TÔN SƯ- TRỌNG ĐẠO

"Khi thầy viết bảng, bụi phấn rơi rơi, có hạt bụi nào rơi trên bục giảng, có hạt bụi nào rơi trên tóc thầy ...". Không khí sân trường những ngày trước Lễ 20/11 thật sự sôi nổi bởi các hoạt động chuẩn bị cho ngày lễ trọng đại và đầy ý nghĩa này.

 

Các phong trào thi đua như “Hoa điểm mười dâng tặng thầy cô”; phong trào văn nghệ thi đua giữa các lớp... đã được ban giám hiệu nhà trường phát động. Lời bài hát “Bụi phấn” đã làm cho tôi bồi hồi, xúc động nhớ lại những kỷ niệm của ngày cắp sách đến trường.

“Nghề giáo là nghề cao quý!”, trong chúng ta ai cũng đã từng được ít nhất một lần nghe về câu nói này. Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi thật sự không hiểu hết ý nghĩa của câu nói đó, cho đến khi trưởng thành và bắt đầu phục vụ cho xã hội, tôi ngày càng nhận thức, hiểu rõ hơn ý nghĩa của câu nói đó và càng tôn kính nghề giáo hơn bao giờ hết.

Không mặc nhiên mà cha ông ta đã nói “Không thầy đố mày làm nên”.  Thật vậy, không ai trong xã hội thành công mà không phải học. Ai cũng có những kỷ niệm, niềm tự hào về mái trường thân yêu của mình. Dưới mái trường đó, với tấm lòng yêu thương, sự tận tụy và hy sinh vô bờ bến của các thầy cô, mỗi chúng ta đã được trang bị những kiến thức, kỹ năng sống để bước vào đời. Người ta thường ví rằng, học sinh là người qua đò và thầy cô là những người chèo đò để đưa học sinh qua sông. Nhưng có mấy ai qua sông rồi sẽ nhớ người đã đưa mình sang sông?

“Thời gian qua, mùa thu nay có khác

Bao chuyến đò qua chốn ấy sông sâu
Nghĩa thầy cô một đời không trả hết
Dẫu đời con qua biết mấy nhịp cầu

Trong xã hội, nghề dạy học được hình từ lâu đời, nó gắn chặt với lao động sản xuất của xã hội, góp phần hình thành phẩm chất năng lực cần thiết của con người trong mọi thời đại. Không những được kế thừa những kinh nghiệm trong sản xuất, trong lao động, xã hội ngày hôm qua và xã hội ngày nay còn được thừa hưởng những giá trị về tinh thần, văn hóa xã hội do thành quả giáo dục đem lại. Ngoài việc kế thừa, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa của xã hội trước, giáo dục còn mang nhiệm vụ xóa bỏ hệ tư tưởng thống trị của xã hội lỗi thời và thay vào đó một hệ tư tưởng tiến bộ để cũng cố và tạo cho xã hội ngày một phát phát triển.

Do đó, vai trò của nhà giáo rất quan trọng ảnh hưởng đến vận mệnh tương lai của cả dân tộc. Xã hội có tốt đẹp hay không là phụ thuộc vào các nhà giáo. Chính vì lẽ đó, xã hội đòi hỏi hoạt động nghề nghiệp nghiêm túc từ mỗi cá nhân các nhà giáo. Việc nâng cao phẩm chất của nhà giáo là một nhu cầu tất yếu và khách quan của xã hội.

Có thể nói, “nghề giáo” luôn được xã hội coi trọng và tôn vinh. Là người Việt Nam chúng ta không thể nào quên truyền thống “tôn sư trọng đạo” mà ông cha ta đã truyền dạy từ bao đời nay. Truyền thống tốt đẹp này từ xưa và mãi mãi sau này chắc chắn sẽ không thay đổi, nhưng những yêu cầu của xã hội đổi mới với nhà giáo cả về phẩm chất và năng lực thì lại tăng lên rất nhiều. Chính vì điều đó, đòi hỏi nhà giáo phải luôn giữ được phẩm chất truyền thống tốt đẹp của nghề cao quý này, song song đó, đáp ứng nhu cầu về tri thức đáp ứng nhu cầu hội nhập, nhà giáo phải luôn trau dồi kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ ngày một tốt hơn nữa.


Nhân ngày 20/11, chúng ta lại được dịp ôn lại thiên chức cao quý cũng như tôn vinh các nhà giáo đã cống hiến trọn sức lực, tâm huyết của mình cho nhiều thế hệ học sinh. Và qua đây, tôi xin được mạn phép thay mặt cho các thế hệ học sinh xin kính gửi đến quý thầy cô lời tri ân và những lời chúc tốt đẹp nhất!


Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch

 

Tin tức khác


   Trang sau >>