MƠ XUÂN

“Mỗi năm hoa đào nở Lại thấy ông đồ già Bày mực tàu giấy đỏ Bên phố đông người qua...”

 

Cứ mỗi độ xuân về, lòng tôi lại nôn nao những cảm giác đón chào mùa xuân mới với những niềm hy vọng mới, và những câu thơ bất hủ của nhà thơ Vũ Đình Liên vẫn cứ còn vang vọng mãi trong tôi. Bài viết của tôi hôm nay xin hướng về ước vọng của ngày xuân, cũng với một mong muốn là ca ngợi và tôn vinh cái đẹp của tình người, vốn đã phai mờ trước những ngổn ngang bề bộn thăng trầm bon chen của cuộc sống.

Đầu xuân đi lễ

Tôi thích nhất là ngày đầu năm đi lễ để cầu nguyện cho mình và gia đình được nhiều may mắn trong năm tới. Tôi còn nhớ một đoạn thơ tôi tập tễnh làm khi học trung học, lúc đó tình hình đất nước vẫn còn mịt mờ trong cuộc chiến tranh máu lửa triền miên:

Còn đâu nữa những chiều xưa êm ả
Cháu theo bà lên núi lễ đầu năm
Chấp hai tay lời thành dâng ý nguyện
Cầu xin cho đất nước mãi thanh bình
Nhưng than ôi chiến tranh còn “lưu luyến”
Nên nước mình lâm chịu cảnh điêu linh
(Nói với con người – Châu Trầm Thủy)

Kể từ khi hòa bình lập lại năm 1975 đến nay, đã có hơn 100.000 nạn nhân bị thương vong hoặc tàn phế bởi các bom mìn còn sót lại tại Việt Nam, cũng như những người ngư dân nghèo khổ của chúng ta vẫn còn bị bắt bớ giam cầm khi lênh đênh trên vùng biển Tổ quốc để kiếm ăn, đó là những xót xa mà chúng ta hiện vẫn phải đang đối mặt. Những cựu binh Mỹ trở lại Việt Nam trong chương trình cứu trợ tháo gỡ bom mìn (Projet renew) đã nhận được tình cảm nồng hậu của người dân quê chơn chất. Những nụ cười đôn hậu chân tình của người dân nơi đây khiến họ cảm thấy rất an lòng và họ nhận ra được tấm lòng vị tha cao quý của người Việt chúng ta, đã xóa bỏ hận thù để trở thành người bạn trong mái nhà chung thế giới.

Tôi chợt nhớ đến một mùa xuân ở Nhật Bản năm 2000. Ngôi chùa cổ kính nghiêng mình trước những cánh hoa anh đào màu hồng phấn mịn màng từng chùm rực rỡ. Ở Nhật thì không có lệ thắp nhang trong chùa. Trước khi vào chùa, ta phải rửa tay (tẩy trần) cho nghiêm kính và kéo chuông trước cổng chùa. Sau đó, thắp nhang vào một lư đồng to đặt trước sân chùa. Nhang Nhật nhỏ mà lùn ngắn. Như thế vừa tiết kiệm chi phí, vừa giảm bớt hiểm họa ngún cháy và ô nhiễm môi trường, không phải chịu cảnh ngột ngạt nguy hiểm, khói bay mịt mù cay mắt.

Đặc biệt, nếu ta lỡ xin nhằm lá xâm xấu, ta có thể cúng dường “một tí” (tùy hỉ) cho chùa và cầu khẩn trời phật độ trì cho tai qua nạn khỏi, rồi buộc các lá xâm xấu lên một kệ sắt xa xa bên hông chùa. Nhìn những lá xâm trắng chấp chới trong nắng hoe vàng, tôi cảm nhận được sự thanh thản bình yên trong tâm hồn của những người mộ đạo khi lỡ bốc nhầm xâm xấu, dưới tấm lòng từ bi hỷ xã của Đức Phật Như Lai, hay sự linh ứng của việc cứu khổ cứu nạn của Đức Quán Thế Âm Bồ tát. Các sư ở Nhật quả thật là cao kiến.
Phố đông người qua

Ai cũng nhìn nhận giao thông ở Việt Nam mình “kinh quá”. Chú em tôi lần đầu về Việt Nam sợ quá nên cứ nhắm mắt mãi cho đến khi taxi dừng xe trước cửa nhà. Nhiều hội nghị về an toàn giao thông phân tích mãi các nguyên nhân ùn tắt, đầu tiên là cơ sở hạ tầng yếu kém, sau đó, là ý thức tôn trọng pháp luật của người dân, rồi đến việc phân luồng, điều chỉnh giờ học và giờ làm việc. Thói ích kỷ bon chen “khôn vặt” và việc đạo đức xuống cấp, thiếu kinh nghiệm và trình độ trong quản lý, và tư duy khoa học “yếu”, đã khiến hiện tượng “đến hẹn lại lên”, “đầu voi đuôi chuột”, “nói làm bất nhất” ngày càng phổ biến, khiến đời sống thị dân thành xô bồ phức tạp. Việc lặt hoa ngày hội, ăn “buffet” mà chen lấn qươ quào như cúng giựt cô hồn của giới trẻ, làm tuổi già ngao ngán và người nước ngoài phải lắc đầu “chịu thua Việt Nam”!

Tôi thực sự không thể đồng tình với việc phải tận thu phí giao thông xe máy để giảm lưu lượng giao thông. Thu để làm gì, nếu không tăng cường nhân viên cảnh sát giao thông, chỉ huy điều khiển giao thông trong các giờ cao điểm và các điểm nóng kẹt xe. Đọc báo thấy ca ngợi một ông già ngày đêm lo vá ổ gà ổ voi trên mặt lộ làm lòng ta như muối xát và cái mặt cứ đờ đẫn ra. Tiền thuế của dân đâu, công quỹ chạy đi đâu, và các ông bà có trách nhiệm đi ngủ hết rồi ư?.

Người ta chỉ thấy các bác giao thông cần mẫn ghi chú canh me phạt phe các bài tài quá tải, mà ít khi ghi nhận việc các bác đứng ra chỉ huy tháo gỡ ùn tắc giao thông. Vậy thì song song với việc thu tiền của dân về điều khiển phương tiện giao thông, ta phải tăng cường khẩu hiệu: “Đâu cần giao thông có, đâu khó có giao thông”, phải giảm biên chế thanh tra xử phạt giao thông, và tăng cường lực lượng “cảnh sát giao thông”trong tình hình ý thức pháp luật của cả nước chưa cao. Phường đội, dân phòng, thanh niên xung phong, lực lượng dịch vụ công ích thành phố dư sức tham gia sát cánh cùng cảnh sát giao thông điều động giao thông, giữ an ninh trật tự cho thành phố.

Lại vẫn còn cái khổ vì các lô cốt xây dựng theo chương trình tài trợ quốc tế“chống ngập úng và ô nhiễm môi trường trong thành phố” thì tràn lan tứ tán. Ông bạn tôi bên Texas Hoa Kỳ xây một hồ bơi chỉ vỏn vẹn có 4 người trong 4 ngày, từ đào hố đổ bê tông đến cẩn gạch bông trang trí và lắp máy. Còn ta chỉ đào, bỏ ống và lấp đất đổ bê tông trải nhựa đường, cũng kích thước như thế mà phải mất 1 năm! Có chỗ đào lên rào chắn lôi thôi và bỏ đó, mặc kệ cuộc sinh sống kiếm ăn của cư dân nơi đó khốn khổ cay đắng trăm chiều, rồi lại đổ thừa do thiết kế phối hợp giữa ông thoát nước hố ga, ông điện nước điện thoại không đồng bộ kịp. Không có được kế hoạch thi công tác chiến phối hợp đồng bộ thì dứt khoát “không được phép đào đường bừa bãi”. Quá dễ.

Lại thêm Tề thiên Đại thánh lên kế hoạch phục vụ tận tình dân nghèo thành thị, ra thuốc giải cho bài toán “chống ùn tắc giao thông”, là ta phải có thật nhiều xe buýt to đùng lấn cả ôtô và xe gắn máy, tuyến đường trùng lấp gần 45 %, mỗi năm và phải bù lỗ 2, 3 tỷ cho xe buýt, thì thành phố của ta mà không bị kẹt xe mới là chuyện lạ. Bài học về vấn nạn giao thông ở Bangkok -Thái Lan, ta lại bỏ đi đâu? Quả là khó hiểu.

Chính quyền của nhân dân

Ông bà ta xưa có câu “Nhân vô thập toàn”, tôi có nghe kể rằng các người dệt thảm Ả Rập - Ba Tư thường cố gắng để lại một lỗi nhỏ trên tấm thảm với câu châm ngôn: “Chỉ có đấng Thượng đế tối cao mới có quyền hoàn hảo”. Cho nên bất cứ một chế độ chính trị nào thực sự phục vụ cho quyền lợi và lợi ích của nhân dân, đều cũng thấy trước sẽ có những khuyết điểm nhược điểm của nó, bộc lộ trong quá trình vận hành phép nước, phục vụ nhân sinh. Do vậy, chính quyền phải cố gắng tạo mọi điều kiện phát hiện và đãi ngộ nhân tài từ trong nhân dân, lắng nghe ý kiến của dân, và điều chỉnh sự thi hành các “chính sách pháp luật” cho thật nhân bản, công bằng và hợp lý, có tính khả thi, phù hợp với nguyện vọng và lợi ích của nhân dân.

Vì lợi ích của quốc gia và dân tộc, xã hội chúng ta cần tôn trọng và cầu thị lắng nghe mọi ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân về “quốc kế dân sinh” về “giáo dục” và “pháp luật”, nhất là các bậc trí thức uyên thâm, các vị thân hào nhân sĩ, “uy vũ bất năng khuất”, không nhắm mắt cúi đầu trước bạo lực cường quyền xâm hại lợi ích của nhân dân và Tổ quốc. Tuy “tuấn kiệt như sao buổi sớm, nhân tài như lá mùa thu”, nhưng “hào kiệt thì đời nào cũng có”. Chúng ta phải thấy đó là “nguyên khí của quốc gia”, phải trân trọng cám ơn ý kiến đóng góp của các nhân tài của đất nước, của các công dân tốt, có ý thức trong sáng, thành tâm đóng góp xây dựng chính quyền nhân dân vững mạnh.

Việc thành lập các đại công ty xuyên quốc gia và quốc tế, các tổ hợp truyền thông rộng lớn cũng phải nhằm cống hiến tập hợp thay cho Nhà nước các nỗi niềm tâm tình đóng góp của người dân trong nước và hải ngoại (khúc ruột xa ngàn dặm). Qua đó, Nhà nước có cơ hội thấu hiểu những mơ ước khát khao và nguyện vọng chính đáng của toàn dân, để Nhà nước kịp thời điều chỉnh các sai sót tự nhiên trong quá trình xây dựng quản lý và phát triển đất nước.

Lòng nhân hậu và sự bình an trong tâm hồn

Một vấn nạn xã hội ngày càng sâu sắc, đó là sự phân hóa thật cùng cực giữa giàu và nghèo. “Kẻ ăn không hết, người lần không ra”. Khi một vé đi xem ca nhạc một đêm để được tận mắt thấy thần tượng ngôi sao, ngang bằng với tiền  học phí của sinh viên nghèo trong cả một năm, quả là một vấn nạn “nghịch lý tự nhiên” mà một ai có lương tâm đều cần phải xem xét.

Trong khi người dân phải rứt ruột xa rời mảnh đất truyền đời của cha ông tổ tiên, để ra đi với trong lòng bao nỗi ngổn ngang sinh kế và cuộc sống, thì có những nhà giàu mới phất lên dễ sợ từ các dự án đất đai... (đất cũ đãi người mới) quả là một điều “hợp lý nhưng bất công”, và đó chính là lý do tại sao khiếu kiện phức tạp kéo dài, cần phải lắng nghe “tiếng dân kêu” mà cải sửa chính sách đền bù đất đai cho công bằng và hợp lý, cho thuận lòng dân. (Ý dân là ý trời).

Hãy tin vào ngày mai tươi sáng

Các chính phủ tiên tiến trên  thế giới ngày càng trẻ trung hóa hàng ngũ lãnh đạo do sự năng động (lợi thế) của họ. Hiện nay, ở các UBND phường, xã, quận, huyện ta đang thấy tiến trình trẻ hóa ở cơ sở, nhưng cần chăm lo phần tư tưởng trau dồi nghiệp vụ và tu dưỡng đạo đức vì “cán bộ có chức quyền làm giàu dễ quá”.

Phải mạnh dạn đào tạo đội ngũ lãnh đạo tuổi trẻ tài năng tâm huyết và nhân hậu. Câu nói của cụ già lớn tuổi nhất Việt Nam (nay chắc đã qua đời) khi được báo chí phỏng vấn, cụ có gì muốn nói với thế hệ con cháu bây giờ, thì cụ chỉ trả lời đơn giản như là một tâm nguyện của nhân dân: “Phải ăn ở sao cho có nhơn có đức”, như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng nói: “Sống ở trên đời phải có một tấm lòng”.

Nếu các bạn trẻ đừng ham kiếm tiền làm giàu nhanh chóng bất kể nhân nghĩa đạo lý và sự trừng trị nghiêm minh của pháp luật. Nếu các bạn trẻ biết tìm kiếm thần tượng không phải qua cô người mẫu chân dài hấp dẫn hay chàng ca sĩ có giọng hát hay và đẹp trai, mà phải biết nhìn người qua một lăng kính khác, coi trọng đạo đức “ sống có tình người” hơn “sự giàu có gian manh”. Coi trọng sự cống hiến, biết tôn phục một người  nào qua những việc làm anh hùng mà thầm lặng của họ: một thầy thuốc như mẹ hiền, một nhà giáo như cha mẹ thương con trẻ, một bậc chân tu quên mình lo miếng ăn giấc ngủ cho các trẻ em nghèo tàn tật bị bỏ rơi, hay những bệnh nhân nghèo khốn khổ.

Nếu các bạn trẻ đều có tấm lòng và tri thức, có đạo đức và trách nhiệm, có lòng hổ thẹn trước sự tụt hậu của quốc gia, có lòng tự tôn trước 4.000 năm văn hiến, thì vận nước chắc chắn sẽ tươi sáng trong cánh tay xây dựng của tuổi trẻ Việt Nam. Chính các bạn mới là người sẽ đưa được đất nước tiến lên cho kịp với đà phát triển của lịch sử thế giới. Nhưng chúng ta không thể ngồi ngắm ánh trăng mà mơ nguyệt điện, các bạn trẻ phải xắn tay áo kiên trì khổ luyện học tập, đi vào khoa học kỹ thuật, học cách hội nhập làm ăn, đàng hoàng uy tín, xóa đi cách biệt đói nghèo tụt hậu của đất nước.
Con cọp cuối cùng tại Côn Đảo

Năm nay là năm con cọp, nên trước khi chia tay năm cũ bước vào năm mới, tôi xin phép kể cho các bạn một câu chuyện về con cọp cuối cùng tại Côn Đảo. Nhà văn An Khê, người đã chịu án chung thân khổ sai của thực dân Pháp tại nhà tù Côn Đảo, ông được may mắn trở về và đã kể câu chuyện này trên một Nhật Báo Saigon trước 1975, khi tôi chỉ mới là một chàng trai trẻ tuổi, yêu đời.

Do biết tù Côn Đảo thường có ý định trốn trại vượt ngục, thực dân Pháp nghĩ ra một hiểm kế, đó là làm thế nào để có thể có tiêu diệt tù chính trị bị nhốt trên Côn Đảo dám cả gan vượt ngục mà không bị dư luận lên án.thực dân Pháp đã thả trong rừng Côn Đảo 10 con cọp trẻ dữ dằn, sẵn sàng “xơi tái” những anh tù trốn trại. Dân tù biết được nên dùng chiến thuật “tiêu thổ kháng chiến”, “vườn không nhà trống”, tìm cách cô lập hủy diệt mọi thứ mà lũ cọp có thể ăn được, nhiều khi tổ chức đông người lập bẫy vây bắt giết cọp. Lũ cọp không chịu nỗi sơn lâm chướng khí và cạn nguồn lương thực nên bệnh và chết dần, chỉ còn lại duy nhất một con cọp.

Một đêm nọ cọp đi kiếm ăn trên bãi biển, thấy một con hến to như cái bàn tròn lớn cỡ một người ôm, nằm há miệng trước biển, khoe cái mình hến trắng hếu, lồ lộ hấp dẫn dưới ánh trăng. Cọp khoái chí đưa hai chân trước vồ con hến. Hến hết hồn ngậm miệng lại, cọp đang bệnh ốm đói và kiệt sức nên không sao vùng vẫy thoát. Đêm hôm ấy, người ta nghe tiếng con cọp gầm rú suốt cả đêm. Sáng hôm sau, con cọp xấu số đã nằm chết ngộp khi nước triều dâng lên trên bãi biển.


Câu chuyện con cọp cuối cùng nơi Côn Đảo làm ta chợt nghiệm ra rằng, con người tuy sức yếu nhưng trí khôn có thể tiêu diệt loài cọp dữ. Người xưa thường ví các tham quan ô lại còn nguy hại tàn ác gấp nhiều lần hơn loài thú dữ cọp beo. Mong rằng trong năm con cọp, các quan tham ô lại bọn sâu dân mọt nước sẽ bị sập hầm, số phận sẽ như con cọp cuối cùng trên Côn Đảo, để người dân đỡ khổ vì diệt trừ được quốc nạn. Vậy thì ta hãy nâng ly phấn khởi: “Chúc mừng năm mới” và tiếp tục mơ xuân.


Luật sư Nguyễn Bính Châu

 

Tin tức khác


   Trang sau >>