MỘT SỐ Ý KIẾN ĐỐI VỚI CÁC QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT DÂN SỰ 2005 VỀ THỪA KẾ

 

Một số ý kiến đối với các quy định của Bộ Luật Dân sự 2005 về thừa kế

Thạc sĩ- Luật sư Trương Thị Hòa

Đoàn Luật sư TP.HCM

Trong cuộc Hội thảo này, trên cơ sở hành nghề luật sư, tư vấn và giải quyết các vụ tranh chấp về thừa kế, chúng tôi xin có một số ý kiến như sau :

1- Ý kiến về di chúc chung của vợ chồng

1. Di chúc của vợ chồng được quy định tại Điều 663 và Điều 664 BLDS. Theo Điều 663 BLDS, vợ chồng có thể lập di chúc để định đoạt tài sản chung. Theo Điều 664 BLDS Khoản 1, sau khi lập di chúc chung, vợ chồng có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung. Và theo quy định tại Điều 644 Khoản 2 BLDS, vợ hoặc chồng muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung thì phải được sự đồng ý của người kia. Vì quy định này, nên sau khi lập di chúc chung xảy ra vấn đề thực tế là di chúc chung chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ khi vợ chồng cùng thống nhất. Do đó, nếu chỉ có vợ hoặc chồng muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ mà người kia không đồng ý thì không thể thực hiện được. Vấn đề này đã xâm phạm quyền tự định đoạt của người có sở hữu tài sản đối với người đã có vợ hoặc có chồng. Quy định này trái với Điều 648 BLDS về quyền của người lập di chúc và trái với Điều 662 Khoản 1 BLDS quy định về quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc của người lập di chúc.

2. Theo quy định tại Điều 664 Khoản 2 BLDS, sau khi lập di chúc chung của vợ chồng, nếu một người đã chết thì một người chỉ có quyền sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình. Thực tế xảy ra trường hợp người vợ hoặc người chồng còn sống muốn thay thế, hủy bỏ di chúc đối với phần tài sản của mình thì không thể thực hiện được vì theo Điều 664 Khoản 2 BLDS, người vợ hoặc người chồng còn sống chỉ có quyền được sửa đổi, bổ sung không được quyền thay thế, hủy bỏ di chúc chung của vợ chồng.

3. Theo quy định tại Điều 668 BLDS, di chúc chung của vợ chồng có hiệu lực kể từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm vợ chồng cùng chết. Vì vậy, sau khi người vợ hoặc người chồng qua đời, di chúc chung của vợ chồng chưa có hiệu lực vì còn một người còn sống. Trong thực tế, quy định này gây khó khăn cho nhiều trường hợp sau khi người vợ hoặc người chồng qua đời, các người thừa kế (cha, mẹ, vợ hoặc chồng còn sống, các con, …) muốn thực hiện di chúc đối với phần tài sản của người đã qua đời (vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn) nhưng không thể thực hiện được. Do đó, có khó khăn của gia đình không thể giải quyết được, phát sinh ra nhiều mâu thuẫn do di chúc không được thực hiện. Hơn nữa, quy định tại Điều 668 BLDS mâu thuẫn với Điều 663 Khoản 1 và Điều 667 Khoản 1 BLDS. Theo quy định tại Điều 667 khoản 1 BLDS, di chúc có hiệu lực pháp luật từ thời điểm mở thừa kế. Theo quy định tại Điều 663 Khoản 1 BLDS, thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Nhưng đối với di chúc chung của vợ chồng, vì quy định của Điều 668 BLDS nên Điều 667 Khoản và Điều 663 khoản 1 không thể thực hiện.

Chúng tôi đề nghị, đối với trường hợp di chúc chung của vợ chồng thì mọi quy định khác của BLDS về di chúc đều được áp dụng như đối với trường hợp di chúc riêng.

 

2- Ý kiến đối với các quy định về thời hiệu liên quan đến thừa kế

1. Theo quy định tại Điều 645 BLDS, thời hiệu để người thừa kế khởi kiện yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Quy định này trái với truyền thống của người Việt Nam. Vì từ lâu đời nay, sau khi cha mẹ qua đời, ai đang quản lý, trông coi, sử dụng … di sản thì người có tiếp tục thực hiện, anh chị em rất ít khi tranh chấp. Vì quy định của Điều 645 BLDS nên thực tế xảy ra tranh chấp đối với người biết quy định về thời hiệu 10 năm. Đối với người không biết thời hiệu là 10 năm thì sau đó bị mất quyền tranh chấp di sản thừa kế. (Việc tranh chấp tài sản chung theo Nghị quyết 02 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, sau khi hết thời hiệu thừa kế, là cực kỳ khó khăn vì phải có đủ 02 điều kiện : không tranh chấp về hàng thừa kế, thừa nhận là di sản chung chưa chia).

2. Theo quy định tại Điều 645 BLDS, thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Thực tế, vì sự khác nhau về thời hiệu tranh chấp thừa kế và thời hiệu khởi kiện yêu cầu thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết nên nhiều chủ nợ của người để lại di sản đã mất quyền khởi kiện.

3. Hiện nay, từ ngày 01-01-2012 (sau khi BLTTDS được sửa đổi bổ sung có hiệu lực) quy định tại Điều 645 BLDS đã mâu thuẫn với Điều 159 Khoản 3 mục a BLTTDS. Vì theo Điều 159 Khoản 3 mục a BLTTDS, tranh chấp về quyền sở hữu tài sản; tranh chấp về đòi lại tài sản cho người khác quản lý, chiếm hữu; tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện.

Chúng tôi đề nghị không quy định thời hiệu tranh chấp thừa kế. Việc khởi kiện yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại phải phù hợp với Điều 159 Khoản 3 mục a BLTTDS, ngoài ra, đối với các trường hợp khác thì thời hiệu khởi kiện áp dụng theo Điều 159 Khoản 3 mục b BLTTDS (thời hiệu khởi kiện là 02 năm kể từ ngày cá nhân, cơ quan, tổ chức biết được quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

3- Ý kiến về xác định phần di sản thờ cúng

Theo quy định tại Điều 670 BLDS, di sản dùng vào việc thờ cúng là một phần di sản của người đã qua đời. Điều 670 BLDS không xác định phần di sản này là bao nhiêu. Do đó, trong thực tế, người lập di chúc định đoạt toàn bộ căn nhà của mình làm di sản thờ cúng (dù người này chỉ có 01 căn nhà) thì di chúc vẫn có hiệu lực thi hành. Việc xác định phần di sản thờ cúng bằng một điều luật sẽ rất khó khăn, hơn nữa, xâm phạm quyền tự định đoạt của người có tài sản.  

Vì vậy, theo chúng tôi, đối với di sản thờ cúng dành cho người lập di chúc quyền định đoạt của mình.

4- Ý kiến đối với di sản đã hết thời hiệu yêu cầu chia thừa kế mà không có người nhận thừa kế

Theo chúng tôi, trong trường hợp có quy định thời hiệu thừa kế, sau khi hết thời hiệu yêu cầu chia thừa kế mà không có người nhận thừa kế thì di sản đó thuộc về quyền quản lý của nhà nước.

Nhưng nếu áp dụng Điều 159 Khoản 3 mục a BLTTDS thì nhà nước chỉ tạm thời quản lý đối với di sản đã hết thời hiệu yêu cầu chia thừa kế. Sau đó, nếu có khởi kiện tranh chấp về quyền sở hữu tài sản, tranh chấp về quyền sử dụng đất, … theo như quy định tại Điều 159 Khoản 3 mục a BLTTDS thì Tòa án sẽ xem xét.

5- Ý kiến đối với thừa kế thế vị

Theo chúng tôi, Điều 677 BLDS quy định về thừa kế thế vị cần xác định rõ trường hợp con đẻ của người chết để di sản chết trước hoặc cùng thời điểm với người để lại di sản. Vì Điều 677 BLDS chỉ quy định trường hợp con của người chết để lại di sản chết trước hoặc cùng thời điểm với người để lại di sản. Do đó, thực tế việc áp dụng Điều 677 BLDS có nhiều trường hợp rất khác nhau, nơi thì thừa nhận con nuôi được thừa kế thế vị, nơi thì không. Điều 676 Khoản 1 mục a BLDS ghi hàng thừa kế thứ nhất là con đẻ, con nuôi của người chết. Theo quy định tại Điều 2 Khoản 5 LHNGĐ, nhà nước và xã hội không thừa nhận sự phân biệt đối xử giữa các con (con đẻ và con nuôi).

6- Ý kiến đối với quan hệ thừa kế giữa con riêng, và bố dượng, mẹ kế

Theo quy định tại Điều 679 BLDS, con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau. Quy định này rất chung chung nên thực tế việc quyết định được thừa kế hay không thừa kế.

Chúng tôi đề nghị cần quy định rõ các điều kiện về con riêng và bố dượng, mẹ kế được hưởng thừa kế di sản của nhau (như bắt đầu từ bao nhiêu tuổi, cùng cư ngụ…)

Trên đây là một số ý kiến của chúng tôi xin được tham gia trong cuộc hội thảo này và xin được lắng nghe nhiều ý kiến khác.

Kính chúc Hội nghị thành công.

Trân trọng. 

Tin tức khác


   Trang sau >>