THÂN CHỦ ĐẶC BIỆT

Thân chủ đặc biệt

Luật sư  Trần Công Ly Tao

Phó Chủ nhiệm ĐLS Tp.HCM

Mỗi độ xuân về, mọi người, mọi nhà đều hướng về cội nguồn, tưởng nhớ công đức tiền nhân. Trước thềm Tân niên Giáp Ngọ 2014, tôi thân ái chúc đội ngũ luật sư sẽ gặt hái thành quả trong hoạt động nghề nghiệp đầy xu thế và tiềm năng, ứng với câu ngạn ngữ: “Mã đáo thành công”. Đại gia đình giới luật sư Việt Nam hạnh phúc, mạnh khỏe như sức ngựa phi nước đại.

Tôi xin mở đầu câu chuyện đầu năm con ngựa qua cuộc tiếp xúc với vị thân chủ đặc biệt tại Văn phòng luật sư (VPLS) của mình:

Vào một buổi sáng đẹp trời  thượng tuần tháng 05 năm 2013, có một thân chủ đến gặp tôi tại văn phòng. Ông ấy trạc ngũ tuần, “mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao”, ông nhờ tôi tư vấn vụ việc dân sự. Theo đó ông kể: ông và vợ ông sống chung như vợ chồng từ trước năm 1987, hai người có con chung và tài sản chung, nhưng không làm hôn thú. Đến năm 2002, vợ chồng ông mới ra UBND xã sở tại đăng ký kết hôn. Cách nay khoảng mười lăm năm, vợ chồng ông gã con gái lấy chồng. Sau lễ cưới của đứa con gái, vợ ông viết giấy tay bán một phần căn nhà có diện tích 40m2 của vợ chồng ông cho chị sui mà không thông qua ý kiến của ông. Gần đây, xảy ra rạn nứt giữa vợ chồng con gái và chàng rể. Họ đưa nhau ra tòa nhờ giải quyết việc ly hôn. Từ đó, tình cảm giữa gia đình ông với gia đình chị sui trở nên lạnh nhạt, thường xảy ra bất hòa. Muốn tránh tình cảnh hai bên gặp nhau “bằng mặt không bằng lòng”, ông quyết định đòi chị sui trả lại nhà cho vợ chồng ông, nhưng chị sui không đồng ý. Vậy, ông phải giải quyết sao đây? Tôi trao đổi với ông: tuy năm 2002, vợ chồng ông mới đăng ký kết hôn. Nhưng thực tế ông và vợ ông đã là vợ chồng từ trước năm 1987. Theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình thì cuộc hôn phối của vợ chồng ông được công nhận là hợp pháp, ngay cả năm 2002 ông và vợ ông không ra UBND xã đăng ký kết hôn đi nữa. Nói theo thuật ngữ pháp lý là hôn nhân thực tế. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Nhà nước ban hành Luật Hôn nhân và gia đình có hiệu lực thi hành từ ngày 03- 01- 1987. Lúc này, ông lại đặt vấn đề: việc tranh chấp hợp đồng mua bán nhà với chị sui, vợ chồng ông có hy vọng thắng kiện không? Nói khác, chị sui có phải trả lại nhà cho vợ chồng ông không? Tôi giải thích: theo Luật Hôn nhân và gia đình thì tài sản tạo lập trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung của vợ chồng. Việc định đoạt (mua bán, tặng cho...) tài sản chung phải được sự đồng ý bằng văn bản của vợ lẫn chồng. Một mình vợ ông đứng tên bán nhà là không đúng quy định. Qua thương lượng mà chị sui từ chối trả nhà thì ông yêu cầu UBND cấp xã tổ chức hòa giải , nếu hòa giải bất thành, lúc bấy giờ ông có quyền kiện chị sui ra tòa để đòi lại nhà. Tòa án sẽ thụ lý đơn kiện của ông và giải quyết theo quy định của pháp luật liên quan. Khi đã thu thập đầy đủ chứng cứ, tài liệu cần thiết, tòa tiến hành hòa giải, hòa giải không thành thì tòa sẽ quyết định đưa vụ án ra xét xử, buộc chị sui trả nhà cho vợ chồng ông do hợp đồng mua bán nhà bị vô hiệu (quá trình giải quyết vụ án tòa xem xét yếu tố lỗi và mức độ lỗi để định mức bồi thường do lỗi mỗi bên gây ra, đồng thời quy định tiền án phí, lệ phí tòa án mà đương sự trong vụ án phải chịu).

Lúc này, vị thân chủ ngập ngừng tiết lộ với tôi: Trước đây, ông đã từng tham khảo ý kiến luật sư nọ, nhưng chưa tin tưởng nên đến gặp tôi nhờ tư vấn thêm cho chắc chắn! Uống với tôi cạn chén trà ôlong, vị thân chủ gởi cho VPLS chúng tôi 500.000 đồng tiền phí tư vấn. Nhận thấy nội dung tư vấn đơn giản nên văn phòng chỉ nhận 100.000 đồng, vị thân chủ từ chối nhận số tiền còn dư do văn phòng hoàn lại.

Thật bất ngờ, vị thân chủ móc trong túi áo của ông đưa cho tôi xem thẻ luật sư và tự giới thiệu: ông là luật sư T. – thuộc Đoàn Luật sư Tp.Hồ Chí Minh. Tôi lấy làm lạ, ngỡ ngàng: hóa ra vị thân chủ đến VPLS nhờ tôi tư vấn pháp luật chính là luật sư đồng nghiệp của tôi!

Câu chuyện mà tôi vừa đề cập chỉ là chuyện đời thường nhưng là chuyện lạ trong hoạt động nghề nghiệp của luật sư; mà tôi chưa từng trải nghiệm.

Nhân đây, tôi muốn nhắn nhủ các bạn đồng nghiệp, đặc biệt là các luật sư trẻ mới vào nghề: sở dĩ tôi chọn nghề luật sư làm lẽ sống vì nghề này phù hợp với sở nguyện của bản thân. Lúc còn ngồi ở ghế nhà trường trung học, tôi ước mơ sau này sẽ được làm luật sư. Khi may mắn được đứng vào hàng ngũ “thầy cãi”, tôi hết sức cố gắng giữ gìn “đạo nhà”: hết lòng binh vực thân chủ, quyết tâm bảo vệ công lý. Tôi tâm đắc với nghề luật sư vì lý tưởng “phụ tá công lý”. Từ thời trung cổ ở La Mã nghề luật sư, còn được gọi là “trạng sư” (Avocat) được người đời nể trọng, nhìn nhận là thiên chức, người luật sư được tôn sùng là hiệp sĩ.

Khi có người đến nhờ giúp đỡ về mặt pháp lý, giới luật sư của chúng ta xem họ là thân chủ, thay vì là khách hàng; vì khái niệm thân chủ hàm ý là người chủ thân thiết; còn khái niệm khách hàng mang tính chất “mua bán” giữa người mua và kẻ bán sản phẩm dịch vụ.

Chúng ta xem thân chủ là Thượng Đế vì nhờ có họ mà hoạt động nghề luật sư được duy trì và phát triển; không có thân chủ thì luật sư mất phương hướng hành động do không có đối tượng phục vụ.

Chia tay luật sư T, tôi nghĩ ngợi miên man: có phải luật sư T. đến thăm dò kiến thức pháp luật, đạo đức nghề luật sư của tôi. Nếu vậy thì thật đáng tiếc. Là đồng nghiệp, khi gặp nhau thì tay bắt mặt mừng; có điều gì lấn cấn về chuyên môn thì thẳng thắn mổ xẻ trao đổi với nhau, đâu cần phải nhập vai thân chủ đến nhờ tư vấn? Nếu luật sư T. thật lòng giải bày nỗi lòng với tôi, thì có lẽ không có bài viết này đến các luật sư đồng nghiệp.

Tôi chia sẻ thẳng thắn với các luật sư đồng nghiệp: người ta sống phải có cơm áo, nhưng không phải tất cả vì áo cơm! Luật sư phải là người giàu tâm huyết, toàn tâm toàn ý hết lòng bênh vực thân chủ, phục vụ công lý.

Trước cảnh sắc thiên nhiên huy hoàng, lòng người hân hoan chào đón Chúa Xuân, giới luật sư đồng tâm hiệp lực xây dựng ngôi nhà chung cường thịnh (Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các Đoàn Luật sư tỉnh, thành phố), góp phần xứng đáng vào tiến trình cải cách mạnh mẽ nền tư pháp nước nhà thời hội nhập quốc tế.

 

Tin tức khác