VI PHẠM QUY ĐỊNH ATTP CÓ THỂ BỊ PHẠT 100 TRIỆU ĐỒNG

Bộ Y tế đang hoàn thiện Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (ATTP). Trong đó, quy định tiền phạt tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính là 100 triệu đồng.


Sử dụng động vật chết để chế biến thực phẩm, phạt tới 20 triệu đồng


Theo khảo sát của các cơ quan chức năng, hiện có tới 60% thực phẩm động vật bán trên thị trường chưa qua kiểm dịch. Để điều chỉnh hành vi này, Dự thảo quy định đối với hành vi sử dụng thịt chưa qua kiểm tra thú y để sản xuất, chế biến thực phẩm sẽ bị phạt từ 1- 3 triệu đồng. Đặc biệt, hành vi sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân, bị tiêu hủy dùng làm nguyên liệu để sản xuất, chế biến thực phẩm sẽ bị phạt tiền đến 20 triệu đồng.

 

 


Đối với những hành vi như sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm quá giới hạn cho phép, quá thời hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm… sẽ bị phạt tiền từ 500.000 - 5 triệu đồng. Tiền phạt sẽ tăng lên từ 5 triệu - 10 triệu đồng khi sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc hoặc hóa chất cấm sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm. Trường hợp đã áp dụng mức phạt cao nhất mà vẫn còn thấp hơn 7 lần giá trị thực phẩm vi phạm thì mức phạt được áp dụng không quá 7 lần giá trị thực phẩm vi phạm.


Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm một trong các hành vi như: không bảo đảm quy định về địa điểm, diện tích hoặc khoảng cách an toàn đối với nguồn gây độc hại, nguồn ô nhiễm và các yếu tố gây hại khác; không có đủ thiết bị, biện pháp phòng, chống côn trùng và động vật gây hại theo quy định sẽ bị phạt đến 3 triệu đồng. Mức phạt sẽ tăng lên từ 3- 5 triệu đồng nếu các cơ sở này không có đủ trang thiết bị, dụng cụ phù hợp theo quy định để xử lý nguyên liệu, chế biến, đóng gói, bảo quản và vận chuyển các loại thực phẩm khác nhau…


Phạt nặng nếu bổ sung dinh dưỡng không đúng quy định


Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã đưa nhiều vi chất dinh dưỡng vào sản phẩm để đánh lừa người tiêu dùng. Tại dự thảo, những hành vi này sẽ phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật: hành vi tăng cường vi chất dinh dưỡng là vitamin, khoáng chất, chất vi lượng vào thực phẩm không thuộc danh mục theo quy định của Bộ Y tế, hoặc tăng cường vi chất dinh dưỡng là vitamin, khoáng chất, chất vi lượng vào thực phẩm thuộc danh mục theo quy định của Bộ Y tế nhưng sử dụng với hàm lượng vượt quá quy định gây hại đến sức khỏe, tính mạng người sử dụng  sẽ bị phạt tiền từ 5- 10 triệu đồng.


Dự thảo cũng đưa ra mức xử phạt từ 1- 2 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: vận chuyển, kinh doanh sản phẩm động vật sử dụng làm thực phẩm theo quy định phải kiểm dịch mà không có giấy chứng nhận kiểm dịch; đánh tráo hoặc làm thay đổi số lượng sản phẩm động vật sử dụng làm thực phẩm đã được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch bằng sản phẩm động vật khác chưa được kiểm dịch; không đúng chủng loại, số lượng ghi trong giấy chứng nhận kiểm dịch.


Bên cạnh đó, người có hành vi vận chuyển thủy sản có tạp chất, (trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép) sẽ bị phạt tiền từ 3- 5 triệu đồng; đối với hành vi thu gom, sơ chế, bảo quản, chế biến, kinh doanh thủy sản có tạp chất do cố ý đưa vào sẽ bị phạt từ 15- 20 triệu đồng. Mức phạt sẽ tăng lên tới 30 triệu đồng đối với hành vi tổ chức đưa tạp chất vào thủy sản.


Đối với cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố bày bán thực phẩm không có bàn, giá, kệ, phương tiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; nơi bày bán không cách biệt với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm; sử dụng dụng cụ ăn uống, chế biến, chứa đựng, bảo quản thực phẩm không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm…sẽ bị xử phạt từ 500.000 - 3 triệu đồng.


Phạt nặng nếu quảng cáo sai sự thật


Lâu nay, những vi phạm về ghi nhãn thực phẩm là lỗi rất thường gặp của các cơ sở chế biến thực phẩm. Hành vi này sẽ bị phạt tiền tới 10 triệu đồng (đối với hành vi kinh doanh thực phẩm không bao gói mà không có thông tin về tên, xuất xứ và ngày sản xuất của thực phẩm). Đối với những hành vi: sản xuất, kinh doanh thực phẩm bị biến chất; sản xuất, kinh doanh thực phẩm có chứa chất độc hại hoặc nhiễm chất độc, tác nhân gây ô nhiễm vượt quá giới hạn cho phép; sản xuất, kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ…mức phạt sẽ từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng.


Cũng theo Dự thảo, mức phạt tiền từ 10- 15 triệu đồng sẽ được áp dụng với một trong các hành vi sau: quảng cáo thực phẩm nhưng không đăng ký nội dung quảng cáo theo quy định; quảng cáo thực phẩm không đúng với nội dung quảng cáo đã đăng ký. Chế tài sẽ tăng lên từ 15- 30 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm sai sự thật, gây nhầm lẫn đối với người tiêu dùng hoặc quảng cáo thực phẩm có công hiệu thay thế thuốc chữa bệnh dưới mọi hình thức...


Đông Quang

Tin tức khác