BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI CHO CỘNG ĐỒNG

 

Bồi thường thiệt hại cho cộng đồng

Luật sư Nguyễn Hữu Danh

Kính thưa quý vị,

Trước hết, chúng tôi hoan nghênh Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM đã tổ chức buổi toạ đàm về nội dung: “Thực tiển áp dụng các quy định của Bô luật Dân sự 2005-Những khó khăn, vướng mắc và định hướng hoàn thiện Bộ luật Dân sự 2005.”

Theo nội dung gợi ý tham luận của Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư, chúng tôi chọn đề tài: “Bồi thường thiệt hại cho cộng đồng.”

Kính thưa quý vị,

Thời gian qua, vấn đề bồi thường thiệt hại cho hàng trăm, thậm chí hàng ngàn dân, trong các vụ ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm, đã xảy ra tại nhiều địa phương như: Vụ công ty VEDAN xả chất thải gây ô nhiễm sông Thị Vải, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng ngàn nhân dân; … Trong vụ này, hơn 1000 dân ở 3 tỉnh, thành phố (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh) uỷ quyền cho 1 số luật sư để nộp đơn khởi kiện tại Toà án nhân dân huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Sau đó, những nông dân chưa nộp đơn khởi kiện thì Công ty VEDAN đã chủ động bồi thường thiệt hại theo sự kê khai của các hộ dân và thẩm định thiệt hại của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Vấn đề đòi bồi thường thiệt hại của hàng ngàn dân nói trên mang tính cộng đồng, được giải quyết theo Bộ luật dân sự như thế nào? Nói cách khác, Cộng đồng là chủ thể trong quan hệ dân sự không?

I. Về cộng đồng

Tự điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ năm 2000, nêu khái niệm cộng đồng: “Toàn thể những người cùng sống, có những điểm giống nhau, gắn bó thành một khối trong sinh hoạt xã hội; như: Cộng đồng làng xã, Cộng đồng ngôn ngữ, Cộng đồng người Việt ở nước ngoài

Cộng đồng là chủ thể nêu trong Quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng, được ban hành kèm Quyết định số 80/2005/QĐ-TTg ngày 18/04/2005 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt Quy chế giám sát).

Điều 1 của Quy chế nêu: “Giám sát đầu tư của cộng đồng là hoạt động tự nguyện của dân cư sinh sống trên địa bàn xã, phường hoặc thị trấn (sau đây gọi chung là xã) theo quy định của Quy chế này và các quy định pháp luật khác có liên quan, nhằm theo dõi, đánh gía việc chấp hành các quy định về quản lý đầu tư của cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư, của chủ đầu tư, ban quản lý dự án các nhà thầu và đơn vị thi công dự án trong quá trình đầu tư; phát hiện, kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các việc làm vi phạm các quy định về quản lý đầu tư đề kịp thời ngăn chặn và xử lý các việc làm sai quy định, gây lãng phí, thất thoát vốn và tài sản nhà nước, xâm hại lợi ích của cộng đồng.

Cộng đồng thực hiện quyền giám sát thông qua Ban giám sát đầu tư của cộng đồng do Uỷ ban Mặt trận Tồ quốc Việt Nam cấp xã thành lập theo yêu cầu của cộng đồng (Điều 8 Quy chế).

Như vậy, cộng đồng là chủ thể thông qua Ban giám sát đầu cư để bảo vệ quyền lợi của cộng đồng dân cư khi có thiệt hại phát sinh tại khu dân cư, trong các lãnh vực:

-Chủ đầu tư không chấp hành các quy định về: chỉ giới đất đai và sử dụng đất; quy hoạch mặt bằng chi tiết, phương án kiến trúc, xây dựng; xử lý chất thải, bảo vệ môi trường; đền bù, giải phóng mặt bằng và phương án tái định cư; tiến độ, kế hoạch đầu tư;

-Những việc làm xâm hại đến lợi ích của cộng đồng; những tác động tiêu cực của dự án dến môi trường sinh sống của cộng đồng trong quá trình thực hiện đầu tư, vận hành dự án.

Điều 16 Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007, đã quy định việc công nhận những nội dung nhân dân bàn, biểu quyết, trong đó, có việc công nhận kết quả bầu, bãi nhiệm thành viên Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng.

Ngoài ra, Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng dân cư, mọi tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia hoạt động bảo vệ môi trường, theo điều 5 khoản 1 Luật bảo vệ môi trường.

Cộng đồng dân cư được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo khoản 1 Điều 10 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/05/2007 của Chính phủ quy định bồ sung về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai. Theo đó, trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với cộng đồng dân cư thực hiện theo trình tự, thủ tục đối với hộ gia đình, cá nhân.

Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự 2005 không quy định chủ thể là cộng đồng.

Bộ luật dân sự quy định chủ thể quan hệ dân sự có sự tập hợp đông người (gọi tắt tập thể) gồm có: Pháp nhân (Chương IV từ điều 84 đến điều 105 BLDS); Hộ gia đình và Tổ hợp tác (Chương V từ Điều 106 đến điều 120 BLDS).

Pháp nhân được quy định tại điều 84 BLDS: “Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây: Được thành lập hợp pháp; có cơ cấu tổ chức chặt chẽ; có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài ản đó; nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập.”

Hộ gia đình được quy định tại Điều 106 BLDS: “Hộ gia đình mà các thành viên có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt dộng kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật này quy định là chủ thể khi tham gia quan hệ dân sự thuộc các lĩnh vực này.” Chủ hộ là đại diện của hộ gia đình trong các quan hệ dân sự vì lợi ích chung của hộ, theo điều 107 BLDS.

Tổ hợp tác được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác có chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn của từ ba cá nhân trở lên, cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện những công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm là chủ thể trong các quan hệ dân sự (Điều 111 BLDS).

Mặt khác, những người tiêu dùng được tập hợp trong tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được quy định điều 27 và 28 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Luật BVQLNTD) đã được Quốc hội thông qua (Luật số 59/2010/QH12 ngày 17/11/2010) và có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2011. Theo đó, Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng có quyền đại diện người tiêu dùng khởi kiện hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng. (điểm b khoản 1 điều 28 Luật BVQLNTD).

Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng cũng là pháp nhân theo Điều 104 Bộ luật dân sự.

Như vậy, các pháp nhân, hộ gia đình, và tổ hợp tác là những chủ thể trong quan hệ dân sự, không phù hợp hình thức tập hợp đông người có tính cộng đồng.

Về thực tiển, những việc ô nhiễm môi trường, ngộ độc thực phẩm do không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, .. gây thiệt hại đến cả cộng đồng dân cư.

Do vậy, tham khảo Quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng kèm theo quyết định số 80/2005/QĐ-TTg ngày 18/04/2005 của Thủ tướng Chính phủ.

Chúng tôi kiến nghị bồ sung cộng đồng là chủ thể trong quan hệ dân sự của Bộ luật dân sự.

Cần quy định định nghĩa cộng đồng: “Toàn thể những người cùng sống, có những điểm giống nhau, gắn bó thành một khối trong sinh hoạt xã hội; như: Cộng đồng dân cư, Cộng đồng ngôn ngữ, Cộng đồng người Việt ở nước ngoài”. để làm cơ sở cho các luật chuyên ngành khác như luật Bảo vệ môi trường, luật Bảo vệ người tiêu dùng, pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở phường, xã,  phát huy tác dụng.

II.Về bồi thường thiệt hại

Mặt khác, Bộ luật dân sự đã quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng tại Chương XXI (từ điều 604 đến điều 630 BLDS).

Thiệt hại cho cộng đồng thường phát sinh diện rộng, gây tác hại cho nhiều người, nhiều tài sản trong khu dân cư, xã, phường, quận, huyện, như: gây ô nhiễm môi trường, gây ngộ độc thực phẩm trong khu vực,…

BLDS quy định 17 trường hợp cụ thể về bồi thường thiệt hại, trong đó những trường hợp bồi thường do gây thiệt hại cho nhiều người, nhiều tài sản, gồm:

- Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra (Điều 623 BLDS);

- Bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường (Điều 624 BLDS);

- Bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng (Điều 630 BLDS);

1. Về Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra (Điều 623 BLDS) được quy định: “Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.”

Chế định “Nguồn nguy hiểm cao độ” quy định chủ sở hữu, người được giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, theo khoản 3 điều 623 BLDS. Cộng đồng chỉ cần chứng minh thiệt hại gây ra cho cộng đồng do hoạt động của nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, không do lỗi của chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao dộ.

 Tuy nhiên, chế định “nguồn nguy hiểm cao độ” có nhiều mặt hạn chế như: Những hàng cây trồng, cột điện trên trục lộ giao thông có phải là nguồn nguy hiểm cao độ không? Khi mưa giông, sấm sét, bão tố gây cây đỗ, cành gãy, cột rò rỉ điện gây chết người, thiệt hại tài sản của  nhiều người khác, người bị hại có được bồi thường không?

Về thực tiển, cơ quan quản lý cây xanh, quản lý điện đã không nhận trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người dân do người dân không chứng minh được lỗi của các cơ quan này và vì Điều 627 BLDS quy định bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra, đã nêu: “Chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại do cây cối gãy gây ra, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng”. Sự kiện bất khả kháng bao gồm: thiên tai, giông bão,…

Nếu những hàng cây xanh, cột điện trên trục lộ giao thông được quy định cụ thể là nguồn nguy hiểm cao độ, thì cơ quan quản lý phải có trách nhiệm bồi thường cho người dân bị thiệt hại. Qua đó, chế định “nguồn nguy hiểm cao độ” đã có “lỗ hổng” pháp lý cần bồ sung.

Theo học thuyết pháp lý “bảo đảm quyền lợi” cho người dân, luật pháp một số nước quy định tất cả các cơ quan, tổ chức có hoạt động có thể gây thiệt hại đến cộng đồng (như khai thác, sản xuất, quản lý khoáng sản, điện, nước, vận tải đường sông, đường biển, hàng không v.v) phải đóng tiền phí thường niên cho một cơ quan bảo vệ môi trường. Cơ quan này có nhiệm vụ khắc phục sự cố môi trường và chi trả bồi thường trước cho người dân, cộng đồng và yêu cầu tổ chức gây sự cố (hoặc bảo hiểm) bồi thường lại sau.

Chúng tôi kiến nghị bổ sung luật theo hướng người dân được đương nhiên bồi thường thiệt hại trong các trường hợp nêu tren.

2. Về “Bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng” (Điều 630 BLDS): Điều 630 quy định “Cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác sản xuất, kinh doanh không bảo đảm chất lượng hàng hoá mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường” nhưng lại không định nghĩa thế nào là hàng hóa “không bảo đảm chất lượng”.

Hầu hết các vụ việc vi phạm trong thực tế, cụ thể như vụ việc nước tương có chứa 3MCPD đều là sản phẩm có đăng ký chất lượng và đã được cơ quan thẩm quyền kiểm tra hoặc phê duyệt vì vậy với quy định nói trên không thể xử lý các nhà sản xuất nước tương vi phạm.

Chúng tôi cho rằng nên tham khảo Bộ luật dân sự Pháp, trực tiếp quy định nhà sản xuất, phân phối hàng hóa phải chịu trách nhiệm về sự an toàn của hàng hóa. Cụ thể trong điều 630 nên quy định thêm: “Hàng hóa không bảo đảm chất lượng là hàng hóa không đạt mức an toàn theo yêu cầu chính đáng của người tiêu dùng”. Có nghĩa, bất kỳ ai khi đưa sản phấm ra lưu thông đều phải bảo đảm hàng hóa an toàn cho người tiêu dùng, không có chứa độc tố. Những người vi phạm sẽ không thể dựa vào quyết định kiểm tra hoặc bất kỳ loại chứng nhận nào để tránh né trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi hàng hóa chứa độc tố, không an toàn.

III. Về thiệt hại

1. Về thiệt hại do tài sản bị xâm phạm (Điều 608 BLDS):

Mặt khác, Điều 608 BLDS quy định: Trong trường hợp tài sản bị xâm phạm thì thiệt hại được bồi thường bao gồm:

1. Tài sản bị mất;

2. Tài sản bị huỷ hoại hoặc bị hư hỏng;

3. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản;

4. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.

Trong mục “Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.”, chúng tôi cho rằng cũng cần xem xét lại cụm từ “chi phí hợp lý”. Hiện nay, chúng ta đang hội nhập với thế giới, thực hiện kinh tế thị trường, việc đánh giá thế nào là chi phí hợp lý rất khó. Về thực tiển, Toà án thường chấp nhận mọi khoản chi phí người bị thiệt hại chứng minh dùng để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.

Do đó chúng tôi kiến nghị bỏ cụm từ “hợp lý” và sửa đổi khoản 4, là: “Chi phí để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.”

2. Về Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần (khoản 2 Điều 609 BLDS):

Ngoài ra, khoản 2 Điều 609 BLDS quy định: “Người xâm phạm sức khoẻ của người khác, phải bồi thường thiệt hại do xâm phạm sức khoẻ của người khác, còn bù đắp tổn thất về tinh thần mà người bị thiệt hại về sức khoẻ phải gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.”

Chúng tôi cho rằng: mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần tối đa không quá ba mươi thang lương tối thiểu, là không hợp lý. Bởi lẽ: Mức tổn thất về tinh thần, hay theo cách nói của học thuật pháp lý “cái giá của sự đau thương”,  rất khó định lượng, như 1 thiếu nữ bị hiếp dâm, dù sức khoẻ được phục hồi, nhưng tổn thất về tinh thần, làm người này luôn sợ hãi người nam, sợ bà con, họ hàng xa lánh, khó lập gia đình, ảnh hưởng cuộc sống của họ kéo dài nhiều năm, thậm chí suốt đời; cho nên mức bồi thường tối đa không quá ba mươi tháng lương, cụ thế trong trường hợp này là quá thiệt thòi cho người bị hại.

Chúng tôi đề nghị sửa đổi, bồ sung điều 608 BLDS về khoản bồi thường tổn thất về tinh thần, không hạn chế mức tối đa, mà nên quy định mức tối thiểu ít nhất ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.

Trên đây là một số ý kiến đóng góp vào việc hoàn thiện Bộ Luật Dân sự năm 2005.

Trân trọng,

Tin tức khác


   Trang sau >>