MỘT SỐ SUY NGHĨ VỀ XÂY DỰNG VĂN HOÁ KỶ CƯƠNG PHÁP ĐÌNH VÀ ĐỘI NGŨ THẨM PHÁN CHUẨN MỰC ĐƯỢC XÃ HỘI KÍNH TRỌNG

 

Một số suy nghĩ về xây dựng văn hoá kỷ cương pháp đình và đội ngũ thẩm phán chuẩn mực được xã hội kính trọng

Tiến sĩ- luật sư NGUYỄN ĐĂNG LIÊM

Hiệu trưởng Trường Đại học CNTT Gia Định

Vụ việc đương sự NTXĐ dùng “quần dài nữ quàng vào đầu ông TQD (chánh án TAND TP. Quy Nhơn), kèm theo những lời lẽ xúc phạm, gây mất trật tự tại trụ sở Toà” (theo Báo Thanh Niên, số 260, ngày 17/9/2013) đúng là một hành vi xúc phạm thô bạo và nghiêm trọng. Cho nên việc Viện KSND TP. Quy Nhơn quyết định khởi tố tạm giam đối tượng NTXĐ là cần thiết, đúng luật, không có gì phải bàn.

Song hệ luỵ của vụ việc này (cho dù đối tượng Đ hoàn toàn sai quấy) cũng gây ảnh hưởng xấu ít, nhiều không riêng gì cho TAND Quy Nhơn, mà cho cả ngành toà án, vì vô tình để “một sự cố mất mặt” không hay như thế xảy ra tại toà.

Mặc dù, trong xã hội còn nhiều phức tạp, đối tượng xấu không ít, vấn đề chủ động phòng ngừa đôi khi cũng có chỗ sơ hở, không thể ngăn chặn kịp thời các hành vi chủ động bất ngờ, nguy hiểm của các đối tượng gây ra.

Nhưng từ sự cố này, có một số vấn đề mà ngành toà án cần suy nghĩ chỉnh đốn, để không ngừng củng cố hầu tăng uy tín cho ngành mình, cho đội ngũ thẩm phán trước xã hội, trước nhân dân.

1. Cần củng cố văn hoá kỷ cương pháp đình

Bấy lâu nay, chúng ta chỉ thường quan tâm đến văn hoá, kỷ cương tại phiên toà, mà ít chú ý đến các khâu khác của toà án. Đúng ra văn hoá kỷ cương này cần phải thể hiện toàn diện qua mọi hoạt động của toà án từ việc tiếp nhận, thụ lí từng vụ kiện, việc tiếp đương sự công dân, cả thái độ, tác phong của thẩm phán, thư kí vừa phải thể hiện mềm mỏng lịch sự vừa phải nghiêm túc, đúng đắn, chuẩn mực.

Một số vụ hối lộ, tiêu cực trong xét xử, giải quyết các vụ án đã được xử lí công khai thì ai cũng biết rồi. Nhưng trong xã hội công dân vẫn còn những dư luận không tốt (tuy chưa thể kiểm chứng được) khá phổ biến mà ngành toà án cần quan tâm nghiêm túc nghe ngóng để tự chỉnh đốn chính mình. Các hiện tượng mà dư luận phản ảnh như: nạn bôi trơn, tình trạng quan hệ ngầm, hiện tượng tránh né luật sư quan hệ riêng với các đương sự tranh chấp, lôi kéo các đương vào các vụ việc tiêu cực, v.v… Cần phải mạnh dạn, kiên quyết bài trừ, để xây dựng cho được môi trường văn hoá, kỷ cương, lành mạnh trong hoạt động của các pháp đình, của các toà án. Chính các hiện tượng tiêu cực đã làm cho dư luận giảm niềm tin đối với toà án và đối với một số thẩm phán có vấn đề. Vì cộng đồng xã hội có khuynh hướng cho rằng “không có lửa làm sao có khói”. Sự cố ở Toà án Quy Nhơn (đúng sai thế nào còn chờ xét xử) đã chứng minh đương sự rất coi thường, lờn mặt với thẩm phán, là người cầm cân nãy mực” (là những Bao Công của thời đại mới) cho công lý. Đây là bài học kinh nghiệm để mỗi thẩm phán luôn luôn phải giữ tư thế nghiêm túc, khách quan, công bằng và đúng mực trong xử lí vụ việc kiện tụng của các đương sự, không ngả nghiêng bên này bên khác. Đó cũng là cách củng cố kỷ cương văn hoá pháp đình vậy.

2. Cần xây dựng phong cách chuẩn mực của đội ngũ thẩm phán trong hành xử chức năng, nhiệm vụ cao quý của mình để tạo được sự tin cậy và kính trọng của xã hội, nhân dân

Các đương sự công dân (trừ các đối tượng phạm pháp hình sự) tìm đến toà án với mục đích đi tìm công lý để được giải quyết các vụ kiện tranh chấp của họ với nhau một cách đúng luật, công bằng mà trong cuộc sống họ không thể thoả hiệp hoặc hoà giải được. Toà án nói chung, các thẩm phán nói riêng, có sứ mệnh thực thi và bảo vệ công lý cho các đương sự liên quan trên cơ sở khách quan, công bằng và đúng luật bằng tất cả sự công tâm cần thiết. Trong giải quyết vụ việc kiện tụng của công dân, của các đương sự, các thẩm phán không chỉ thay mặt pháp nhân toà án mà còn là người đại diện cho công lý, có sứ mệnh rất cao quý là thực thi nghiêm túc, đúng đắn và công bằng theo pháp luật.

Chính vì sứ mệnh rất vinh hạnh, cao quý đó đòi hỏi các thẩm phán luôn luôn phải trau dồi đạo đức nghề nghiệp, kể cả tác phong, thái độ trong hoạt động nghề nghiệp và trong quan hệ, sinh hoạt cuộc sống. Một thẩm phán có cuộc sống bừa bãi, bê tha chắc chắn sẽ làm mất niềm tin đối với xã hội công dân, thậm chí bị xã hội coi thường. Chính sứ mệnh thực thi công lý đòi hỏi mỗi thẩm phán cần có sự nghiêm túc, chuẩn mực không chỉ trong công việc mà cả trong sinh hoạt cuộc sống.

Cho nên cần nỗ lực liên tục trong rèn luyện và củng cố chuẩn mực đạo đức, phong cách hành xử công việc của các thẩm phán, để đội ngũ này xứng đáng là những người gác cửa công lí, có sứ mệnh cao cả trong thực thi và bảo vệ công lý tốt nhất. Thực hiện được điều này, chắc chắn các thẩm phán sẽ được xã hội, nhân dân không những tin cậy mà còn rất kính trọng.

3. Nhà nước cần hết sức quan tâm chăm sóc đội ngũ thẩm phán cả về đời sống vật chất và đào tạo nghiệp vụ, luật pháp:

Nơi nào có quyền lực, mà để “đói” thì ở đó sẽ phát sinh tiêu cực do lợi dụng quyền lực để kiếm chác. Đó là quy luật tương đối khách quan. Ở lĩnh vực tư pháp, toà án nói chung, các thẩm phán nói riêng (kể cả các cán bộ, thư kí toà) do có quyền lực nhất định, nên cũng không tránh khỏi quy luật này. Do đó, đã có một số thẩm phán sai phạm, tiêu cực nên đã dẫn đến hậu quả có sự giảm niềm tin hay phát sinh tệ nạn các đối tượng phức tạp hay chạy ngã sau này nọ đối với cơ quan Toà án và một số thẩm phán vốn là người đại diện công lý vì động cơ lợi ích, dễ dẫn đến coi thường luật pháp. Chính các hiện tượng tham nhũng chạy chọt, vô tình đã vô hiệu hoá các quy định luật pháp.

Những vấn đề chưa tốt này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là Nhà nước và ngành tư pháp chưa quan tâm chăm sóc đúng mức về các chế độ, chính sách đối với ngành toà án và đội ngũ thẩm phán.

Ngoài việc tổ chức, đào tạo có chiều sâu nghiệp vụ và kiến thức luật pháp các mặt, Nhà nước và ngành quản lí cần quan tâm chăm sóc về đời sống vật chất để “đội ngũ thẩm phán và cán bộ toà án nói chung” sống đủ, để yên tâm thực hiện thiên chức thực thi và bảo vệ cộng lý của mình, hầu góp phần thể hiện cho được tư thế nghiêm túc và đáng kính trước xã hội công dân, để có điều kiện tích cực đấu tranh nội bộ không để xảy ra tiêu cực hầu tạo uy tín cần thiết , thường xuyên trước dư luận xã hội.

Không nên có quan điểm “công bằng chung về lương, thu nhập giữa các ngành, các lĩnh vực”, mà phải quan tâm đặc biệt đến những ngành nhạy cảm, dễ bị tấn công tiêu cực từ nhiều loại đối tượng phức tạp của xã hội, trong đó có ngành Toà án, để có một chính sách về lương, thu nhập phù hợp, cao hơn các ngành khác, hầu giảm thiểu, ngăn ngừa tiêu cực.

Một chính sách nữa là gia hạn thời gian làm việc ngoài tuổi nghỉ hưu cho các thẩm phán, có thể đến mức 70 tuổi đối với các thẩm phán có năng lực, có phẩm chất tốt, có kinh nghiệm chuyên sâu và còn sức khoẻ bằng chế độ hợp đồng đặc biệt ngoài biên chế, sau thời điểm hưu trí. Vì nghề thẩm phán có điểm giống với nghề luật sư, là càng hành nghề lâu năm càng có kinh nghiệm thực tiễn tốt, có kiến thức chiều sâu về luật pháp và vận dụng đúng đắn pháp luật. Ông bà ta thường nói “gừng càng già càng cay”. Kiến thức thực tiễn này không dễ một sớm một chiều mà có. Cho nên đội ngũ thẩm phán tại chức, hoạt động tiếp tục sau hưu trí rất cần thiết, là nguồn nhân lực đàn anh tài giỏi, sẽ góp phần tích cực cho việc bồi dưỡng nhiều mặt, đặc biệt là các kinh nghiệm thực tiễn phong phú về tố tụng cho các thẩm phán trẻ vẫn còn những mặt hạn chế nhất định. Việc này, trong thực tế, đã áp dụng ở các ngành giáo dục, đào tạo, ngành nghiên cứu khoa học, đã thấy hiệu quả tốt.

Đội ngũ thẩm phán cả nước, công bằng khách quan mà đánh giá chung đa số là tốt, đã đảm bảo hoàn thành khối lượng công việc quá lớn, nhất là về lĩnh vực tố tụng, xét xử, nhưng trong bề bộn công việc, thậm chí nhiều lúc hết sức căng thẳng nặng nề ấy, yêu cầu xây dựng ngành đặt ra vẫn phải luôn luôn tự nhắc nhở giữ mình để được xã hội, nhân dân tin cậy, kính trọng mới có thể làm tròn sứ mệnh cao cả là thực thi và bảo vệ công lý một cách đúng đắn và nghiêm túc theo luật pháp.

Tin tức khác


   Trang sau >>

Tin - bài mới cập nhật













   SỐ LƯỢT TRUY CẬP

9,401,321