BÀN VỀ ĐỊNH HƯỚNG THÀNH LẬP TÒA ÁN NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN

Mở đầu cuộc hội thảo, đại diện Đoàn Luật sư thành phố, Luật sư Trần Công Ly Tao cho rằng: Đảng và Nhà nước ta chủ trương đổi mới triệt để đời sống chính trị – xã hội vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 08 và Nghị quyết 49 về cải cách tư pháp. Được biết, nhiều nước phát triển trong khu vực và trên thế giới, đã có hệ thống tòa án NCTN từ nhiều thập kỷ của thế kỷ trước, nay chúng ta mới manh nha hình thành Tòa án vị thành niên là khá chậm trễ. Tuy vậy: Trễ còn hơn không!? Phương diện khác có thể nói nước ta đi tiên phong trong việc công nhận quyền trẻ em. Việt Nam  là nước thứ hai phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền trẻ em (sau Ghana). Đồng thời Nhà nước ta cũng đã ban hành Luật Bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em.

Ở các nước có nền tư pháp phát triển, bên cạnh hệ thống Tòa án chuyên trách như: Tòa hình sự, Tòa dân sự, Tòa thương mại, Tòa lao động... còn có hệ thống tòa chuyên biệt như Tòa thiếu nhi, Tòa sắc tộc, Tòa gia đình...

Bộ Luật Hình sự của chúng ta dành riêng một Chương (Chương X) với 10 điều (từ Điều 68 đến Điều 77) quy định nguyên tắc xử lý mang tính chất ưu ái NCTN “Trẻ người, non dạ”: Nặng về giáo dục, nhẹ về trừng phạt.

Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp quốc đưa ra thông điệp: Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai, nhằm lưu ý các thành viên: Muốn có ngày mai tốt đẹp thì hãy chăm chút cho ngày hôm nay. Để biến lời nói thành hành động thực tiễn, người lớn chúng ta phải tìm giải pháp hữu hiệu đưa trẻ em ra khỏi nguy cơ phạm tội, vì trẻ em thường nông nổi trong nhận thức và hành động. Việc xử lý trẻ em phạm tội là việc làm chẳng đặng đừng.

Trong cơ cấu tổ chức hoạt động của Tòa án NCTN ở một số quốc gia tất cả những người tham gia điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan thi hành án... phải đóng vai trò của một vị phụ huynh của người phạm tội. Vì vậy, chỉ những người thực sự yêu trẻ hiểu biết sâu sắc tâm sinh lý NCTN mới được tuyển chọn làm việc ở cơ quan tố tụng đối với NCTN.

Trẻ em phạm pháp có phần trách nhiệm của người lớn chúng ta: Do cách thức chăm sóc, giáo dục trẻ em ở gia đình, nhà trường, khu phố còn bất cập vì nguyên nhân khác nhau (bận làm ăn; thiếu kiến thức chuyên sâu thu phục trẻ em hư thành trẻ em ngoan).

Để hình thành Tòa án NCTN hai vấn đề thiết yếu cần giải quyết: một là trụ sở làm việc và hai là nhân sự của Tòa án NCTN.

Về vấn đề trụ sở:


Đã nói thành lập hệ thống tòa án NCTN thì phải xây dựng trụ sở làm việc cho các cơ
quan tiến hành tố tụng: Từ điều tra, truy tố đến xét xử và sau xét xử dành riêng cho NCTN. Nhưng do đặc điểm tình hình NCTN phạm tội hiện nay chưa đến mức cần  phải thành lập hệ thống trụ sở riêng biệt từ địa phương đến Trung ương. Trước mắt, chỉ cần chỉnh trang và sử dụng một số phòng làm việc tại hệ thống cơ quan tiến hành tố tụng hiện hữu, một cách thích hợp (cảnh trí phòng ốc ấm cúng, trang nhã, dẹp bỏ vành móng ngựa...).

Về vấn đề nhân sự:


Kịp thời đào tạo những người có năng lực am hiểu các vấn đề về trẻ em. Đội ngũ chuyên
viên điều tra, truy tố , xét xử NCTN phải là người vừa có tầm, vừa có tâm.

Không riêng gì các cơ quan tố tụng mà cả xã hội đều mong đợi sự ra đời của Tòa án NCTN. Đứng trước tình trạng trẻ em phạm tội ngày càng tăng, đối với người lớn chúng ta phải quan tâm nhiều hơn tới con em, kịp thời ngăn chặn hành vi hiếu động, học đòi của “tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu”, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ phạm tội của NCTN.                 

Trẻ em là “sản phẩm” của người lớn. Vì vậy, chúng ta không thể phó mặc “sản phẩm” ấy “khôn nhờ, dại chịu” mà phải có trách nhiệm đối với trẻ em, tạo điều kiện tốt nhất đưa trẻ em lầm lạc tìm về nẻo chính. Để hệ thống tòa án NCTN hoạt động hiệu quả, hợp lòng người, chúng ta xây dựng một cách khoa học qui trình điều tra, truy tố, xét xử riêng đối với NCTN. Nên mở rộng việc áp dụng hình phạt “ngoài giam giữ” đối với NCTN. Từng bước tòa án chuyển dần hình phạt giam giữ sang hình phạt cải tạo không giam giữ đối với NCTN phạm tội.

Tại cuộc hội thảo hầu hết cử tọa là đại diện cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án đều thẳng thắn nhìn nhận những bất cập trong công tác điều tra, truy tố và xét xử NCTN, như: Văn phong một số bản cung là của người lớn chứ làm gì trẻ em có thể thốt ra những ngôn ngữ pháp lý như hiếp dâm, giao cấu... trong lúc trình độ học vấn của nhiều em rất thấp (học lớp một, lớp hai hoặc không biết chữ). Vị đại diện cơ quan điều tra công an TP.HCM cho rằng: Có bản cung do điều tra viên “tự chế” không phải do trẻ em khai mà do cán bộ điều tra khai!. Một thẩm phán từng xét xử nhiều án liên quan tới NCTN tâm sự: rất muốn tuyên mức hình phạt “ngoài giam giữ”, nhưng nếu áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc án treo đối với NCTN “mồ côi” thì những “trẻ em đường phố” này có nguy cơ tái phạm là rất cao vì các em không có nơi nương tựa rất dễ bị bạn bè xấu rủ rê đi trộm cắp, cướp giật vì “đói ăn vụng, túng làm càn” đẩy các em tiếp tục lún sâu vào con đường phạm tội.


Từ kinh nghiệm thực tiễn hoạt động tư pháp NCTN thời gian qua (đặc biệt là sau ngày giải phóng miền Nam đến nay), muốn bảo vệ quyền trẻ em đạt hiệu quả, toàn xã hội chúng ta phải đồng thuận, quyết tâm xây dựng cho bằng được hệ thống tòa NCTN. Đây là khâu đột phá hạn chế NCTN trượt dài trên đường phạm tội.  


Luật sư Trần Công Ly Tao

 

Tin tức khác


   Trang sau >>