SỬA ĐỔI BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ: CÚ HÍCH PHÁP LÝ 2013

 

Sửa đổi Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự: Cú hích pháp lý 2013

Luật sư Trần Thị Phụng

“Những gì các luật sư đồng nghiệp trải qua thì tôi cũng đã trải qua. Tôi cũng đã từng cảm thấy cô đơn, tôi cũng đã từng bị từ chối…Nhưng nếu chỉ thấy khó khăn mà không quyết tâm thì có khi phải bỏ nghề. Chúng ta đang sống và làm việc trong một nền kinh tế hội nhập và phát triển, do vậy nghề luật sư càng được chú trọng phát huy, đặc biệt là luật sư tranh tụng. Tương lai luật sư chúng ta sẽ như thế nào? Tôi tin rằng sẽ rất tươi sáng ! ”

Đó là ý kiến phát biểu xúc động và đầy tâm huyết của luật sư (LS) Nguyễn Đăng Trừng, chủ nhiệm Đoàn luật sư Thành phố Hổ Chí Minh (ĐLS TP.HCM) tại buổi hội thảo trao đổi với Tiểu ban Luật Tố tụng hình sự Liên Đoàn Luật sư (LĐLS) Việt Nam về “Thực trạng hành nghề của luật sư trong hoạt động tố tụng hình sự” đã được tổ chức vào ngày 29/12/2012 tại trụ sở ĐLS TPHCM.

Cấp Giấy chứng nhận bào chữa- “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”

Trong quá trình tổ chức khảo sát về thực trạng hành nghề của luật sư trong hoạt động tố tụng hình sự do Liên Đoàn Luật sư Việt Nam tiến hành, đã thu hút rất nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận đề cập đến những bất cập trong trong lĩnh vực tố tụng. Tại buổi hội thảo, không khí hội trường đã “nóng” lên khi hàng loạt khó khăn của luật sư được đặt ra.

Phát pháo đầu tiên gây “tiếng vang” được nhiều hưởng ứng của các luật sư tham dự chính là thủ tục cấp Giấy chứng nhận bào chữa (GCNBC) với nhiều giai đoạn thăng trầm, nhiêu khê đến mòn mỏi. Một luật sư chia sẻ ông đã mất thời gian 18 ngày với Viện Kiểm sát (VKS) và 10 ngày với toà án (TA) để có GCNBC (?). Một LS khác bức xúc không kém: “ Thế là may mắn hơn tôi, trước khi cấp GCNBC “họ” còn hoạch ho nhiều yêu cầu không xác đáng và không đúng quy định của pháp luật”.

LS Hoàng Văn Sơn ý kiến : Luật quy định GCNBC chỉ được cấp sau khi vụ án bị khởi tố. Vậy ở giai đoạn tạm giữ hoặc chưa có quyết định tạm giữ (giai đoạn tiền tố tụng) thì sao ? Khi xuất hiện ở giai đoạn này, Cơ quan điều tra (CQĐT) đã từng phát biểu với ông  LS bào chữa thì ra toà án !”.  LS Sơn tiếp tục đặt vấn đề:  Đối với giai đoạn “hậu tố tụng”, khi có quyết định đình chỉ hoặc không khởi tố vụ án, “Ai” sẽ cấp GCNBC ? Trong trường hợp này,  LS lại càng cần phải được tham gia, tiếp cận hồ sơ để làm rõ bản chất vụ án, nhắm xác định quyết định đình chỉ hoặc không khởi tố có đúng quy định pháp luật chưa.

Gian nan con đường tố tụng 

Trong thời gian tạm giữ thường không có LS tham gia và sau đó bị can cũng thường nói “bị ép cung”. Thực ra, nếu có LS có thể cách lấy cung cũng sẽ có “diễn biến” khác. Từ ý kiến này, nhiều LS cũng tỏ ra khá bức xúc về câu chuyện dài hơi của vấn đề “Cải cách tư pháp” và  “Pháp  chế Xã hội chủ nghĩa”. Theo phần lớn các ý kiến, LS hành nghề cũng phải tuân thủ nguyên tắc bảo vệ pháp chế Xã hội chủ nghĩa, nên quá trình tham gia tố tụng của LS từ giai đoạn điều tra là hết sức cần thiết. Ngay từ khi Công an lập biên bản với người bị bắt quả tang đã cần phải xác định yêu cầu LS. Nhiều LS phản ảnh: “Thực tế,người thân còn bị hạn chế tiếp xúc đừng nói chi LS. Có nhất thiết buộc phải có yêu cầu LS bằng văn bản của bị can, người bị tạm giữ ? Luật cần làm rõ quy định điều kiện để LS tiếp cận thân chủ của mình”.

Một LS  bức xúc: “Nâng tầm LS, nhưng lại không tuân thủ những điều pháp luật quy định để thực hiện quyền của LS ? Nên chăng cần xem lại văn hoá ứng xử của cán bộ tố tụng đối với LS.” Một số LS cho rằng “ Không phải các cán bộ tiến hành tố tụng không nắm rõ pháp luật, nguyên nhân thuộc về ý thức chủ quan của họ trong việc thực thi pháp luật”.

Phản ảnh về thái độ thiếu khách quan của Hội đồng xét xử (HĐXX), một LS cho hay, khi LS trình bày sự mâu thuẫn chứng cứ trong hồ sơ, chỉ được HĐXX “ghi nhận” , đối với các câu hỏi LS cần làm rõ tại toà cũng bị HĐXX cắt ngang hoặc ngắt lời “ Hỏi rồi LS không cần hỏi lại”. Phần lớn các LS đều phản ảnh việc toà án phủ nhận ý kiến LS mà không giải thích tho đáng và đề nghị “Cơ quan tiến hành tố tụng cần nên xem xét thấu đáo các kiến nghị của LS hoặc phải giải thích rõ ràng nếu không chấp nhận”  hoặc “Phải lưu các ý kiến pháp lý, văn bản kiến nghị của LS vào hồ sơ tố tụng để sau này có cơ sở đối chiếu”. Các LS cũng trăn trở chia sẻ về việc LS đang bị “vô hiệu hoá” khi hành nghề, không chỉ trong giai đoạn điều tra, ngay cả vị trí ngồi tại phiên toà đến các chứng cứ do LS thu thập cũng đều bị hạn chế tối đa.

“Chênh vênh, liêu xiêu con đường nhỏ, cô đơn cùng với tôi về…”

Đã có rất nhiều LS đã mạnh dạn phân tích những khó khăn gặp phải trong quá trình hành nghề. Dù BLTTHS có quy định rất rõ ràng, nhưng thực tế họ vẫn luôn bị cản trở khi phối hợp với Cơ quan tiến hành tố tụng (CQTHTT). Diễn đàn hội thảo bỗng dưng chùn xuống khi nghe LS Khắc Hiếu đau đáu chia sẻ tâm trạng “tác nghiệp cô đơn”. Theo đó, có trường hợp một LS đã nhiều lần cố gắng nhưng vẫn không tiếp cận được Bị can, sau đó LS phải “cầu cứu” LS P.T.H (LĐLS) liên hệ Bí thư tỉnh can thiệp để được gặp Bị can (?) “Liệu có phải CQTHTT không hành xử theo pháp luật mà bị chi phối bởi “quyền lực” ?  Các LS bức xúc . “Cần phải có chế tài cụ thể xử lý hành vi vi phạm tố tụng của những người tiến hành tố tụng cản trở công việc hợp pháp của LS”. Đồng quan điểm, LS Việt Vương đề nghị : “Cơ quan xử lý vi phạm của CQTHTT phải là cơ quan độc lập hoặc thủ trưởng cấp trên, chứ không thể là thủ trưởng của cơ quan đó”. Nhiều ý kiến đã rất đồng tình về các kiến nghị này.

Nói về mối quan hệ giữa LĐLS ; ĐLS và LS với nhau, một LS trăn trở cho đó là một thực trạng đáng buồn. Theo ông, trong quá trình tham gia tố tụng, LS phải “đương đầu” với muôn vàn khó khăn, thiếu kinh nghiệm lẫn bản lĩnh xử lý …sẽ tốt hơn rất nhiều nếu LS nhận được sự động viên, chia sẻ, hỗ trợ tinh thần của tổ chức quản lý nghề nghiệp để động viên LS vượt qua trở ngại, thách thức mà họ phải “đối đầu” trong đó có cả vấn đề tiêu cực. 

Biết người biết ta…

Bên cạnh những phân tích hạn chế từ CQTHTT gây ảnh hưởng không nhỏ cho việc hành nghề của LS, một thực trạng cũng cần phải nhìn nhận về phong cách tác nghiệp, văn hoá ứng xử và kiến thức pháp luật của LS khi tham gia hành nghề tranh tụng. “Hơn ai hết, LS cần phải trang bị chắc chắn kiến thức pháp luật của mình, nhất là các quy định về tố tụng, về quyền và nghĩa vụ của LS. LS Tố Mai ý kiến.

Tiếp cận sự việc ở một khía cạnh khác, LS Trần Văn Tạo - một “chuyên gia hình sự” đã lạc quan phân tích thuận lợi của chính mình trong khi hành nghề. “Cũng cần nhìn nhận đã có rất nhiều CQTHTT thực hiện rất nghiêm túc quy định của BLTTHS.” Ông cũng chia sẻ tích cực “ Khi tham gia một vụ án ở Hà Nội, LS đã được  cấp GCNBC trong vòng một buổi sáng”. Theo LS Tạo, hành nghề LS gặp khó khăn trong công việc khi tham gia tố tụng một phần phụ thuộc vào “hành xử cá nhân”.

Liên quan đến yếu tố “hành xử cá nhân” , một LS khá trẻ, đã mạnh dạn chia sẻ tâm tư về “đạo đức nghề nghiệp LS”, việc cân nhắc giữa lợi ích khách hàng và lợi ích cá nhân trong ứng xử một số vấn đề nhạy cảm khi tác nghiệp, khi gặp trường hợp thân chủ của mình phản cung, thay đổi lời khai, chối tội hoặc trường hợp mâu thuẫn chứng cứ do khách hàng cung cấp…

Đâu là mấu chốt ? 

Nhiều vấn đề khó khăn đã được đặt ra nhằm phản ảnh sự bất cập trong BLTTHS, trong đó nổi bật sự yếu kém về vấn đề bảo vệ quyền con người. LS Hoàng Văn Sơn dí dỏm phân tích khi đưa ra một tình huống “dở khóc, dở cười”. Ông chia sẻ: Trong một lần làm việc giữa LS với thân chủ (bị can), khi LS đặt câu hỏi với bị can thì lại được nhận câu trả lời từ Điều tra viên (?!).

Một nữ LS nguyên là Kiểm sát viên (về hưu) đã nhẹ nhàng hé mở một trong những “mấu chốt” khiến CQĐT “phải khó khăn” với LS thường do các vụ án chứng cứ gián tiếp, nếu để LS tiếp cận sẽ bị “hỏng” hồ sơ (?).Theo LS này, nên mạnh dạn cho LS “vào” để “thử thách tay nghề” của Điều tra viên. Nếu để LS tham gia xuyên suốt các giai đoạn tố tụng kể cả trong quá trình khiếu nại bản án, bị cáo kêu oan đều hết sức cần thiết.

Có nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc điều chỉnh  điều kiện “phải có giấy có yêu cầu của người bị tạm giữ, bị can”  đã gây nhiều cản trở cho LS tham gia từ giai đoạn điều tra. Đồng thời kiến nghị tập trung một đầu mối cấp GCNBC do Viện kiểm sát thực hiện.

LS Tố Mai đề nghị “Luật cần quy định rõ việc cơ quan tố tụng  truyền đạt thông báo đến bị can, người bị tạm giữ…cần phải thể hiện bằng văn bản pháp lý có chỉ rõ định rõ quyền và nghĩa vụ của họ ngay từ giai đoạn điều tra”.

LS Mai Trung Tín cho rằng khó khăn nhất là việc tiếp cận nghi can, bị can trong giai đoạn điều tra để được cấp GCNBC, nên nhất thiết cần bổ sung thêm vào các văn bản thông báo hay quyết định có nội dung:  “bị can, người bị tạm giữ có quyền không trả lời khi chưa  có yêu cầu LS”. Theo ông, đó cũng chính là một trong những mấu chốt quan trọng giải quyết vấn đề.

Tại Phiếu khảo sát theo yêu cầu của ban tổ chức hội thảo, trong đó có đánh giá về hiệu quả của việc ban hành Thông tư 70/2011/TT-BCA quy định chi tiết thi hành các quy định của BLTTHS liên quan đến việc đảm bảo quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự. Dù có nhiều ý kiến trái chiều về thông tư này, LS Trịnh Vĩnh Phúc cũng không ngại chia sẻ quan điểm của mình về thẩm quyền ban hành một số nội dung liên quan đến hoạt động luật sư, ông cho rằng “Tại sao Bộ Công An lại ra văn bản qui phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động LS ?”. Theo đó, LS Phúc đã chân thật bày tỏ lo ngại khi viện dẫn một số nội dung thiếu tôn trọng, gây bất lợi cho hoạt động LS quy định tại khoản 2 điều 11 của Thông tư “Trong quá trình người bào chữa đọc, ghi chép tài liệu, điều tra viên phải giám sát chặt chẽ, không để người bào chữa tẩy xoá, sửa chữa, làm hư hỏng, rách, thay đổi, đánh tráo hoặc lấy mất tài liệu

Việc tiến hành “Phiếu khảo sát” do Ban tổ chức Hội thảo phát hành nhằm tìm ra mấu chốt vấn đề, nhưng đã khiến một số LS tỏ ra ngán ngại vì chỉ mang tính hình thức theo kiểu “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Tuy nhiên, cũng có nhiều LS cho rằng “Phiếu khảo sát” là rất cần thiết để làm cơ sở sửa đổi những bất cập của pháp luật, đồng thời làm cơ sở đào tạo nghề LS. Ngoài ra, các LS cũng đề nghị LĐLS nên thường xuyên mở các buổi hội thảo chuyên sâu trao  đổi, thảo luận để các LS trang bị và học hỏi thêm kinh nghiệm trong quá trình hành nghề.

Thời cơ pháp lý

Rất nhiều ý kiến xoay quanh việc LS tham gia xuyên suốt các giai đoạn trước và sau tố tụng, là cơ sở đảm bảo việc thực hiện quyền con người một cách tuyệt đối, theo đúng nguyên tắc và bản chất của BLTTHS. Việc tiến hành các giai đoạn tố tụng cần thể hiện chặt chẽ vai trò tham gia của  LS một cách đồng bộ, hợp lý và tuân thủ pháp luật tuyệt đối. Theo đó, việc tuyên truyền phổ biến các văn bản qui phạm pháp luật liên quan cần thường xuyên tổ chức với nhiều hình thức đa dạng đến rộng rãi các đối tượng có liên quan.

LS Chủ nhiệm Nguyễn Đăng Trừng đã có một phát biểu đầy khí thế của với sự kỳ vọng vào tương lai tươi sáng trong hoạt động hành nghề của LS tranh tụng. Sau đó, LS Phan Trung Hoài- Phó trưởng tiểu ban tố tụng hình sự, thay mặt cho Ban tổ chức hội thảo thuộc LĐLS , đã phát biểu tiếp thu các ý kiến đóng góp của các LS. Ông lạc quan thể hiện niềm tin vào một cuộc cải cách thực sự bảo đảm thực thi quyền con người trong hệ thống pháp luật Việt Nam và hứa hẹn LĐLS sẽ cố gắng chuyển tải những tinh hoa, cốt lõi từ các ý kiến đóng góp và thông qua kênh truyền thông giữa LĐLS  và các LS để tham gia vào tiến trình sửa đổi BLTTHS. “Việc góp ý sửa đổi BLTTHS lần này, Cơ quan chủ trì soạn thảo dự kiến có một chương riêng về “người bào chữa  sẽ do LĐLS chịu trách nhiệm”. LS Phan Trung Hoài trịnh trọng thông báo.

Cả hội trường xôn xao, những tiếng cười và những tràng pháo tay rộn ràng vang lên. Các ý kiến tại buổi hội thảo về sửa đổi BLTTHS 2003, dù nhìn dưới góc độ nào, cũng đã cho thấy hoạt động hành nghề luật sư trong tương lai đã được đệm một cú hích mang tính thời cơ, đồng thời hứa hẹn một bước chuyển nhận thức về sự phát triển “quyền con người” trong hệ thống pháp luật Việt Nam.  

Chia tay những ngày cuối năm tẻ nhạt bằng một không khí hân hoan, phấn khởi,  đón chào những thời khắc  đầu tiên của năm 2013, một năm mới dự báo mở ra nhiều cơ hội cho người dân được tiếp cận công lý, một năm tràn đầy niềm tin, hy vọng và cả thách thức cho sự phát triển đỉnh cao của nghề nghiệp luật sư.

 

Tin tức khác


   Trang sau >>