KÍNH ÔNG- ÔNG VÕ VĂN KIỆT

Thời gian đã trôi qua và không bao giờ dừng lại, mới đó mà đã qua 1 năm ngày ông mất (11/6/2008 – 11/6/2009). Tôi vẫn còn nhớ như in ngày tiễn đưa linh cữu của ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Tôi ngồi nơi góc phòng theo dõi đám tang ông qua màn ảnh nhỏ cảm nhận lòng thật buồn, như vừa mất đi một người thân trong gia đình mình.

 

 

Kẻ hậu bối như tôi vẫn còn cảm nhận được tấm lòng vì dân vì nước của ông qua biết bao gian khổ khó khăn của những ngày đầu thành phố vừa giải phóng: Cơm, áo, gạo, điện, nước mọi thứ từ việc nhỏ đến việc lớn đè nặng lên vai chính quyền thành phố mới vừa thành lập, mà người lãnh đạo cao nhất là ông Võ Văn Kiệt với các chức danh Chủ tịch Ủy ban quân quản thành phố, rồi Bí thư Thành ủy thành phố.

Với cái TÂM và cái TẦM của người lãnh đạo cao nhất, ông đã cố gắng dung hòa giữa cái cũ và cái mới, giữa cái nhu và cái cương, giữa mặt tiêu cực và mặt tích cực để sản sinh ra những chính sách, những công trình mà cho đến giờ các công trình, các chính sách ấy đã tạo ra dấu ấn sâu sắc mà người dân cả nước nói chung, TP.HCM nói riêng đã trân trọng gọi là “Dấu ấn Võ Văn Kiệt”.

Thật khó quên được các quyết định quyết liệt của ông từ việc đặt giá trị hàng hóa trở về đúng giá trị thực của nó để cho thấy bước quá độ cần phải thay đổi của chế độ bao cấp. Cầm những hạt gạo mới trên tay, dân thành phố nhớ mãi ông; cầm những đồng tiền bán hạt gạo mình làm ra, dân miền Tây mãi ghi nhớ đến công lao của ông; vùng tứ giác Long Xuyên, khu vực các tỉnh miền Trung nhớ đến ông “Dấu ấn Võ Văn Kiệt”; các công trình còn đang dang dở, thế hệ sau đang tích cực hoàn thành, những gì ông đã làm, lòng dân không thể nào quên.

Đất nước Việt Nam là một đất nước địa linh nhân kiệt, ở mỗi giai đoạn lịch sử đều xuất hiện những vị anh hùng hào kiệt lãnh đạo đất nước vượt qua những khó khăn gian khổ. Viết về ông đã có rất nhiều bài báo, nhiều chuyên mục, nhiều lĩnh vực nhắc đến ông với rất nhiều kỷ niệm sâu sắc mà phạm vi bài viết tôi không nêu hết được. Tôi chỉ viết về ông với cảm nhận thực sự của bản thân mình ở giai đoạn mà phải xếp hàng mua gạo và thắp đèn dầu ngồi học bài đến khuya.

Kính ông- Ông Võ Văn Kiệt, tôi vẫn còn cảm nhận với hàng ngàn người lặng lẽ đứng hai bên đường khi xe tang ông đi qua. Trước ống kính trực tiếp của đài truyền hình tôi thấy nhiều người dân đã bật khóc. Kính ông- Ông Võ Văn Kiệt, ngày giỗ đầu của ông 11/6/2008 – 11/6/ 2009 sẽ có thật nhiều người mà lúc sinh thời họ chưa được một lần nào gặp ông sẽ đến viếng ông, trong đó sẽ có nén nhang của tôi, tác giả của bài viết này.


Ngàn đời ghi nhớ công ơn và cả cuộc đời hết lòng vì dân-  vì nước của ông – Ông Võ Văn Kiệt.


Luật sư Đoàn Thị Lan

 

Tin tức khác


   Trang sau >>