. Luật sư Thơ nêu thêm vấn đề rất đáng quan tâm là có miễn nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng cho các luật sư già yếu, trên 80 tuổi hay không? Thông tư 10 không quy định miễn nghĩa vụ này cho các đối tượng đó và cho các luật sư không còn hoạt động nghề nghiệp hoặc có lý do chính đáng khác. Từ đó, gây ra những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng. Ví dụ: đối với các luật sư già yếu, trên 80 tuổi không đi tham gia bồi dưỡng được thì chả lẽ Đoàn luật sư đưa các cụ đó ra xử lý kỷ luật? Trước đề nghị của Tiến sĩ- Luật sư Thơ là tập trung thảo luận vấn đề này để có những hướng dẫn vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, vừa tránh bị Bộ Tư pháp “tuýt còi” vì chưa đúng pháp luật, Luật sư  Trần Thanh Phong (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Cần Thơ), Luật sư  Hứa Hoàng Chấn (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư An Giang) chia sẻ thêm là đoàn mình có một số luật sư do già yếu, không còn hành nghề luật sư trên thực tế nhưng không  rút tên khỏi Đoàn luật sư, mà nay lại yêu cầu các luật sư đó phải tham gia nghĩa vụ bồi dưỡng, nếu không thì đưa ra xử lý kỷ luật sẽ khó. Luật sư  

Trần Bá Tước (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Vĩnh Long) cũng nêu ý kiến là không miễn cho các đối tượng này thì căng. Thực tiễn đã từng có luật sư cả 100 tuổi nên không dám cử người chở luật sư đó đi dự đại hội hay hội nghị vì lỡ có sự cố về sức khỏe thì sao? Thế nên cần có quy định về miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng cho những đối tượng này. Còn theo Luật sư  Tạ Quang Tòng (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Đắk Lắk) thì tham gia nghĩa vụ bồi dưỡng là để phục vụ cho việc hành nghề luật sư, còn không hành nghề thì tham gia nghĩa vụ này làm gì? Luật sư Tòng kiến nghị Liên đoàn cần có văn bản gửi Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung Thông tư 10 về việc quy định thêm các đối tượng được miễn tham gia nghĩa vụ bồi dưỡng. Tiếp thu các ý kiến này, Tiến sĩ- Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh cho biết Liên đoàn sẽ gửi ý kiến này cho Bộ Tư pháp.

Cần hướng dẫn rõ hơn về việc tổ chức, kế hoạch, nội dung bồi dưỡng

Theo Thông tư 10 thì một trong bốn đơn vị tổ chức bồi dưỡng là tổ chức hành nghề luật sư đủ điều kiện về năng lực tổ chức, nhân sự, cơ sở vật chất, tài chính và đã được sự đồng ý, thống nhất của Đoàn luật sư và Liên đoàn. Theo Luật sư Trần Mỹ Thoa, cần có hướng dẫn cụ thể về điều kiện cần có đối với tổ chức hành nghề luật sư muốn tổ chức việc bồi dưỡng là gì thì các tổ chức đó mới thực hiện được. Ví dụ: tổ chức đó phải có 10 luật sư thành viên trở lên, phải báo cáo chương trình, nội dung, tài liệu của việc bồi dưỡng, danh sách người tham gia bồi dưỡng… cho Ban chủ nhiệm để xem xét, đồng ý trước khi  tổ chức đó thực hiện. Việc này sẽ tránh được tình trạng tổ chức hành nghề luật sư tự tổ chức bồi dưỡng và tự cấp giấy chứng nhận cho một số luật sư đã tham gia bồi dưỡng rồi mới báo cáo cho Ban chủ nhiệm, dẫn đến việc không được công nhận vì không đúng Thông tư 10 như thực tiễn đã xảy ra một trường hợp tại Đoàn luật sư TP.HCM. Tiến sĩ- Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh đã nhấn mạnh rằng tổ chức hành nghề nào được được tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ là do Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư quyết định trên cơ sở thống nhất ý kiến với Liên đoàn như Thông tư 10 quy định. 

Về việc xây dựng nội dung, chương trình, tài liệu, kế hoạch bồi dưỡng có tính chất  khung thì theo Luật sư Nguyễn Hải Nam là do Liên đoàn xây dựng, trên cơ sở đó, các Đoàn luật sư sẽ xây dựng cụ thể cho phù hợp với tình hình hoạt động của mình. Tiến sĩ- Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh đồng tình và lưu ý thêm là: Đoàn luật sư cần chủ động xây dựng nội dung, chương trình, kế hoạch bồi dưỡng cụ thể của Đoàn mình và cần có sự góp ý của của các luật sư đã tham gia bồi dưỡng (thông qua viết thu hoạch, góp ý…); các nội dung, chương trình, kế hoạch bồi dưỡng cần đăng tải trên trang web của Đoàn luật sư, Liên đoàn. Bên cạnh đó, cần nhấn mạnh trong việc tổ chức, kiểm tra, giám sát việc bồi dưỡng theo Thông tư 10 thì Ban chủ nhiệm có vai trò quan trọng, phải có bộ máy giúp việc này cho Ban chủ nhiệm.

Ngoài  bốn nội dung bồi dưỡng nêu trong Dự thảo 01 (các chuyên đề về hình sự, tố tụng hình sự; dân sự, tố tụng dân sự; tư vấn thương mại; pháp luật về hành nghề luật sư và Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư), theo Ủy viên Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM- Luật sư Nguyễn Văn Hậu thì nên bổ sung thêm nội dung  kỹ năng tổ chức và hoạt động của văn phòng luật sư, công ty luật. Trong việc bồi dưỡng, nên chú ý cập nhật văn bản pháp luật vì các văn này được ban hành mới, nhiều, có thay đổi nhiều so với các văn bản pháp luật trước đây và mở rộng về vấn đề “án lệ”, các quyết định Giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao. Luật sư Nguyễn Thanh Phong, Tiến sĩ- Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh cũng đồng tình ý kiến này. 

Về quy mô lớp bồi dưỡng, Luật sư Nguyễn Bảo Trâm góp ý đối với những Đoàn luật sư đông như Đoàn luật sư TP.HCM (hiện có trên 4.000 luật sư), nên mở những lớp có  khoảng 150 học viên trở lên để bảo đảm bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu của các luật sư. Thực tiễn cho thấy có những lớp bồi dưỡng vài trăm người ở các hiệp hội như Hội kế toán vẫn đảm bảo chất lượng. Vấn đề là cần có cách thức, phương pháp, nội dung bồi dưỡng hiệu quả, phù hợp.

Học phí của các lớp bồi dưỡng cũng là vấn đề được quan tâm. Theo Dự thảo 01 thì nguyên tắc thu học phí là lấy thu bù chi, không vì lợi nhận, mức trần khung học phí  không vượt quá 250.000 đồng/buổi (bốn giờ), nếu quá mức này thì phải có sự thống nhất của Đoàn luật sư và Liên đoàn. Tiến sĩ- Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh nhấn mạnh học phí do Đoàn luật sư quyết định theo nguyên tắc này và phải minh bạch.

Nóng hổi  việc sắp tới xử lý kỷ luật luật sư vi phạm

Theo khoản 1 Điều 15 Thông tư 10 thì “Luật sư có hành vi vi phạm nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong các hình thức kỷ luật sau đây: a) Khiển trách;b) Cảnh cáo; c) Tạm đình chỉ tư cách thành viên Đoàn luật sư từ sáu tháng đến mười hai tháng…” Thông tư 10 đã có hiệu lực từ ngày 21/5/2014. Thế nên theo các đại biểu là phải “bàn tới” để thực hiện, chứ không “bàn lùi”. Tuy nhiên “tới” sao cho khả thi, nhất là việc xử lý kỷ luật luật sư vi phạm nghĩa vụ này là chuyện nóng hổi. Theo Tiến sĩ- Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, trong khi việc tổ chức thực hiện Thông tư 10 còn đang trong giai đoạn xây dựng, triển khai các bước đi cụ thể mà nếu căng ngay theo Điều 8 của Thông tư này là luật sư tham gia bồi dưỡng tối thiểu 02 ngày làm việc/năm 16 giờ làm việc/năm) để xử lý luật sư vi phạm theo khoản 1 Điều 15 nêu trên sẽ rất phức tạp và xử lý không xuể, nhất là đối với các Đoàn luật sư lớn như Hà Nội, TP.HCM thì có lẽ cần có bộ máy chuyên trách để thực hiện. Tiếp theo ý  này, Luật sư Nguyễn Bảo Trâm nêu rằng cho đến nay, Liên đoàn chưa ban hành quy định cụ thể hành vi nào là vi phạm nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng và hình thức xử lý kỷ luật tương ứng ra sao như khoản 2 Điều 15 Thông tư 10 đã giao quyền này cho Liên đoàn thì việc xử lý đó là chưa khả thi. Hơn nữa, sắp tới, theo Luật sư Trâm và Luật sư Nguyễn Hải Nam thì vi phạm nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng thì xử lý kỷ luật theo quy định của Thông tư 10 là đúng nhưng cũng cần tính đến cơ sở, điều kiện, kế hoạch, nội dung, chương trình bồi dưỡng cho luật sư đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn chưa để xử lý kỷ luật luật sư vi phạm? Đối với những Đoàn luật sư lớn có vài ngàn luật sư mà nếu có nhiều luật sư vi phạm thì trong công tác xử lý kỷ luật, theo Luật sư Trâm, cần lưu tâm đến việc có cơ chế sao cho xử lý tránh bỏ sót do không phát hiện được đầy đủ luật sư vi phạm, sẽ dễ dẫn đến so bì.

Còn về hình thức xử lý kỷ luật luật sư vi phạm nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng theo Dự thảo 02 (ví dụ: chưa hoàn thành đủ 16 giờ tham gia bồi dưỡng thì bị áp dụng hình thức xử lý kỷ luật khiển trách), theo Luật sư Hồng Đức (Chủ nhiệm Đoàn luật sư Đồng Tháp), Luật sư Nguyễn Bảo Trâm cho rằng quá nặng so với một số hành vi vi phạm các quy định pháp luật khác về luật sư, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư  mà bị áp dụng hình thức xử lý kỷ luật (khiển trách, cảnh cáo, tạm đình chỉ tư cách thành viên Đoàn luật sư từ 06 tháng đến 24 tháng…). Vì vậy, cần xem xét lại hình thức xử lý cụ thể luật sư vi phạm. Nhận xét thêm Dự thảo 02, Luật sư Trương Xuân Tám (Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư Bà Rịa- Vũng Tàu) cho rằng còn quá cứng nhắc, sẽ tạo thêm gánh nặng cho Đoàn luật sư vì phải xử lý hàng loạt luật sư vi phạm nghĩa vụ này. Tiến sĩ- Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh đồng tình với các ý kiến này và nói thêm là cần chỉnh sửa lại mềm mại hơn, cần phải giáo dục thuyết phục trước, sau đó vẫn vi phạm mới xử lý kỷ luật và xung quanh vấn đề này, cần phải bàn luận nhiều hơn.

Kết thúc Hội thảo, bên cạnh việc tiếp thu các vấn đề như đã nêu trên, Tiến sĩ- Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh  đề nghị Liên đoàn, các Đoàn luật sư tổ chức hội nghị và nhiều hình thức khác liên tục để quán triệt Thông tư 10 đến các tổ chức hành nghề luật sư và các luật sư, cũng như phải khẩn trương xây dựng ngay kế hoạch đưa thông tư này vào cuộc sống, trong đó có việc kiểm tra, giám sát… để năm sau làm tốt hơn năm trước.

LUẬT SƯ NGUYỄN BẢO TRÂM (lược ghi). 

THÔNG TƯ 10/2014/TT-BTP

Tin tức khác


   Trang sau >>