ÂM DƯƠNG HÀI HOÀ, ĐÔNG TÂY HỘI TỤ Ở LỊCH ĂN TẾT!
Âm dương hài hoà, Đông Tây hội tụ ở lịch ăn Tết!
Luật sư Tống Quang Minh
Trên mạng vừa qua đã diễn ra cuộc tranh luận tết Ta – tết Tây đến mức có nhiều ý kiến gây căng thẳng, thậm chí nặng lời bài bác giáo sư này, tiến sỹ nọ, sử gia kia chỉ vì ý kiến rằng ta có nên “ăn tết” dương lịch thay tết âm lịch (ÂL) nhằm tiết kiệm thời gian để bắt kịp thời cơ hội nhập.
Được biết có >50% ý kiến chống lại đề nghị trên đây. Các ý kiến bài bác vì lo ngại là ta sẽ xóa bỏ truyền thống dân tộc. Vậy đặt vấn đề lưu giữ tryền thống dân tộc trên cơ sở nào khi mà pháp luật lao động Việt Nam đang cho những ngày nghỉ âm lịch gồm: tết ÂL từ 30 tháng chạp đến hết mùng 5 tháng giêng, chưa kể sẽ thêm ngày giỗ tổ Hùng Vương 10 tháng 3 ÂL; và lại từng nghỉ thứ bảy hàng tuần, ngoài chủ nhật, theo Tây phương và các nước khác.
Nói về ngày ÂL, sau ngày thống nhất đất nước thì người lao động chỉ có nghỉ chiều 30 tết và 2 ngày 1&2 tháng giêng ÂL, cho tới nay được phép nghỉ thêm 2,5 ngày đầu năm ÂL. Có người cho là ta đang nghỉ nhiều ngày quá ! Thực ra, số ngày nghỉ ở VN hiện nay không nhiều so với các nước, vì trong luật lao động ta không nghỉ những ngày riêng của tôn giáo, hay như ở châu Âu họ còn nghỉ cả ngày kỷ niệm chấm dứt thế chiến thứ I & II (ngoài ngày quốc tế lao động như ở VN) và thêm lễ Phục Sinh (ngày chúa Jesus sống lại trong Kinh thánh của đạo Cơ đốc) và cả Giáng sinh. Chưa hết, họ còn muốn chỉ làm việc 35 giờ/tuần (7 tiếng/ngày).
Nói về việc hội nhập “thời gian” chúng ta phải tìm hiểu lại âm lịch và dương lịch ra sao, rồi lịch tôn giáo trong đời sống của các dân tộc, từ đó dẫn đến nguồn gốc các ngày tết ở các nước.
Ngày 12/1/2013 trên báo mạng của Đại học Quốc gia Hà Nội có một bài viết nói về các nước ASEAN ăn tết ra sao tuy khá rõ nhưng chưa đủ để ta xem xét vấn đề hội nhập quốc tế hợp lý. Qua bài viết này ta thấy có 4 nhóm nước và lãnh thổ: Việt Nam, Đài Loan và Singapore với tết nguyên đán (1 tháng giêng) như ở Trung quốc; còn Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Lào “ăn tết” theo Phật giáo (3 ngày 13-15/ 4 Phật đản); Indonesia, Malaysia và Brunei ăn tết theo Hồi giáo (sau tháng Ramadan); riêng Philippin thì chỉ ăn tết dương lịch, như Nhật bản và Hàn quốc. Trên lịch của họ chỉ có ngày dương lịch như Tây phương. Tuy nhiên về lịch mà nước chúng ta đang dùng là âm dương lịch (có ngày trên dương, ngày dưới âm; năm số và Can Chi; mới thành ra năm 2013 -Kỷ tỵ).
Dương lịch (DL) các nhà thiên văn dùng thuật toán để tính ngày dựa theo sự chuyển động theo mặt trời của trái đất. Khi xưa họ đều ở trong các giáo hội và khi tôn giáo còn chi phối chính quyền thì quy định về thời gian của họ trở thành “luật”. DL mà hầu hết các nước đang dùng hiện nay là của Đức giáo hoàng Gregory XIII công bố năm 1582, nó nhanh chóng được các nước Công giáo chấp nhận. Sau đó đến các nước theo Tin Lành đã theo lịch này, còn các nước Đông Âu thì muộn hơn. Vương quốc Anh thì bắt đầu 1752 bỏ lịch cổ của mình để theo lịch Gregory. Thụy Điển chấp nhận lịch Gregory năm 1753. Trước đó Thụy Điển có thời kỳ 12 năm bắt đầu từ năm 1700 đã sử dụng lịch Julius sửa đổi. Nga thì duy trì lịch Julius cho đến tận Cách mạng Nga, chính vì thế nó được gọi là ''Cách mạng tháng Mười Nga'' nhưng diễn ra vào tháng 11 theo lịch Gregory năm 1917, trong khi Hy Lạp vẫn tiếp tục sử dụng lịch Julius cho đến tận năm 1923. Lịch Julius do Jilius Ceasar của Đế chế La Mã đưa ra từ năm 45 trước Công nguyên. Lộ trình chuyển đổi có sai khác như sau:
- Lịch Cộng hòa La Mã (trước Julius): 30, 29, 30, 29, 30, 29, 30, 29, 30, 29, 30, 29, tổng cộng 354 ngày. Rồi xen kẽ với các năm nhuận, mà các năm nhuận này lại xen kẽ các năm 377 và 378 ngày. Cứ trong 1 chu kỳ 24 năm lại có 3 năm nhuận (7 năm thường + 1 năm nhuận)
- Lịch Julius: 31, 29 (hay 30), 31, 30, 31, 30, 31, 30, 31, 30, 31, 30, tổng cộng 365 ngày
- Lịch Gregory: 31, 28 (hay 29), 31, 30, 31, 30, 31, 31, 30, 31, 30, 31, tổng cộng 365 ngày.
2 lần lịch về sau cho thấy 4 năm thì có tháng 2 nhuận 1 ngày ứng với trái đất quay xung quanh mặt trời hết 365,25 ngày. Cứ năm nào có 2 số sau chia chẵn cho 4 thì là năm nhuận; còn những năm tròn thế kỷ thì phải năm nào chia chẵn 400 mới nhuận: như năm 2000 thì nhuận, nhưng năm 1700 hay 1900 thì không nhuận, và năm 2100 cũng sẽ không nhuận, . . .). Tuy nhiên, cũng phải biết rằng lịch Gregory hay DL hiện nay chỉ tính đến năm 2800 thôi (cũng không có nghĩa là năm này lại “tận thế” như lịch người Maya tính chỉ đến năm 2012). Những năm nhuận này hiện là những năm đồng thời bầu cử tổng thống Mỹ và cũng diễn ra thế vận hội Olympic một cách ngẫu nhiên với chu kỳ 4 năm.
Lịch theo mặt trời còn gọi là DL mà dân ta còn gọi lịch Tây; có lẽ được tính từ thời vua Bảo Đại khi triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam được “tây hóa” để phân biệt với lịch Ta. Thực ra trước đây lịch nước ta theo niên hiệu nhà vua, ví dụ Hồng Đức năm thứ … đời vua Lê Thánh Tông (giống như Trung quốc hay Nhật bản). Trong khi nhà vua có 2 niên hiệu, với niên hiệu Thiệu Bình trước đó, thì lại là Thiệu Bình năm thứ…, cũng chính từ đó gọi bộ luật Hồng Đức chứ không nêu lên năm.
Âm lịch (ÂL): Chỉ có các nước Hồi giáo mới dùng lịch theo chu kỳ mặt trăng (Lịch Hijri). Loại lịch này có 12 tháng trong mỗi năm với khoảng 354 ngày (cũng như dương lịch thời kỳ ban đầu). Do năm âm lịch này ngắn hơn so với năm dương lịch khoảng 11 ngày, nên các ngày lễ thiêng của Hồi giáo, mặc dù được kỷ niệm vào các ngày cố định trong lịch của họ, thường dịch chuyển lùi lại khoảng 11 ngày trong mỗi năm dương lịch kế tiếp, mà khi đối chiếu với lịch Gregory thì chỉ có năm 2008 dương lịch là năm gần đúng nhất với năm 1429 của lịch Hồi giáo.
Lịch Hồi giáo cũng có 12 tháng, trong đó tên tháng thứ 9 là Ramadan. Đây là tháng quan trọng nhất. Các giáo dân Hồi giáo cần phải kiêng khem ăn uống, rèn luyện giảm ham muốn cá nhân (như mùa ăn chay trong Phật giáo). Nhưng lịch Hồi giáo không đồng nhất hóa được với khái niệm ÂL như ta nói đến ở VN hay Trung quốc. Như vậy, họ dùng âm dương lịch theo kiểu khác ta. Dù ÂL của họ cũng dựa trên năm có 12 tháng, được bổ sung sao cho nó chứa trung bình khoảng 354,367 ngày. Mỗi tháng được định nghĩa như là khoảng thời gian trung bình trong sự xoay của mặt trăng quanh trái đất (29,530588... ngày). Theo quy ước, các tháng 30 ngày và 29 ngày kế tiếp lẫn nhau, làm cho hai tháng kế tiếp nhau có tổng cộng 59 ngày. Điều này làm cho sự dao động thời gian của tháng chỉ là khoảng 44 phút để tính toán tiếp, nó sẽ bổ sung đủ cho 1 ngày (24 giờ) trong vòng 2,73 năm. Hiện nạy chỉ có Ả Rập Saudi là quốc gia Hồi giáo duy nhất còn sử dụng ÂL này như là lịch cho hoạt động thường ngày của chính quyền, còn các nước Hồi giáo khác đều sử dụng ta gọi là ÂL cho mục đích tôn giáo mà thôi. Như vậy, lịch Gregory tức dương lịch hiện nay coi như đã thống trị gần như toàn cầu.
Trong tiếng Việt, khi nói tới âm lịch thì người ta nghĩ tới loại lịch được lập dựa trên các cơ sở và nguyên tắc của lịch Trung Quốc, nhưng Việt Nam có sự chỉnh sửa lại theo UTC+7 (giờ Hà Nội, bắt đầu từ năm 1967) thay vì của Trung quốc là UTC+8 (giờ Bắc Kinh, trước Hà Nội một múi giờ). Chính ra ở Sài gòn trước 1975 đã dùng giờ Bắc Kinh theo người Hoa. Và hiện nay Malaysia và Singapore cũng vậy, nên mới hơn Hà Nội 1 tiếng đồng hồ trong khi “Sài gòn” xưa hay 2 nước này cùng múi giờ với Hà Nội - Việt Nam. Cái chung ở Trung quốc, Hàn quốc, Triều Tiên, Nhật bản và Việt Nam (nói vui là những nước từng sử dụng nét chữ “cọ quẹt”, khác với các nước trong khu vực từng sử dụng nét chữ “lăn quăn”) đã từng tính toán 10 Can và 12 Chi tạo nên chu kỳ lịch 60 năm ÂL. Cách gọi năm ở VN theo Trung quốc sẽ kèm cách ghép Can (giáp, ất, bính, đinh, mậu, kỷ, canh, tân, nhâm, quý) và Chi (tý, sửu, dần, mão, thin, tỵ, ngọ, mùi, thân, dậu, tuất, hợi). Nhưng lịch VN chỉ giống Can, còn khác Chi qua biểu tượng loài vật (TQ có thỏ, bò và cừu; còn VN lại là mèo, trâu và dê).
Với kiểu lịch Trung quốc hay Việt Nam hiện là một loại âm dương lịch theo sát nghĩa chứ không phải âm lịch thuần túy. Một số nơi ở Nhật cũng còn dùng ÂL như ta với Trung quốc, nhưng là UTC+9. Trong đó, UTC là từ viết tắt của tiếng Anh Coordinated Universal Time được dùng thay cho GMT (Greenwich Mean Time) = 0 giờ tại kinh tuyến của đài thiên văn Greenwich, Anh quốc. DL nhuận 1 ngày, còn ÂL nhuận 1 tháng. Theo âm dương lịch thì trong 19 năm dương lịch có 228 tháng dương lịch, tương ứng với 235 tháng ÂL, thừa 7 tháng so với năm dương lịch, gọi là 7 tháng nhuận. Bảy tháng này được quy ước vào các năm thứ 3, 6, 8 hoặc 9, 11, 14, 17, 19 của chu kỳ 19 năm.
Từ lịch qua tết, thì khi nói đến các nước châu Á ăn “tết Tây” chỉ có cách đón tết của người dân Philippines vừa chịu ảnh hưởng của phương Tây lẫn Trung Quốc, nhưng đồng thời cũng mang những nét truyền thống đặc trưng. Trước đêm giao thừa, các gia đình bắt đầu chuẩn bị bàn tiệc “Media Noche” để cả gia đình cùng thưởng thức vào đúng nửa đêm. Các nước Malaysia, Indonesia (Tết Hijriah) và Brunei (tết Hari Raya) thì ăn tết theo Hồi giáo ngay sau tháng Ramadan. Riêng Nhật bản ăn tết Oshogatsu nhưng đã chuyển sang theo Tết dương lịch như phương Tây từ năm 1873; tết của dân Nhật cũng là sự kiện để nghênh đón vị thần Toshigamisama theo phong tục đón năm mới; hiện họ vẫn giữ được những truyền thống Á Đông điển hình, bên cạnh đó cũng thu nhận những nét văn hóa mới từ phương Tây qua quá trình giao lưu, tương tác theo thời gian. Hàn quốc có Tết Seollah cũng vào ngày đầu năm mới; còn Ấn độ thì tết rơi vào 14/4 cùng thời điểm tết của các xứ Phật giáo, tuy nhiên ở một số bang có ngày tết mang tên riêng.
Trở lại lịch Việt Nam hay đúng hơn là âm dương lịch Việt Nam, đó là một nét độc đáo so với các nước. Trên cơ sở đó “tết” hay đúng hơn là “tết nguyên đán” (“nguyên đán” là buổi sáng đầu tiên). Nói cho vui, Anh Mỹ ngày nào cũng chào nhau “good morning” còn dân mình một năm mới chào buổi sáng vào ngày 1/1 ÂL, với lễ hội rất là long trọng và kéo dài 3-4 ngày tới nguyên cả tuần. Người Trung quốc hiện nay gọi đây là "Xuân Tiết" (tết với tiết là một) vẫn ăn tết cổ truyền của họ, mặc dù từ năm 1949, Trung Quốc đã chính thức chuyển qua dùng dương lịch và chuyển qua gọi Tết dương lịch là Tết Nguyên đán. Liệu bằng mệnh lệnh hành chính ở ta sẽ chuyển lịch “ăn tết” từ “Ta” sang “Tây” như Nhật hay Thái Lan hoặc như diễn tiến từ các nước châu Âu trong vòng 400 năm qua hay không ? (có người cho rằng sẽ “nuôi hươu cao cổ”)
Trong khi đó Campuchia có tết Chaul Chnam Thmay, Myanmar có tết Thingyan, Lào có tết Bulpimay, Thái Lan có tết Songkran, họ đều theo Phật lịch, hoàng gia Thái lan đã chuyển tết Songkran sang ngày dương lịch từ năm 1941, Lào và Myanmar cũng đều quy về ngày dương lịch (13 – 16/4) với chung phong tục lễ hội “té nước” được giữ nguyên. Do đó, nếu có đề nghị chuyển tết “chào ngày đầu năm mới” từ 1/1 ÂL ở nước ta sang 1/1 DL mà giữ nguyên các phong tục tập quán thì cũng không phải là “theo Tây” ngoại lai. Lúc ấy quy phạm pháp luật về “thời gian” trong luật lao động cũng dễ dàng điều chỉnh thôi ! Ta vốn có thói quen giỗ ngày ÂL và sau này “Tây hóa” có sinh nhật; nếu mai này “ăn tết” theo DL thì chắc chắn cũng phải gắn liền phong tục vốn có (mà thực ra đã dần bỏ một phần) trên tinh thần vui tươi, an toàn và tiết kiệm.
Nhớ ngày xưa: Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ,
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh
Còn ngày nay người ta ngán “mỡ” do nguy cơ bệnh tim mạch; “cây nêu” chỉ còn ở đôi nơi thôn xóm; “tràng pháo” bị cấm hoàn toàn bằng Chỉ thị số 406/CT-TTg ngày 8/8/1994 vì tính chất nguy hiểm dễ gây sát thương của nó. Thay vào đó, là việc tổ chức các đêm bắn pháo hoa cho người dân thưởng thức. Câu đối chữ Nho ngày nay mở rộng thành thư pháp chữ Việt. Dù thế nào thì tết Việt Nam vẫn đậm nét gia đình đón chào năm mới, con cháu nhớ đến tổ tiên, truyền thống ấy thể hiện ở đón giao thừa với tín ngưỡng mời ông bà (đã khuất) về nhà đón xuân, sau đó: mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ (vợ), mồng ba tết thầy.