TÌM HIỂU VỀ TỔ CHỨC THI HÀNH ÁN CỦA NƯỚC CỘNG HÒA PHÁP

Bộ máy thi hành án ở Sài Gòn trước năm 1975 là bắt nguồn từ chế định thi hành án của nước Cộng hòa Pháp đang được áp dụng. Chính phủ pháp cũng đã tài trợ cho Việt Nam hội thảo về tổ chức này từ nhiều năm nay. Để tìm hiểu về tổ chức thừa phát lại và tổ chức này được giao quyền thi hành án; nếu sau này được xã hội hóa hoạt động thi hành án được thành lập, tư liệu dưới đây cung cấp cho các bạn trẻ có bằng cử nhân, các luật sư trẻ ưa thích hoạt động thi hành án được pháp luật cho phép, và theo nguồn tin chế độ thừa phát lại được thí điểm tại TP.HCM trong năm 2008.

Đối chiếu một số nước trên thế giới, gần Việt Nam là Cộng hòa Pháp thì việc thi hành án dân sự được đặt dưới sự điều hành của hai nhân vật chính: Thẩm phán đặc trách thi hành án và chế định thừa phát lại (tên gọi này tương đương với chấp hành viên hiện nay). Vai trò của thẩm phán và thừa phát lại tại Pháp được Luật số 91-650 ngày 9-7-1991 về thủ tục thi hành án dân sự của Pháp để nâng cao vai trò của thẩm phán và thừa phát lại như sau:

1- Thẩm phán đặc trách thi hành án

Căn cứ theo Luật số 91-650 ngày 9-7-1991 và Quyết định ngày 1-1-1993 của Pháp về cải cách thủ tục thi hành án dân sự; thẩm phán là người duy nhất có quyền giải quyết những tranh chấp do có khiếu kiện hoặc do có khó khăn nảy sinh trong quá trình thi hành án như: Cho lệnh kê biên tài sản tạm thời, kê biên giá trị chứng khoán, cổ phiếu, ngăn chặn chuyển dịch tài sản có đăng ký nhà, thuyền tàu biển...

Thẩm phán đặc trách thi hành án chính là người có thể quyết định cho tạm hoãn thi hành án hoặc bán đấu giá, nếu có căn cứ chính đáng và không ảnh hưởng gì đến người khiếu kiện; vì thẩm phán đặc trách thi hành án là cấp tài phán chuyên môn, áp dụng những văn bản pháp lý chuyên biệt.

Thẩm phán đặc trách thi hành án, tuy không giao quyền chủ động thi hành các bản án và quyết định của tòa án; nhưng được giao quyền tài phán giải quyết khiếu kiện. Thẩm phán đặc trách thi hành án được yêu cầu can thiệp để giải quyết những tranh chấp phát sinh trong quá trình thi hành án của thừa phát lại được giao quyền thi hành các bản án và quyết định của tòa án.

Việc thi hành án được pháp luật và quyền lực Nhà nước giao cho các chuyên gia có qui chế tự do và độc lập. Ở Pháp việc thi án được trao cho viên chức thừa phát lại.

2- Vai trò thừa phát lại tại Pháp

Thừa phát lại (TPL) tại Pháp được giao cho việc thi hành án nhân danh pháp luật và theo sự ủy nhiệm đương nhiên của cơ quan quyền lực Nhà nước. Với vị trí này TPL được can thiệp vào bất cứ lúc nào, thời gian nào, theo yêu cầu triệu dụng của người có quyền lợi bị xâm hại được pháp luật công nhận và bảo vệ.

Với vai trò của TPL tại Pháp có trách nhiệm điều hành việc thi hành án; TPL có thể xin thẩm phán đặc trách thi hành những án lệnh cần thiết hoặc trực tiếp yêu cầu sự can thiệp của thẩm phán phụ trách thi hành án trong trường hợp khó khăn khi thi hành án.

Ngoài ra trong trường hợp cần thiết, TPL là người duy nhất có quyền yêu cầu sự trợ giúp của các lực lượng công quyền; sự chuyên môn hóa nhiệm vụ thi hành án còn thể hiện ở nội dung và cách thức thi hành án.

3- Pháp luật thi hành án tại Pháp là một thể thống nhất và độc lập

a) Tính độc lập của thủ tục thi hành án

Ở một số nước, nhất là Pháp, Bỉ phương sách thi hành án được qui định trong một bộ luật riêng về thi hành án. Riêng ở Pháp thủ tục thi hành án đối với động sản đã có tới 400 điều khoản qui định- tính đặc thù này được giải thích vì sao thủ tục thì hành án được dạy như một môn học độc lập ở nhiều trường đại học (ở miền Nam Sài Gòn trước năm 1975 ở trường đại học luật có môn học phương sách thi hành).

Tính độc lập được xác định trong các nguyên tắc pháp luật, theo đó có hai phương thức thi hành án: Phương thức nghĩa vụ thanh toán và phương thức nghĩa vụ thực hiện. Pháp luật thi hành án có những qui định chi tiết và chuyên biệt về thủ tục thi hành án cho từng phương thức.

+ Nghĩa vụ thanh toán: Phương này yêu cầu thẩm phán ra một án lệnh (quyết định) và TPL áp dụng các qui định về thi hành án sai áp (kê biên) động sản hữu hình, động sản vô hình, bất động sản, kể cả sai áp tiền lương...

+ Nghĩa vụ thực hiện: Là phương thức gián tiếp gây áp lực đối với người mắc nợ bằng biện pháp phạt tiền và chịu hết án phí, sở phí thi hành án của TPL là biện pháp răn đe, được thông báo cho người mắc nợ biết trước, nếu không thực hiện biện pháp này đã được thẩm phán ấn định thanh lý. TPL thực hiện bằng các biện pháp kê biên các tài sản, với mục đích gây áp lực đối với người mắc nợ phải thi hành nghĩa vụ đó, nếu không tự nguyện thi hành sẽ bị phạt tiền, chịu án phí, các sở phí TPL.

b) Tài sản đối tượng thi hành án

Các phương thức thi hành án đều liên quan đến động sản và bất động sản của người mắc nợ hoặc của người phải thực hiện nghĩa vụ là tất cả những tài sản của các người này đều là vật bảo đảm chung cho chủ nợ hoặc người có quền lợi liên quan.

Các phương thi hành án đều liên quan đến tất cả tài sản hữu hình của người mắc nợ, vì vậy tài sản của người này dù đang nằm trong tay của họ hay trong tay một người thứ ba đều có thể bị sai áp.

Giai đoạn cuối cùng của thi hành án đối với động sản và bất động sản là việc bán các tài sản bị kê biên và phân chia số tiền bán được cho các chủ nợ, những điều khoản này được qui định trong các điều khoản của luật thi hành án. Pháp luật thi hành là sự thừa nhận các ngành luật khác nhau như: Luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Đất đai, Luật Thuê mướn, Luật Lao động, Luật Ngân hàng... tất cả tạo thành một thể thống nhất.

Nếu xảy ra trường hợp không trả tiền thuê, TPL sẽ áp dụng một thủ tục luật qui định thu hồi tiền thuê và trục xuất người thuê ra khỏi nơi thuê, hoặc trong lãnh vực thương mại, các biện pháp luật cho phép thu hồi một chi phiếu hoặc một thương phiếu chưa thanh toán.

4- Giới thiệu qui chế TPL tại Pháp

Dưới thời quân chủ và ngay cả dưới thời cách mạng 1792, sau đó là thời Đế chế thứ 1 của Pháp, nghề TPL được qui chế độc lập, vì hoạt động của TPLphải nằm trong khuôn khổ pháp luật qui định, bị đánh thuế cao và luôn tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách quốc gia.

Qui chế TPL tương đối phức tạp, vì TPL là người hoạt động chuyên môn có qui chế tự do với vai trò vừa là trợ lý tư pháp vừa là viên chức công quyền, sự đa dụng về quyền hạn này được thể hiện đa dạng về các hoạt động tiêu biểu chức năng TPL.

a) TPL hành nghề tự do

Ở Pháp, Bỉ, Hà Lan và Luxembourg, Nhà nước không nắm trong tay tất cả các đặc quyền như một số ít nước khác do Nhà nước nắm giữ đặc quyền này, mà cụ thể ở Việt Nam ta hiện nay- nét đặc thù ở Pháp, Bỉ, Hà Lan và Luxembourg thể hiện qua việc Nhà nước trao cho một số nghề chuyên môn đặc biệt, như công chứng viên, giám định viên kế toán, giám định viên về xe hơi, giám định viên về nhà đất, giám định viên về thẩm định giá, thông dịch viên các thứ tiếng, hổ giá viên bán đấu giá về động sản và bất động sản. Trong đó có TPL đặc trách về thi hành án dân sự và thiết lập các chứng thư ngoại tư pháp; các chức danh TPLvà hổ giá viên do Bộ Tư pháp bổ nhiệm, còn các chức danh khác do tòa án bổ nhiệm. Tất cả các chức danh này đều phải tuyên thệ trước tòa án và đều được coi  là trợ lý tư pháp.

Ở Pháp cũng như ở miền Nam trước năm 1975, quyền chủ động thi hành án được giao cho TPL, với tư cách này TPL là người duy nhất có độc quyền triển khai thi hành án, và TPL được ủy quyền đương nhiên khi được giao cho bản án có văn thức chấp hành.

Qui chế cho phép TPL hoàn toàn độc lập với chính quyền về mặt thi hành án nhằm bảo đảm tính hiệu quả. TPL không tuân thủ một cấp trên hay nhà chức trách nào, TPL phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước tòa án về những sai phạm chuyên môn và chịu trách nhiệm trước viện công tố bên cạnh tòa thượng thẩm và tòa sơ thẩm trong quản hạt được bổ nhiệm về những sai phạm kỷ luật TPL.

TPL do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm và phải tuyên thệ trước tòa thượng

Thẩm quản hạt; TPL là nghề tự do, tự quản lý hoạt động của mình, có nhân viên riêng, có thiết bị văn phòng, ngoài các sổ sách kế toán theo qui định. TPL còn phải giữ một cuốn sổ mục lục, sổ này phải cho ghi số thứ tự ngày tháng năm liên tục, tên các chứng thư đã lập. Sổ này Sở trước bạ và Viện công tố kiểm duyệt 6 tháng một lần; những văn bản do TPL lập được coi như là công chứng thư theo qui định của pháp luật.

b/TPL được coi là trợ lý tư pháp

Chức năng TPL không chỉ giới hạn về quyền hạn thi hành án dân sự, mà TPL còn được phép làm các công việc ngoại tư pháp như:

- TPL có độc quyền tống đạt các văn bản theo yêu cầu của tòa án, của các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, các ngân hàng và các cá nhân khác.

- Cùng với viên chức phát mại tài sản, TPL tống đạt các văn bản cần thiết, nơi nào không có hỗ giá viên thì TPL phụ trách phát mại động sản thay thế cho hỗ trợ giá viên.

- TPL được quyền tiến hành thu hồi các khoản nợ theo thỏa thuận bằng con đường tư pháp.

- TPL được lập các biên bản vi phạm về dân sự, về vi cảnh theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước, tổ chức và cá nhân khác.

Ngoài ra trong một phiên tòa, Thẩm phán có thể chỉ định TPL làm nhiệm vụ tư vấn hoặc chứng thực để giúp thẩm phán làm sáng tỏ một vấn đề cụ thể nào đó.

c/ Trách nhiệm của TPL

Trách nhiệm của TPL có 3 trách nhiệm chính, trách nhiệm dân sự; trách nhiệm hình sự và trách nhiệm chuyên môn đạo đức nghề nghiệp:

- Trách nhiệm hợp đồng gắn với qui định về sự ủy quyền, Trách nhiệm của TPL là người được khách hàng ủy quyền đương nhiên, ủy quyền đặc biệt, do đó phải chịu trách nhiệm thi hành những nghĩa vụ xuất phát từ sự ủy quyền đó.

- Trách nhiệm ngoài hợp đồng, xuất phát từ lỗi lầm sai phạm của Trách nhiệm của TPL bị qui trách trong quá trình thực hiện các hoạt động theo sự ủy quyền của quyền lực công.

- Lỗi của TPL được xác định là vi phạm nghĩa vụ, từ đó thẩm phán, Viện công tố và Bộ trưởng Tư pháp sẽ áp dụng hình phạt tăng nặng hay giảm nhẹ. TPL là nhà chuyên môn phải tôn trọng những  chuẩn mực về đạo đức, những ràng buộc về xã hội và bổn phận, các nghĩa vụ xuất phát từ lúc quá trình thực hiện cho đến khi kết thúc.

- Về hình sự với tư cách là ủy viên tư pháp tuyên thệ TPL có thể bị truy tố về hình sự, nếu TPL giả mạo công chứng thư của TPL, hoặc biển thủ các khoản tiền mà TPL được giao quyền thu hồi nợ theo sự thỏa thuận hay những khoản tiền thu giữ thi hành các bản án của tòa.

5/- Số lượng TPL tại Pháp

Ở Pháp hiện nay có khoản hơn 4.000 TPL (trong đó hơn 3.500 TPL chính thức và 500 tập sự), riêng thành phố Paris có hơn 170 TPL và bên cạnh đó có hơn 10.000 luật sư. Khách hàng thường xuyên và đa số là khách hàng của luật sư giao qua TPL thực hiện theo chức năng và thủ tục tố tụng qui định.

Theo báo cáo của Hiệp hội TPL tại Pháp và Hiệp hội TPL Châu Âu do Nhà Văn hóa Việt - Pháp tổ chức tại Hà Nội và TP.HCM cách nay mấy năm, thì các bản án của tòa án giao cho TPL thi hành trong thời gian nhanh nhất, không có bản án nào không thi hành được. Vì lẽ người có bản án trao cho TPL thi hành và TPL tổ chức thi hành ngay, kết thúc nhanh nhất 2 tuần lễ và chậm nhất là 3 tháng là thủ tục thi hành án kết thúc.


Ngoài ra Nhà nước không phải trả lương cho TPL, mà TPL còn có trách nhiệm thu nộp một số tiền lớn cho ngân sách quốc gia, từ các hành vi thực hiện của khách hàng số tiền rất lớn, nếu tính theo tiền Việt Nam hàng mấy chục tỷ đồng...

Luật sư Điền Đức Thành

Tin tức khác


   Trang sau >>