HOA KỲ: PHÁ SẢN THUỘC THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT DUY NHẤT Ở TÒA ÁN LIÊN BANG

Xin mạn phép trình bày những thông tin dưới đây do Leonidas Ralph Mecham, Giám đốc Văn phòng Hành chính các Tòa án Hoa Kỳ đã đưa ra trong tài liệu “Hiểu biết về các Tòa án Liên bang” được xuất bản cách đây 10 năm và đang có hiệu lực ở Hoa Kỳ.

Thẩm quyền chung của tòa án liên bang Hoa Kỳ

Nhìn chung thì các Tòa án Liên bang giải quyết các vụ việc có liên quan đến chính phủ Hoa Kỳ, hiến pháp Hoa Kỳ hay các luật của liên bang, hoặc các vụ kiện giữa các tiểu bang hay giữa Hoa Kỳ với các chính phủ nước ngoài. Một vụ việc được xem là sự cố liên bang có thể được thụ lý ở tòa án liên bang, chẳng hạn như một cá nhân khiếu kiện về vấn đề tiền bạc liên quan đến an sinh xã hội trong một chương trình của chính phủ liên bang; hoặc chính phủ kiện ai đó đã vi phạm luật liên bang, hoặc do những hành động phản đối nào đó của một cơ quan thuộc liên bang.

Vụ việc cũng có thể được tòa án liên bang thụ lý dựa trên “tính đa dạng về quyền công dân” của các nguyên đơn, như giữa công dân của các tiểu bang khác nhau, hay giữa công dân Hoa Kỳ với công dân nước khác. Để bảo đảm sự công bằng cho nguyên đơn ở ngoài tiểu bang, hiến pháp Hoa Kỳ cho tòa án liên bang xem xét vụ việc đó. Giới hạn quan trọng đối với thẩm quyền xét xử vụ việc là chỉ khi nào thiệt hại tiềm năng hơn 75.000 đô- la thì tòa án liên bang mới thụ lý. Dưới mức đó hoặc không liên quan gì với tiền bạc thì sẽ do tòa án tiểu bang giải quyết. Mặc dù các tòa án liên bang có mặt ở khắp các tiểu bang, nhưng các tòa án tiểu bang lại có thẩm quyền với hầu hết các vụ việc khác, như vấn đề ly hôn, cấp dưỡng trẻ em, các vụ hình sự, tranh chấp hợp đồng, hòa giải và di sản thừa kế, bất động sản, vấn đề vị thành niên, vi phạm luật giao thông, gây thương tích cá nhân. Ngoài ra, một số tranh chấp pháp lý khác có thể được giải quyết ở các tòa án đặc biệt hay các cơ chế hành chính liên bang hoặc thuộc ngành tư pháp, thì do các cơ quan hành chính liên bang hoặc tiểu bang tiến hành.

Tuy nhiên đối với vấn đề phá sản, thì Quốc hội xác định đây thuộc về thẩm quyền riêng của các tòa án liên bang; có nghĩa là một vụ phá sản không thể được thụ lý bởi tòa án tiểu bang. Chúng ta thử tưởng tượng trong hoàn cảnh hàng triệu người thất nghiệp do hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay, ở Hoa Kỳ hẳn phải có hàng chục ngàn doanh nghiệp lớn nhỏ phá sản hay giải thể, và sự bận rộn của các tòa án liên bang Hoa Kỳ sẽ biết dường nào. Nhưng cấu trúc hợp lý của hệ thống tòa án của Hoa Kỳ sẽ đảm bảo cho ngành tư pháp của họ hoạt động hữu hiệu. Thông qua thủ tục phá sản, các cá nhân hay doanh nghiệp không có khả năng chi trả cho chủ nợ có thể tìm ra cơ hội thanh lý tài sản của mình hay họ có thể tổ chức lại hoạt động tài chính và thực hiện kế hoạch trả hết các khoản nợ của mình.

Sơ lược cấu trúc của hệ thống Tòa án Liên bang Hoa Kỳ

Để thực hiện thẩm quyền xét xử của mình, hệ thống tòa án liên bang Hoa Kỳ đã được Quốc hội thiết lập thành hai cấp tòa án liên bang đặt dưới Tòa án Tối cao, gồm các tòa án sơ thẩm (xem xét hầu như tất cả vụ việc liên bang cả về dân sự lẫn hình sự) và các tòa án phúc thẩm. Hoa Kỳ có 94 hạt tư pháp (judicial district) thuộc liên bang, ít nhất mỗi tiểu bang là một hạt tư pháp và riêng một hạt cho ColumbiaPuerto Rico. Mỗi hạt đều có một tòa phá sản, là một đơn vị thuộc tòa án sơ thẩm liên bang của hạt. Riêng ba vùng lãnh thổ Virgin Islands, Guam, và quần đảo Bắc Mariana có các tòa án của hạt để xem xét các vụ việc về liên bang, bao gồm phá sản.

94 hạt tư pháp được chia thành 12 vùng kinh lý (regional circuit), mỗi vùng có một tòa án phúc thẩm. Tòa án phúc thẩm xem xét các kháng cáo từ các tòa án của hạt trong vùng cũng như các kháng cáo từ các quyết định của các cơ quan hành chính liên bang. Ngoài ra, tòa án phúc thẩm của vùng còn có thẩm quyền xét xử phúc thẩm mang tính toàn quốc đối với các vụ việc đặc biệt liên quan luật sáng chế (patent laws) và các vụ việc đã được quyết định bởi Tòa Thương mại Quốc tế và Tòa Khiếu kiện liên bang (US Court of Federal Claims), cũng là hai loại tòa án sơ thẩm.
Thủ tục tố tụng đối với các vụ án phá sản

Mục đích cơ bản của Luật Phá sản Hoa Kỳ (LPSHK) là cho con nợ lương thiện một cơ hội làm lại từ đầu bằng cách làm nhẹ gánh nặng cho con nợ đối với hầu hết các khoản nợ, và giúp họ tuần tự trả cho các chủ nợ bằng tài sản có sẵn cho việc chi trả.

Thường thì một vụ án phá sản bắt đầu bằng việc con nợ nộp đơn ở tòa phá sản. Đơn do một cá nhân, một đôi vợ chồng, một công ty, hay một cơ quan nộp ở tòa. Đơn yêu cầu có sẵn ở văn phòng thư ký các tòa phá sản hay ở các cửa hiệu văn phòng phẩm. Có một loạt các phí nộp đơn cho vụ phá sản, tùy thuộc vào chương nào của luật phá sản mà đơn đề nghị. Phổ biến nhất là nộp đơn cá nhân (Chương 7, LPSHK) để xin thanh lý toàn bộ tài sản của con nợ, cũng như việc thanh toán hầu hết các khoản nợ, thì mức phí nộp đơn cho trường hợp này là 175 đô-la.

Tòa sẽ yêu cầu con nợ nộp bảng cân đối tài chính, liệt kê tài sản, thu nhập, chứng từ có giá, tên và địa chỉ  của tất cả chủ nợ với khoản nợ kèm theo. Làm thế này sẽ ngăn chặn việc xiết nợ, các chủ nợ không thể kiện cáo, đòi lương, hay ngay cả gọi điện thoại đòi tiền. Thư ký tòa án sẽ gởi thư báo cho các chủ nợ cho biết là con nợ đã nộp đơn ở tòa phá sản. Ở một số vụ phá sản con nợ được phép tổ chức lại sản xuất kinh doanh và lập kế hoạch trả nợ, trong khi một số vụ thì giải quyết việc thanh lý tài sản của con nợ. Có nhiều vụ phá sản mà bất động sản của con nợ không đủ trả cho các chủ nợ, mà chỉ đủ để thanh lý tài sản cho khách tiêu dùng cá nhân. Kết quả là ít xảy ra bất đồng hay tranh chấp, và con nợ thường được giúp thoát khỏi hầu hết các khoản nợ mà không gặp phải sự đối kháng. Điều này cũng đồng nghĩa rằng con nợ không còn uy tín cá nhân để trả nợ.

Tuy nhiên, trong các vụ án phá sản khác thì các tranh chấp về yêu cầu nổi lên ở tòa phá sản khi con nợ có tài sản, sử dụng tài sản đó thế nào, giá trị tài sản đó bao nhiêu để trả cho một khoản nợ, liệu con nợ có thoát khỏi một số khoản nợ nào không, hay phải trả bao nhiêu tiền cho luật sư, kế toán, kiểm toán, hoặc các nhà chuyên môn khác. Sẽ có nhiều cách khác nhau như điều tra khám phá, tiền tố tụng, dàn xếp hòa giải, và xét xử sơ thẩm như trong tố tụng dân sự để giải quyết vụ án phá sản.

Năm dạng vụ việc ở tòa phá sản

- Thanh lý tài sản (Điều 7, LPSHK): Một ban quản lý sẽ được chỉ định để trông coi tài sản của con nợ vì lợi ích của các chủ nợ. Tuy nhiên con nợ được phép giữ lại một số tài sản ngoại lệ có giới hạn theo luật, còn lại phần lớn được ban quản lý bán đi để phân cho các chủ nợ theo thủ tục mà luật phá sản quy định.

- Điều chỉnh nợ cá nhân (Điều 13, LPSHK): Con nợ được phép giữ lại tài sản của mình, nhưng phải trả lại cho chủ nợ làm nhiều lần từ các thu nhập tương lai của mình. Tòa yêu cầu con nợ trình duyệt kế hoạch về cách thức và thời gian thanh toán nợ. Một ban quản lý được chỉ định, và một phần thu nhập của con nợ được trả cho ban quản lý để trả cho chủ nợ.

- Tổ chức lại sản xuất kinh doanh (Điều 11, LPSHK): Cơ hội sản xuất kinh doanh được đưa ra để doanh nghiệp tổ chức lại nhằm giải quyết vấn đề tài chính. Con nợ được phép tiếp tục hoạt động dưới sự giám sát của tòa án.

- Điều chỉnh nợ của hộ nông dân (Điều 12, LPSHK): Tương tự như việc điều chỉnh nợ cá nhân, ngoại trừ một số đặc điểm chỉ có ở gia đình nông dân.

- Điều chỉnh nợ của vùng đô thị (Điều 9, LPSHK): Quy định cho đơn vị hành chính như thành phố, thị trấn, hay quận, cơ quan công quyền, hay thiết chế khác của tiểu bang.

Ở hầu hết các tòa phá sản, kháng cáo lại quyết định của thẩm phán có thể được trình lên tòa án hạt. Tuy nhiên, một số tòa án phúc thẩm đã lập Hội đồng phúc thẩm phá sản bao gồm 3 thẩm phán để xem xét kháng cáo. Như thế, bên thua thiệt có thể gởi kháng cáo lên tòa án phúc thẩm. Luật sư kháng cáo và Hội đồng thẩm phán sẽ tranh luận tập trung vào các nguyên tắc pháp lý trong tranh chấp, mỗi bên có khoảng 15 phút để trình bày quan điểm. Quyết định của tòa án phúc thẩm thường là phán quyết cuối cùng, trừ phi tòa gởi ngược vụ án về tòa án sơ thẩm để điều tra bổ sung, hay các bên yêu cầu Tòa án Tối cao Hoa Kỳ xem xét lại vụ án. Trong một số vụ án, quyết định của tòa án có thể được xem xét lại toàn bộ bởi một nhóm lớn các thẩm phán (thường là tất cả các thẩm phán của Tòa án phúc thẩm vùng).


Hầu hết các tòa án liên bang có hệ thống truy xuất thông tin tự động đặt ở ngay quầy công chúng ở tòa án. Các tòa phá sản và tòa phúc thẩm cũng có hệ thống thông tin điện thoại để giải đáp cho người gọi đến theo dõi tiến độ vụ án. Thư ký tòa án trả lời miễn phí mọi yêu cầu theo dõi tiến độ; riêng việc tìm kiếm và truy xuất thông tin tòa án, sao chép tài liệu thì có thu phí. Trang chủ của ngành tư pháp liên bang www.uscourt.gov có những kết nối đến các website từng tòa án, cũng như một danh mục dịch vụ truy cập điện tử giúp cho việc thông tin cập nhật.


Luật sư Tống Quang Minh

 

Tin tức khác


   Trang sau >>