LUẬT SƯ VIỆT NAM: CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC

Song song với làn sóng đầu tư vào nhiều lĩnh vực kinh tế, sự phát triển của các thành phần kinh tế trong nước đã tạo ra một thị trường về dịch vụ pháp lý hết sức to lớn. Nhu cầu thị trường này đòi hỏi đội ngũ luật sư Việt Nam phải thay đổi để bắt kịp chuẩn mực của việc hành nghề luật sư với đẳng cấp cao hơn. Có thể nói rằng bối cảnh kinh tế xã hội hiện nay đã đưa giới luật sư Việt Nam đến với thật nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức.

Trong phần này, tôi xin hân hạnh được trình bày vắn tắt những điểm chính giữa cơ hội và thách thức trong lĩnh vực tư vấn pháp lý doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Thuận lợi lớn nhất mà mọi người đều dễ dàng nhận thấy là sự lớn mạnh về đội ngũ và trình độ của luật sư Việt Nam, đặc biệt là trên địa bàn hai thành phố có
mức phát triển kinh tế và đầu tư cao là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Chỉ riêng Thành phố Hồ Chí Minh, nếu những ngày đầu tiên thành lập Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh năm 1989 chỉ có 60 thành viên trong đó có 40 luật sư và 20 luật sư tập sự, thì tính đến nay, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh đã có đến 1.500 luật sư và 1.000 tập sự hành nghề luật sư trong tổng số khoảng 4.000 luật sư trên cả nước.  Sự phát triển về đội ngũ luật sư không chỉ nói lên nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý ngày càng tăng với việc phát triển kinh tế xã hội, mà còn thể hiện khả năng đáp ứng về kỹ năng hành nghề của đội ngũ luật sư đối với nhu cầu ngày phức tạp của khách hàng. Nếu trước đây hơn 10 năm, những vấn đề khúc mắc về doanh nghiệp chỉ có thể giải quyết được ở các văn phòng luật nước ngoài, thì nay đã trở thành những “vấn đề hàng ngày” của một số văn phòng luật sư trong nước. Đặc biệt khi Việt Nam đã chính thức tham gia WTO, cùng với khối lượng giao thương trong nước và thế giới ngày càng mở rộng, thì khả năng đáp ứng được các nhu cầu về dịch vụ pháp lý doanh nghiệp của đội ngũ luật sư trong nước đã trở nên đòi hỏi hết sức cấp bách. Do vậy, sự trưởng thành về lực lượng và trình độ của đội ngũ luật sư trong nước không chỉ là sự thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam mà còn tạo ra sự thuận lợi hơn trong việc chọn lựa về nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp kinh doanh pháp lý trong nước.

Song song đó, việc gia tăng về số lượng luật sư cũng tạo thành thách thức: Đó là sự cạnh tranh gay gắt trong nội bộ những người hành nghề luật. Như tôi đã trình bày ở trên, do điều kiện phát triển kinh tế tại Việt Nam chưa được cân đối về mặt địa lý, vì vậy lực lượng luật sư trên toàn quốc hầu hết đều chỉ tập trung tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Sự phân bổ mật độ thiếu cân đối này đã tạo ra một áp lực cạnh tranh rất gay gắt để tồn tại và phát triển trong đội ngũ luật sư. Việc canh tranh diễn ra trên cả hai mặt: Chất lượng chuyên môn dịch vụ và thương mại. Các công ty luật, văn phòng luật sư không chỉ nhắm đến việc cung ứng cho khách hàng những dịch vụ với chất lượng chuyên môn và kết quả cao nhất bằng việc quy tụ được những nhân sự giỏi nhất, áp dụng những công nghệ kỹ thuật văn phòng mới nhất, mà còn phải tạo ra những ưu thế về mặt thương mai của mình như vị trí thuận lợi của văn phòng, những chiến lược tiếp thị, tuyển dụng ngày càng đắt tiền. 

Cạnh tranh tạo ra sự mâu thuẫn về lợi ích, trong khi đó để môi trường pháp lý và nghề luật sư phát triển cũng rất cần sự hợp tác. Tính cạnh tranh cao trong một khu vực địa lý hẹp đã tạo thành những rào cản vô hình cho việc hợp tác giữa các tổ chức, cá nhân hành nghề luật.

Sự cạnh tranh về mặt thương mại còn đặt các luật sư trước một thử thách mà những người hành nghề luật thường gọi là “Sự thử thách cổ điển” đó là sự đấu tranh giữa lương tâm đạo đức nghề nghiệp và đồng tiền. Để duy trì được quan hệ với khách hàng, bất kỳ công ty hay văn phòng luật sư nào cũng lấy tiêu chuẩn về sự đáp ứng cao nhất nhu cầu khách hàng làm đầu, điều này tất yếu làm nảy sinh ra vấn đề sử dụng tiền làm phương tiện để đáp ứng các nhu cầu đó. Ở Việt Nam hiện nay, việc cân nhắc giữa lợi ích của khách hàng và việc sử dụng đồng tiền làm phương tiện trong các quan hệ xã hội đòi hỏi phải được nhận thức đúng đắn. Để phát triển lợi ích lâu dài, chúng tôi luôn phải đấu tranh để bảo vệ được một chân lý nghề nghiệp rằng: “Một vài khách hàng là lợi ích trước mắt, tôn trọng pháp luật, đạo đức nghề nghiệp và uy tín thương hiệu mới là những yếu tố chiến lược lâu dài trong lĩnh vực kinh doanh pháp lý.”

Cơ hội thứ hai của việc hành nghề luật trong điều kiện hội nhập toàn diện của Việt Nam là giới hành nghề luật Việt Nam được tiếp cận với một thị trường dịch vụ hoàn toàn mới mẻ và rộng lớn. Nếu trước đây các dịch vụ pháp lý phi hình sự được cung ứng chủ yếu là việc tham gia các vụ tranh tụng về kinh tế và dân sự của các đơn vị kinh tế và cá nhân trong nước, việc soạn thảo và thương lượng các hợp đồng kinh tế thường được bộ phận kinh doanh của các doanh nghiệp tự thực hiện. Chính vì vậy mà hoạt động tư vấn của luật sư rất hạn chế. Trong quá trình hội nhập và toàn cầu hóa, song song với làn sóng đầu tư từ nước ngoài đổ vào trong nước, những loại hình kinh doanh trong nước ngày càng đa dạng và phức tạp hơn như lĩnh vực sở hữu trí tuệ, thị trường chứng khoán, thị trường công cụ tài chính. Đặc biệt, các doanh nghiệp trong nước trong quá trình mở rộng tầm kinh doanh của mình ra thế giới đã phải đương đầu với những hệ thống “phòng thủ thương mại” và “chế tài quốc tế” như những vụ kiện chống phá giá, vụ kiện ở trọng tài thương mại quốc tế.  Những sự kiện này đã thực sự vượt quá sức “tự xử” của các doanh nghiệp, vốn không chuyên môn hóa cao trong lĩnh vực pháp lý. Có thể nói rằng thị trường cung ứng dịch vụ pháp lý được tạo ra từ những thị trường kinh doanh của các doanh nghiệp.  Loại thị trường phát sinh này tuy rộng lớn nhưng không dành cho tất cả các luật sư, để nắm bắt vận dụng được thời cơ này đòi hỏi người luật sư phải có những phẩm chất, kiến thức kinh doanh quốc tế nhất định.

Tôi luôn băn khoăn một điều: “Liệu đội ngũ luật sư trong nước của chúng ta hiện nay đã đáp ứng đủ yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng mà thị trường tư vấn doanh nghiệp đề ra hay chưa?”. Tôi cho rằng câu hỏi đó chính là một thách thức cơ bản đặt ra không những cho giới luật sư Việt Nam, mà còn cho cả những cấp lãnh đạo tầm vóc vĩ mô của đất nước. Thực tế hành nghề trong suốt hơn hàng chục năm qua cho thấy rằng, nếu các văn phòng và công ty luật trong nước có thể đảm đương tốt các nhu cầu về tư vấn doanh nghiệp cho các khách hàng phạm vi trong nước, thì những vụ việc có tầm vóc khu vực và quốc tế dường như vẫn quá sức đảm đương của đa số các luật sư Việt Nam. Thách thức về trình độ, kỹ năng hành nghề của người luật sư Việt Nam để có thể đáp ứng và nắm bắt nhu cầu của khách hàng luôn là một thách thức khó khăn, đòi hỏi phải được giải quyết bằng con đường đào tạo: không những bằng ý chí tự rèn luyện học hỏi của mỗi cá nhân luật sư khi muốn hành nghề luật, bằng việc xác định chiến lược đào tạo nhân sự của từng tổ chức hành nghề luật, mà còn ở cấp quản lý nhà nước trong việc đào tạo được đội ngũ luật sư có đủ năng lực hành nghề tương đương với các đồng nghiệp quốc tế.

Trong xu thế hệ thống pháp luật của Việt Nam ngày càng được hoàn thiện, việc gia nhập WTO lại càng trở thành một “cú hích” lớn, không những về những cải cách các quy định pháp luật sao cho pháp luật Việt Nam không trở thành những rào cản trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, mà còn là việc đồng bộ hóa các quy định pháp luật trong nước so với các thông lệ, quy tắc thực hành thương mại thế giới và việc thực hiện công khai minh bạch hóa các thiết chế quản lý theo quy định của WTO. Đây là một thuận lợi lớn đối với giới luật sư nói chung và những công ty chuyên tư vấn doanh nghiệp nói riêng, bởi với những cải cách minh bạch hóa về thiết chế quản lý sẽ giúp luật sư tư vấn có thể dự đoán được các rủi ro pháp lý trong quy trình thực hiện hệ thống quản lý doanh nghiệp, vốn trước kia rất chồng chéo bằng những quy định thiếu minh bạch.

Một điều nổi bật nữa mà chúng tôi nhận thấy trong quá trình hành nghề tư vấn là: Khách hàng không chỉ tìm đến nhà tư vấn để giải quyết những sự cố pháp lý đã xảy ra, hoặc tìm giải pháp cho những vấn đề đã được định hình như đàm phán soạn thảo một hợp đồng, thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp. Xa hơn nữa, doanh nghiệp thường tìm đến với luật sư để tìm hiểu những cơ hội kinh doanh. Trong quá trình xây dựng hoàn thiện pháp luật, luật sư nên là giới được các cơ quan có thẩm quyền ban hành quy phạm pháp luật tham khảo các dự luật mới. Để từ đó, các luật sư có khả năng đóng góp nhu cầu, trăn trở của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự báo được các xu hướng thay đổi phát triển để có thể tư vấn những vấn đề mang tính chiến lược cho khách hàng.

Bên cạnh đó, sự hoàn thiện khung pháp lý cho các mặt hoạt động trong đời sống sinh hoạt xã hội nói chung và các lĩnh vực kinh doanh nói riêng đã sản sinh ra ngày càng nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành, ví dụ như Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Hàng không, Luật Kinh doanh Chứng khoán... Việc hiểu và vận dụng nội dung các quy phạm pháp luật có tính kỹ thuật nghiệp vụ này ngày càng đòi hỏi kiến thức chuyên ngành sâu hơn về mặt kinh tế, kỹ thuật chứ không chỉ riêng những kiến thức pháp lý ở các luật sư. 

Yêu cầu này sẽ ngày càng lớn để trở thành một thách thức thực sự. Người luật sư hoàn toàn không thể tham gia tranh tụng tốt trong những vụ án khiếu nại về tổn hại môi trường nếu không có những kiến thức cần thiết về ô nhiễm môi trường. Để vượt qua thách thức này không có con đường thứ hai nào khác là phải luôn học tập nâng cao kiến thức để có thể tiếp cận được không chỉ với các quy định chuyên ngành ngày càng sâu sắc trong lĩnh vực pháp luật, mà còn đối với sự thay đổi về công nghệ, kỹ thuật liên quan đến nghề nghiệp diễn ra hàng ngày.

Sự hội nhập của Việt Nam với thế giới, tự nó cũng tạo ra những cơ hội hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ pháp lý ngày càng mở rộng, tạo tiền đề cho việc học tập nâng cao kỹ năng hành nghề luật của giới luật sư Việt Nam từ các hãng luật nước ngoài. Bản thân VILAF – Hồng Đức, một hãng luật Việt Nam thuần túy đã đạt được sự công nhận quốc tế trong 3 năm liên tiếp gần đây với các danh hiệu “Hãng Luật Quốc gia” do tạp chí uy tín International Financial Law Review bình chọn.  Đó là kết quả của một quá trình học tập nâng cao nghề nghiệp không ngừng từ các hãng luật quốc tế có bề dày hoạt động hàng trăm năm tuổi. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kinh doanh pháp lý giúp cho giới luật sư Việt Nam cơ hội “đi tắt, đón đầu” được tiếp nhận, được chuyển giao, những phương pháp lý luận và kỹ năng hành nghề, phương pháp tổ chức quản lý hãng luật chuyên nghiệp, đã từ lâu được xây dựng thành những quy chuẩn nghề nghiệp mẫu mực ở các nước phát triển. Có thể nói rằng hợp tác quốc tế toàn diện bằng sự chuyển giao công nghệ đã nâng đội ngũ hành nghề luật Việt Nam lên một tầm cao mới. 

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng cần phải nhận thức được những khó khăn thách thức mà những mặt trái của quá trình hợp tác quốc tế mang lại, đó là khuynh hướng an phận, đi làm thuê cho nước ngoài. Như vậy, sẽ khó lòng tạo ra được những hãng luật Việt Nam thực thụ.

Trong sự giao thoa nghề nghiệp với các đồng nghiệp quốc tế, những công ty, văn phòng luật còn non trẻ của Việt Nam còn phải đương đầu với một thách thức nữa, đó là nguồn nhân lực. Có thể nói rằng cái vòng luẩn quẩn: Tuyển dụng – đào tạo – trưởng thành nghề nghiệp – mất người, là một nỗi ám ảnh lớn không chỉ đối với các công ty, văn phòng luật mà còn đối với các doanh nghiệp trong các ngành khác của Việt Nam trước nạn “chảy máu chất xám” trong tình hình hiện nay. Để đương đầu với thách thức này, VILAF – Hồng Đức đã phải nỗ lực rất lớn trong việc tìm ra giải pháp. Đó là xây dựng được bản sắc Việt Nam trong hoạt động chuyên môn của mình bao gồm cả việc: xây dựng mối quan hệ cộng đồng tương thân tương ái trong nội bộ, gắn liền hoạt động nghề nghiệp với các công tác xã hội. Xây dựng môi trường làm việc hiện đại và thân thiện, kết hợp chặt chẽ giữa hai mặt công tác và đào tạo, và quan trọng hơn hết là đảm bảo mức thu nhập của người lao động trong công ty luôn cạnh tranh được với các hãng luật nước ngoài. Với những chính sách như vậy, trên thực tế chúng tôi thu hút được khá nhiều các nhân tài, vốn trưởng thành từ các hãng luật nước ngoài khác, trở về làm việc và gắn bó lâu dài. Cũng xin được nói thêm rằng xây dựng bản sắc trong hoạt động của một hãng luật Việt Nam, không thuần túy là việc “bản địa hóa” các chuẩn mực hành nghề của các hãng luật nước ngoài, mà còn là việc xây dựng hình thành được những chuẩn mực, quy tắc riêng, phù hợp với điều kiện, môi trường và văn hóa hành nghề luật tại Việt Nam.


Để kết thúc, tôi xin mượn thông điệp mà bài viết “Lựa chọn thành công - Bài học từ Đông Á và Đông Nam Á cho tương lai của Việt Nam” của Đại học Havard đã gởi đến chúng ta là “thành công hay thất bại là sự lựa chọn chứ không phải là định mệnh”. Để có được sự chọn lựa đúng đắn cho tương lai của mình, phát triển nghề luật sư tại Việt Nam, thì việc nhận định được sự hình thành, vận động, chuyển hóa của những cơ hội và thách thức trong lĩnh vực hành nghề của mình luôn là một vấn đề lớn đặt ra cho đội ngũ những luật sư Việt Nam hôm nay.


Luật sư Ngô Thanh Tùng, Chủ tịch VILAF – Hồng Đức

 

Tin tức khác


   Trang sau >>