BÀI PHÁT BIỂU ĐỐI ĐÁP TRONG PHẦN TRANH LUẬN TẠI PHIÊN TÒA PHÚC THẨM VỤ ÁN HÙYNH THỊ HUYỀN NHƯ
BÀI PHÁT BIỂU ĐỐI ĐÁP TRONG PHẦN TRANH LUẬN TẠI PHIÊN TÒA PHÚC THẨM VỤ ÁN HÙYNH THỊ HUYỀN NHƯ
LUẬT SƯ NGUYỄN VĂN TRUNG
Người bảo vệ quyền lợi cho Vietinbank
Kính thưa Hội đồng xét xử,
Thưa vị đại diện Viện Kiểm sát tối cao và Quý đồng nghiệp,
Tôi đã hết sức chăm chú lắng nghe từng lời phát biểu đối đáp liên quan quyền lợi của Vietinbank, và xin cám ơn đại diện VKS và Quý Luật sư đồng nghiệp bảo vệ cho các nguyên đơn dân sự đã tạo cơ hội cho tôi được phát biểu lần thứ hai.
Trước hết tôi xin được bảo lưu tòan bộ nội dung đã phát biểu tranh luận trong buổi chiều ngày 25-12-2014 và sáng ngày 26-12-2014, gồm 18 trang giấy A4 đã trình Hội đồng xét xử.
- Về ý kiến của Luật sư bảo vệ quyền lợi cho ACB cho rằng Vietinbank đã được xác định lại là Nguyên đơn dân sự theo giấy triệu tập các luật sư bảo vệ quyền lợi cho Vietinbank của Quý Tòa:
Án sơ thẩm đã xác định Vietinbank là Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, Giấy triệu tập Vietinbank cũng ghi rõ Vietinbank là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, Giấy chứng nhận người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự do Quý Tòa cấp cho tôi ghi rõ “Luật sư Nguyễn văn Trung Đòan Luật sư TP. Hồ Chí Minh là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án Hùynh Thị Huyền Như và đồng phạm…” Tại phiên khai mạc và suốt quá trình xét xử HĐXX cũng xác định rõ tư cách Vietinbank là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Do đó, ý kiến cho rằng Vietinbank là Nguyên đơn dân sự là không chính xác.
-Về ý kiến của Luật sư bảo vệ quyền lợi cho ACB cho rằng: Luật sư bảo vệ quyền lợi cho Vietinbank khi cho rằng việc Viện Kiểm sát đề nghị hủy một phần bản án để điều tra truy tố Huyền Như về tội tham ô tài sản là vi phạm tố tụng hình sự, có nghĩa là các Luật sư đã bảo vệ quyền lợi cho Huyền Như chứ không phải Vietinbank:
Nhận xét này là không chính xác, bởi lẽ đề nghị của đại diện VKS hủy bỏ một phần bản án sơ thẩm nhằm truy tố Huyền Như về tội tham ô là nhằm buộc trách nhiệm Vietinbank phải bồi thường cho các Nguyên đơn dân sự, nghĩa là liên quan trực tiếp quyền lợi Vietinbank và vi phạm nghiêm trọng tố tụng hình sự. Chúng tôi nêu lên việc này là chúng tôi bảo vệ quyền lợi Vietinbank, mà trước hết là bảo vệ pháp luật tố tụng hình sự, chứ không phải bảo vệ Huyền Như. Trong khi đó, ACB là Nguyên đơn dân sự nhưng lại kháng cáo yêu cầu hủy án để truy tố xử phạt Huyền Như về tội tham ô là vi phạm nghiêm trọng điểm g khoản 2 Điều 52 Bộ Luật tố tụng hình sự quy định Nguyên đơn dân sự chỉ có quyền kháng cáo về phần bồi thường thiệt hại.
-Đối với khiếu nại của ACB về tư cách tham gia tố tụng của người đại diện theo ủy quyền của Vietinbank, chúng tôi nhận thấy đại diện VKS đã có ý kiến và Hội đồng xét xử đã giải quyết xong.
-Về các sai phạm của ACB: Chúng tôi thấy không cần thiết đối đáp, vì lẽ các hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ lãnh đạo ACB gây thiệt hại cho ACB 718 tỷ đồng đã được làm rõ và giải quyết trong vụ án Nguyễn Đức Kiên, bản án đã có hiệu lực pháp luật. Luật sư bảo vệ quyền lợi cho ACB thừa nhận rằng hành vi vi phạm của các Ngân hàng Hàng Hải, Nam Việt, Tiền Phong không khác gì ACB. Do đó, đáng lý ra ACB phải yêu cầu pháp luật tiếp tục xử lý các Ngân hàng này giống như đã xử lý ACB thì mới đảm bảo công bằng, tính nghiêm minh của pháp luật.
-Về ý kiến của ACB phân tích các sai phạm của Vietinbank: Đây là vụ án hình sự nên bắt buộc phải áp dụng các quy định của Bộ Luật Hình sự và Bộ Luật Tố tụng Hình sự để giải quyết. Chúng tôi không rõ vì cố ý hay nhầm lẫn mà Luật sư bảo vệ cho ACB chỉ áp dụng các quy định của Bộ Luật Dân sự để đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, giống như trong một vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại về Hợp đồng tín dụng. Thậm chí còn có ý kiến khoe rằng ACB đã cho nhân viên đi gửi tiền hưởng lãi suất vượt trần tại nhiều Ngân hàng khác mà không bị mất tiền! Hành vi cố ý làm trái của cán bộ lãnh đạo ACB trong việc chỉ đạo cho nhân viên gửi tiền tại Vietinbank lấy lãi vượt trần đã rõ, đã bị xử lý bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật. Nay Luật sư bảo vệ ACB còn tiết lộ thêm ACB còn chỉ đạo nhân viên đi gửi tiền ở nhiều Ngân hàng khác tương tự như Vietinbank mà không bị mất tiền và không bị xử lý. Đây thực sự là trường hợp bỏ lọt tội phạm. Tôi đề nghị HĐXX và VKS kiến nghị làm rõ để xử lý công minh và thu hồi sung công quỹ tiền thu lợi bất chính mà ACB có được từ hành vi cố ý làm trái này theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 41 Bộ Luật Hình sự.
Đối với các ý kiến đối đáp của vị Đại diện VKS, tôi xin đáp lại như sau:
Tôi hoàn tòan đồng ý với vị Đại diện VKS là phải xác định sự thật và bản chất của vụ án, không thể cắt xén theo ý chí chủ quan, chỉ nói ngọn mà không nói gốc. Vì vậy trong bài phát biểu ngày 26-12-2014, trong phần kết luận, tôi đã thẳng thắn có ý kiến: “Tuy nhiên, cũng còn một số ý kiến, quan điểm không phản ánh đầy đủ bản chất của vụ án, thể hiện thông tin phiến diện một chiều, suy diễn chủ quan, che lấp bản chất sự thật của vụ án” . Tôi cho rằng ý kiến này là hoàn toàn chính xác và cũng đúng quan điểm của vị Đại diện VKS.
-Vị đại diện VKS cũng xác nhận rằng: VKS cũng chỉ đề nghị HĐXX chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của 5 Nguyên đơn dân sự, hủy một phần án sơ thẩm liên quan hành vi chiếm đọat 1.085 tỷ của họ để điều tra truy tố lại Huyền Như về tội tham ô, chứ không phải đề nghị HĐXX chấp thuận yêu cầu của các đơn vị này đòi Vietinbank bồi thường cho họ trong vụ án này như có luật sư đã nhầm lẫn nêu ra. Nếu đúng vậy, thì tôi khuyên 5 Nguyên đơn dân sự này chớ vội mừng, vì giả dụ HĐXX chấp nhận đề nghị này của VKSTC thì biết đâu Quý vị chẳng những không thu hồi lại được tiền mà còn trở thành một ACB thứ hai, thứ ba…! Bởi lẽ, tại “Bản kết luận điều tra bổ sung” số 03/C46-P10 ngày 26-4-2013 Cơ quan CSĐT-Bộ Công An đã kết luận: hành vi của các cá nhân là lãnh đạo Ngân hàng TMCP Tiền Phong và Ngân hàng TMCP Nam Việt nêu trên có dấu hiệu của tội “cố ý làm trái quy định của Nhà Nước gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 165 Bộ Luật Hình sự. Do các Ngân hàng này cũng là đơn vị bị thiệt hại số tiền lớn, Ngân hàng TMCP là lĩnh vực nhạy cảm cần phải thận trọng khi xử lý. Lãnh đạo liên ngành cho ý kiến chỉ đạo chờ ý kiến Thủ Tướng Chính phủ. Xét thấy cần thiết phải tách hồ sơ để điều tra xử lý sau. Ngày 26-4-2013 Cơ quan CSĐT-Bộ CA đã quyết định tách vụ án số 02/C46-P10 để tiếp tục điều tra và xử lý sau. Đối với lãnh đạo Ngân hàng Hàng Hải cũng đã được Cơ quan CSĐT kết luận có hành vi cố ý làm trái, tôi đã nêu trong bài phát biểu gửi Quý Tòa ngày 26-12-2014, xin không nhắc lại.
-Vị đại diện VKS cũng thừa nhận rằng: Trước khi mở tài khoản và chuyển tiền vào tài khoản mở tại Vietinbank, Huyền Như đã dùng thủ đoạn gian dối dẫn dụ 5 NĐDS để chiếm đoạt tài sản, rằng 5 NĐDS cũng đã có hành vi giao dịch, thỏa thuận với Huyền Như không đúng quy định pháp luật. VKS cũng thừa nhận rằng hành vi trước là tiền đề cho hành vi sau và rằng hành vi sau là hậu quả của hành vi trước đó. Vì vậy, phải đi sâu phân tích sự việc, phải nói từ gốc, làm rõ bản chất nội dung, không chỉ nói phần ngọn, phần hình thức bề ngòai của giao dịch. Thế nhưng, khi phân tích hành vi của 5 NĐDS, VKS lại chỉ tập trung phân tích sâu về mặt hình thức, thủ tục mở tài khoản và tiền đã chuyển vào tài khoản để quy trách nhiệm cho Vietinbank, mà quên đi, không quan tâm gì đến các hành vi, giao dịch bất hợp pháp trước khi mở tài khoản, mục đích họ mở tài khoản để làm gì? Nguồn tiền từ đâu họ chuyển vào tài khoản? họ đã chuyển tiền vào tài khoản và sử dụng tài khoản như thế nào? Tại sao họ bỏ mặc, phó thác cho Huyền Như sử dụng tài khoản? Trong khi đó đối với ACB và Nam Việt thì lại được vị đại diện VKS quan tâm phân tích sâu bản chất, nội dung thật giao dịch, hành vi sai phạm của 2 Ngân hàng này trước khi mở tài khoản cũng như sau khi mờ tài khoản, nguồn gốc tiền chuyển vào và mục đích mở tài khoản… Về phần mình, căn cứ Điều 5 Bộ Luật Tố tụng hình sự quy định về Bảo đảm quyền bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật và Điều 10 quy định về xác định sự thật của vụ án, chúng tôi nhận thấy mình phải có trách nhiệm giúp HĐXX làm sáng tỏ sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, không thiên vị một cá nhân, tổ chức nào, phải nói từ gốc đến ngọn, làm rõ bản chất thật sự của vụ án. Vì vậy, đó chính là sự khác biệt về quan điểm lớn nhất, quan trọng nhất giữa VKS và Luật sư bảo vệ quyền lợi cho Vietinbank. Đó chính là lý do mà luật sư chúng tôi và VKS không gặp nhau theo nhận định của VKS! Và thực tế, trong vụ án này nếu xảy ra việc VKS và Luật sư bảo vệ quyền lợi cho Vietinbank đồng nhất quan điểm và gặp nhau mới là chuyện lạ!?
-VKS cũng cho rằng đối với các Hợp đồng tiền gửi và ủy thác đầu tư giả mạo Vietinbank CN Nhà Bè liên quan đến các Công ty Hưng Yên, SBBS, Tòan cầu xét về ý thức chủ quan thì các Hợp đồng này chỉ giả mạo đối với Huyền Như còn các đơn vị nêu trên đều nghĩ là thật và từ đó họ mới tin tưởng. Nếu như họ biết đó là các hợp đồng giả mạo thì chắc chắn không có việc họ mở tài khoản tiền gửi và chuyển tiền vào tài khoản này, vì vậy họ không chịu trách nhiệm.
Sự thật là: các NĐDS không biết là giả là vì họ tin Huyền Như, họ tin Huyền Như vì họ đã thỏa thuận ngầm với Huyền Như về lãi suất vượt trần, là vì họ nhận được ngay lãi trong Hợp đồng, lãi ngòai Hợp đồng từ tiền của Huyền Như chi trả ngay khi ký Hợp đồng. Đó là nguyên nhân vì sao họ ký hợp đồng tiền gửi với Vietinbank CN Nhà bè nhưng lại chuyển tiền vào tài khoản thanh toán ở Vietinbank CN TP. HCM, rồi giao cho Huyền Như chuyển từ tài khoản thanh toán sang tài khoản tiền gửi có kỳ hạn, rồi sau đó họ không cần biết tài khoản của họ được sử dụng như thế nào? Nguồn tiền chuyển ra, chuyển vào tài khoản của họ từ đâu mà có..? Chính vì vậy, họ mới bị Huyền Như lừa đảo! Trong khi đó, vị đại diện VKS cũng xác nhận rằng Vietinbank không biết và không thể biết các nội dung thỏa thuận ngầm giửa cá nhân Huyền Như với các đơn vị gửi tiền, bởi vì nếu Vietinbank biết hay một cá nhân nào khác biết thì trách nhiệm pháp lý của Vietinbank và trách nhiệm của cá nhân này sẽ khác đi. Theo VKS thì dù không biết nhưng Vietinbank vẫn phải chịu trách nhiệm về các thỏa thuận ngầm giữa Huyền Như và các Cty NĐDS. Nghĩa là dù biết hay không biết, trong mọi trường hợp Vietinbank đều phải chịu trách nhiệm đối với thỏa thuận ngầm giữa các Cty NĐDS với Huyền Như, còn các NĐDS thì vô can, cứ vui vẽ nhận tiền bỏ túi!Thế mới lạ đời! Xử lý như thế này chẳng khác nào khuyến khích các NĐDS cứ giao dịch ngầm, thỏa thuận trái pháp luật với Huyền Như để lấy lãi suất chênh lệch ngòai Hợp đồng, thậm chí còn được hưởng hoa hồng. Nếu đổ bể đã có Vietinbank chịu trách nhiệm bồi thường!?
-Đối với Ngân hàng Hàng hải và Ngân hàng Tiên Phong, VKS cho rằng hồ sơ vụ án từ giai đọan điều tra đến khi xét xử sớ thẩm và phúc thẩm đều đã xác định rõ, chỉ có Cty Phương Đông, An Lộc, SBBS, Tòan cấu là những đơn vị bị thiệt hại trong vụ án này với tư cách là Nguyên đơn dân sự, các ngân hàng này không bị thiệt hại, và họ là những pháp nhân độc lập không liên quan đến trách nhiệm của họ, trong phạm vi phúc thẩm không có cơ sở xem xét. Rõ ràng theo hồ sơ vụ án, kết luận điều tra và qua phần tranh luận tại phiên tòa cho thấy rõ: Ngân hàng Tiên Phong và Ngân hàng Hàng Hải không khác gì Ngân hàng Nam Việt và ACB. Chỉ khác ở chỗ Ngân hàng hàng Hải và Ngân hàng Tiên Phong ủy thác cho nhóm Cty mà theo kết luận điều tra và lời khai của Huyền Như là các Cty sân sau của họ gửi tiền vào Vietinbank, thay vì ủy thác cho nhân viên như ACB và Nam Vịêt. Thực chất đây là nguồn tiền của hai Ngân hàng Hàng Hải và Tiên Phong. Ngân hàng Nhà nước đã có công văn số 27 ngày 03-5-2012 và công văn số 350 ngày 17-5-2012 xác định rõ sai phạm của các Ngân hàng này. Do đó, nếu các Ngân hàng này không phải là Nguyên đơn dân sự thì họ cũng là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Không liên quan, không vi phạm tại sao tại bản Kết luận điều tra số 12/C46-P10 ngày 03-12-2012 Cơ quan CSĐT-Bộ CA đã kết luận: Căn cứ vào tài liệu điều tra đã thu thập được đến nay cho thấy: hành vi của lãnh đạo các Ngân hàng TMCP Hàng Hải, Ngân hàng TMCP Tiên Phong và Ngân hàng TMCP Nam Việt có dấu hiệu của tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 165 Bộ Luật Hình sự. Tuy nhiên, do thời hạn điều tra vụ án đã hết, trong khi lãnh vực ngân hàng nhạy cảm, các ngân hàng này cũng là đơn vị bị thiệt hại số tiền lớn nên phải thận trọng khi xử lý! Vì vậy, cần phải tách khỏi vụ án để củng cố chặt chẽ tài liệu chứng cứ, cá thề hóa hành vi si phạm của từng người để có hình thức xử lý phù hợp”. (ACB đã được tách ra trong vụ án Nguyễn Đức Kiên). Điều 19 Bộ Luật Tố tụng hình sự quy định: “KSV, bị cáo, người bào chữa…người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bảo vệ quyền lợi của đương sự đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, đưa ra yêu cầu và tranh luận dân chủ trước Tòa án. Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện cho họ thực hiện các quyền đó nhằm làm rõ sự thật khách quan của vụ án”. Các tài liệu, chứng cứ chúng tôi nêu ra đều đã có trong hồ sơ vụ án và đã được Cơ quan CSĐT-Bộ CA đưa vào Bản kết luận Điều tra. Do đó, nếu không xét đến vai trò, trách nhiệm của các Ngân hàng Hàng Hải và Tiên Phong, không chấp nhận đề nghị của luật sư và người có liên quan, là đã không làm rõ sự thật khách quan của vụ án, là chỉ nói đến cái ngọn mà không nói đến cái gốc, là chỉ xét trên hình thức giao dịch dân sự mà không xét bản chất hình sự của vụ án. Hầu hết phần đối đáp của VKS cũng chỉ tập trung lý giải về mặt lý thuyết, việc mở tài khoản, trách nhiệm quản lý sử dụng tài khoản theo quy định Luật Tổ chức tín dụng và Quyết định 1284, mà không đi sâu phân tích hành vi cụ thể, bản chất hình sự xuyên suốt của vụ án theo quy định của Bộ Luật Hình sự và Bộ Luật Tố tụng hình sự. Phần đối đáp về mặt lý luận này rất hay nếu đem giảng cho sinh viên ở trường Ngân hàng, nhưng không phù hợp thực tế bản chất của vụ án hình sự này và rõ ràng mâu thuẩn giữa các Ngân hàng ACB, Nam Việt với 5 Cty NĐDS!
-VKS căn cứ Điều 241 và Điều 250 Bộ Luật Tố tụng Hình sự để đề nghị HĐXX hủy nột phần bản án sơ thẩm liên quan số tiền 1.085 tỷ của 5 NĐDS để điều tra truy tồ Huyền Như về “tội tham ô tài sản” và buộc Vietinbank phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Việc áp dụng 2 Điều luật này là không đúng trong vụ án này. Bởi lẽ:
+Điều 241 Bộ Luật TTHS quy định HĐXX phúc thẩm có thể xem xét các phần khác không có kháng cáo, kháng nghị. Nhưng phải hiễu “các phần khác” ở đây là phần nào? Phần khác không kháng cáo, kháng nghị ở đây không thể vượt quá giới hạn của việc xét xử quy định tại Điều 196 Bộ Luật TTHS: “Tòa án chỉ xét xử những bị cáo về những hành vi theo tội danh mà VKS truy tố và Tòa án đã quyết định đưa ra xét xử. Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà VKS đã truy tố trong cùng một điều luật về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà VKS đã truy tố”.
+Theo quy định tại Điều 249 Bộ Luật TTHS thì “phần khác” đó phải có lợi cho bị cáo: Nếu có căn cứ, Tòa án cấp phúc thẩm có thể giãm hình phạt hoặc áp dụng điều khoản Bộ Luật Hình sự về tội nhẹ hơn, chuyển sang hình phạt khác thuộc lọai nhẹ hơn; giữ nguyên mức hình phạt tù và cho hưởng án treo cho cả những bị cáo không kháng cáo hoặc không bị kháng cáo, kháng nghị.
+Điều 250 quy định hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại chỉ trong trường hợp khi nhận thấy việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được. Ở đây số tiền 1.085 tỷ của 5 NĐDS đều không có ai khiếu nại. Hành vi của Huyền Như và 5 NĐDS đã quá rõ ràng, tất cả đều thừa nhận. Vấn đề tội danh, số tiền chiếm đọat đã được kết luận điều tra, cáo trạng, án sơ thẩm xác định, không ai kháng cáo, kháng nghị. Hồ sơ vụ án cũng đã được VKSNDTC trả đi nhận lại nhiều lẩn và đã thống nhất kết luận cuối cùng bằng Cáo trạng và Tòa Sơ thẩm đã xét xử.
Do đó, VKS đề nghị hủy phần liên quan 1.085 tỷ của 5 NĐDS để điều tra truy tố lại Huyền Như về tội danh tham ô nhằm buộc Vietinbank phải chịu trách nhiệm bồi thường thịêt hại cho 5 NĐDS, chẳng những vi phạm nghiêm trọng các quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự, mà còn vượt quá quyền hạn của kiểm sát viên được phân công giữ quyền công tố tại phiên tòa theo quy định của Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, vì đã trái ngược với Cáo trạng do Viện trưởng VKSNDTC ký.
Kính thưa Hội đồng xét xử
Điều 41 Bộ luật Hình sự quy định:
Khoản 1-Việc tịch thu sung quỹ nhà nước được áp dụng đối với:
a/-Công cụ phương tiện phạm tội
b/-Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có.
Khoản 2-Đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sỡ hữu hoặc người quản lý hợp pháp.
Khoản 3-Vật, tiền thuộc tài sản của người khác, nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm thì có thể tịch thu sung quỹ nhà nước.
Khỏan 1 Điều 42 quy định: Người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sỡ hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra.
Căn cứ các quy định nêu trên, các khoản tiền là tài sản của các NĐDS giao dịch với Huyền Như và các khoản thu lợi bất chính (lãi trong, lãi ngoài, hoa hồng…), do các NĐDS đều có lỗi, thậm chí cũng là tội phạm đã bị xử phạt và bản án đã có hiệu lực pháp luật, đáng lý ra toàn bộ các khỏan tiền này phải bị tịch thu sung quỹ nhà nước theo quy định tại khoản 3 Điều 41 Bộ Luật hình sự. Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng khoản 2 Điều 41 và khoản 1 Điều 42 buộc Huyền Như bồi thường số tiền đã chiếm đoạt cho các NĐDS và không tịch thu sung quỹ nhà nước số tiền thu lợi bất chính, là đã có xem xét chiếu cố.
Vì vậy, căn cứ điểm a khoản 2 Điều 248 Bộ Luật tố tụng hình sự, kính đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của các NĐDS và giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Trân trọng cám ơn Hội đồng xét xử.