TRÁCH NHIỆM THUỘC VỀ AI?

Nguồn gốc nhà đất do ông Hà Văn Chương mua giấy tay năm 2002. Sau khi mua, ông Chương phân lô, ông đã xây dựng nhà trên năm lô, bán hai lô cho người khác. Tháng 5- 2007, ông Chương và hai người kia đã bán nhà cho 07 người kèm theo cam kết bao ra “giấy hồng”. Khoảng hai tháng sau, tất cả đều được quận cấp “giấy hồng”.

Năm 2008, UBND quận Gò Vấp đã thu hồi số “giấy hồng” của các hộ trên với lý do “quận có sai phạm trong quá trình cấp giấy”. Đồng thời, quận ban hành các quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với các hộ về việc xây dựng nhà không phép, buộc các hộ phải tháo dỡ nhà để trả lại nguyên trạng ban đầu. Cuối tháng 9- 2008, UBND quận Gò Vấp ra quyết định cưỡng chế các hộ tháo dỡ nhà vào ngày 14 -10 -2008. Riêng bà Lê Thị Linh Hà (nhà số 37/8/13 đường số 16, phường 11, quận Gò Vấp-TP.HCM)  nhà đất đã có “giấy hồng” trước khi hai bên tiến hành việc mua bán. Hợp đồng mua bán nhà của bà Hà đã được công chứng và bà Hà đang chờ làm thủ tục đăng bộ. Các tài liệu liên quan cho thấy: Do nhầm lẫn đã cấp sai “giấy hồng” nên khi thu hồi UBND quận Gò Vấp cũng phải tính tới quyền lợi của người mua nhà đất ngay tình, hợp pháp chứ không thể phó mặc 07 hộ dân bị trắng tay. Cũng theo bài báo nói trên, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Trương Văn Non cho rằng: Khu đất trên là đất nông nghiệp, ông Chương đã tự ý xây nền và phân lô. Theo hồ sơ, các nhà trên được xây dựng năm 2002, 2003 nhưng thực tế được xây dựng vào tháng 10- 2006. Thế mà UBND phường 11 lại tham mưu cấp “giấy hồng” cho những căn nhà trên, vì sơ suất nên UBND quận Gò Vấp đã cấp giấy. Ngoài việc thu hồi “giấy hồng” cấp sai quy định, quận Gò Vấp sẽ cưỡng chế để khôi phục lại hiện trạng ban đầu. Đây là cách xử lý đúng luật và quận không thể làm khác hơn!

Cách xử lý mà Chủ tịch UBND quận Gò Vấp cho là đúng luật, có thật sự đúng luật hay không? Theo chúng tôi là chưa thỏa đáng, gây thiệt hại đến quyền lợi của những người mua nhà đất ngay tình, hợp pháp được UBND quận Gò Vấp cấp “giấy hồng”.

Trước tình trạng “quan sai, dân thiệt trăm bề”, có hai quan điểm trái ngược nhau:

- Theo luật sư H, do việc thu hồi “giấy hồng” của UBND quận Gò Vấp không sai quy định nên người mua chỉ có thể “bắt đền” người bán. Bởi lẽ, người bán có trách nhiệm đảm bảo tính pháp lý của nhà, đất giao dịch. Nếu “giấy hồng” được cấp sai quy định dẫn đến hợp đồng mua bán nhà bị hủy thì người bán phải trả lại cho người mua số tiền đã nhận. Quận không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người mua trong trường hợp này!

- Còn ông S (nguyên Vụ Phó phụ trách văn phòng phía Nam của Bộ Nội vụ) thì cho rằng: Khi sai sót xảy ra, chưa đề cập đến việc cấp dưới tham mưu sai đúng thế nào thì người có thẩm quyền cấp giấy vẫn phải đứng ra chịu trách nhiệm. Như vậy, UBND quận phải có trách nhiệm bồi thường một phần thiệt hại cho người mua nhà hợp pháp theo qui định.

Về phần mình, chúng tôi tán đồng quan điểm của ông S. Theo thiển ý: Muốn thu hồi “giấy hồng” UBND quận Gò Vấp phải có trách nhiệm với người mua, chứ không thể “phủi tay”, phó mặc để người mua “níu áo” người bán. Luật pháp phải bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của người mua nhà. Dù UBND quận Gò Vấp thu hồi “giấy hồng” có căn cứ (người bán nhà khai báo việc xây nhà không phép không đúng sự thật). Nhưng tờ “giấy hồng” do UBND quận Gò Vấp phát hành là giấy thật nên chính UBND quận Gò Vấp phải chịu trách nhiệm về hậu quả pháp lý đối với “giấy hồng” mà mình đã tạo ra. Nay UBND quận Gò Vấp thu hồi “giấy hồng” của người bán và cưỡng chế đập bỏ công trình trong khi 07 hộ đang trực tiếp quản lý sử dụng nhà đất, chủ quyền thực sự hợp pháp. Đối với người bán nhà đất (ông Chương và hai người mua đất của ông Chương trước đây), họ “bình chân như vại” trước quyết định thu hồi “giấy hồng” và cưỡng chế tháo dỡ nhà vì người mua nhà đã thanh toán đủ tiền cho họ. Chỉ có 07 hộ mua nhà là người gánh chịu thiệt hại mà thôi.

Đây cũng là bài học “đắt giá” mà UBND quận Gò Vấp nói riêng, các cơ quan Nhà nước quản lý về nhà đất nói chung cần cẩn trọng trước khi ban hành quyết định công nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở. Trong trường hợp cụ thể nói trên, các hộ dân không có lỗi nên chính quyền không thể đẩy họ vào chỗ trắng tay. Cho dù, những người này có thể kiện ông Chương để đòi bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, đối với các hộ mua nhà, ông Chương không có lỗi vì ông đã thực hiện đúng lời hứa với 07 hộ mua nhà đất: bao ra “giấy hồng”.

Nếu UBND quận Gò Vấp đổ lỗi cho UBND phường 11 tham mưu đề xuất không đúng sự thật khiến UBND quận Gò Vấp ban hành  “giấy hồng” cho các hộ dân trái với qui định. Tùy mức độ sai phạm của cán bộ thuộc quyền, UBND quận Gò Vấp có thể ban hành quyết định xử lý hành chính hay kiến nghị cơ quan bảo vệ pháp luật truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ để làm gương cho người khác.

Theo chúng tôi, quan điểm của ông S phù hợp với thực tế khách quan, có tính tới quyền lợi chính đáng và hợp pháp của những người mua nhà. Song, ông S có phần dè dặt khi đề nghị UBND quận Gò Vấp bồi thường một phần thiệt hại cho người mua nhà hợp pháp. UBND quận Gò Vấp trực tiếp gây ra toàn bộ thiệt hại đối với người mua nhà đất hợp pháp, vì vậy: Không thể viện dẫn việc cấp dưới tham mưu sai khiến cấp trên sai theo. Từ đó cấp trên hành sử theo kiểu “trăm dâu đổ đầu tằm”: Toàn bộ hệ quả xảy ra sai phạm, trách nhiệm thuộc về cấp dưới. Người xưa lưu truyền câu nói “con dại cái mang; mũi dại thì lái chịu đòn”. Như thế, lẽ ra UBND quận Gò Vấp phải “tự xử” trước khi nói tới kỷ luật cấp dưới! Là lãnh đạo, UBND quận Gò Vấp phải kiểm tra hồ sơ do cán bộ tham mưu đệ trình, chỉ khi nào thấy hồ sơ hợp lệ và đầy đủ mới đặt bút ký. Làm lãnh đạo, khi trình là ký đến khi phát hiện xảy ra sai trái thì “đổ thừa” cấp dưới thì làm lãnh đạo vừa dễ vừa khỏi phải chịu trách nhiệm do cấp dưới đề xuất sai chứ đâu phải thủ trưởng tự làm sai.

Đến ngày 14 -10 -2008, tiếp xúc với báo chí, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp đột ngột thay đổi quan điểm: Tạm thời dừng biện pháp cưỡng chế, đồng thời báo cáo lên Thành ủy, UBND TP để xin ý kiến chỉ đạo. Lý giải cho việc nhượng bộ của mình, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp lập luận: “...xét thấy một số hộ vô tình vi phạm và việc phá dỡ bảy căn nhà sẽ gây thiệt hại cho xã hội gần 10 tỷ đồng”. Còn về hướng xử lý các căn nhà trên là: Có thể cho tồn tại. Quận sẽ cân nhắc đến việc thu hồi toàn bộ lợi nhuận của ông Chương, ông Cố, ông Vè đã thu lợi từ việc bán các căn nhà trên.

Rõ ràng Chủ tịch UBND quận Gò Vấp tỏ ra tiền hậu bất nhất, tự mâu thuẫn và hành xử công vụ trái với qui định của pháp luật. Thật vậy:

- UBND quận Gò Vấp đình chỉ tháo dỡ công trình của 07 hộ có phải vì quan tâm tới lợi ích xã hội? Nếu quả thật vì lợi ích xã hội, thì tại sao trước đó Chủ tịch UBND quận tỏ thái độ cương quyết tháo dỡ: UBND quận không thể làm khác hơn.

- Tại sao trước khi ban hành quyết định cưỡng chế UBND quận Gò Vấp không tính tới thiệt hại cho xã hội gần 10 tỷ đồng (thực tế là thiệt hại trực tiếp của 07 hộ mua nhà của ông Chương, ông Cố và ông Vè). Mãi đến khi bị công luận phản ứng trái chiều, UBND quận Gò Vấp mới “xuống nước” và tự bạch ngưng tháo dỡ là “vì lý do nhân đạo”!

- Điều khó hiểu là ở chỗ: Nếu UBND quận Gò Vấp đã báo cáo lãnh đạo thành phố chỉ đạo hướng giải quyết thì phải chờ sự chỉ đạo của thành phố chứ tại sao UBND quận Gò Vấp lại vừa xin cấp trên chỉ đạo vừa tự đề ra hướng giải quyết: Duy trì sự tồn tại của 07 căn hộ và thu hồi toàn bộ lợi nhuận từ việc bán các căn nhà trên. 

Thử hỏi: UBND quận Gò Vấp căn cứ vào quy định nào để cho tồn tại 07 căn nhà và thu lợi nhuận từ việc xây và bán trái phép các căn nhà này? Cách giải quyết công vụ theo kiểu của UBND quận Gò Vấp sẽ tạo ra tiền lệ “Hành động theo kiểu tùy cơ ứng biến, sớm nắng, chiều mưa”, gây bất ổn định trong xã hội.

Tính minh bạch của nền “hành chính pháp trị” đòi hỏi: Cơ quan hành chính gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân thì phải có bản lĩnh “dám làm, dám chịu”. Ở các nước phát triển chỉ cần xảy ra tai nạn máy bay, tai nạn đường sắt... hay kho lương thực bị ẩm mốc thì Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ nông nghiệp lập tức xin từ chức!


Trong vụ việc “mua bán nhà đất” giữa ông Chương, ông Vè, ông Cố với 07 hộ dân sẽ được cơ quan chức năng thẩm quyền vào cuộc điều tra, xác định cán bộ phường 11 có câu kết với “ba ông chủ nhà đất” đã có hành vi vi phạm chế độ quản lý đất đai, cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng? Tùy theo mức độ sai phạm của họ mà xử lý hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ theo qui định pháp luật.

Luật sư Trần Công Ly Tao

Tin tức khác


   Trang sau >>