LUẬT SƯ VỚI VIỆC HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH

 

Luật sư với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch

Công ty Luật TNHH An Pha Na

Sự nghiệp đổi mới đất nước đã và đang đặt ra những yêu cầu ngày càng cao đối với sự hình thành và phát triển những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của con người Việt Nam, đồng thời tạo ra những thuận lợi và những thử thách mới đối với mỗi chúng ta trong lĩnh vực đạo đức. Hơn lúc nào hết, hiện nay toàn Đảng, toàn dân ta phải quan tâm đầy đủ đến vấn đề đạo đức, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện những chuẩn mực đạo đức đúng đắn, tiến bộ; đẩy mạnh giáo dục, rèn luyện và tăng cường quản lý đạo đức trong Đảng và trong nhân dân. Kế thừa truyền thống đạo đức tốt đẹp của ông cha, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một trong những biện pháp quan trọng để khắc phục sự suy thoái về đạo đức, lối sống trong cán bộ, Đảng viên và nhân dân, làm lành mạnh nền đạo đức xã hội, góp phần giữ vững sự ổn định chính trị, xã hội, tạo động lực cho sự phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững. Vấn đề cơ bản nhất khi thực hiện cuộc vận động là mỗi người chúng ta phải nhận thức đầy đủ vị trí của vấn đề đạo đức, thường xuyên tự giác, nỗ lực học tập, rèn luyện, tu dưỡng theo gương Bác Hồ vĩ đại. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ kính yêu của dân tộc ta, đã hiến dâng tất cả tình cảm, trí tuệ và cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Người đã để lại tài sản vô giá là tư tưởng và tấm gương đạo đức trong sáng, mẫu mực, cao đẹp, kết tinh những giá trị truyền thống của dân tộc, của nhân loại và thời đại. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác là niềm vinh dự và tự hào đối với mỗi cán bộ, Đảng viên và mỗi người Việt Nam.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, Bộ Chính trị (Khoá X) đã ban hành Chỉ thị 06-CT/TW, ngày 07-11-2006 về “Tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Trong những năm qua, với sự chỉ đạo thường xuyên, chặt chẽ của các cấp u và tổ chức Đảng; sự tham gia tích cực của cán bộ, Đảng viên và nhân dân, cuộc vận động đã đạt được kết quả bước đầu, góp phần vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng. Kết quả triển khai cuộc vận động đã khẳng định việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là rất quan trọng và cần thiết, chẳng những đáp ứng yêu cầu cấp bách trước mắt mà còn có ý nghĩa cơ bản, lâu dài đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.

Vậy, tại sao Đảng ta lại phát động phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ? Xuất phát từ việc Đảng ta muốn toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức sâu sắc những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh; tạo chuyển biến mạnh mẽ và sâu rộng hơn nữa về ý thức tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội thực dụng, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn tham nhũng, tiêu cực; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Để có thể thực hiện được mục đích nêu trên, yêu cầu đặt ra là tạo sự thống nhất cao về nhận thức trong Đảng và xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, coi đây là công việc thường xuyên hằng ngày, là trách nhiệm cụ thể thiết thân của mọi cán bộ, Đảng viên và nhân dân.

Như chúng ta biết, việc học tập, trau dồi kiến thức đối với mỗi luật sư là việc làm không thể thiếu. Muốn có kỹ năng hành nghề tốt, ngoài kiến thức chuyên môn ra ở mỗi luật sư cần phải có sự chuyên cần cập nhật về kiến thức pháp luật. Kỹ năng không phải một sớm, một chiều mà có được mà đó là sự đúc kết của cả một quá trình rèn luyện và học tập tự thân của mỗi luật sư. Sự rèn luyện thường xuyên giúp cho hoạt động của luật sư đạt hiệu quả cao hơn.

Hoạt động nghề nghiệp của luật sư là góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Để có thể làm tốt các chức năng mà xã hội giao phó, người luật sư cần phải xác định được tầm quan trọng của việc học tập, rèn luyện và coi đây là công việc thường xuyên hằng ngày, là trách nhiệm cụ thể thiết thân của mọi luật sư.

Một trong những yêu cầu đặt ra không kém phần quan trọng trong việc thực hiện mục đích của Đảng trong phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là tiếp tục xây dựng và tổ chức thực hiện những chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh, phù hợp với đặc điểm hoạt động của từng ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trong giai đoạn hiện nay. Việc xây dựng những chuẩn mực đạo đức phù hợp với đặc điểm hoạt động của từng ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị là hết sức quan trọng. Ngành nghề nào cũng có một chuẩn mực đạo đức, nếu như không xây dựng một chuẩn mực đạo đức cho riêng ngành của mình, thì sẽ dễ phạm vào những sai phạm và dẫn đến những hậu quả khó lường. Phạm trù đạo đức được hiểu là một hiện tượng xã hội phản ánh các mối quan hệ hiện thực bắt nguồn từ bản thân cuộc sống con người. Đạo đức là tập hợp những quan điểm của một xã hội, của một tầng lớp xã hội, của một tập hợp người nhất định về thế giới, về cách sống. Nhờ đó con người điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp với lợi ích của cộng đồng xã hội.

Xét về mặt nghĩa vụ của đạo đức thể hiện ở chỗ khi con người tham gia vào hoạt động sản xuất và hoạt động sống, mỗi người phải ý thức được trách nhiệm của bản thân mình đối với người khác và đối với cộng đồng.  Điều đáng chú ý là việc thực hiện nghĩa vụ đạo đức bao giờ cũng mang tính tự giác và do chính bản thân đã nhận thức rõ vấn đề. Do vậy, khi thực hiện nghĩa vụ đạo đức con người luôn có cảm giác hạnh phúc, hài lòng vì tình cảm cao thượng, vì lòng tự trọng và phẩm giá của con người. Nghĩa vụ đạo đức của con người có mối liên hệ chặt chẽ với nghĩa vụ pháp lý. Nghĩa vụ đạo đức và nghĩa vụ pháp lý của con người đều có chung mục đích là nhằm điều chỉnh hành vi của con người cho phù hợp với qui tắc, chuẩn mực chung của xã hội. Nghĩa vụ không hình thành một cách tự nhiên, nhất thời mà nó được hình thành và hoàn thiện trong cả quá trình giáo dục, tự giáo dục, rèn luyện trong hoạt động thực tiễn của mỗi cá nhân, thậm chí qua quá trình đấu tranh, thử thách của cuộc sống. Đặc thù của nghề luật sư luôn đề cao đạo đức, lấy đạo đức là kim chỉ nam cho việc hành nghề của mình. Trong hoạt động nghề nghiệp, luật sư phải ý thức được trách nhiệm của mình là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức trên cơ sở pháp lý. Không vì lợi ích cá nhân của riêng tư mình mà làm xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác. Thực tiễn trong hoạt động nghề nghiệp của mình, một bộ phận luật sư đã quên đi nghĩa vụ đạo đức của mình và đã làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Điển hình là luật sư “phải” tham gia bào chữa chỉ định trong vụ án hình sự. Một số luật sư đã xem đây là một “nghĩa vụ” và đã không toàn tâm, toàn ý khi thực hiện thiên chức của mình. Số phận pháp lý của bị can, bị cáo có thể được quyết định một phần nào đó qua hoạt động hành nghề của luật sư. Chính từ việc làm của những luật sư này, xét về mặt đạo đức, họ đã vi phạm vào quy tắc đạo đức khi hành nghề. Xét về mặt chuyên môn, họ đã đánh mất chính mình và họ đã làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự chung của các luật sư khác.

Hay một biểu hiện khác, vì khoản thù lao luật sư quá cao do thân chủ đề ra mà một thiểu số luật sư đã “bằng mọi cách” để đi đến “đích”, bất chấp thủ đoạn, bất chấp quy tắc đạo đức nghề nghiệp để thực hiện cho được. Sự vi phạm đạo đức trong hoạt động nghề nghiệp luật sư không phải là con số nhỏ, số liệu thống kê của các cơ quan chức năng chỉ mang tính tương đối đối với những vụ việc rõ ràng. Chính vì thế phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của Đảng ta là hết sức cần thiết. Việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức ở mỗi luật sư luôn luôn được đặt ra và không phải khi chấm dứt phong trào là chấm dứt việc rèn luyện, tu dưỡng. Hay chúng ta có bao giờ tự đặt ra câu hỏi cho mình là “Tại sao nghề luật sư ở các nước luôn được trọng vọng ?” Địa vị pháp lý của luật sư Việt Nam chúng ta ngày được tôn trọng hơn. Nhưng muốn được xã hội tin cậy, trọng vọng thì chính trong mỗi luật sư phải luôn thể hiện thái độ tích cực của mình ở trên mọi lĩnh vực, trong đó, học tập và rèn luyện là hai mặt không thể tách rời nhau.

Trong nội bộ, mỗi luật sư là đảng viên phải luôn thể hiện mình là một tấm gương sáng cho các luật sư chưa phải là đảng viên noi theo. Tấm gương ấy được thể hiện ở việc luôn đi đầu trong mọi công tác mà Đảng giao phó, luôn nêu cao ý thức tự giác gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng và chấp hành các quy định của pháp luật. Luôn dìu dắt, truyền đạt kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho lớp luật sư kế thừa. Kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, sai trái, tham nhũng, lãng phí…bên cạnh đó, làm tốt công tác xây dựng đảng, bồi dưỡng, giới thiệu các quần chúng có năng lực, tư tưởng tốt vào hàng ngũ của Đảng.

Việc “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là một việc làm thiết thực và mang một ý nghĩa cực kỳ to lớn. Từ những việc làm rất nhỏ của Bác, từ những tư tưởng, tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác luôn là những bài học cho mỗi chúng ta noi theo. Cho dù là luật sư được đứng trong hàng ngũ của Đảng, hay chưa được đứng vào hàng ngũ của Đảng, mỗi luật sư phải nhận thức được tầm quan trọng của việc “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là điều không thể thiếu trong hoạt động nghề nghiệp của mình.

Có thể nói nghề luật sư là một nghề tự do, với kỹ năng, kiến thức chuyên môn của mình, người luật sư phải nhận thức được việc thường xuyên rèn luyện về chuyên môn, và phải ý thức được việc tu dưỡng đạo đức hàng ngày thì mới có thể là một luật sư chuyên nghiệp, giúp cho xã hội phát triển bền vững, dân chủ và công bằng. Ở Bác, một tấm gương sáng về học tập và rèn luyện. Từ câu nói đến hành động của Bác luôn thể hiện sự đơn giản, nhưng nội hàm của những hành động, lời nói ấy là cả một kho tàng mà chúng ta may mắn có được. Đó là tấm gương “học tập và rèn luyện” suốt đời. Đối với mỗi cán bộ, Đảng viên là một luật sư, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là nhiệm vụ rất quan trọng và thường xuyên, qua đó để giáo dục, rèn luyện mình, xứng đáng là đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam, là “người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của nhân dân”.

Tin tức khác


   Trang sau >>