ÁN LỆ VÀ SỰ ÁP DỤNG

 

Án lệ và sự áp dụng

Luật sư Nguyễn Ngọc Bích (Công ty Luật Hợp danh DC)

Sự hình thành và sử dụng án lệ 

Án lệ là quyết định chung thẩm của một tòa án, thường là cấp phúc thẩm; trong đó tòa (gồm các thẩm phán khác nhau) tuyên án dựa trên sự giải thích của mình về một điều luật được dùng làm cơ sở pháp lý cho vụ án; nhưng điều luật đó không rõ ràng, hay không dự liệu một hoàn cảnh mới phát sinh nằm trong vụ án này. Bản án đã chung thẩm tức là các bên trong vụ tranh chấp đã nhìn nhận. Sự giải thích của tòa thường là mới và có tính tiên phong; cho nên về sau nó được các thẩm phán khác dẫn ra, hay tham chiếu vào, khi họ xét xử một vụ án có cùng một cơ sở pháp lý. Chỉ khi nào bản án được dẫn chiếu thì nó mới trở thành án lệ.  

Từ án lệ được các luật gia ở Saigon ngày xưa dịch ra từ chữ “jurisprudence” trong tiếng Pháp. Ở đó nó được định nghĩa là “một tập hợp về các quyết định của các tòa án, về các giải pháp được đưa ra cho các vấn đề pháp lý bị tranh cãi.”  Trong tiếng Anh, án lệ là “precedent”.

Vì hiện tại  ta không có án lệ, nên có thể có độc giả chưa biết nó như thế nào; tôi xin đưa ra một thí dụ.

Một tài xế xe tải ngủ gật và đánh võng trên đường. Hàng trăm người dân tham gia giao thông phải dừng hoặc vứt lại phương tiện giao thông để tìm chỗ tránh an toàn. Đúng vào thời điểm trên, tổ công tác của trung tá đội trưởng một đội cảnh sát giao thông X đang tuần tra và phát hiện vụ việc.

Vị trung tá đã lao xe lên phía trước và dùng loa mở hết công suất gọi, đánh thức lái xe dậy đồng thời hú còi cảnh báo cho những người tham gia giao thông được biết. Cách ngã ba vài chục mét, viên trung tá đã cho xe chuyên dụng lao lên đầu chiếc xe tải sẵn sàng làm bia che đỡ cho dòng người phía trước.

Đúng lúc này, nhờ tiếng loa gọi của cảnh sát, tài xế đã choàng tỉnh và kịp phanh lại. Những người tham gia giao thông đang dừng đèn đỏ ở ngã ba bị một phen hoảng sợ; tuy nhiên có một người chạy không kịp và bị thương nặng.

Tại Đội cảnh sát giao thông, lái xe khai là TVL. Trong bản kiểm điểm của mình, L cho biết do mấy hôm bốc dỡ và chạy xe nên thiếu ngủ. Trước khi ngủ, chân của lái xe vẫn nhấn vào ga, hai tay ôm vô lăng. Do đó chiếc xe dù chạy nhưng lái xe hoàn toàn điều khiển xe trong tình trạng vô thức.

Giả sử vụ này được đưa ra tòa xử thì tòa sẽ phải quyết định là TVL làm bị thương người khác trong trường hợp nêu trên có phạm tội hay không? Nếu có thì phạm tội gì? 

Trong vụ này có hai sự kiện : (i) ngủ gật khi lái xe;  (ii) gây tai nạn. Câu hỏi pháp lý đặt ra là một người có đầy đủ năng lực, chủ thể của pháp luật hình sự, đang ngủ, gây ra thiệt hại; vậy người đó có phải chịu trách nhiệm hình sự không?

Thẩm phán sau khi tra cứu và nghe ý kiến của các luật sư thì thấy thế này. Theo pháp luật hình sự, một người sẽ phải chịu trách nhiệm nếu có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm, một trong số đó là lỗi. Được xem là có lỗi khi có đủ hai điều kiện: (a) đạt độ tuổi theo quy định Bộ luật hình sự; (b) không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi.

Trường hợp ngủ gật khi lái xe thì có thể coi là mộng du, hay mắc hội chứng parasomnia (một chứng rối loạn thần kinh trong khi ngủ). Và theo y học là người ấy ở tình trạng vô thức trong khi đang ngủ. Như vậy, hành vi vô thức là hành vi họ không biết, không nhận thức được khi đang thực hiện. Tham khảo pháp luật nước ngoài, những người thực sự mắc bệnh mộng du thì không phải chịu trách nhiệm pháp lý. Xét như thế TVL không có lỗi và không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên lại có ý kiến khác. Điều 202 BLHS (Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ) quy định về tội phạm hình thức. Vậy khi có người bị thương tức là có hậu quả, hành vi phạm tội có thể là hành vi đánh võng trên đường, hoặc chạy quá tốc độ, hoặc không nhường đường cho người đi bộ…Đấy là những hành vi biểu hiện ra bên ngoài đối với tội phạm quy định tại Điều 202. Còn trạng thái "ngủ" của TVL mà được gọi là "vô thức" chỉ được xem là căn cứ gỡ tội khi có kết quả giám định tâm thần.

Tra cứu Luật Giao thông Đường bộ (LGTĐB) thì bị cáo không vi phạm Điều 65 của luật ấy (Thời gian làm việc của người lái ô-tô);  còn nếu nói bị cáo đã vi phạm điều cấm ghi ở điều 8.23 của luật này thì không có căn cứ. (Hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, hành vi khác gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ). Bởi lẽ, nếu cho rằng ngủ gật là một “hành vi khác, gây nguy hiểm” là không đúng. Hành vi khác mà luật muốn nói đến phải là những hành vi tuy luật không nêu rõ, nhưng chủ thể của nó phải ý thức được, chứ không phải khi ngủ, tức là vô thức.

Xem xét các luận điểm trên, thẩm phán thấy tội ngủ gật khi lái xe khiến gây tai nạn thì luật chưa quy định. Đây là khó khăn của thẩm phán.

Đào sâu LGTĐB, thẩm phán thấy là người gây tại nạn giao thông vi phạm qui định về trật tự an toàn giao thông đường bộ, hay gặp phải sự cố bất ngờ thì:

- Tai nạn giao thông phải gây thiệt hại nhất định; và

- Lỗi trong tai nạn giao thông bao gồm cả lỗi cố ý và vô ý.

Đứng trên quyền lợi của nạn nhân, và sự công bằng, thẩm phán thấy, dù nguyên nhân gì đi nữa (ngủ gật, mất thắng, tránh người đi đường, đường trơn trượt…) dẫn đến tai nạn như xe của TVL đã làm, khiến  người khác bị thương, tức là lái xe có lỗi. Vậy hành vi ngủ gật khi lái xe có thể xếp vào “hành vi khác, gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.” 

Khi kết luận như thế và tuyên án TVL thì thẩm phán đã giải thích điều 8.23 của LGTĐB để áp dụng nó cho vi phạm ngủ gật khi lái xe. Và ông đã giải thích “hành vi khác” trong điều đó bao gồm  hành vi ngủ gật. Bản án trở thành chung thẩm. Đến đây nó chỉ là một bản án.   

Tất nhiên, thẩm phán sẽ phải viết bản án, trong đó có đề cập các quan điểm pháp lý khác nhau và biện minh cho quyết định của mình. Khi giải thích luật và tuyên án như thế thẩm phán độc lập xét xử và ông ta giải quyết được vụ tranh chấp ngay, mà không chờ phải có hướng dẫn từ bất cứ đâu.   

Giả sử bản án chung thẩm do một tòa phúc thẩm tuyên và sau này có một hay vài tòa khác dẫn chiếu nó cho vụ của họ thì bản án chung thẩm ở trên trở thành án lệ.  Và án lệ được hình thành và tồn tại như thế.

Ở các nước phát triển, như Anh, Pháp, án lệ đã có từ lâu. Ở Anh, tức là hệ thống thông luật, nó xuất hiện từ khoảng thế kỷ 12 và đã tạo nên “precedent”. Ở Pháp, án lệ được ấn định trong bộ dân luật từ năm 1804. Không đi sâu vào các nguồn gốc này, cho mục đích của ta, ở đây chỉ xin nói vắn tắt như thế này.

Trong hệ thống thông luật (HTTL), bằng các bản án đã tuyên tòa án tạo ra luật pháp; bởi thế “án lệ” (precedent) có tính bắt buộc. Các vụ sau phải được quyết định theo các vụ trước khi có cùng tình huống.

Ở hệ thống dân luật (HTDL), tòa án không làm ra luật. Việc đó là của các cơ quan lập pháp. Tòa phải dựa trên các điều luật nhất định để tuyên án. Tuy nhiên, khi có một điều luật được áp dụng mà không rõ nghĩa, hay không tiên liệu được tình huống mới phát sinh trong vụ án thì tòa án có thể giải thích điều luật kia để làm cho rõ, hay áp dụng cho tình huống mình xử lý. Sự giải thích kia tạo nên án lệ, khi quyết định của bản án được các tòa khác áp dụng sau này. Về nguyên tắc, tòa dưới không bị buộc phải áp dụng án lệ của tòa trên; nhưng nếu không theo án lệ liên quan đã có, mà bản án bị kháng cáo lên tòa trên thì nơi sau sẽ hủy bản án vì điều luật liên quan đã được giải thích rồi. Cho nên vì sự khôn ngoan, tránh rầy rà cho mình, thẩm phán tòa dưới áp dụng án lệ. Sự bó buộc của án lệ trong  HTDL  có tính chất tinh thần.

Trước khi sang phần sau, thiết tưởng cần xác định lại  án lệ là (i) bản án chung thẩm và (ii) việc áp dụng nó cho những vụ án có cùng sự kiện về sau này.   

Việc sửa soạn để tạo lập  án lệ ở ta

Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC) đã ban hành Quyết định số 74/QĐ-TANDTC ngày 31/10/2012, phê duyệt đề án “Phát triển án lệ của TANDTC”. Quyết định đề cập nhiều vấn đề căn bản cho án lệ như mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, định hướng và các giải pháp…. Đa số những biện pháp này có tính kỹ thuật. Trong phạm vi bài này tôi xin đóng góp về mặt nguyên lý của án lệ.

A- Mục đích của án lệ

Theo tinh thần của Quyết định thì ta sẽ áp dụng án lệ theo HTDL; tức là  không bó buộc thẩm phán phải áp dụng. Trong các hệ thống khác, án lệ có hai mục đích: (i) làm cho luật áp dụng được nhất quán và đáp ứng những tình huống mới mà luật chưa dự liệu; (ii) thúc đẩy các bên tranh chấp dễ dàng chấp nhận bản án tòa tuyên; vì trước kia tòa án đã từng quyết định như thế cho người khác. Án lệ là một định chế nằm trong các hệ thống luật mà chúng được bắt đầu từ các tập tục được điển chế hóa. Gốc gác này khác với sự hình thành của luật pháp xã hội chủ nghĩa.     

Thực vậy, ở ta, luật pháp được quan niệm là để cai trị dân và dân phải chấp hành; hơn nữa, theo bản chất, luật của ta ưu việt hơn luật pháp của các chế độ chính trị khác.  Vì luật của ta có tính cách mạng,  nó thiết lập  một trật tự mới. Để làm rõ tính chất này xin lấy một thí dụ. Luật về quản lý chợ. Ở các hệ thống khác, chợ do dân cư lập ra. Khi nó đã hoạt động một thời gian rồi, chính quyền mới ban hành luật để “hướng dẫn” nó hoạt động theo một hướng nào đó. Để phân biệt, xin gọi cái này là luật “hướng dẫn thực tại”. Ở ta chợ không tự phát, chính quyền ban hành luật để lập ra nó. Khi soạn luật cho việc này, người soạn thảo có một quan điểm: cái chợ phải làm sao, sắp xếp và quản trị như thế nào …. Luật lập nên cái chợ và “thúc đẩy” mọi người  phải tuân theo.  Luật đó “thúc đẩy thực tại”. Vì vậy luôn luôn ở chương cuối của các văn bản quy phạm pháp luật đều có các điều khoản thưởng và phạt. Do tính chất “thúc đẩy” của luật nên ít ai hỏi rằng để cai trị dân thì luật pháp phải như thế nào? Làm sao để luật pháp đi vào cuộc sống? Làm sao để người dân tin tưởng vào luật pháp?

Trái lại, luật pháp ở các hệ thống khác được ban bố để phục vụ con người. Cho mục đích này thì luật pháp phải đáp ứng một nhu cầu nhân bản của họ. Ấy là làm cho họ được sống trong sự an tâm, ổn cố và tiên đoán được. Chỉ khi nhu cầu ấy được đáp ứng người ta mới sống, làm việc, tạo  ra của cải cho mình và đóng góp cho xã hội. Khi được bảo vệ bằng luật pháp – như là một phương tiện - thì người dân được chăm sóc, và khi được chăm sóc, họ sẽ bảo vệ người đã ban bố các luật đó. Ấy là chế độ, ấy là chính quyền. Sở dĩ những quốc gia đã phát triển về kinh tế được là vì luật pháp của họ đáp ứng nhu cầu kia. Án lệ là một định chế nằm trong các hệ thống tư pháp đó.

Luật của ta khác về tính chất. Vì thế quyết định của TANDTC mới nói rằng án lệ “bảo đảm sự bình đẳng của mọi tổ chức và công dân trước pháp luật”. Nói vậy là đứng trên lợi ích và theo quan điểm của Nhà nước (điều tôi phải làm). Công dân họ cần cái khác. Về mặt tâm lý khi không  tiên đoán được, người ta cảm thấy không an tâm.

B- Môi trường cho án lệ

Án lệ của HTDL được áp dụng trong một thủ tục tố tụng mà ở đó công lý có điểm dừng. Thủ tục tố tụng ở ta không có tính chất đó. Cho dễ hình dung thì nó  giống như một hình chữ nhật trong đó có bốn nấc (khấc) khác nhau (sơ thẩm quận/huyện – phúc thẩm tỉnh/thành phố - phúc thẩm TANDTC – hội đồng thẩm phán (HĐTP). Một vụ án có thể đi lên đi xuống trong hình chữ nhật đó và có thể kéo dài vài năm chưa kết thúc. Thủ tục tố tụng của HTDL khác hẳn. Nó giống như một hình tam giác, cũng có các nấc, nhưng vụ án lên đến nấc trên cùng là ngừng. Công lý có điểm dừng. Án lệ là một định chế trong hình tam giác. Nó là sản phẩm của hình tam giác nay đem nó sang hình chữ nhật nguyên xi thì có thể là râu ông nọ cắm cằm bà kia.

Cho nên phải có những sự thay đổi trong hình chữ nhật, các biện pháp cần  làm sẽ phải nhiều hơn những thứ nêu trong Quyết định. Thí dụ, về mặt tâm lý, khi thẩm phán áp dụng án lệ cho vụ án của mình thì họ có còn độc lập xét xử không? Thứ nữa, sự độc lập xét xử của thẩm phán được nhìn trên căn bản nào: hai cấp tòa xét xử, hay từng cá nhân thẩm phán? Hơn nữa, có phải thẩm phán ở ta quan tâm đến sự độc lập của mình nhiều hơn là hậu quả của nó đối với các bên tranh chấp?

Dù ở trong Quyết định, TANDTC có đề cập việc sửa đổi hiến pháp để cho TANDTC ban hành án lệ; sửa đổi luật Tổ chức TAND năm 2002 để nơi này được ban hành án lệ và cuối cùng là Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm TAND quy định thẩm phán có nghĩa vụ áp dụng án lệ. Những việc ấy chưa đủ vì công lý phải có điểm dừng. Muốn được như thế thì phải làm thêm nữa, thí dụ:

- Luật tố tụng: sửa đổi về (i) giá trị của các chứng cứ; (ii) buộc các bên phải đưa ra hết mọi bằng chứng ở cấp sơ thẩm; (iii) cấp sơ thẩm ra bản án dựa trên luật pháp và sự kiện; (iv) cấp phúc thẩm không xem những vấn đề về sự kiện, chỉ xem xét các vấn đề về pháp lý.

 

- Luật cho luật sư: các luật sư phải trao đổi các bản trình bày/lập luận cho nhau khi nộp bản ấy lên tòa. Ngày xưa ở Saigon gọi là thông tri cho nhau. Ở Mỹ, Pháp … người ta cũng làm như thế. Khi luật sư không dấu bằng chứng ở tòa sơ thẩm thì tòa phúc thẩm mới chỉ xem xét về sự áp dụng luật.  Nếu tòa sơ thẩm áp dụng sai thì bản án sẽ bị hủy. Khi ấy tòa phúc thẩm mới có một uy lực với tòa dưới buộc họ phải dùng án lệ, nếu có.

C- Nơi tạo lập các bản án mà sẽ dùng làm án lệ

Án lệ là sự áp dụng một bản án chung thẩm đã tuyên. Khi một bản án được áp dụng thì bản án đó trở thành án lệ. Vậy đó là việc áp dụng bản án chứ không phải việc viết ra bản án. 50 bản án    chung thẩm được tuyên, nhưng có thể chỉ có 30 bản trở thành án lệ. Có trở thành án lệ hay không thì tùy ở tòa dưới, hay tòa đi sau, có áp dụng hay không. Cho nên TANDTC cứ tuyên án mà không bó buộc bản án phải trở thành án lệ như bản Quyết định đề ra.

Theo Quyết định thì các bản án được dùng làm án lệ là các quyết định giám đốc thẩm của TANDTC, của tòa chuyên trách. TANDTC tập họp các bản án (không nói là chung thẩm) để HĐTP của TANDTC thông qua. Và tuyển tập án lệ sẽ được ban hành. Đây là giải pháp của ta.

Ở các nước khác, tòa phúc thẩm tuyên án chung thẩm, chứ không phải tòa án tối cao. Bình thường tòa sơ thẩm xử xong, các bên tranh chấp thường kháng cáo lên tòa phúc thẩm. Khi các bản án của tòa phúc thẩm thành chung thẩm thì một số có cơ hội trở thành án lệ. Các thẩm phán sơ thẩm có thể dẫn chiếu án lệ của tòa phúc thẩm ngay. Hiện ta có hơn 60 tòa phúc thẩm nên phải áp dụng chế độ tuyển tập. Tuy nhiên, khi chỉ có các bản án giám đốc thẩm của TANDTC hay tòa chuyên trách mới trở thành án lệ thì số lượng bản án bị giám đốc thẩm sẽ ít so với các bản án bị phúc thẩm. Vì thế, tài liệu cho các thẩm phán sơ thẩm tham khảo hay dẫn chiếu sẽ không có nhiều. Tuyển tập cần thu nhận các bản án chung thẩm của các tòa phúc thẩm.  

Vấn đề của cuộc cải cách tư pháp là công lý phải có điểm dừng. Án lệ như dự kiến trong Quyết định chưa góp phần vào mục tiêu đó; vì nó chưa tạo ra được sự cưỡng bách về mặt tinh thần của các thẩm phán; khi mà nguyên tắc “ xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật có thể coi là kim chỉ nam” vẫn còn tồn tại do sự khác biệt về bản chất của luật pháp của ta so với các hệ thống khác. TANDTC có vẻ lưỡng lự giữa áp dụng và không áp dụng án lệ.

Tin tức khác