MỘT BẢN ÁN LẠ LẪM

 

Toà án Nhân dân tỉnh Bình Phước xét xử sơ thẩm một vụ án hình sự trong các ngày 09, 10 ,15- 8-2011 (bản án số 32/2011/HSST).

Vụ án xảy ra ngày 12.10.2008 tại Trung tâm giáo dục Phú Đức- TP.HCM đóng trên địa bàn xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước.

Diễn biến điều tra, truy tố và xét xử vụ án bộc lộ nhiều bất cập

Theo Cáo trạng số 11/QĐ-KSĐT-TA ngày 07.5.2010 của VKSND tỉnh Bình Phước, các bị cáo Mai Giang, Nguyễn Thanh Hải, Trần Văn Lộc, Bạch Huỳnh Cường, Trần Tấn Phú bị Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND)  tỉnh Bình Phước truy tố về tội “giết người”.

Mặc dù thời gian giải quyết vụ án: từ giai đoạn điều tra, truy tố đến xét xử kéo dài gần 03 (ba) năm (từ ngày 12-10-2008 đến ngày 09-8-2011), một số tình tiết quan trọng mang tính quyết định của vụ án vẫn chưa được làm sáng tỏ. Theo cáo trạng: “...Tuấn tiếp tục chạy ra phía cửa phòng 05 thì bị một số học viên chặn lại đánh tiếp, Tuấn ôm đầu ngã gục xuống đất bất tỉnh. Sau đó, Tuấn được mọi người đưa đi cấp cứu nhưng đã chết sau đó.”...

Án sơ thẩm nhận định: ngoài các bị cáo bị truy tố và xét xử, còn có các đồng phạm khác tham gia đánh bị hại Đoàn Anh Tuấn như: Nguyễn Hồng Minh, Trần Anh Tuấn, Dương Xuân Tâm, Nguyễn Thanh Hiếu... được thể hiện qua lời khai Thòng Cá Sầu (BL 49, 140, 175, 176), Trần Tấn Phú (BL 164), Trần Thanh Phương (BL 404), Nguyễn Thanh Hữu (BL 173), theo đó: “người thanh niên (bị hại Đoàn Anh Tuấn) bỏ chạy gần đến cửa chính ra vào cửa phòng số 05 thì bị 05 hoặc 06 học viên nữa đánh”. Điều này cũng được thể hiện ở bản Cáo trạng số 11/QĐ-KSĐT-TA ngày 07.5.2010 của VKSND tỉnh Bình Phước nên ngày 04.01.2011, Toà án Nhân dân (TAND) tỉnh Bình Phước đã ra Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung số 01/HSST yêu cầu làm rõ hành vi của các đối tượng khác ngoài các bị cáo. Thế nhưng, kết luận điều tra bổ sung số 258/KLĐT ngày 17.3.2011 của Cơ quan cảnh sát điều tra (CQCSĐT) Công an tỉnh Bình Phước chưa tiến hành điều tra yêu cầu trả hồ sơ điều tra bổ sung của TAND tỉnh Bình Phước.

Trước khi vụ án được đưa ra xét xử, ngày 03.6.2011 VKSND tỉnh Bình Phước đã ra quyết định số 01/QĐ-KSXX-TA và số 02/QĐ-KSXX-TA rút truy tố đối với Lê Nguyễn Thành Nghĩa và Trần Thanh Phương: miễn trách nhiệm hình sự đối với Nghĩa và Phương thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 25 BLHS: trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội đã tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm. Trong khi tính chất hành vi của Bạch Huỳnh Cường tương tự như Phương, Nghĩa thì vẫn bị VKSND và TAND tỉnh Bình Phước truy cứu trách nhiệm hình sự!

Cho dù chưa hài lòng đối với kết quả điều tra, TAND tỉnh Bình Phước vẫn phải đưa vụ án ra xét xử và quyết định: tuyên bố các bị cáo Mai Giang, Nguyễn Thanh Hải, Trần Tấn Phú, Trần Văn Lộc, Bạch Huỳnh Cường  phạm tội “Giết người”. Xử phạt Mai Giang 08 năm tù, Nguyễn Thanh Hải 09 năm tù, Trần Văn Lộc 09 năm tù, Bạch Huỳnh Cường 07 năm tù, Trần Tấn Phú 07 năm tù.

Với những sai sót “chết người” vừa đề cập, thiếu căn cứ pháp lý quy buộc các bị cáo đã gây ra cái chết của bị hại Đoàn Anh Tuấn. Chính TAND tỉnh Bình Phước tự đánh giá vụ án: Kết luận của đại diện VKS về phần tội danh và hình phạt là có căn cứ được Hội đồng xét xử (HĐXX) chấp nhận. Tuy nhiên, ngoài các bị cáo bị truy tố và xét xử ra, hồ sơ vụ án còn thể hiện có các đồng phạm khác tham gia đánh bị hại Đoàn Anh Tuấn như Nguyễn Hồng Minh, Trần Anh Tuấn, Dương Xuân Tâm, Nguyễn Thanh Hiếu... được thể hiện qua lời khai của Thòng Cá Sầu tại các BL 48, 140, 175, 176; tại BL 164, Trần Tấn Phú khai: “Tính dùng chân đá vào người Tuấn, Linh dùng chân đá vào người Tuấn...”; tại BL 404, Trần Thanh Phương khai: “Tuấn bỏ chạy thì Hải đuổi theo, lúc đó có một đám đông bu vào đánh làm Tuấn bất tỉnh...”; tại BL 173, Nguyễn Thanh Hiếu khai “...người thanh niên bỏ chạy gần đến cửa chính ra vào cửa phòng số 05 thì bị 5 hoặc 6 học viên nữa đánh...”.

Phải chăng do CQCSĐT không thực hiện nội dung điều tra bổ sung nên TAND tỉnh Bình phước miễn cưỡng đưa vụ án ra xét xử cho dù chứng cứ còn khập khiễng.

TAND tỉnh Bình Phước nhận định theo kiểu nước đôi không đủ sức thuyết phục công luận. Bởi lẽ, đã xác định có đồng phạm, thì phải điều tra làm rõ hành vi phạm tội của từng đồng phạm. Luật pháp phải công minh, có đồng phạm mà vẫn để “ngoài vòng pháp luật” thì vô hình chung phá vỡ nguyên tắc “công pháp bất vị thân”. Vả lại, cáo trạng khẳng định bị hại chết sau khi bị một số học viên khác đón đánh trước phòng số 05 và phòng số 06 (trang 2 dòng 28, 29, 30 Cáo trạng số 11/QĐ/KSĐT) là bỏ lọt người phạm tội, oan sai đối với các bị cáo trong vụ án... Bởi vì cái chết của người bị hại Đoàn Anh Tuấn không phải do các bị cáo gây ra, vì sau khi bị các bị cáo đánh, bị hại vẫn còn sức khoẻ tiếp tục chạy ra cửa phòng 05 và phòng 06 thì bị đám học viên nơi đây “hạ gục”. Hơn nữa, công cụ mà các bị cáo tác động vào cơ thể nạn nhân chỉ là tay không, vỏ chai nhựa rỗng... lại bị buộc tội “giết người”, còn nhóm người trực tiếp gây ra cái chết của bị hại thì lại nhởn nhơ sống ngoài vòng pháp luật! Trong khi kết luận pháp y xác định nguyên nhân dẫn đến cái chết của bị hại do chấn thương sọ não.

Có thể nói, với kết quả điều tra của CQCSĐT Công an tỉnh Bình Phước thì cùng lắm chỉ có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự các bị cáo về hành vi “gây rối trật tự công cộng” hoặc “cố ý gây thương tích” mà thôi! Không thể vì chưa xác định được người nào trong nhóm học viên ở phòng 05 và phòng 06 đã đánh chết bị hại Đoàn Anh Tuấn mà buộc các bị cáo phải chịu tội thay về hành vi “giết người” theo kiểu “bụng làm, dạ chịu”, “không có chó bắt mèo ăn cứt”... !

Bản án số 32/2011/HSST cho rằng: “...xét thấy việc điều tra không đầy đủ nêu trên làm cho việc đánh giá vụ án không được khách quan toàn diện, chưa đủ cơ sở xác định vụ án không còn đồng phạm khác, do đó cần kiến nghị cấp phúc thẩm huỷ bản án để điều tra, xét xử lại theo thủ tục chung... Chấp nhận quan điểm của các luật sư về việc cần làm rõ các đồng phạm khác trong vụ án”.

Tuy tuyên bố các bị cáo trên phạm tội “Giết người”, TAND tỉnh Bình Phước lại kiến nghị cấp phúc thẩm huỷ bản án để điều tra, xét xử lại theo thủ tục chung.

Điều nghịch lý là ở chỗ: TAND tỉnh Bình Phước tuyên các bị cáo phạm tội “giết người”, đồng thời cũng chính TAND tỉnh Bình Phước lại kiến nghị toà án cấp trên (Toà phúc thẩm TAND Tối cao tại Tp.HCM) huỷ bản án do chính TAND tỉnh Bình Phước xử sơ thẩm. Qua đó, cho thấy hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng (điều tra, truy tố và xét xử) tồn tại những “cản trở”, sự phối hợp thiếu “ăn ý” giữa các cơ quan tiến hành tố tụng dẫn đến tình trạng hậu quả tréo ngoe do mạnh ai nấy làm. Bản án trên đây của TAND tỉnh Bình Phước thật lạ lẫm hiếm thấy xảy ra trong hoạt động tư pháp của nhà nước pháp quyền.

Phải chăng, do bị hạn chế về thẩm quyền xét xử, Toà án Nhân dân tỉnh Bình Phước buộc lòng phải ban hành bản án mang tính hình thức, chiếu lệ!

Thiết nghĩ, cơ quan chức năng thẩm quyền cần sớm có quy định “đường lối chính thống giải quyết các vụ án”, tránh diễn ra tình trạng “ông nói gà, bà nói vịt” giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.

Cần sớm sửa đổi bổ sung Bộ luật Tố tụng Hình sự theo hướng xác định cơ quan xét xử có quyền nhân danh nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đòi hỏi cơ quan điều tra, cơ quan truy tố phải thực hiện nội dung yêu cầu điều tra bổ sung của toà án.

Nếu cơ quan điều tra, cơ quan truy tố “phó mặc” không điều tra bổ sung, hội đồng xét xử có quyền kiến nghị cơ quan chuyên trách thẩm quyền can thiệp buộc điều tra viên, kiểm sát viên thực hiện nội dung yêu cầu điều tra bổ sung của toà án. Có như vậy mới không còn những bản án “lạ lẫm” như bản án vừa nêu của Toà án Nhân dân tỉnh Bình Phước nữa!

 Luật sư  Trần Công Ly Tao

(Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM)

Tin tức khác


   Trang sau >>