MỘT CUỐN SÁCH NÊN VÀ CẦN ĐỌC

Đó là cuốn “Những điểm mới về chế định bào chữa trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015” của TS. Luật sư Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam – Thành viên Tổ biên tập Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), được Nhà xuất bản chính trị quốc gia xuất bản tháng 6/2016. Tôi nói nên/ và cần đọc là bởi lẽ: Bộ luật TTHS  (sửa đổi) năm 2015 đã được Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27/11/2015, bắt đầu có hiệu lực thi hành từ 01/7/2016, có rất nhiều điểm mới, trong đó có chế định  bào chữa. Đã có nhiều bài viết của các  nhà nghiên cứu, các luật sư, luật gia viết về vấn đề này dưới các góc  độ khác nhau, nhưng đây là một công trình nghiên cứu tổng hợp, công phu có giá trị về mặt lý luận khoa học và thực tiễn to lớn. Có thể nói, đây là cuốn sách rất bổ ích cho giới luật sư nghiên cứu, tìm hiểu và vận dụng pháp luật tố tụng trong quá trình hành nghề, cho cả những ai quan tâm đến chế định bào chữa trong lĩnh vực tố tụng hình sự.

Cuốn sách dày dặn (339 trang) gồm  10 chương, được sắp xếp theo một trật tự lô gích theo hướng: Từ những nhận thức tổng quan về mô hình tố tụng hình sự trên cơ sở so sánh các mô hình tố tụng hình sự của một số nước như Cộng hòa Liên bang Đức, Trung Quốc, Hoa kỳ và Canada với Việt Nam, tác giả đã đi sâu làm rõ chức năng gỡ tội trong mối quan hệ với các chức năng cơ bản trong tố tụng hình sự. Sau khi điểm lại những hạn chế của quan niệm về chức năng gỡ tội và những nguyên nhân của nó, tác giả đã xác định: “Xét về bản chất, chức năng gỡ tội tồn tại độc lập và đối trọng với chức năng buộc tội như một tất yếu khách quan tự thân của tố tụng hình sự. Quan niệm coi hoạt động của người bào chữa thuộc khuôn khổ của các hoạt động “bổ trợ tư pháp” (thực chất chỉ giới hạn trong hoạt động tranh tụng) vô hình trung đã giảm nhẹ ý nghĩa và các giá trị xã hội mà chủ thể này mang lại cho sự phát triển của dân chủ nói chung và hoạt động tư pháp nói riêng… Quan trọng nhất là phải xác định địa vị pháp lý của người bào chữa phải trở thành một bên bình đẳng với các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình đi tìm sự thật khách quan của vụ án bằng cách gia tăng phạm vi và điều kiện thực thi các quyền và nghĩa vụ của người bào chữa xuyên suốt các quá trình tố tụng, kể cả thủ tục xem xét lại  bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm và tham gia cơ chế Ủy ban Tư pháp của Quốc hội xét lại bản án, quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao”.

Từ những vấn đề lý luận cơ bản ấy, tác giả đi vào phân tích thực trạng hành nghề luật sư trong chế định bào chữa hiện hành và quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật TTHS năm 2003 để làm rõ yêu cầu phải sửa đổi bổ sung Bộ luật này trên cơ sở đòi hỏi của thực tiễn. Tác giả  cũng dành một số trang điểm lại quá trình tham gia xây dựng và hoàn thiện Dự án Bộ luật TTHS (sửa đổi) và một số đóng góp quan trọng của Liên đoàn luật sư Việt Nam. Ta đã biết, càc quy định về bào chữa trong Bộ luật TTHS năm 2003 chỉ là các quy định mang tính đơn hành dưới dạng các điều khoản nằm rải rác trong các chương tương ứng của Bộ luật TTHS, quá trình nghiên cứu, khảo sát thực trạng về bào chữa, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành Chương V mới về bào chữa và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, xây dựng được nhiều điều luật mới, mang tính đột phá, khẳng định vị thế, vai trò, quyền và nghĩa vụ của người bào chữa trong tố tụng hình sự.

Cũng theo mạch nghiên cứu đó, tác giả đã dành các chương tiếp theo trình bày về một số nguyên tắc cơ bản trong Bộ luật TTHS năm 2015 nâng cao vị thế của người bào chữa. Trong đó, một nguyên tắc cơ bản, quan trọng, có thể nói là xương sống xuyên suốt quá trình tố tụng hình sự là  “Nguyên tắc suy đoán vô tội”. Có thể nói, nguyên tắc này chưa được quán triệt đầy đủ, thấu suốt trong hoạt động của  các cơ quan tiến hành tố tụng, là một trong những nguyên nhân gây oan sai mà điển hình là các vụ án oan đã được dư luận lên tiếng trong thời gian qua. Đồng thời hai nguyên tắc cơ bản khác là : Nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại, đương sự và nguyên tắc tranh tụng trong xét xử cũng được tác giả dành khá nhiều tâm huyết để phân tích và làm rõ. Đặc biệt, tác giả đã dành hẳn  một chương (Chương V) trong cuốn sách để bàn về “Quyền im lặng” và quá trình thể chế hóa quyền này trong Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015. Chúng ta đã biết, trong quá trình soạn thảo Bộ luật này, trên các phương tiện thông tin đại chúng, vấn để “Quyền im lặng” đã được dư luận đặc biệt quan tâm.  Nhiều cuộc thảo luận, tranh luận đã nổ ra trong một không khí rất sôi nổi, nhiều quan điểm được trình bày, viện dẫn các quy định pháp luật của các nước  để so sánh với thực tiễn của Việt Nam. Các cuộc  tranh luận này đã gợi mở ra nhiều vấn đề để Ban soạn thảo Bộ luật TTHS tham khảo. Nghiên cứu vể kết quả tiếp thu các ý kiến trái chiều về “Quyền im lặng”, tác giả đã xác định :  Mặc dù không đặt chính danh tên gọi về “Quyền im lặng”, nhưng việc luật hóa bảo đảm cho người bị buộc tội thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình, trong đó có quyền không buộc phải chứng minh là mình vô tội, được trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc  buộc phải nhận mình có tội; tự bào chữa, nhờ người bào chữa  đã thể hiện trong nhiều quy định của Bộ luật TTHS năm 2015, được quy định tập trung trong các Điều như : Điều 15,  58, 59, 60, 61, 71, 79, 98, 183…

Tác giả cũng dành một số chương đề cập đến các quy định mới về việc thực hiện quyền bào chữa như : Bãi bỏ rào cản mang tính thủ tục hành chính thông qua việc hủy bỏ chế độ cấp giấy chứng nhận, chuyển sang chế độ đăng ký người bào chữa; Quy định rõ trách nhiệm thông báo của cơ quan tiến hành tố tụng đối với người bào chữa; Quyền gặp mặt và các trình tự người bào chữa gặp người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo; Quyền thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ và đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ…

Tác giả dành hai chương cuối cùng trong cuốn sách để bàn về việc xác định vị trí bình đẳng của người bào chữa tại phòng xử án, phạm vi xét hỏi và cơ chế bảo đảm tranh tụng dân chủ tại phiên tòa cũng như một số trình tự tố tụng có sự tham gia của người bào chữa và bảo vệ quyền lợi trong các thủ tục xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật; Thủ tục đặc biệt đối với người dưới 18 tuổi cũng như sự tham gia của người bào chữa cho pháp nhân, và một số thủ tục khác trong tố tụng hình sự.

Đọc xong gấp cuốn sách lại, chúng ta đã có một bức tranh tổng quát nhưng khá đầy đủ về những  nội dung mới, quan trọng, đặc biệt là chế định bào chữa trong Bộ luật TTHS năm 2005. Để có thể cung cấp cho người đọc những điều bổ ích rất cơ bản về lý luận cũng như thực tiễn trong tố tụng hình sự, tác giả có một thuận lợi là  được Liên đoàn luật sư Việt Nam cử tham gia là thành viên của Tổ biên tập Bộ luật TTHS (sửa đổi), đã trực tiếp chủ trì nhiều cuộc hội thảo trong nước và quốc tế, trực tiếp làm Tổ trưởng Tổ biên soạn chương quy định về Luật sư, viết các bản kiến nghị và thuyết trình trước các cuộc họp, hội thảo do Ban soạn thảo Bộ luật TTHS (sửa đổi) tổ chức. Những tài liệu quý báu  đó cùng với sự tham gia trực tiếp trong quá trình soạn thảo và trình Quốc hội thông qua Bộ luật này đã giúp tác giả có điều kiện để hoàn thành cuốn sách  và ra mắt kịp thời để phục vụ  các luật sư và những ai quan tâm đến lĩnh vực này.

Cuối cùng, xin “bật mí” một bí mật: Cuốn sách được xuất bản lần đầu với số lượng 4.000 cuốn, bìa cứng, in đẹp và có vẻ “sang trọng” sẽ được tác giả dành một số lượng tương đối lớn để tặng các luật sư thuộc các đoàn luật sư còn nhiều khó khăn trong hoạt động nghề nghiệp.

Xin ghi nhận tấm lòng và tình cảm với các đồng nghiệp khó khăn của tác giả: TS. Luật sư Phan Trung Hoài và hy vọng cuốn sách sẽ là tài liệu bổ ích góp một phần nào đó cho các đồng nghiệp trong hoạt động hành nghề luật sư.

Luật sư Nguyễn Minh Tâm

(Nguồn www.http://liendoanluatsu.org.vn)

Tin tức khác


   Trang sau >>