BÚT KÝ LUẬT SƯ: CÂU CHUYỆN VỀ MÃ SỐ THUẾ ĐẦU TIÊN

 

Bút ký luật sư: Câu chuyện về mã số thuế đầu tiên

Luật sư PHAN TRUNG HOÀI

Mới đó mà Đoàn Luật sư TP.HCM đã được thành lập tròn 24 năm (1989-2013). Là một trong những luật sư trẻ nhất vào thời điểm đó, mặc dù công tác trong ngành tư pháp từ năm 1982, tôi không tránh khỏi những bỡ ngỡ, va vấp trong nghề, nếu không có sự hướng dẫn, truyền lửa của các đồng nghiệp lớn tuổi, vào nghề trước thì chắc chắn không thể có được bước trưởng thành, tự tin vào sự phát triển nghề nghiệp luật sư như ngày hôm nay. Trong vô vàn câu chuyện khởi đầu, tôi nhớ mãi kỷ niệm phải cố gắng thật nhiều để có được mã số thuế đầu tiên cho tổ chức hành nghề và cá nhân mình…

Vào thời điểm Pháp lệnh tổ chức luật sư năm 1987 có hiệu lực, các văn phòng, cá nhân luật sư phần lớn thực hiện các thủ tục hành nghề thông qua Đoàn luật sư tỉnh, thành phố và chủ yếu thực hiện nghĩa vụ thuế thông qua hình thức “thuế khoán” với khoảng 15-16% trên tổng doanh thu. Câu chuyện về các sắc thuế điều chỉnh đối với hoạt động luật sư là một câu chuyện dài, bởi báo chí và dư luận xã hội đề cập nhiều đến một số ngành nghề, đối tượng như luật sư, ca sĩ, bác sĩ… thuộc trường hợp có thu nhập cao nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ thuế. Sau khi rời khỏi biên chế Nhà nước, chuyển từ luật sư kiêm nhiệm sang hành nghề luật sư chuyên nghiệp, một trong những điều băn khoăn của tôi là làm thế nào để việc hành nghề được “danh chính ngôn thuận” ? Khi làm thủ tục qua Đoàn Luật sư, khách hàng chỉ nhận được biên lai nhỏ như bàn tay do Văn phòng Đoàn đóng dấu treo cho khoản thù lao luật sư theo thoả thuận, còn luật sư bị khấu trừ 20% thu nhập đối với các vụ án hình sự, 5% đối với các vụ việc tư vấn pháp luật… Nhận thức được sự cần thiết phải có mã số thuế khi chuyển sang hành nghề chuyên nghiệp, ngày 23/8/1999, tôi có văn bản gửi Cục trưởng Cục thuế TP, Chi cục thuế quận Phú Nhuận về việc xin hướng dẫn kê khai và nộp thuế thu nhập từ hoạt động luật sư.

Ngày 14/9/1999, Cục trưởng Cục thuế TP.HCM có văn bản số 6679/CT-NV trả lời cho tôi với nội dung:

Trả lời văn thư ngày 23/8/1999 của ông về việc đề nghị hướng dẫn kê khai nộp thuế của các luật sư, Cục thuế thành phố có ý kiến như sau:

Căn cứ điểm 2 mục I phần A Thông tư số 89/1998/TT-BTC ngày 27/6/1998 của Bộ Tài chính quy định đối tượng nộp thuế giá trị gia tăng; căn cứ điểm 2 mục I phần A Thông tư số 99/1998/TT-BTC ngày 14/7/1998 của Bộ Tài chính quy định đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp; căn cứ Thông tư số 39 TC/TCT ngày 26/6/1997 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế thu nhập cá nhân.

Trường hợp các luật sư hành nghề tư vấn độc lập, trực tiếp ký hợp đồng, tư vấn pháp luật và thu tiền của khách hàng thì phải liên hệ với cơ quan thuế địa phương để đăng ký thuế, kê khai nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo luật định. Trường hợp các luật sư làm việc cho các tổ chức pháp nhân được phép hành nghề tư vấn pháp luật (công ty luật, VP luật…) thì các khoản thu nhập mà luật sư được tổ chức này chi trả phải kê khai nộp thuế thu nhập cá nhân (thu nhập thường xuyên) theo quy định.

Cục thuế thành phố trả lời để ông biết và thực hiện”.

Tưởng chừng “nguyện vọng xin được nộp thuế” dễ dàng được thực hiện sau khi có “bảo bối” hướng dẫn của Cục thuế thành phố và được Chi cục thuế quận hướng dẫn vào ngày 24/9/1999, tôi sang văn phòng UBND quận để làm thủ tục… “đăng ký kinh doanh” theo dạng cá nhân có đăng ký kinh doanh. Nhưng khi đến bộ phận đăng ký kinh doanh của văn phòng UBND quận, tôi lại được hướng dẫn là “hoạt động tư vấn pháp luật do Sở Kế hoạch & Đầu tư hướng dẫn theo thẩm quyền”. Ngay trong ngày, tôi lật đật chạy lên Sở Kế hoạch & Đầu tư thành phố, nơi đây lạnh lùng trả lời: Hoạt động tư vấn pháp luật của công ty luật, tổ chức tư vấn pháp luật tạm thời bị ngừng cấp giấy phép theo Chỉ thị 620/TTg ngày 29/9/1995 của Thủ tướng Chính phủ và không đặt ra vấn đề đăng ký kinh doanh của cá nhân luật sư !

Tôi cứ suy nghĩ mãi về những điều đang xảy ra với nghề luật sư. Một mặt, nghề luật sư non trẻ, như nền dân chủ còn đang được gầy dựng, rất cần được sự vun đắp, thậm chí cần được xác định là ngành nghề được hưởng ưu đãi đầu tư, nhưng cách của các nhà quản lý đối xử với một nguyện vọng chính đáng là “xin được nộp thuế” như trường hợp của tôi thật là hy hữu… Phải làm thế nào để được coi là một nghề, như ước muốn của mọi nghề theo sự phân công lao động xã hội ? Bây giờ mình muốn sống đích thực bằng lao động nghề nghiệp của mình, một trong những đòi hỏi tự thân là phải bảo đảm tính minh bạch, theo đó mọi thoả thuận với khách hàng đều phải có hợp đồng bằng văn bản và mọi khoản thu đều phải xuất hoá đơn, chứng từ hợp lệ. Tôi quay trở lại trình bày ý kiến với ông Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP… Luật sư Nguyễn Đăng Trừng mặc dù băn khoăn cho bối cảnh chung của nghề luật sư lúc đó, nhiều người chưa sống được bằng nghề, trao đổi với tôi cần cân nhắc việc đăng ký xin nộp thuế. Tuy nhiên, sau khi nghe tôi trình bày, ông cũng đã sốt sắng ký văn bản số 91/ĐLS ngày 4/10/1999 gửi Chi cục thuế quận đề nghị xem xét và tạo điều kiện cho tôi được kê khai và đăng ký nộp thuế như tinh thần văn bản số 6679 ngày 14/9/1999 của Cục thuế thành phố. Sau đó, theo đề xuất của Chi cục thuế quận Phú Nhuận, Cục thuế thành phố đã cấp “Giấy chứng nhận đăng ký thuế” lần đầu tiên cho tôi với tư cách cá nhân.

Trên cơ sở tiền lệ này, xem xét thực trạng quản lý thuế đối với hoạt động luật sư, đến ngày 4/5/2001, Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP cùng Cục thuế TP đã có thông báo số 3285 về việc thu thuế thu nhập cá nhân đối với các luật sư có thu nhập cao. Theo đó, các cá nhân là luật sư có thu nhập cao từ hoạt động tư vấn pháp luật, hoạt động bào chữa là đối tượng phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định của Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao; ngoại trừ trường hợp các luật sư hành nghề có giấy phép đăng ký kinh doanh, có đăng ký kê khai nộp thuế, được cơ quan thuế cấp mã số thuế, thuộc đối tượng nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp (các tổ chức hành nghề luật sư). Các đối tượng này khi cung cấp các dịch vụ cho khách hàng phải lập hoá đơn cho khách hàng và hàng tháng lập tờ khai nộp thuế cho cơ quan thuế địa phương nơi đặt trụ sở chính. Chỉ đến khi Pháp lệnh luật sư năm 2001 có hiệu lực, Sở Tư pháp thực hiện việc quản lý Nhà nước thông qua việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư.

Theo Luật thuế thu nhập Doanh nghiệp năm 2003, các tổ chức hành nghề luật sư bắt đầu nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp khấu trừ và được cấp mã số thuế riêng. Điều này có nghĩa là các tổ chức hành nghề luật sư phải chứng minh các chi phí hợp pháp và hợp lệ để có thể khấu trừ trên tổng doanh thu trước khi chịu thuế. Đối với Văn phòng luật sư, theo hướng dẫn của cơ quan thuế, tất cả các khoản chi phí, mua sắm hợp lệ phục vụ cho hoạt động của Văn phòng luật sư đều có thể được đưa vào chi phí hợp lệ để khấu trừ trên tổng doanh thu chịu thuế.

Mặc dù sau này, VPLS của tôi đã được cấp mã số thuế riêng, nhưng câu chuyện đấu tranh để có được mã số thuế cá nhân cho đến ngày hôm nay vẫn là một chuyện “bếp núc” ban đầu của một nghề còn nhiều vất vả, khó khăn hiện nay…

(Trích từ bản thảo “Bút ký luật sư” tập 2)

Tin tức khác