BẢN GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT LUẬT SƯ

 

Bản góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư

Luật sư NGUYỄN BẢO TRÂM (Công ty luật TNHH Sài Gòn Luật)

Lời đầu tiên, tôi xin gửi lời chào và lời cảm ơn trân trọng đến Quý Đoàn đã mời tôi đến dự buổi góp ý vào ngày 10/5/2012 cho Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ ba.

Qua nghiên cứu Dự án mới nhất về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư (gọi tắt là “Dự án”) và Tờ trình số 59/TTr- CP ngày 05/4/2012 của Chính phủ về Dự án (gọi tắt là “Tờ trình 59”), tôi có một số góp ý dưới đây:

I/ Phần góp ý chung

1. Về cơ bản, tôi đồng ý về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư năm 2006 như đã nêu tại phần I của Tờ trình 59.

2. Về điểm d phần IV (trang 09) của Tờ trình 59 nêu ý kiến khác nhau giữa Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Chính phủ v/v bỏ hay không bỏ quy định về cấp Giấy chứng nhận người bào chữa cho luật sư tham gia tố tụng hình sự, tôi có ý kiến như sau:

Tôi cho rằng vẫn giữ nguyên quy định v/v cấp Giấy chứng nhận người bào chữa cho luật sư khi tham gia tố tụng hình sự nhưng thêm nội dung là: “ (...), trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.

Lý do: để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất giữa các quy định của pháp luật (tức giữa Luật Luật sư và Bộ luật Tố tụng Hình sự hiện hành). Bên cạnh đó, khi Bộ luật Tố tụng Hình sự có sự sửa đổi, bổ sung thì không phải vì lý do Luật Luật sư đã quy định v/v cấp Giấy chứng nhận người bào chữa như nói trên nên không bỏ quy định v/v cấp Giấy này trong Bộ luật Tố tụng Hình sự sửa đổi, bổ sung. Ngoài ra, khi  Bộ luật Tố tụng Hình sự được sửa đổi, bổ sung theo hướng bỏ quy định v/v cấp Giấy chứng nhận người bào chữa cho luật sư khi tham gia tố tụng hình sự thì cũng không vì điều này mà phải sửa đổi, bổ sung ngay Luật Luật sư về vấn đề này.

II/ Phần góp ý chi tiết

1.  Về khoản 2 Điều 12 “Thời gian đào tạo nghề luật sư là mười hai tháng.”

Theo tôi, quy định như vậy dài, không hợp lý so với thời gian tập sự tại các tổ chức hành nghề luật sư cũng chỉ là 12 tháng. Việc vẫn giữ thời gian đào tạo nghề là sáu tháng và tập sự tại các tổ chức hành nghề luật sư là 18 tháng như quy định hiện hành là hợp lý. Trong trường hợp nhất thiết phải qui định đào tạo nghề là 12 tháng thì cần tăng thời gian tập sự tại các tổ chức hành nghề luật sư lên 24 tháng mới hợp lý bởi nghề luật sư đòi hỏi kỹ năng hành nghề, thực tập nhiều hơn so với học lý thuyết

2. Về “Điều 13. Người được miễn đào tạo nghề luật sư”

- Tôi đề nghị không miễn đào tạo cho một số đối tượng sau đây thuộc khoản 2, 3, 4 Điều 13: đã là điều tra viên, chấp hành viên, thẩm tra viên, kiểm tra viên, thanh tra viên, chuyên viên, nghiên cứu viên, giảng viên, sĩ quan quân đội công tác trong lĩnh vực pháp luật; công chứng viên, thừa phát lại.

Lý do: các đối tượng này làm việc chuyên ngành, chuyên sâu về một hoặc một số lĩnh vực; hoặc chỉ nghiên cứu, giảng dạy, mang nặng tính lý luận nhiều hơn là kỹ năng hành nghề; kỹ năng hành nghề, đạo đức và ứng xử nghề nghiệp giữa các đối tượng này với luật sư có nhiều điểm khác biệt. Trong khi đó, trước khi trở thành luật sư chuyên sâu về lĩnh vực nào đó, phải là luật sư. Như vậy, người muốn trở thành luật sư, cần được đào tạo đa dạng, đa lĩnh vực (để có thể tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện trong và ngoài tố tụng, làm các dịch vụ pháp lý khác), cần được đào tạo không chỉ về kỹ năng nghề mà còn về quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp luật sư.

- Tôi đề nghị việc xem xét miễn đào tạo nghề luật sư cho thẩm phán, kiểm sát viên là trong thời hạn ba năm, kể từ ngày thôi đảm nhận chức danh đó. Bởi lẽ, thời hạn năm năm là quá dài, trong khi xu thế của nước ta hiện tại và những năm tới có những đổi thay nhanh chóng, liên tục về lĩnh vực pháp luật.

Do vậy, nên bỏ khoản 3, 4 Điều 13 Dự án và viết lại khoản 3 Điều 13 như sau:

 3. Đã là thẩm phán trung cấp, thẩm phán tòa án nhân dân tối cao; kiểm sát viên trung cấp, kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao.”

Những người quy định tại khoản 2, 3 của Điều này chỉ được xem xét miễn đào tạo nghề luật sư trong thời hạn ba năm, kể từ ngày thôi đảm nhiệm chức danh đó.”

3. Về đoạn 2 khoản 1 Điều 14 quy định: “Thời gian tập sự hành nghề luật sư được tính từ ngày đăng ký tập sự tại Đoàn luật sư.

Theo tôi, nên quy định như sau: “Thời gian tập sự hành nghề luật sư được tính từ ngày Đoàn luật sư cấp Giấy chứng nhận người tập sự hành nghề luật sư.Bởi lẽ, thực tế cho thấy, nhiều khi làm hồ sơ và đăng ký tập sự tại Đoàn luật sư, ví dụ là vào tháng 3 nhưng ba, bốn tháng sau, Đoàn mới cấp Giấy chứng nhận người tập sự hành nghề luật sư và trong giấy này lại ghi thời gian tập sự là ngay hay trước ngày trao Giấy chứng nhận này vài ngày. Như vậy, là không đúng với ngày người tập sự nộp hồ sơ đăng ký tập sự tại Đoàn. Còn nếu tính từ ngày người này nộp hồ sơ đăng ký tập sự tại Đoàn mà mấy tháng sau, Đoàn mới cấp Giấy chứng nhận thì thời gian tập sự thực tế bị giảm đi rất nhiều.

4. Về đoạn 3 khoản 1 Điều 14 quy định: “...Luật sư hướng dẫn phải là người có ít nhất ba năm kinh nghiệm hành nghề luật sư, có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín nghề nghiệp...”

Tôi đồng ý về điều kiện luật sư hướng dẫn phải là người có ít nhất ba năm kinh nghiệm hành nghề luật sư nhưng đề nghị bỏ điều kiện: “có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín nghề nghiệp” và bổ sung nội dung: “Luật sư bị kỷ luật theo khoản 1 Điều 85 của Luật này không được là luật sư hướng dẫn trong thời hạn 36 tháng, kể từ khi chấp hành xong hình thức kỷ luật”.

Lý do: với số năm kinh nghiệm như trên, luật sư mới có thể đảm bảo hướng dẫn được người tập sự hành nghề luật sư. Còn việc quy định “có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín nghề nghiệp” là thừa vì đã là luật sư thì phải có phẩm chất đạo đức tốt theo quy định tại Điều 10 của Luật Luật sư và đã có ít nhất ba năm kinh nghiệm hành nghề luật sư, cũng như không thuộc trường hợp không được là luật sư hướng dẫn trong một thời hạn nhất định như tôi đã đề nghị bổ sung nêu trên thì cần phải xem họ “có uy tín nghề nghiệp”. Còn việc quy định chung chung là luật sư hướng dẫn phải “có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín nghề nghiệp” sẽ đưa đến những bất nhất, khó khăn trong việc hiểu, đánh giá, hướng dẫn và áp dụng thống nhất về tiêu chí luật sư hướng dẫn cần phải đáp ứng các điều kiện gì thì được xem là người có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín nghề nghiệp? 

5. Về khoản 3 Điều 14 quy định: “Người tập sự hành nghề luật sư được đi cùng với luật sư hướng dẫn gặp gỡ (...), nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và các đương sự khác trong vụ án dân sự, hành chính khi được khách hàng đồng ý;...

Tôi đề nghị viết lại đoạn này như sau: “Người tập sự hành nghề luật sư được cùng với luật sư hướng dẫn gặp gỡ (...) người tham gia tố tụng trong vụ án dân sự, hành chính khi được khách hàng đồng ý;(...)”.

Lý do: liệt kê như Dự án là chưa đầy đủ và chưa chính xác. Cụ thể: trong vụ án dân sự, đương sự được xác định rõ ràng là nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; không có đương sự khác, mà chỉ có người tham gia tố tụng gồm đương sự như đã nêu trên và những người tham gia tố tụng khác là người làm chứng, người giám định, người phiên dịch, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Còn trong vụ án hành chính, đương sự là người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; không có đương sự khác, mà chỉ có người tham gia tố tụng gồm đương sự, người đại diện đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch. Trong khi đó, khi tham gia tố tụng các vụ án dân sự, hành chính, luật sư không chỉ có quyền gặp gỡ các đối tượng như Dự án đã nêu, mà còn có quyền gặp những người tham gia tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự và Luật Tố tụng Hành chính như tôi đã nêu trên khi khách hàng đồng ý nhằm hỗ trợ pháp lý và bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của khác hàng theo khoản 4 Điều 5 Luật Luật sư.

6. Về “Điều 16. Người được miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư

Tôi cho rằng không nên miễn, giảm thời gian tập sự cho đối tượng nào bởi nghề luật sư coi trọng kỹ năng hành nghề, thực hành, nếu đã miễn đào tạo cho một số đối tượng như thẩm phán, kiểm sát viên nêu trong Dự án mà còn miễn cả tập sự cho họ thì gây khó cho chính những người được miễn. Bởi, có thể thẩm phán giỏi trong xét xử, kiểm sát viên giỏi trong kiểm sát nhưng họ lại không hiểu một cách bài bản, sâu sắc khi thực hiện kỹ năng hành nghề, thực hiện ứng xử, đạo đức của nghề luật sư do không được tập sự về việc này.

7. Về đoạn 2 khoản 3 Điều 20: “ (...) Thẻ luật sư có thời hạn năm năm và được đổi khi hết hạn

Theo tôi, nên bỏ nội dung này vì việc đổi Thẻ luật sư gây tốn kém, lãng phí thời gian, công, của không cần thiết. Mặt khác, quản lý luật sư thông qua hoạt động hành nghề của họ, chứ không phải thông qua việc đổi thẻ cho họ. Việc luật sư bị kỷ luật xóa tên theo điểm d khoản 1 Điều 85 Luật Luật sư thì đã bị thu hồi Thẻ luật sư nên không ngại việc không quản lý được thẻ này. Mặt khác, Thẻ luật sư còn thể hiện được thâm niên của luật sư.

8. Về “Điều 21. Quyền, nghĩa vụ của luật sư”

Theo tôi, Dự án cần bổ sung quyền và nghĩa vụ của luật sư đối với tổ chức hành nghề luật sư, quyền của tổ chức hành nghề luật sư đối với luật sư, nhất là với những trường hợp phổ biến là luật sư làm việc cho tổ chức hành nghề luật sư theo hợp đồng cộng tác, mà không theo hợp đồng lao động. Có như vậy, mới tương xứng với quyền, nghĩa vụ của các bên. Ví dụ: theo khoản 5 Điều 40 thì tổ chức hành nghề luật sư phải: Bồi thường thiệt hại do lỗi mà luật sư của tổ chức mình gây ra cho khách hàng”. Vậy trong trường hợp này, luật sư có nghĩa vụ gì đối với tổ chức nơi mình hành nghề?

9. Về điểm b khoản 1 Điều 21 quy định luật sư được “Đại diện cho khách hàng trước cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật”

Tôi đề nghị bổ sung: “Đại diện cho khách hàng trước cá nhân, (...) theo quy định của pháp luật”.

Lý do: có những trường hợp cần phải đại diện cho khách hàng để làm việc, khiếu kiện cá nhân có thẩm quyền. Ví dụ khởi kiện hành chính yêu cầu hủy quyết định truy thu thuế của Cục trưởng Cục thuế, yêu cầu hủy quyết định của Chủ tịch UBND cấp có thẩm quyền. Do vậy, nên quy định như góp ý này để tránh trường hợp các cá nhân có thẩm quyền làm khó hay từ chối làm việc với luật sư với tư cách đại diện khách hàng (người khởi kiện họ).

10. Về đoạn 1 khoản 1 Điều 23 quy định:“Hành nghề trong tổ chức hành nghề luật sư được thực hiện bằng việc thành lập hoặc tham gia thành lập tổ chức hành nghề luật sư, làm việc theo hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề luật sư.

Tôi đề nghị bổ sung là “làm việc theo hợp đồng lao động, hợp đồng cộng tác cho tổ chức hành nghề luật sư” vì làm việc theo hợp đồng cộng tác là thực tế phổ biến lâu nay, có hiệu quả và nhiều hơn so với làm việc theo hợp đồng lao động. Mặt khác, làm việc theo hợp đồng cộng tác không trái pháp luật, tạo điều kiện cho sự liên kết, kết hợp giữa nhiều luật sư với nhau trên cơ sở cộng tác, hợp tác, mà không đòi hỏi phải có một số những điều kiện như khi làm việc theo hợp đồng lao động, thể hiện quyền tự do giao kết hợp đồng và phù hợp với tính tự chủ, độc lập của luật sư. Điều quan trọng nữa là địa vị pháp lý của tổ chức hành nghề luật sư và luật sư có rất nhiều điểm khác nhau trong hoạt động tố tụng. Ví dụ: khi tham gia tố tụng dân sự, luật sư được và phải nhân danh tư cách luật sư của mình, chứ không phải nhân danh tổ chức hành nghề luật sư nơi mình làm việc để thực hiện những quyền và nghĩa vụ tố tụng. Do vậy, nếu buộc các luật sư đều phải làm việc theo hợp đồng lao động mà không được làm việc theo hợp đồng cộng tác là không hợp lý và không đáp ứng đòi hỏi thực tế. 

11. Về Điều 24 “Nhận và thực hiện vụ, việc của khách hàng”, mặc dù theo Dự án là giữ nguyên nhưng tôi đề nghị như sau:

- Bổ sung vào khoản 1 Điều 24 như sau: “1. Luật sư tôn trọng sự lựa chọn luật sư của khách hàng hoặc sự phân công của tổ chức hành nghề luật sư nơi mình làm việc; chỉ nhận vụ, việc theo khả năng của mình và thực hiện vụ, việc trong phạm vi yêu cầu của khách hàng hoặc sự phân công của tổ chức hành nghề luật sư nơi mình làm việc”. Bởi lẽ, thực tế lâu nay, có nhiều khách hàng tìm đến công ty luật/văn phòng luật sư nhờ thực hiện dịch vụ pháp lý mà không nhờ luật sư cụ thể nào trong công ty/văn phòng đó vì không biết luật sư cụ thể nào, mà chỉ biết công ty/văn phòng. Do vậy, bổ sung như trên, theo tôi là cần thiết.  

- Bổ sung khoản 2 Điều 24 như sau: 2. Khi nhận vụ, việc, tổ chức hành nghề luật sư, luật sư thông báo cho khách hàng về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm nghề nghiệp của luật sư trong việc thực hiện dịch vụ pháp lý cho khách hàng.”.

Lý do: thực tế lâu nay, nhiều trường hợp tổ chức hành nghề luật sư ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với khách hàng rồi mới phân công cho luật sư trong tổ chức mình thực hiện. Để tổ chức hành nghề luật sư, luật sư thông báo cho khách hàng quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình thông qua việc nêu rõ trong hợp đồng dịch vụ pháp lý và trong quá trình thực hiện dịch vụ pháp lý, nên bổ sung như nêu trên.

12. Về khoản 2 Điều 27 quy định: “Khi tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ, việc dân sự, vụ án hành chính, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự, luật sư xuất trình Thẻ luật sư và giấy yêu cầu luật sư của khách hàng”

Theo tôi, nên bổ sung thêm nội dung là luật sư xuất trình: “(...),văn bản cử luật sư của tổ chức hành nghề luật sư nơi luật sư hành nghề”.

Lý do: một trong những hình thức hành nghề của luật sư là làm việc theo hợp đồng cho tổ chức hành nghề luật sư. Do vậy, khi luật sư nhận vụ, việc nào đó thì phải thông qua tổ chức hành nghề luật sư. Khi đó, cần phải có sự giới thiệu/phân công/đề cử luật sư của tổ chức hành nghề luật sư với cá nhân, cơ quan, tổ chức hữu quan. Việc này nhằm mục đích quản lý hoạt động của luật sư trong tổ chức hành nghề luật sư, xác định trách nhiệm trước pháp luật, trước khách hàng giữa luật sư với tổ chức hành nghề luật sư và nhằm phục vụ công việc báo cáo, thống kê cho cơ quan quản lý nhà nước, Đoàn/Liên Đoàn luật sư. Hơn nữa, theo khoản 3 Điều 27, đối với luật sư hành nghề trong tổ chức hành nghề luật sư khi làm thủ tục tham gia bào chữa trong vụ án hình sự, phải xuất trình văn bản cử luật sư của tổ chức hành nghề luật sư nơi luật sư hành nghề thì không có lý do gì khi tham gia những vụ, việc tố tụng khác với tư cách là người bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đương sự, lại không xuất trình văn bản như theo góp ý mà tôi nêu trên.

13. Về đoạn 2 khoản 2 Điều 27 quy định: “Trong trường hợp người tập sự hành nghề luật sư cùng tham gia vụ việc với luật sư hướng dẫn trong các vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo quy định tại khoản 3 Điều 14 của Luật này thì khi liên hệ với cá nhân, cơ quan, tổ chức, luật sư hướng dẫn xuất trình Giấy chứng nhận người tập sự hành nghề luật sư và giấy tờ xác nhận sự đồng ý của khách hàng.

Theo tôi, nên bổ sung luật sư hướng dẫn xuất trình: “(...), văn bản đồng ý cho người tập sự trong tổ chức hành nghề luật sư nơi luật sư hướng dẫn hành nghề tham gia”.

Lý do: để phục vụ việc quản lý người tập sự hành nghề luật sư trong tổ chức hành nghề luật sư, xác định trách nhiệm giữa tổ chức hành nghề luật sư, luật sư hướng dẫn và người tập sự hành nghề luật sư, cũng như để phục vụ việc báo cáo, thống kê cho cơ quan quản lý nhà nước, Đoàn/Liên Đoàn luật sư.

14. Về đoạn 3 khoản 3 Điều 27 quy định: “Trong trường hợp người tập sự hành nghề luật sư cùng tham gia vụ việc với luật sư hướng dẫn trong vụ án hình sự theo quy định tại khoản 3 Điều 14 của Luật này thì khi đề nghị cấp Giấy chứng nhận người bào chữa, luật sư hướng dẫn gửi kèm theo Giấy chứng nhận người tập sự hành nghề luật sư và giấy tờ xác nhận sự đồng ý của khách hàng đến cơ quan tiến hành tố tụng để đề nghị cho phép người tập sự cùng tham gia vụ việc với luật sư hướng dẫn”

Tôi đề nghị bổ sung: “(...), luật sư hướng dẫn gửi kèm theo (...),văn bản đồng ý cho người tập sự của tổ chức hành nghề luật sư nơi luật sư hướng dẫn hành nghề đối với người tập sự hành nghề luật sư trong tổ chức hành nghề luật sư”.

Lý do: cũng nhằm mục đích như đã nêu tại ý kiến về đoạn 2 khoản 2 Điều 27 nêu trên.

15. Về đoạn 4 khoản 3 Điều 27 quy định: “ Trong thời hạn ba ngày làm việc hoặc trong thời hạn hai mươi bốn giờ đối với trường hợp tạm giữ, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, cơ quan tiến hành tố tụng cấp Giấy chứng nhận người bào chữa cho luật sư, trong đó cho phép người tập sự hành nghề luật sư tham gia vụ việc(nếu có); (...)”

Theo tôi,  nên quy định như sau: “Chậm nhất là ba ngày hoặc chậm nhất là hai mươi bốn giờ đối với trường hợp tạm giữ, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, cơ quan tiến hành tố tụng cấp Giấy chứng nhận người bào chữa cho luật sư, trong đó cho phép người tập sự hành nghề luật sư tham gia vụ việc (nếu có); (...)”

Lý do: quy định “chậm nhất...”  là để thể hiện yêu cầu sự khẩn trương, nhanh chóng của cơ quan tiến hành tố tụng trong việc đảm bảo quyền nhờ người bào chữa của bị can, bị cáo, người bị tạm giữ, tránh tình trạng cơ quan tiến hành tố tụng không cấp ngay Giấy chứng nhận người bào chữa dù có đủ điều kiện cấp ngay giấy này, mà chờ cho đủ ba ngày mới cấp giấy này. Mặt khác quy định thời hạn cấp Giấy chứng nhận người bào chữa như trong Luật Luật sư hiện hành là ba ngày, nay quy định là ba ngày làm việc thì chưa thể hiện tinh thần cải cách thủ tục hành chính tư pháp theo hướng ngày càng nhanh chóng. Bởi lẽ, thời hạn ba ngày làm việc, có khi do phải trừ ngày nghỉ cuối tuần hay ngày lễ thì thời gian này đến năm ngày hoặc nhiều hơn nữa; trong khi đó, khi cấp Giấy chứng người bào chữa đối với trường hợp tạm giữ thì chỉ tính theo giờ mà không tính theo giờ làm việc.  

16. Về “Điều 31. Hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí của luật sư, mặc dù theo Dự án là giữ nguyên nhưng tôi đề nghị bỏ khoản 1 Điều này: “(...), luật sư phải tận tâm với người được trợ giúp như đối với khách hàng trong những vụ, việc có thù lao.”

Lý do: nội dung này thừa và thể hiện sự thiếu tôn trọng luật sư ngay trong điều luật. (có lẽ do định kiến là luật sư thực hiện dịch vụ pháp lý có thù lao thì tận tâm, tích cực, còn trợ giúp pháp lý miễn phí thì không như thế nên mới phải nhắc nhở như vậy ngay trong điều luật này). Thực tế, việc luật sư được trả thù lao thì làm tốt, miễn phí thì làm không tốt không phải là chuyện phổ biến. Hơn nữa, các điều khoản khác đã quy định khi hành nghề, luật sư có các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm như pháp luật quy định. Do đó, luật sư nào trợ giúp pháp lý miễn phí mà vi phạm quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của luật sư thì cũng bị xử lý như khi thực hiện dịch vụ pháp lý có thù lao, không cần thiết phải quy định như tại khoản 1 điều này.

17.  Về “Điều 39. Quyền của tổ chức hành nghề luật sư

Tôi cho rằng cần luật hóa ngay trong Dự án về quyền của tổ chức hành nghề luật sư đối với người tập sự hành nghề luật sư là gì thì mới tương xứng với nghĩa vụ của tổ chức này đối với người tập sự hành nghề luật sư quy định tại khoản 9 Điều 40. Bởi lẽ, khi tổ chức hành nghề luật sư nhận người tập sự hành nghề luật sư vào tổ chức của mình, không chỉ đòi hỏi phải đảm bảo diện tích, điều kiện tập sự cho người này mà còn phải có trách nhiệm bồi thường, bị ảnh hưởng uy tín khi người tập sự thực hiện hay trợ giúp cho luật sư hướng dẫn của tổ chức mình thực hiện công việc liên quan dịch vụ pháp lý bị sai, sót, gây thiệt hại cho khách hàng.

18. Về khoản 10 Điều 40 quy định tổ chức hành nghề luật sư: “(...) bảo đảm cho luật sư của tổ chức mình tuân thủ pháp luật, tuân theo Điều lệ của Liên đoàn luật sư Việt Nam và Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam.”

Theo tôi, không nên quy định như vậy vì mỗi luật sư đều phải có nghĩa vụ, trách nhiệm tuân thủ pháp luật, tuân theo Điều lệ của Liên đoàn luật sư Việt Nam, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam, nếu không tuân thủ thì sẽ bị xử lý tương xứng theo quy định, sẽ bị loại bỏ khỏi tổ chức nơi mình hành nghề luật sư. Tổ chức hành nghề luật sư chỉ có thể quản lý luật sư theo quy định, chứ không thể có bảo đảm như quy định tại khoản 10 Điều 40. Hơn nữa, nếu đã quy định nghĩa vụ bảo đảm này thì phải có quy định khi không bảo đảm được thì phải chịu trách nhiệm đến đâu, bị xử lý ra sao?

19. Về khoản 19 Điều 61 quy định Đoàn Luật sư có “Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo Điều lệ của Liên đoàn luật sư Việt Nam.”

Tôi đề nghị bổ sung như sau: “(...) và theo nghị quyết, quyết định, các quy định khác do Đoàn ban hành không trái với quy định của pháp luật và Điều lệ của Liên đoàn luật sư Việt Nam.”

Lý do: việc bổ sung như vậy thì đầy đủ hơn và phù hợp với khoản 3 Điều 60: “Đoàn luật sư không được ban hành nghị quyết, quyết định, quy định về phí, khoản thu và các quy định khác trái với quy định của pháp luật và Điều lệ của Liên đoàn luật sư Việt Nam”. Tức là Đoàn luật sư được ban hành nghị quyết, quyết định, quy định về phí, khoản thu và các quy định khác không trái với quy định của pháp luật và Điều lệ của Liên đoàn luật sư Việt Nam và khi được ban hành như thế thì cũng phải có các nhiệm vụ, quyền hạn như tôi đã đề nghị bổ sung như trên.

20. Về “Điều 91. Xử lý vi phạm đối với các hành vi xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư”, mặc dù Dự án giữ nguyên nhưng theo tôi cần sửa đổi bổ sung như sau:

1. Người nào có hành vi xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư hoặc cản trở luật sư, tổ chức hành nghề luật sư thực hiện quyền, nghĩa vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Cơ quan, tổ chức nào có hành vi xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư hoặc cản trở luật sư, tổ chức hành nghề luật sư thực hiện quyền, nghĩa vụ thì bị xử lý hành chính; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.”

Lý do: để thể hiện ý chí, sự cương quyết của nhà nước và pháp luật là thật sự muốn phòng - chống, đầy lùi việc xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư hoặc cản trở luật sư, tổ chức hành nghề luật sư thực hiện quyền, nghĩa vụ lâu nay. Qua đó, cũng là biện pháp đề cao dân chủ, nâng cao chất lượng của công cuộc cải cách tư pháp. Mặt khác, theo tôi, có sửa đổi như thế, mới có cơ sở để Chính phủ sớm ban hành nghị định hay sửa đổi bổ sung nghị định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp mà trong đó có quy định hành vi nào xâm phạm đến luật sư, tổ chức hành nghề luật sư thì bị xử lý hành chính, thẩm quyền, thủ tục, biện pháp xử lý. Còn trông chờ vào việc xử lý kỷ luật hay xử lý hình sự thì rất khó khăn và chưa biết đến bao giờ. Bởi lẽ, xử lý kỷ luật là như thế nào, còn xử lý hình sự thì làm sao khả thi được khi hiện nay, Bộ luật Hình sự không có quy định về tội xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư hoặc cản trở luật sư, tổ chức hành nghề luật sư thực hiện quyền, nghĩa vụ?

21. Về “Điều 92 a. Điều khoản chuyển tiếp

- Tôi đề nghị bỏ khoản 1 Điều này vì Thẻ luật sư được cấp không xác định thời hạn, không thực hiện việc đổi Thẻ luật sư với lý do như tôi đã nêu ở khoản 7 mục II của văn bản góp ý này.

- Tôi đề nghị bổ sung cụm từ “theo hợp đồng cộng tác cho tổ chức hành nghề luật sư” trước cụm từ: “Trong thời hạn hai năm (...), luật sư hành nghề với tư cách cá nhân phải chuyển đổi (...)” trong khoản 3 Điều này.

Trên đây là một số góp ý của tôi đối với Dự án. Rất mong Quý Đoàn quan tâm, ghi nhận.

Tin tức khác


   Trang sau >>