NGÀY XUÂN SUY NGẪM VỀ NGHỀ LUẬT SƯ

Lẽ thường, xuân về Tết đến sẽ mang điều lành đến với mọi người, mọi nhà. Với những bài báo đầu năm 2010, cũng là khởi đầu Báo Pháp Luật TP.HCM “lột xác” thì giới luật sư được đưa lên “bàn mổ” với những điều dị nghị mang đậm sự phản cảm của dư luận.

 

Bốn số liền (từ ngày 01 đến ngày 04/01/2010) tờ báo phê phán một số luật sư là những “con sâu làm rầu nồi canh” trong hoạt động nghề nghiệp luật sư. Với tiêu đề: Tiền thầy bỏ túi, bài báo khái quát: “... không ít luật sư còn làm bậy, thiếu trách nhiệm, vi phạm đạo đức nghề nghiệp khiến cho hình ảnh của giới luật sư bị ảnh hưởng trong mắt người dân”. Phải chăng Báo Pháp Luật muốn tạo ra biệt lệ?

Là người trong giới luật sư, tôi thấm thía và đau đớn vô ngần. Đành rằng, không có nghề xấu, chỉ có người xấu vì “mía sâu có đốt, nhà dột có nơi”. Điều đáng buồn ở chỗ: từ xa xưa nghề luật sư được xã hội đề cao, coi trọng như là thiên chức. Nay lại có những con sâu làm tổn thương uy tín, hoen ố thanh danh những “hiệp sĩ” mà các bậc tiền bối đã dày công gầy dựng, vun đắp.

Chúng ta cần nghiêm khắc với bản thân: “tiên trách kỷ”. Trong lúc những đồng nghiệp chân chính, chấp nhận “thà cạp đất mà ăn” chứ không cam tâm làm điều xấu, thì đó đây có những “thầy cải” sẵn sàng “bán mình cho quỷ dữ”, nhắm mắt chạy theo tiền tài, vật chất!

Nhà thơ Trần Tế  Xương đã từng cảnh báo:

Văn minh Đông Á trời thu sạch,

Này lúc cương thường đảo ngược ru!


Trước bối cảnh “vàng thau lẫn lộn”, cần phải có thái độ nghiêm túc, tỉnh táo “đãi cát tìm vàng”. Các cơ quan truyền thông đại chúng tích cực phanh phui những “cây gai”, những “con sâu” trong giới luật sư là việc làm cần thiết, đáng trân trọng. Nhưng phải đắn đo, cân nhắc, khen hay chê đều thật chính xác. Khi nói đến ai thì xác định đầy đủ danh tánh, địa chỉ cư trú, nơi làm việc. Tránh viết tắt sẽ gây nên sự ngộ nhận. Chẳng hạn nói Luật sư T làm điều xằng bậy, làm sao biết “ông kẹ luật sư” T là ai ? Từ chỗ thắc mắc, sẽ dẫn đến đoán mò, gây ngộ nhận.

Thành ngữ có câu “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”. Cho nên, chẳng những tránh “chê nhầm” mà cũng phải tránh “khen nhầm”. Vì thế, thận trọng vẫn hơn, chỉ sau khi biết chắc chắn một người nào đó đủ tâm lẫn tầm mới lên tiếng khen ngợi cũng không muộn!

Cha ông ta lưu truyền câu nói “Cọp chết để da, người ta chết để tiếng”, hoặc “trăm năm bia đá thì mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”, tới nay vẫn còn nguyên giá trị.

Phát triển nghề luật sư thời hội nhập là việc làm rất cần thiết. Song, không vì vậy mà chạy theo chỉ tiêu định trước, ồ ạt kết nạp một số luật sư háo danh hám lợi, để họ dùng cái “mác” luật sư làm điều bất chính, gây tai tiếng cho cả giới luật sư. Cần tuân thủ nguyên tắc dùng người là “dụng tinh hơn dụng đa”.

Chuyện đời là thế, còn chuyện nghề thì sao? Đã “trách kỷ” thì cũng phải “trách nhân”. Hiện tại một số quy định luật pháp còn bất hợp lý, “chồng chéo”, “không rõ nghĩa”, vận dụng vào thực tiễn sẽ “gây thiệt hại cho người ngay, tiếp tay cho kẻ gian” (cách nói của Báo Pháp Luật Việt Nam). Tôi xin điểm xuyết vài “bất trắc” mà giới luật sư thường đối mặt: Nghị quyết số 02 ngày 10/8/2004 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao hướng dẫn giải quyết chia tài sản chung: tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc với điều kiện: các đồng sở hữu thừa nhận khối tài sản chung chưa chia và người trực tiếp quản lý, đồng ý chia tài sản chung. Nghị quyết là vậy, nhưng vẫn có tòa án chấp nhận chia tài sản chung, mặc dù người trực tiếp quản lý tài sản không đồng ý chia!

Trước đây, người gây án dùng hung khí nguy hiểm tác động vào vùng nhược của cơ thể nạn nhân như ở đầu, ngực, bụng đều bị truy tố về “tội giết người”, nay thì cũng hành vi như thế, hầu như hung thủ chỉ bị truy tố về tội “cố ý gây thương tích”.

Đối với tội “Cướp giật tài sản” người sử dụng xe gắn máy đi gây án bị quy buộc dùng thủ đoạn nguy hiểm (tình tiết định khung tăng nặng tại điểm d khoản 2 Điều 136 Bộ Luật Hình sự). Thông thường “thủ đoạn” được hiểu là dùng mưu kế quỷ quyệt khiến người bị hại khó lường trước để đối phó kịp thời. Thế thì sử dụng xe gắn máy đi cướp giật sao lại gọi là dùng thủ đoạn?

Về lĩnh vực nhà đất, theo Luật Nhà ở thì giao dịch mua bán nhà được coi là đã hoàn tất khi hợp đồng mua bán được phòng công chứng chứng nhận, trong khi đó Luật Dân sự lại quy định quyền sở hữu nhà chỉ thuộc về người mua, sau khi đăng bộ tại cơ quan Tài nguyên & Môi trường. Quy định “vênh nhau” giữa hai luật khiến giao dịch chuyển nhượng nhà đất nẩy sinh tranh chấp đáng tiếc.

Tính lỏng lẻo của luật pháp gây khó cho luật sư được thể hiện tại Điều 58 Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) quy định quyền và nghĩa vụ của người bào chữa. theo đó, người bào chữa “có mặt khi lấy lời khai của người bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu điều tra viên (ĐTV) đồng ý thì được hỏi người bị tạm giữ, bị can và có mặt trong những hoạt động điều tra khác; xem các biên bản về hoạt động tố tụng có sự tham gia của mình và các quyết định tố tụng liên quan đến người mà mình bào chữa...”, theo điều luật vừa nêu thì: Luật sư được tham gia vụ án hình sự ngay từ đầu (từ khi tạm giữ hình sự), được tiếp xúc và được hỏi bị can nếu được sự đồng ý của ĐTV. Mới nghe qua tưởng chừng luật sư được rộng quyền. Nhưng thực tiễn hoạt động nghề nghiệp luật sư chịu bất lực, không thể tiếp xúc, làm việc với bị can khi mà điều tra viên “nổi hứng” không đồng ý để luật sư giao tiếp bị can mà không cần phải giải thích lý do vì sao? (mà lịch sự giải thích đi nữa thì cũng có thể đưa ra 1001 lý do).

Giới luật sư chúng ta ngỡ ngàng, bối rối trước phán quyết của tòa án nhân danh nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, chủ tọa đanh thép tuyên: Tòa bác bỏ nội dung luận cứ của luật sư vì không có cơ sở. Tiếc rằng chủ tọa không đưa ra được quy định nào của pháp luật chứng minh lý lẽ của luật sư không phù hợp? Chúng ta cần biết mình sai ở chỗ nào để rút kinh nghiệm, nhằm tránh sai sót ở các phiên tòa khác! Luật sư thường bị chủ tọa lưu ý chỉ hỏi bị cáo, đối đáp với kiểm sát viên mỗi vấn đề một lần mà thôi. Còn kiểm sát viên (KSV) thì thoải mái trong việc xét hỏi, tranh luận với luật sư.
Nghị quyết 08 ngày 02/01/2002 và Nghị quyết 49 ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị nhấn mạnh: Quyết định của bản án phải căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Nhưng, giữa lý thuyết và thực tế vẫn tồn tại khoảng cách. Chỉ khi nào cơ quan tiến hành tố tụng (THTT) thấm nhuần và tuân thủ những quy định pháp luật đúng mực, lúc bấy giờ hoạt động luật sư mới được tôn vinh, nể trọng.

Quy định pháp luật càng chặt chẽ, khúc chiết sẽ hạn chế “ông nói gà, bà nói vịt” hạn chế tình trạng án bị hủy, sửa, gây oan cho người vô tội.

Chừng nào có sự bình đẳng thật sự giữa luật sư với những người tiến hành tố tụng; Chừng nào mà Điều 58 BLTTHS bỏ đi chữ “nếu” và các ĐTV, KSV, Thẩm phán thực thi quy định của điều luật này, tổ chức hành nghề luật sư, luật sư mới thực sự bình đẳng với các cơ quan, người THTT.

Như trên đã nói, chỉ có người xấu, không có nghề xấu. Mong sao các luật sư dù bất kỳ hoàn cảnh nào, thăng trầm dong ruổi cũng phải nâng cao uy tín nghề luật sư dưới mắt mọi người dân.


Trước thềm năm mới, chúc quý đồng nghiệp tận hưởng một cái tết thú vị, đậm đà bản sắc quê hương, gặt hái thành công suốt năm Canh Dần.


Luật sư Trần Công Ly Tao (Phó Chủ nhiệm ĐLS TP.HCM)

 

Tin tức khác


   Trang sau >>