GÓP Ý KIẾN DỰ THẢO (LẦN 2) NGHỊ ĐỊNH “SỬA ĐỔI, BỔ SUNG NGHỊ ĐỊNH 59/2006/NĐ-CP NGÀY 12 THÁNG 6 NĂM 2006 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT LUẬT THƯƠNG MẠI (LTM) VỀ HÀNG HÓA, DỊCH VỤ

Dự thảo Nghị định (Lần 2) bãi bỏ 07 danh mục hàng hóa, dịch vụ trong số 123 hàng hóa, dịch vụ của Nghị định số 59/2006/NĐ-CP . Dự thảo Nghị định mới sửa đổi, bổ sung 147 danh mục hàng hóa, dịch vụ trong đó có 39 hàng hóa, dịch vụ được bổ sung mới.

Trong nhiều năm nay, có không ít trường hợp khi quan hệ xã hội phát sinh, thì Nhà nước mới ban hành pháp luật để điều chỉnh các quan hệ đó, dự thảo Nghị định mới lần này về nguyên tắc là phù hợp với quy luật phát triển kinh tế xã hội.
1) Tại Phụ lục III, Mục I về dịch vụ kinh doanh có điều kiện:
Dự thảo có ghi về dịch vụ tư vấn pháp luật và tham gia tố tụng của luật sư theo Luật Luật sư năm 2006 và Nghị định số 28/2007/NĐ-CP gồm có :
- Tên dịch vụ theo số thứ tự 23: Dịch vụ pháp lý (bao gồm tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng và các dịch vụ pháp lý khác) do luật sư Việt Nam hoặc tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam thực hiện.
- Tên dịch vụ theo số thứ tự 24: Dịch vụ tư vấn pháp luật Việt Nam, tham gia tố tụng (trừ vụ án hình sự) với tư cách là người đại diện, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho khách hàng trước Tòa án Việt Nam đối với các vụ việc mà tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài thực hiện tư vấn pháp luật (do luật sư Việt Nam hành nghề trong tổ chức thực hiện).
- Tên dịch vụ theo số thứ tự 25: Dịch vụ tư vấn pháp luật nước ngoài và pháp luật quốc tế và các dịch vụ pháp lý khác liên quan đến pháp luật nước ngoài (trừ việc cử luật sư nước ngoài tham gia tố tụng) do tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài thực hiện.
- Tên dịch vụ theo số thứ tự 26: Dịch vụ tư vấn pháp luật nước ngoài và pháp luật quốc tế và các dịch vụ pháp lý khác liên quan đến pháp luật nước ngoài (trừ việc tham gia tố tụng) do luật sư nước ngoài thực hiện.
Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12/06/2006 qui định chi tiết thi hành Luật Thương mại có một số vấn đề cần phải xem xét:
- Đối tượng áp dụng của Luật Thương mại là thương nhân hoạt động thương mại (Điều 2 LTM).
- Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập thường xuyên có đăng ký kinh doanh (Điều 6 LTM).
- Hoạt động thương mại: là hoạt động nhằm mục đích sinh lời, bao gồm mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lời khác.(Điều 3 LTM)
Dự thảo Nghị định có ghi nhận hoạt động tư vấn pháp luật và tham gia tố tụng của luật sư là đối tượng điều chỉnh của Luật Thương mại. Theo quan điểm của tôi, luật sư không phải là thương nhân hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và Luật Thương mại nhằm mục đích kinh doanh sinh lời. Chức năng xã hội của luật sư là hoạt động nghề nghiệp nhằm góp phần bảo vệ công lý, phát triển kinh tế và xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. (Điều 3 Luật Luật sư).
Dự thảo đưa các hoạt động của luật sư vào hoạt động thương mại cần phải được xem xét lại.
Ngày 29/06/2006, Quốc Hội có Nghị quyết số 65/2006/NQ-QH11 về việc thi hành Luật Luật sư quy định: “Trong thời hạn sáu tháng, cá nhân; tổ chức đang kinh doanh dịch vụ pháp lý theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 1999 mà tiếp tục kinh doanh dịch vụ pháp lý thì phải đủ các điều kiện hành nghề luật sư và phải chuyển đổi hình thức tổ chức hành nghề theo quy định của luật này, nếu không chuyển đồi thì phải chấm dứt hoạt động” (khoản đ Mục 1 Nghị quyết số 65/2006).
Như vậy, Nghị quyết số 65 đã phân định rõ ràng hoạt động của luật sư theo Luật Luật sư trong một phạm vi khác với hoạt động của thương nhân theo Luật Thương mại.
Dự thảo Nghị định đã đưa ra hoạt động của luật sư vào hoạt động thương mại là không phù hợp với quy định của pháp luật. Mặt khác, tại khoản 2 Điều 4 của Luật Thương mại cũng đã quy định: “hoạt động thương mại đặc thù được quy định trong luật khác thì áp dụng quy định của luật đó”.
Quan điểm của tôi là không đưa các hoạt động tư vấn pháp luật và tham gia tố tụng của luật sư vào dự thảo Nghị định vì các lý do nêu trên.
2) Dịch vụ đòi nợ theo Nghị định số 104/2007/NĐ-CP (được bổ sung mới tại Phụ lục III của dự thảo Nghị định).
Hiện nay, “Tranh chấp đòi nợ” thuộc thẩm quyền của các tòa án giải quyết. Số nợ có giá trị không lớn có thể được các bên thỏa thuận hòa giải cơ sở tại các ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Thực tế, thời hạn giải quyết tranh chấp tại các tòa án thường kéo dài, còn hòa giải tại các cơ sở thì thời hạn không được xác định rõ ràng trên thực tế và không có hiệu lực bắt buộc các bên phải thi hành.
Do vậy, mới phát sinh dịch vụ đòi nợ ngoài tòa án được quy định tại Nghị định số 104/2007/NĐ-CP nêu trên. Dịch vụ này có ưu điểm là có thể đòi nợ được nhanh về thời gian so với thời gian tranh chấp tại tòa án.
Theo quan điểm của tôi cần phải được xem xét lại một cách toàn diện và cụ thể để đưa “Dịch vụ đòi nợ” này vào danh mục dịch vụ kinh doanh có điều kiện theo Luật Thương mại.
Tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 104/2007/NĐ-CP quy định: “Hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ quy định tại Nghị định này chỉ được thực hiện đối với những khoản nợ có đầy đủ các yếu tố:
a) Có đủ căn cứ là khoản nợ hợp pháp;
b) Đã quá hạn thanh toán...”
Quy định trên là nội dung xác định phạm vi hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ (DNKDDVĐN).
Hai nội dung (a), (b) nêu trên tại tòa án có nhiều tranh luận căn cứ vào các chứng cứ và các tình tiết phát sinh do các đương sự cung cấp cho tòa án. Nếu để DNKDDVĐN đơn phương quyết định theo ý chí chủ quan vì lợi nhuận thì có thể phát sinh thiệt hại cho khách nợ. Khách nợ bị DNKDDVĐN áp đặt các biện pháp đòi nợ để đạt kết quả theo hợp đồng với chủ nợ.
Tại khoản 3 Điều 4 Nghị định số 104/NĐ-CP quy định: “ Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ chỉ được thực hiện các biện pháp xử lý nợ phù hợp với quy định của pháp luật”, quy định này rất chung chung chưa có khung pháp lý xác định phạm vi cụ thể các biện pháp xử lý.
Thực tế hiện nay, các tổ chức xã hội đen đã sử dụng các biện pháp xử lý để đòi nợ ngoài pháp luật.
DNKDDVĐN chưa có khung pháp lý rõ ràng và các chế tài cần thiết đối với các hành vi vi phạm pháp luật đối với DNKDDVĐN, thì quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này còn nhiều khó khăn.
DNKDDVĐN hoạt động dịch vụ đòi nợ có những trường hợp làm thay cho tòa án, và có những trường hợp có thể có những lẫn lộn với các hoạt động của các tổ chức xã hội đen. (Vì vấn đề này chưa có các cuộc điều tra và tổng kết cụ thể).
Từ các vấn đề nêu trên, trường hợp dự thảo Nghị định mới đưa dịch vụ đòi nợ vào danh mục dịch vụ kinh doanh có điều kiện, theo quan điểm của tôi, trước mắt chưa đưa dịch vụ đòi nợ vào dự thảo cần phải có các cuộc hội thảo giữa các ngành, các cấp có liên quan, trong đó có tòa án để xác định những pháp lý cho các hoạt động DNKDDVĐN, quy định các biện pháp xử lý vi phạm pháp luật và trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hoạt động đòi nợ trái pháp luật do DNKDDVĐN gây ra cho chủ nợ và khách nợ. Mặt khác, có cần phải có các hoạt động DNKDDVĐN bổ sung cho các hoạt động xét xử của tòa án trong một số lĩnh vực mà tòa án chưa đáp ứng được hay không?

Ngày 04 tháng 08 năm 2010

Luật sư Võ Thành Vị

Tin tức khác


   Trang sau >>