CÔNG VĂN SỐ 141/TCNDTC-KHXX NGÀY 21/9/2011 CỦA CHÁNH ÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO: MỘT VĂN BẢN CHỨA QUY PHẠM PHÁP LUẬT VỚI NHIỀU NẾP MÒN XẤU

 

Công văn số 141/TCNDTC-KHXX ngày 21/9/2011 của Chánh án Toà án nhân dân tối cao:

Một văn bản chứa quy phạm pháp luật với nhiều nếp mòn xấu

Luật sư Quách Tú Mẫn (Công ty Luật hợp danh Danh & Cộng sự)

Ngày 21/9/2011, Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao đã ban hành Công văn số 141/TANDTC-KHXX (công văn số 141) hướng dẫn về thẩm quyền giải quyết các yêu cầu trả lại giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản.

Nhận thấy công văn số 141 mang nhiều điểm trái pháp luật, không khoa học và không phục vụ cộng đồng nên Công ty Luật hợp danh Danh & Cộng sự đã có văn bản kiến nghị Chánh án toà án nhân dân tối cao kiểm tra và xử lý.

Bài viết này gồm hai phần, phần phân tích công văn số 141 và phần nội dung kiến nghị.

I. Công văn số 141: Nội dung và những vấn đề pháp lý, kinh tế xã hội.

1. Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản

Công văn số 141 nhận định rằng “các giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy đăng ký xe mô tô, xe máy; Giấy đăng ký xe ô tô…) không phải là “giấy tờ có giá” quy định tại Điều 163 của Bộ Luật Dân sự năm 2005”.

Nhận định trên chỉ dựa vào điểm 8 Điều 6 luật Ngân hàng Nhà  nước Việt Nam năm 2010 “Giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác”.

Chỉ chứng minh các giấy tờ này không phải là “giấy tờ có giá”, công văn số 141 làm người đọc hết sức phân vân, không rõ theo quy định bộ luật dân sự 2005, các giấy này là gì, có phải là tài sản hay không.

Cơ sở pháp lý về “giấy tờ có giá” của công văn số 141 cũng không thuyết phục. Thật vậy, phạm vi điều chỉnh luật Ngân hàng Nhà  nước (1) chỉ giới hạn trong “quy định về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam” và không bao quát, điều chỉnh hết mọi quan hệ dân sự.

Có quan điểm cho rằng “giấy tờ có giá” trong quan hệ dân sự phải được hiểu là giấy tờ có thể trị giá bằng tiền theo Điều 321 “Tiền, giấy tờ trị giá dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự” (2) Bộ Luật Dân sự. Có ý kiến coi giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản là một phần của quyền tài sản. Giấy chứng nhận bị chiếm hữu sẽ hạn chế quyền tài sản của chủ sở hữu.

Quan điểm của người viết bài, Giấy Chứng nhận quyền sở hữu tài sản là vật, tài sản theo Điều 163 Luật Dân sự.

Vật trong Điều 163 không được luật Dân sự định nghĩa chi tiết nên phải hiểu theo nghĩa thông thường. Vật theo tự điển tiếng Việt là “Cái có hình khối, tồn tại trong không gian, có thể nhận biết được”. Tờ giấy là vật, “Giấy” chứng nhận quyền sở hữu tài sản cũng là vật. Căn cứ vào khoản 2 Điều 179 bộ luật dân sự (3), giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản được phân loại là vật đặc định. Với cách hiểu này các loại giấy chứng nhận khác, chứng minh nhân dân, bằng cấp, chứng chỉ nghề nghiệp đều là vật, tài sản.

2. Thẩm quyền giải quyết yêu cầu trả lại giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản

Công văn số 141 cho rằng yêu cầu trả lại giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản “yêu cầu khởi kiện không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án”, không dựa trên một cơ sở pháp lý nào ngoài lý do rất mơ hồ “các giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản không phải là “giấy tờ có giá” quy định tại Điều 163 của Bộ Luật Dân sự năm 2005. Lập luận trên không có sức thuyết phục, sai quy tắc logic, thẩm quyền giải quyết tranh chấp dân sự của tòa án không tùy thuộc vào giấy tờ có là “giấy tờ có giá” hay không.

Ngược lại, nếu đã công nhận các giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản là một loại tài sản quy định tại Điều 163 của Bộ Luật Dân sự năm 2005, tất nhiên phải thừa nhận tòa án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu trả lại giấy theo khoản 2 Điều 25 Bộ Luật Tố tụng Dân sự “tranh chấp về quyền sở hữu tài sản”.

Nguyên tắc “bất khẳng thụ lý”, một nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự các nước trên thế giới. Theo đó, tòa án không thể viện dẫn bất kỳ lý do gì để từ chối thụ lý hoặc xét xử yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự của người dân. Bộ luật Dân sự Pháp tại Điều 4 quy định “Thẩm phán nào từ chối thụ lý xét xử một vụ việc, viện dẫn lý do luật không có quy định, quy định tối nghĩa, không rõ, có thể bị truy tố về tội bất khẳng thụ lý”. Án lệ Pháp phát triển “tội bất khẳng thụ lý” thành mọi hình thức thiếu trách nhiệm đối với nghĩa vụ bảo vệ người dân (4), bao gồm từ chối thụ lý, chậm xét xử, dẫn chứng dữ kiện không có thật để xét xử. Các nhà làm luật Việt Nam cũng đồng ý với nguyên tắc trên nên đã thông qua Điều 4 Luật TTDS quy định người dân có quyền yêu cầu tòa án “bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp” của mình. Cụ thể hóa nguyên tắc này, tại Điều 25 Bộ Luật Tố tụng Dân sự, ngoài 8 khoản đầu quy định chi tiết thẩm quyền giải quyết của Tòa án, các nhà làm luật đã thêm khoản thứ 9 “các tranh chấp khác về dân sự mà pháp luật có quy định”. Một cách dễ hiểu, tòa án có thẩm quyền và nghĩa vụ phải giải quyết tranh chấp đối với mọi quan hệ, giao dịch dân sự đã được ghi nhận trong một quy định pháp luật bất kỳ. Trong trường hợp nêu trên, hành vi chiếm hữu Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản của người khác đã làm phát sinh nghĩa vụ dân sự phải giao trả lại cho chủ. Quan hệ dân sự này được ghi nhận tại Điều 280, 281 (5) Luật Dân sự 2005. Như vậy, Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản có là tài sản hay không thì người dân cũng có quyền yêu cầu và tòa án có nghĩa vụ và thẩm quyền giải quyết tranh chấp này, buộc giao trả giấy tờ cho chủ.

Việc thời gian qua Tòa án từ chối thụ lý giải quyết đối với những tranh chấp như đòi lại các loại giấy tờ, đòi lại con (quyền nuôi con), đòi lại quyền chiếm hữu, chăm sóc mồ mã đều trái pháp luật và thiếu cân nhắc.

3. Chứa quy phạm pháp luật

Công văn số 141 chứa quy phạm pháp luật, có quy tắc xử sự chung “từ chối thụ lý, đình chỉ vụ án, không được khởi kiện đối với yêu cầu trả lại giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản”, có hiệu lực bắt buộc chung, được gởi đến tòa án các cấp để thi hành với quyền lực Nhà nước đối với mọi người dân trong cả nước.

Là văn bản chứa quy phạm pháp luật nhưng công văn số 141 lại không được ban hành theo đúng hình thức, trình tự, thủ tục quy định đối với văn bản quy phạm pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích người dân.

4. Những nếp mòn xấu

Hiện đang có tình trạng, một số cơ quan thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật dưới luật hoặc quyết định hành chính không đúng quy định pháp luật, chỉ dựa vào ý chí chủ quan và những diễn giải sai quy tắc khoa học. Tình trạng này kéo dài qua năm tháng trở thành những nếp mòn xấu trong việc thực thi pháp luật.

Những nếp mòn xấu trong công văn số 141:

- Tùy tiện ban hành văn bản chứa quy phạm pháp luật.

- Ban hành quy phạm pháp luật có nội dung trái pháp luật.

- Diễn giải, chứng minh sai quy tắc logic.

- Thiếu trách nhiệm trong công vụ.

Nhận thức rằng thời đại xã hội tri thức đòi hỏi chúng ta phải xóa bỏ các vết mòn xấu, phải sáng suốt hơn, khoa học hơn trong thực thi pháp luật, góp phần phát triển một Nhà nước pháp quyền mà trong đó mọi thành phần xã hội đều phải tuân theo pháp luật, đặc biệt là cơ quan tòa án, chúng tôi đã có bản kiến nghị gởi Tòa án Nhân dân tối cao với nội dung dưới đây.

II. Nội dung bản kiến nghị đã gởi đến Tòa án Nhân dân Tối cao

A. Những điểm trái pháp luật, không khoa học và không phục vụ cộng đồng của Công văn số 141/TANDTC-KHXX:

1. Trái pháp luật

a) Trái Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008 (luật VBQPPL 2008):

- Điều 1 của Luật VBQPPL 2008 quy định văn bản quy phạm pháp luật là văn bản trong đó có quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được Nhà nước bảo đảm thực hiện để điều chỉnh các quan hệ xã hội và phải được ban hành không đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục được quy định trong Luật.

- Khoản 6 Điều 2 luật VBQPPL 2008 quy định Chánh án tòa án tối cao ban hành Văn bản quy phạm pháp luật bằng hình thức thông tư.

- Điều 70 luật VBQPPL 2008 quy định dự thảo thông tư do Chánh án tòa án tối cao phải được đăng tải 60 ngày trên báo điện tử để nhân dân góp ý, phải tổ chức lấy ý kiến cơ quan, tổ chức có liên quan và phải được Hội đồng thẩm phán tối cao thảo luận và cho ý kiến.

Công văn số 141/TANDTC-KHXX, có chứa quy phạm pháp luật, đã được ban hành không đúng hình thức Thông tư và không có đăng tãi trên báo cũng như lấy ý kiến các tổ chức có liên quan, có thẩm quyền theo đúng trình tự, thủ tục theo các điều khoản nêu trên của Luật VBQPPL 2008.

b) Trái Luật Tố tụng Dân sự (Luật TTDS)

- Điều 4 luật TTDS quy định “Quyền yêu cầu toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp” của người dân là một nguyên tắc cơ bản của luật.

Các giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy đăng ký xe mô tô, xe máy; Giấy đăng ký xe ô tô…) dù có là giấy tờ có giá hay không vẫn là quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Vì vậy, có thể khẳng định rằng yêu cầu tòa án giải quyết đòi lại các giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản là yêu cầu chính đáng, đúng pháp luật của người dân. Việc tòa án từ chối nghĩa vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, vi phạm nguyên tắc cơ bản luật dân sự.

c) Vi hiến

Điều 126 Hiến pháp 1992 quy định tòa án có nhiệm vụ “bảo vệ tính mạng, tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm của công dân”.

Ban hành văn bản từ chối thụ lý yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu đối các giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu tài sản (cũng là tài sản) của người dân, tòa án đã không làm tròn nghĩa vụ “bảo vệ tài sản công dân”, vi phạm hiến pháp.

2. Không khoa học

a) Chứng minh sai quy tắc lô gích:

Công văn số 141 đưa ra các tiền đề sau:

- Tài sản gồm “vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản” (Điều 163 Bộ luật Dân sự)

- Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản không phải là giấy tờ có giá (theo quy định của nhiều luật khác nhau)

Để đi đến kết quả:

- Yêu cầu đòi lại giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án do giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản không phải là giấy tờ có giá, không phải là tài sản nên người dân không có quyền yêu cầu đòi lại.

Cách chứng minh trên do đã “đánh tráo khái niệm”, đồng nhất “giấy tờ có giá” với tài sản, vi phạm quy tắc cơ bản trong lô gic học, nên cho ra kết quả hoàn toàn sai.

Cần lưu ý, tài sản là thành phần lớn hơn “giấy tờ có giá”. Ngoài giấy tờ có giá, tài sản còn bao gồm nhiều thành phần nhỏ khác.

b) Kết luận hời hợt, thiếu đầu tư

Hầu hết mọi người khi đọc xong công văn số 141 nói trên  đều có chung câu hỏi “Vậy theo quy định pháp luật các giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản này là gì?”

Rất tiếc, công văn số 141 lại không tự đặt câu hỏi này. Nếu có đặt ra câu hỏi này thì tất phải có câu trả lời và dĩ nhiên sẽ không dám đưa ra kết luận hời hợt, trái pháp luật như trên.

c) Chỉ dẫn không thực tiễn

Công văn số 141 còn có đoạn hướng dẫn trong trường hợp người chiếm hữu bất hợp pháp làm mất giấy chứng nhận tài sản thì người chủ sở hữu có thể xin cấp lại giấy mới và “bên có lỗi trong việc làm mất giấy tờ phải chịu toàn bộ chi phí, lệ phí trong việc cấp lại giấy tờ mới”.

Để chứng minh cho yêu cầu đòi bồi thường nói trên, chủ sở hữu phải khởi kiện đòi lại giấy chứng nhận để xác định được bên bị kiện là người chiếm hữu bất hợp pháp và có lỗi làm mất giấy tờ. Thế nhưng người dân đã không có quyền khởi kiện đòi lại giấy chứng nhận thì làm thế nào có thể yêu cầu đòi bồi thường được.

d) Khập khiểng, mâu thuẫn trong áp dụng pháp luật:

- Trong vụ án dân sự, một bên có nghĩa vụ thanh toán, bên kia có nghĩa vụ hoàn trả giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản đang tạm giữ để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán, theo quy định công văn số 141, tòa án chỉ còn được quyền:

- Buộc một bên thực hiện nghĩa vụ thanh toán

- Đối với bên kia, hướng dẫn đương sự đến “cơ quan chức năng” để được giải quyết yêu cầu giao trả giấy tờ (do yêu cầu không thuộc thẩm quyền tòa án).

Bản án như trên quá khập khiểng, quá kỳ dị và vô lý. Nó sẽ không bao giờ được người dân, xã hội, cộng đồng quốc tế chấp nhận.

- Thế nhưng, nếu như tòa án, cứ tiếp tục như trước khi có công văn số 141, tuyên buộc một bên thực hiện nghĩa vụ thanh toán và buộc bên kia giao trả giấy tờ tài sản, sẽ dẫn đến tình trạng kỳ dị không kém, mâu thuẩn trong áp dụng pháp luật, luật pháp có nhiều cách hiểu và nhiều cách thi hành, pháp chế không được tôn trọng, học thuật pháp lý nước nhà ngày càng tụt hậu. Người dân, sinh viên luật, luật gia trong và ngoài nước sẽ phải hiểu sao cho đúng về giấy chứng nhận quyền tài sản. Tòa án giải thích thế nào khi mà, cũng một loại giấy chứng nhận quyền tài sản,  lúc thì tuyên không có thẩm quyền giải quyết đòi lại, lúc thì lại có thẩm quyền buộc giao trả (phải có thẩm quyền xét đòi lại mới có thể tuyên giao trả).

3. Không phục vụ cộng đồng

a) Vô cảm với người dân:

Công văn số 141 hướng dẫn tòa án khi trả đơn khởi kiện hướng dẫn cho người khởi kiện có thể yêu cầu “cơ quan chức năng giải quyết theo thẩm quyền” buộc người chiếm hữu bất hợp pháp phải trả lại giấy tờ nhưng lại không chỉ rõ cơ quan nào. Nếu có chút đồng cảm với nỗi khổ, bức xúc, hoang mang của người dân khi giao dịch gặp khó khăn phải nhờ đến cơ quan công quyền, công văn số 141 tất đã chỉ rõ, trực tiếp cơ quan nào có chức năng giải quyết vụ việc trên để an lòng người dân.

Thế nhưng, mặt khác, mọi người đều biết, tranh chấp về dân sự tương tự như trên nếu các bên không tự thỏa thuận được, chỉ có thể khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết, không có “cơ quan chức năng” nào khác có thẩm quyền giải quyết. Thực tiễn các cơ quan chức năng đã từ chối giải quyết và cho rằng công văn của tòa án tối cao không có giá trị pháp lý.

b) Quan liêu với toàn xã hội

Giao dịch, vụ án dân sự có việc giao giữ giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu tài sản hiện khá phổ biến. Chủ xe giao giấy tờ xe cho tài xế, chủ nhà giao giấy tờ đảm bảo vay, nợ, để ủy quyền làm thủ tục hành chính, xảy ra tranh chấp.

Dù vậy, công văn số 141 thản nhiên từ chối thụ lý giải quyết yêu cầu đòi lại giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu của người dân, bất chấp hệ quả có thể xảy ra, giao dịch trong xã hội ngưng trệ, không quan tâm đến ý kiến, phản ứng của cơ quan ban ngành, của cộng đồng và xã hội, lòng tin vào cơ quan thẩm quyền tài phán suy giảm, tan mất.

c) Làm lợi cho nhóm lợi ích thiểu số

Hiện có tình trạng khá phổ biến, người dân mua nhà, căn hộ dự án đã thanh toán đủ tiền, nhận bàn giao và vào ở, sử dụng rất lâu nhưng vẫn chưa được chủ đầu tư dự án giao giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu nhà, căn hộ. Nguyên nhân là do các chủ đầu tư dự án xây dựng thiếu trách nhiệm, không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính cho Nhà nước, không tuân thủ quy hoạch dự án, không xây dựng đúng thiết kế nên hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, căn hộ cho từng người mua không được giải quyết.

Khi người mua, trong trường hợp này, khiếu nại đến các cơ quan chức năng từ cơ quan cấp phép đầu tư, quản lý dự án, cấp giấy chứng nhận nhà, đất đều được hướng dẫn nộp đơn khởi kiện tại tòa án.

Nay công văn số 141 với quy định không được khởi kiện đòi giấy tờ nhà đất, đã tước mất hy vọng cuối cùng, sẽ được tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, của rất nhiều người dân, người tiêu dùng mua nhà, căn hộ.

Công văn số 141 gạt bỏ quyền lợi hợp pháp của nhóm đa số người dân, người tiêu dùng mua nhà nhưng lại ưu ái bảo vệ một cách đặc biệt cho nhóm lợi ích thiểu số, các chủ đầu tư dự án thiếu trách nhiệm.  Công văn tạo ra một hành lang pháp lý ưu đãi tuyệt đối cho nhóm lợi ích thiểu số này, cứ thiếu trách nhiệm, cứ không thực hiện nghĩa vụ giao hồ sơ, giấy tờ nhà và cứ yên tâm không người dân nào có thể khiếu kiện đòi giấy tờ nhà được.

B. Yêu cầu

Qua phần trình bày trên, chúng tôi khẳng định rằng:

- Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản là tài sản, là “quyền và lợi ích hợp pháp” của người dân.

- Tòa án có thẩm quyền và nghĩa vụ giải quyết “Yêu cầu đòi lại giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản” theo đúng Điều 4 và 25 Bộ Luật Tố tụng Dân sự.

Vì vậy, chúng tôi đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kiểm tra và xử lý công văn số 141 theo đúng quy định pháp luật.

__________

(1) Điều 1 Luật Ngân hàng Nhà nước

(2) Điều 321 Tiền, giấy tờ trị giá dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự: “Tiền, trái phiếu, cổ phiếu, kỳ phiếu và giấy tờ có giá khác được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự”

(3) Vật đặc định là vật phân biệt được với các vật khác bằng những đặc điểm riêng về ký hiệu, hình dáng, màu sắc, chất liệu, đặc tính, vị trí.

(4) Dân luật Pháp, NXB Litec, 2002, trang 22

(5) Điều 280 “Nghĩa vụ dân sự”; Điều 281 “Căn cứ phát sinh nghĩa vụ dân sự”

 

Tin tức khác


   Trang sau >>