TẾT NAY ĂN GÌ ?

“Hàng ngày, tôi vẫn ăn nhiều thực phẩm rau trái, thịt cá mua từ chợ và siêu thị, nhưng cũng thấy nhan nhản mỗi ngày các thông tin dồn dập về độc tố trong thực phẩm, nào là phở, bánh cuốn, chả lụa chế biến từ hàn the; rau muống được trồng từ nhớt bị nhiễm chì; rau củ trái cây bị tẩm chất chống mốc;

 

Dư lượng kháng sinh trong thủy hải sản; nước tương có 3MCPD; sữa có chất melamine; hạt dưa có hóa chất tẩm màu nhuộm vải chống dùng trong thực phẩm vv... đều là những độc tố gây ung thư. Vậy thì biết ăn gì để sống ?”

Lời bộc bạch trên không chỉ của một người mà đang là nỗi lo chung của cả cộng đồng. Quản lý, kiểm soát hàng hóa không an toàn là một trong những tác nhân làm nỗi lo chồng chất nỗi lo của người tiêu dùng.

Quyền của người tiêu dùng –  Ai cũng biết hay nhiều người không biết?


Theo qui định của pháp luật, người tiêu dùng có một số quyền lợi cơ bản để thỏa mãn những nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng như quyền được an toàn, được cung cấp thông tin, được lựa chọn, được lắng nghe, được bồi thường, được sống trong môi trường trong sạch và bền vững vv... Thế nhưng khi “sự cố” xảy ra để bảo vệ quyền của mình, nhiều người tiêu dùng vẫn không biết gõ cửa ở đâu ?

Trên thực tế, khi bị thiệt hại người tiêu dùng đều tìm đến nơi bán hàng đầu tiên cho mình, nhưng trách nhiệm và chế độ hậu mãi của người kinh doanh không phải ai cũng giống ai. Bản thân người viết bài này, từng mua một bếp gaz ngoại nhập tại một trung tâm siêu thị điện máy có tiếng, khi bếp có trục trặc nhưng hết thời hạn bảo hành, điện thoại hỏi trung tâm bảo hành của siêu thị thì được nhân viên siêu thị cung cấp cho số điện thoại của nhà cung cấp bếp gaz này để khách hàng trực tiếp yêu cầu sửa chữa theo kiểu “đem con bỏ chợ” lý do vì đã hết hạn bảo hành ?! Một trường hợp khác, khách hàng của một hiệu mỹ phẩm khá nổi tiếng, đã vô cùng thất vọng khi phàn nàn về sản phẩm bạc triệu của công ty này, do có sự cố về bao bì (vòi xịt bị hư) gây thất thoát lượng mỹ phẩm đáng kể khi sử dụng, nhưng khi yêu cầu công ty khắc phục thì bộ phận đại lý bán hàng chỉ có thể lấy sản phẩm bị hư mang đi sửa nhưng vẫn không thể tốt hơn, thay vì đổi cho khách một chai mới lại chỉ là lời dặn dò khách hàng “nhớ cẩn thận khi sử dụng (dù đã sửa rồi) và thông cảm vì chai này khui xài rồi nên không đổi được”(?). Đến nước này, khách hàng nọ chỉ còn biết tẩy chay mặt hàng trên và không bao giờ dám mua lại. Một trường hợp về cung cấp sản phẩm dịch vụ, có một khách hàng khác phản ảnh: Khi được hưởng chế độ ưu đãi theo tiêu chuẩn khách hàng thân thiết của một tiệm uốn tóc chuyên nghiệp, nhưng do khâu phối hợp và cung cách quản lý thiếu chuyên nghiệp của họ bất nhất trong cung cấp dịch vụ đã làm khách hàng phiền lòng phản ảnh nhưng cửa hàng không thiện chí tiếp thu, đành bỏ luôn cái tiêu chuẩn ưu đãi coi thường “thượng đế” của tiệm uốn tóc nọ và một đi không trở lại.

Bên cạnh những vấn đề trên, còn hàng loạt các sự kiện xâm hại quyền lợi người tiêu dùng trong các loại hàng hóa dịch vụ mang tính xã hội như xăng, dầu, điện, nước, điện thoại, an toàn thực phẩm (mang tính phổ biến)... Xăng chứa aceton gây hỏng động cơ gắn máy; xe taxi gian dối taxi mét, nước máy có cặn, thực phẩm có độc tố gây ung thư, đong thiếu trọng lượng, hàng giả, hàng nhái kém chất lượng... gây những hậu quả về lâu dài cho người tiêu dùng. Thế nhưng hình như chưa có trường hợp nào nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ hàng hóa phải bồi thường cho cộng đồng người tiêu dùng, và cũng chưa có hướng dẫn khả thi nào cho người tiêu dùng trong việc lên tiếng khiếu kiện tập thể để bảo vệ quyền lợi của mình.

Cơ sở pháp lý để người tiêu dùng bảo vệ quyền lợi cho mình


Khi bị thiệt hại, người tiêu dùng có quyền khiếu nại đến nhà sản xuất kinh doanh, một số các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý Nhà nước  các cấp có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại tòa án. Ngoài ra, để được tham vấn, bảo vệ quyền lợi hiệu quả còn có hệ thống Hội bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng Việt Nam ở cấp trung ương và các tỉnh thành. Trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quyền lợi người tiêu dùng còn được bảo vệ khá đầy đủ bởi sự điều chỉnh của một số văn bản như  Bộ Luật Dân sự, Bộ Luật Hình sự, Luật Thương mại, Pháp lệnh bảo vệ người tiêu dùng, Luật cạnh tranh, Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm...

Tuy nhiên, xét yếu tố thực tiễn thì cơ chế pháp lý trong lĩnh vực này vẫn còn nhiều bất cập, lỏng lẻo, cần hoàn thiện từ nội dung của các chế định đến việc áp dụng luật và quan trọng nhất vẫn là các hình thức chế tài hiện nay chưa triệt để, khiến người tiêu dùng khó có thể an tâm thực hiện quyền của mình như là một trách nhiệm- trước hết tự mình bảo vệ mình.

Tại hội thảo khoa học về “Pháp luật bảo vệ người tiêu dùng – kinh nghiệm quốc tế, thực trạng và triển vọng ở Việt Nam” được Viện Nhà nước và pháp luật (VASS) phối hợp với Viện KAS tại Việt Nam tổ chức vào cuối năm 2009 vừa qua, có sự tham gia của nhiều chuyên gia pháp lý trong và ngoài nước ở lĩnh vực này. Phần lớn, tập trung thảo luận về các quy định của pháp luật hiện hành nhằm hoàn thiện Luật Bảo vệ người tiêu dùng, nhưng định hướng chính là tạo một hành lang pháp lý an toàn cho hoạt động bảo vệ người tiêu dùng và cho nhu cầu tự thân của chính người tiêu dùng.
Phát biểu tham luận tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Đức Minh  đã có ý kiến về ban hành Luật bảo vệ người tiêu dùng là cần thiết nhưng chưa đủ tạo cơ sở pháp lý bảo vệ người tiêu dùng, vì đây là hoạt động mang tính liên ngành không thể chỉ giao cho một cơ quan thực hiện hay điều chỉnh chỉ trong một đạo luật, do vậy nhà làm luật cần cụ thể hóa mối quan hệ giữa luật chung và luật chuyên ngành. Cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan quản lý Nhà nước do một số quan hệ điều hành chồng chéo, nhiệm vụ chính, nhiệm vụ lồng ghép không rõ ràng như hiện nay, cụ thể là vấn đề phân công quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, giao cho bộ nào vẫn còn là vấn đề tranh cãi giữa ba bộ Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Công thương

Trong cơ chế giải quyết tranh chấp trong quan hệ giữa người tiêu dùng và người bán, người cung cấp hàng hóa là những quan hệ pháp luật dân sự. Vì thế nguyên tắc giải quyết là trên cơ sở pháp luật hợp đồng hoặc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và theo hình thức thủ tục tố tụng dân sự.

Dù địa vị pháp lý giữa các chủ thể tham gia những quan hệ này là bình đẳng, nhưng trên thực tế người tiêu dùng thường có vị thế yếu hơn người sản xuất kinh doanh, cung ứng dịch vụ, do vậy pháp luật tố tụng dân sự hiện nay cũng nên cải tiến và hoàn thiện một số các quy định cần thiết như hỗ trợ người tiêu dùng điều kiện thu thập chứng cứ chứng minh bằng các loại hình dịch vụ của Nhà nước, áp dụng cơ chế pháp lý cho phép khởi kiện tập thể, bổ sung các khoản chi phí hợp lý và cần thiết trong trách nhiệm bồi thường của nhà kinh doanh đối với người tiêu dùng như chi phí giải quyết tranh chấp (thuê luật sư, thiệt hại thực tế phát sinh do khởi kiện...); quy định lợi nhuận từ hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng phải được “sung công” hoặc tăng mức phạt mang tính răn đe cao, vì hiện nay mức phạt quá thấp nên có hiện tượng sẵn sàng vi phạm; và nên miễn án phí khi khởi kiện tranh chấp bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng...

Bên cạnh tính thiết yếu của vấn đề về cơ chế hoạt động, không thể không nhắc đến nguồn lực để duy trì và phát triển hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đó là nguồn nhân lực, vật lực, nguồn tài chính , phương tiện nhất thiết phải tương xứng với nhiệm vụ.

Bảo vệ người tiêu dùng - Chuyện không của riêng ai !


Thật vậy. Nhà nước, người tiêu dùng và xã hội đều nhận thức được hậu quả khi quyền lợi người tiêu dùng bị xâm phạm. Trước khi chờ nhà nước ra tay, thì người tiêu dùng đã phải tự bảo vệ mình một cách “đơn thương, độc mã” theo cách nói ví von của tiến sĩ Nguyễn Đức Minh, ông cho rằng trong cơ chế bảo vệ người tiêu dùng cần phải phát huy đồng thời khả năng và sức mạnh tổng hợp của cả ba chủ thể: Nhà nước, người tiêu dùng và xã hội. Theo đó, Nhà nước với tư cách là tổ chức quyền lực công, một mặt cần làm tốt vai trò xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng, đồng thời Nhà nước phải thể hiện vai trò một “nhạc trưởng” trong việc bảo đảm chất lượng, giá cả, định hướng và hỗ trợ để người tiêu dùng khả năng hành động đối phó và phản ảnh các hành vi vi phạm quyền lợi của họ. Đối với các chủ thể xã hội, trong nhiệm vụ thu hút sự tham gia xã hội vào công tác bảo vệ người tiêu dùng, cần coi trọng vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng và các tổ chức xã hội nghề nghiệp, trong đó có tổ chức bảo vệ người tiêu dùng, các tổ chức liên quan đến an toàn thực phẩm, các tổ chức luật sư .

Cơ chế là vậy, thế nhưng tính đảm bảo cho một quy chuẩn kỹ thuật quản lý hàng hóa còn là những vấn đề bất cập. Trong khi mỗi ngày, nhiều nguồn thực phẩm khác nhau từ nguồn nguyên liệu đầu vào đến thành phẩm đầu ra bày bán tràn lan hiện nay, từ siêu thị ra đến đường phố, người tiêu dùng luôn nơm nớp lo âu những nguy cơ tiềm ẩn về tính an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng giả, hàng nhái, tính trung thực của nhãn, date thực phẩm vv... Mới đây, tại buổi góp ý cho Dự thảo Luật an toàn vệ sinh thực phẩm tổ chức ngày 7/1 tại Hà Nội,  Ủy ban khoa học -  công nghệ và môi trường của Quốc hội đã báo cáo từ năm 2005 đến nay chỉ mới có 50.000/500.000 (10%) cơ sở chế biến kinh doanh thực phẩm trên toàn quốc được thẩm tra và cấp giấy chứng nhận (!). Biết rằng đó là chuyện không của riêng ai nhưng xác định trách nhiệm thuộc về ai xem ra là câu hỏi không dễ trả lời cho các ngành chức năng tiếp tục hoàn thiện cơ chế pháp lý bảo vệ người tiêu dùng trong năm 2010 ?
Khi  “thượng đế” lên tiếng

“Ai không muốn có một sản phẩm do mình bỏ tiền ra mua là phải tương xứng giá trị đồng tiền. Thế nhưng, thời buổi bây giờ mong muốn này xem ra cũng khó có thể đạt được. Khui chai nước ngọt ra có con gián chết trong đó, nói ai tin? Uống không được biết đi đòi tiền lại ở đâu ? Người bán đâu có chịu trả tiền cho mình ? Đi siêu thị mua về hộp sữa tươi, uống vào thấy chua, không dám uống nữa thì vứt đi, chớ phản ảnh không ai tin, trừ khi mình khui ra uống ngay trước mặt họ. Còn ít ngày nữa là mọi người chuẩn bị đón tết, ngoài trái cây, rau củ, trứng, thịt đã từng có vấn đề về độc tố, hàng không rõ nguồn gốc... nay lại đến mứt Tết có dòi, và cả hạt dưa- là món mở đầu câu chuyện ba ngày xuân, giờ thì cũng không dám “cắn” vì sợ... phẩm màu gây ung thư! Bây giờ có lẽ nhiều người đang lo không biết Tết nay ăn gì?”


Xin mượn lời ca thán trên của một người tiêu dùng nhân dịp đầu năm mới để thay cho lời kết. Có lẽ còn một ngàn lẻ một chuyện cần lên tiếng, nhưng các “thượng đế” chúng ta không biết kêu ai,  chẳng lẽ thượng đế lại kêu chính mình ra mà than: “Trời ơi !”


Luật sư Trần Thị Phụng

 

Tin tức khác


   Trang sau >>