ĐOÀN LUẬT SƯ TP.HỒ CHÍ MINH: TỔ CHỨC HỘI THẢO GÓP Ý SỬA ĐỔI THÔNG TƯ 10/2021/TT-BTP VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN TẬP SỰ HÀNH NGHỀ LUẬT SƯ

Luật sư Nguyễn Văn Đức

Thực hiện Công văn 221/LĐLSVN ngày 22/6/2023 của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, chiều ngày 07/7/2023, Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo góp ý sửa đổi, bổ sung Thông tư 10/2021/TT-BTP ngày 10/12/2021 của Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn dẫn người tập sự hành nghề luật sư.

Luật sư Nguyễn Văn Trung, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh đến dự và phát biểu khai mạc Hội thảo. Cùng tham dự có các Phó Chủ nhiệm: luật sư Nguyễn Hải Nam, luật sư Bùi Quang Nghiêm, luật sư Hà Hải; các Ủy viên Ban Chủ nhiệm: luật sư Lê Hồng Nguyên, luật sư Nguyễn Duy Minh, luật sư Nguyễn Bảo Trâm, luật sư Nguyễn Văn Đức; thành viên Hội đồng khen thưởng, kỷ luật: luật sư Ngô Việt Bắc, luật sư Vũ Anh Tuấn. Hội thảo đã đón tiếp khoảng 78 Luật sư là thành viên của Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh đã, đang là thành viên Hội đồng kiểm tra, giám khảo chấm thi viết, thực hành nhiều năm qua và đại diện một số tổ chức hành nghề luật sư.

Những nội dung cần góp ý

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Luật sư Nguyễn Văn Trung, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Thông tư 10/2021/TT-BTP có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với các tổ chức hành nghề luật sư, luật sư hướng dẫn và người tập sự hành nghề luật sư (NTSHNLS). Qua gần 2 năm thực hiện, Thông tư 10 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Vì vậy, Liên đoàn Luật sư Việt Nam (LĐLSVN) ban hành công văn số 221/LĐLSVN đề nghị các Đoàn Luật sư có ý kiến góp ý những khó khăn, ướng mắc khi triển khai thực hiện Thông tư 10 là rất kịp thời. Với vị trí là Đoàn Luật sư lớn nhất, là đầu tàu của giới luật sư cả nước, ý kiến đóng góp của Đoàn Luật sư là rất cần thiết. Vì vậy, các luật sư qua hoạt động thực tiễn của mình, cần tập trung góp ý đối với các quy định về TSHNLS, nhất là những điểm bất cập, không hợp lý, thậm chí thụt lùi so với Thông tư 19/2013/TT-BTP ngày 28/11/2013.

Đại diện Ban Tổ chức, Luật sư Nguyễn Văn Đức, Ủy viên Ban Chủ nhiệm, Trưởng Ban Đào tạo, Bồi dưỡng Đoàn Luật sư Tp.HCM đã gợi ý nội dung góp ý sửa đổi, bổ sung Thông tư 10 theo Công văn 221 của LĐLSVN, gồm các nội dung:

- Quy định về người tập sự hành nghề luật sư tại Điều 3 Thông tư số 10/2021/TT-BTP về tiêu chuẩn NTSHNLS đã hợp lý chưa?

- Quy định tại Điều 8 (Luật sư hướng dẫn tập sự -LSHDTS), Điều 13 (trách nhiệm LSHD) Thông tư số 10/2021/TT-BTP về luật sư hướng dẫn tập sự hành nghề luật sư trong thực tiễn đã đảm bảo chất lượng cho việc hướng dẫn tập sự hành nghề luật sư không?

- Công tác giám sát của Đoàn Luật sư với người tập sự và luật sư hướng dẫn tập sự hành nghề luật sư  theo quy định tại Điều 28 Thông tư số 10/2021/TT-BTP về trách nhiệm của Đoàn Luật sư.

- Đánh giá của Đoàn Luật sư về tư cách đạo đức, ý thức tuân thủ pháp luật đối với người tập sự đủ điều kiện tham dự kiểm tra theo quy định tại Điều 7 Thông tư số 10/2021/TT-BTP quy định về nhật ký tập sự, quá trình tập sự.

- Xác nhận của tổ chức hành nghề luật sư và luật sư hướng dẫn đối với người tập sự đủ điều kiện kiểm tra nhưng không đạt trong kỳ thi trước đó

- Những vấn đề về tổ chức kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư của Liên đoàn Luật sư Việt Nam

- Góp ý về những nội dung khác có liên quan đến Kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư.

Cần quy định rõ hơn về tiêu chuẩn NTSHNLS

Là người đầu tiên phát biểu góp ý Hội thảo, Luật sư Nguyễn Văn Chiến, cho rằng quy định hiện nay tại khoản 1, điều 3 Thông tư 10 rất chung chung, đó là: “Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt.” Như thế nào là tuân thủ pháp luật? Một người vi phạm giao thông hay bị xử phạt hành chính về một vấn đề nào đó thì có đủ tiêu chuẩn để TSHNLS hay không? Nếu quy định theo Thông tư 10 thì rất khó minh định về tiêu chuẩn nói trên.

Luật sư Nguyễn Bảo Trâm, Ủy viên Ban Chủ nhiệm góp ý: Tiêu chuẩn NTSHNLS tại điều 3 Thông tư 10 quy định quá trừu tượng, khó thực hiện. Theo luật sư Bảo Trâm, Thông tư 10 cần nên bổ sung tiêu chuẩn về NLTSHNLS cụ thể hơn, có thể tham khảo thêm quy định về các điều kiện không đủ điều kiện hành nghề luật sư, bị thu hồi chứng chỉ hành nghề và phải có sức khỏe tốt.

Đồng quan điểm, Luật sư Lê Hồng Nguyên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Cơ quan đại diện LĐLSVN tại TP.HCM, thành viên Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh đề nghị cần đưa chi tiết hơn đối với NTSHNLS. Theo Luật sư Nguyên, do quy định tiêu chuẩn không chị tiết nên trong thực tế đã có những bất cập.

Khoảng trống pháp lý đối với NTSHNLS không đạt kỳ kết quả kiểm tra

Đây là nội dung được nhiều Luật sư góp ý và đề xuất sửa đổi Thông tư 10. Luật sư Lê Hồng Nguyên phát biểu: NTSHNLS, sau thời gian tập sự 12 tháng, làm hồ sơ tham gia kỳ kiểm tra kết quả TSHNLS, nếu đậu thì làm thủ tục xin cấp chứng chỉ hành nghề, gia nhập Đoàn Luật sư và xin cấp thẻ. Nhưng người không đạt kết quả kỳ thi, sau thời gian này không ai quản lý. Luật Luật sư, Thông tư 10 đều bỏ ngỏ. Theo quy định, người đã hoàn thành thời gian tập sự mà thi rớt thì không ai giám sát; không còn mối quan hệ với LSHD và Tổ chức HNLS nhận tập sự. Do vậy, khi làm hồ sơ thi lại thì LSHD không xác nhận lại. Theo Thông tư 10, Đoàn Luật sư xác nhận tư cách đạo dức, việc chấp hành pháp luật nhưng Đoàn Luật sư khó mà thực hiện được việc này. Có trường hợp, sau khi thi rớt, họ nhận đại diện ủy quyền trong các vụ án, vụ việc, khi xảy ra khiếu nại thì không thể xử lý do không được xem là trong giai đoạn tập sự. Những bất cập này, Đoàn Luật sư, LĐLSVN cần kiến nghị để Bộ Tư pháp xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.

Luật sư Nguyễn Bảo Trâm đề nghị khi NTSHNLS thi không đậu kỳ thi trước đó mà muốn tham gia kiểm tra lần tiếp theo thì phải có xác nhận của LSHD và TCHNLS nhận tập sự về tư cách đạo đức, về việc chấp hành pháp luật, không giao cho Đoàn Luật sư xác nhận các nội dung này. Bởi lẽ, Đoàn Luật sư, nhất là Đoàn Luật sư có số lượng NTSHNLS lên đến vài ngàn như Thành phố Hồ Chí Minh thì không thể đánh giá như yêu cầu của Thông tư 10.

Luật sư Lượng Văn Hồng, người có nhiều năm tham gia chấm hồ sơ thực hành đề nghị: NTSHNLS thi lại, LSHD, TCHNLS phải có trách nhiệm xác nhận người đó còn đủ tiêu chuẩn không để xem xét cho đi thi; nếu họ không đủ tiêu chuẩn thì khi thi đậu cũng không được cấp CCHN. Hiện nay, Thông tư 10 bỏ ngỏ nên cần phải sửa đổi. Thực tế hiện nay, NTSHNLS không đạt kỳ kiểm tra, không liên hệ với LSHD nên khi họ đi thi lại thì LSHD, TCHNLS không biết họ làm gì, ở đâu, có vi phạm pháp luật không… Nói chung là không ai chịu trách nhiệm, không ai quản lý giai đoạn này. Vì vậy, theo Luật sư Lượng Văn Hồng, để đảm bảo tiêu chuẩn và tính nghiêm túc của các kỳ thi, NTSHNLS khi đi thi lại thì phải có xác nhận của LSHD, TCHNLS.

Tương tự, Luật sư Ngô Việt Bắc cũng yêu cầu sửa đổi Thông tư 10 liên quan đến vấn đề này và bắt buộc LSHD và TCHNLS phải xác nhận thì NTSHNLS mới đủ điều kiện thi tiếp.

Về công tác giám sát của Đoàn Luật sư, Luật sư Trần Thị Phụng đề nghị xem lại quy định này. Theo Luật sư Phụng, hồ sơ thi lần đầu của NTSHNLS đã có LSHD và TCHNLS xác nhận rồi, không nhất thiết phải yêu cầu Đoàn Luật sư xác nhận nữa. Luật sư Phụng lý giải, việc xác nhận đã giao cho LSHD và TCHNLS thì phải tin tưởng, không có lý do gì để giao Đoàn Luật sư xác nhận lại tư cách đạo đức, về việc chấp hành pháp luật. Trường hợp nếu cần xác nhận thì chỉ xác nhận nội dung NTSHNLS có khiếu nại, có bị xử lý kỷ luật trong thời gian tập sự hay không là đủ.

Tiêu chuẩn lựa chọn giám khảo, thang điểm chấm thi, chấm phúc tra

Nội dung này được nhiều đại biểu thảo luận sôi nổi, nhất là thang điểm và quy trình chấm phúc tra.

Luật sư Trần Mỹ Thoa, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ LĐLSVN, nguyên Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời là người giữ cương vị Trưởng Ban chấm thực hành lâu năm của LĐLSVN có những ý kiến đóng góp tâm huyết. Luật sư Trần Mỹ Thoa thẳng thắn nhìn nhận Thông tư 10 còn nhiều điểm chông chênh, gây những khó khăn cho hoạt động TSHNLS, tổ chức kỳ thi kiểm tra kết quả TSHNLS. Vì vậy, Luật sư Thoa mong muốn các Luật sư phải mạnh dạn góp ý để Bộ Tư pháp sửa đổi. Luật sư Thoa dẫn chứng, theo quy định Thông tư 10, giữa LSHD và NTSHNLS chưa có sự gắn kết. Điều 6 Thông tư 10 quy định về nội dung TSHNLS với 7 khoản, liệt kê các lĩnh vực mà NTSHNLS thực hiện làm cho bị hiểu lầm là họ được thực hiện các công việc này một cách độc lập, tự làm và hoàn toàn tách biệt với LSHD. Từ đó dẫn đến trong hồ sơ thực hành của NTSHNLS có trường hợp Người tập sự tự ký vào văn bản tư vấn, ký vào bài bào chữa, bản luận cứ… Ngược lại, Điều 13 quy định trách nhiệm của LSHD lại có sự đối lập với Điều 6.

Đối với thủ tục chấm phúc tra, Luật sư Thoa cho rằng hiện nay, giám khảo chấm phúc tra không biết được điểm chấm của giám khảo chấm lần 1 nên giám khảo chấm phúc tra gần như là giám khảo chấm lần 1. Về nguyên tắc, chấm phúc tra là kiểm tra lại việc chấm lần 1 có sai sót trong chấm thi, cộng điểm, chính tả… nên phải biết điểm lần 1 như thế nào. Hiện nay, không cho giám khảo chấm phúc tra biết điểm chấm lần trước thì không có ý nghĩa gì trong việc phúc tra. Phải chăng Bộ Tư pháp chưa tin tưởng vào sự khách quan, công tâm của giám khảo là Luật sư nên mới có quy định “tréo ngoe” như vậy?

Về thang điểm 100, Luật sư Thoa đề nghị Bộ Tư pháp xem xét sửa đổi vì thang điểm này gây khó khăn cho cả giám khảo và thí sinh. Thang điểm 100, nhưng trong đáp án, điểm thành phần có khi là 2,5, nên chấm xong, việc cộng điểm là một công việc khó khăn, phức tạp cho giám khảo và đã xảy ra sai sót trong quá trình cộng điểm do quá chi li.

Về tiêu chuẩn giám khảo chấm thi, theo Luật sư Thoa, qua 17 kỳ kiểm tra do LĐLSVN tổ chức, đội ngũ giám khảo đã được sàn lọc và đến nay cơ bản đã ổn định, chất lượng; các giám khảo được lựa chọn là người tâm huyết, có nghề, có kỹ năng và đã qua bộ lọc ban đầu là Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư chọn lọc danh sách theo tiêu chuẩn có kinh nghiệm 06 năm hành nghề trở lên giới thiệu cho Hội đồng thi LĐLSVN nên có thể yên tâm về đội ngũ này.

Đồng quan điểm về việc chấm phúc khảo, Luật sư Lượng Văn Hồng cũng đề nghị phải cho người chấm phúc khảo biết điểm chấm trước đó để họ tập trung kiểm tra những sai sót nếu có. Hiện nay, không biết trước điểm của người chấm trước nên người chấm phúc khảo chấm lại từ đầu, mất thời gian và không có nhiều ý nghĩa.

Luật sư Đỗ Thanh Tâm cũng đề nghị Bộ Tư pháp xem lại thang điểm 100. Theo Luật sư Tâm, Bộ Tư pháp đề ra thang điểm 100 làm phức tạp thêm chứ không nâng được chất lượng NTSHNLS.

Luật sư Lê Hồng Nguyên, với tư cách là thành viên Hội đồng kiểm tra cũng không đồng tình với thang điểm 100, vì theo ông giữa thang điểm 100 và thang điểm 10 có độ chênh lệch rất lớn và bất hợp lý. Về việc đối thoại giữa người chấm lần 1 và chấm phúc khảo, theo Luật sư Nguyên chỉ nên đối thoại khi điểm chấm phúc tra và chấm lần 1 là ranh giới giữa đậu và rớt; hiện nay, chấm lần 1 và phúc khảo đều rớt nhưng lại bắt buộc đối thoại là vô nghĩa. Luật sư Nguyên kiến nghị Bộ Tư pháp sửa ngay quy định này.

Luật sư Trịnh Văn Tiến thì cho rằng, quy định đối thoại của Thông tư 10 làm cho người chấm thi e ngại phải đối thoại, mất thời gian, công sức. Vì vậy, Luật sư Tiến cũng đồng tình với các đồng nghiệp là cần có sự sửa dổi, bổ sung nội dung này trong Thông tư 10.

Luật sư Huỳnh Văn Nông thì kiến nghị về công tác tổ chức kỳ thi và chấm thi: Nội dung nào thuộc lĩnh vực đặc thù của Luật sư thì Bộ Tư pháp quy định riêng, còn nội dung nào thuộc quy định chung của kỳ thi quốc gia thì nên áp dụng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư pháp không nên đặt riêng để tránh rắc rối và không cần thiết.

Ngoài ra, nhiều ý kiến khác còn góp ý các nội dung được quy định trong Thông tư 10 nhưng tạo ra sự bất cập trong thực tiễn.

Đoàn Luật sư sẽ có văn bản báo cáo, kiến nghị để sửa đổi Thông tư 10 phù hợp thực tế

Sau hơn 3 giờ lắng nghe các ý kiến góp ý của đồng nghiệp, Luật sư Nguyễn Văn Trung, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh đã kết luận:

Các ý kiến góp ý của đồng nghiệp là những ý kiến tâm huyến, trăn trở với nghề. Vai trò của Đoàn Luật sư, TCHNLS, LSHD rất quan trọng, quyết định đến chất lượng của NTSHNLS. Thông tư 10 khi ban hành chưa lấy ý kiến góp ý của giới luật sư nên có những quy định vô lý, khó thực hiện và phần nào là thụt lùi so với Thông tư 19. Đơn cử, quy định về NTSHNLS khi hết thời gian tập sự và thi không đạt kết quả, khi thi lại, LSHD và TCHNLS không xác nhận lại là hết sức vô lý. Quy định hiện nay, giao cho Đoàn Luật sư xác nhận thì không thể làm được. Trên thực tế, có kỳ thi, Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh phải xác nhận mấy trăm trường hợp trong khi họ hết thời gian tập sự, không ai quản lý, việc xác nhận nặng tính hình thức, không xác thực tế nên cần phải sửa. Hay việc chấm thi phúc tra, thang điểm 100 cũng nên tham khảo quy định chấm thi, thang điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, không thể đặt ra quy định như Thông tư 10.

Với 54 nội dung góp ý, kiến nghị của Luật sư tại Hội thảo, Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh sẽ tổng hợp va báo cáo LĐLSVN. Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh với số lượng NTSHNLS lên đến hơn 4.000 người, tiếng nói góp ý từ thực tiễn của Đoàn có vai trò quan trọng trong việc xây dựng Thông tư sửa đổi Thông tư 10 của Bộ Tư pháp về hướng dẫn TSHNLS.

Tin tức khác


   Trang sau >>

Tin - bài mới cập nhật













   SỐ LƯỢT TRUY CẬP

9,165,030