MỘT SỐ QUY ĐỊNH MỚI CỦA ĐIỀU LỆ LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM NHIỆM KỲ II

MỘT SỐ QUY ĐỊNH MỚI CỦA ĐIỀU LỆ LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM NHIỆM KỲ II

Luật sư.NGUYỄN VĂN TRUNG

Phó Chủ tịch LĐLSVN- Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM

          

Căn cứ Luật Luật sư 2006, Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ I ngày 10-5-2009 đã thông qua Điều lệ LĐLSVN nhiệm kỳ I gồm 7 Chương 46 Điều.

Sau 6 năm thực hiện, căn cứ Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Luật sư năm 2012, Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ II ngày 19-4-2015 đã thông qua Điều lệ LĐLSVN nhiệm kỳ II, gồm 8 Chương 50 Điều. Nghị quyết Đại hội đã giao cho Hội đồng Luật sư toàn quốc tiếp thu ý kiến Đại hội, hoàn chỉnh dự thảo Điều lệ trình Bộ Trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt. Ngày 28-8-2015, Bộ Trưởng Bộ Tư pháp đã có quyết định số 1573/QĐ-BTP phê duyệt Điều lệ LĐLSVN nhiệm ký II (2014-2019). Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Khoản 2 Điều 49 Điều lệ quy định: “Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam được áp dụng thống nhất đối với Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các Đoàn luật sư. Điều lệ của các Đoàn luật sư hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam có hiệu lực”.

Nhằm kịp thời triển khai thực hiện Điều lệ đến tất cả các Đoàn Luật sư,  ngày 24-9-2015 tại Hà Nội, Thường trực Liên đoàn đã tổ chức Hội nghị triển khai đến các Đoàn luật sư phía Bắc. Hội nghị hôm nay nhằm triển khai thực hiện Điều lệ đến các Đoàn luật sư phía Nam.

         Sau đây, tôi xin trình bày một số quy định mới của Điều lệ Liên đoàn Luật sư nhiệm kỳ II để các đại biểu lưu ý khi về triển khai thực hiện và xây dựng Nội quy  tại đơn vị của mình.

 

I/- Đối với Liên đoàn Luật sư Việt Nam:

1- Chủ tịch LĐLSVN:

     + Điều lệ nhiệm kỳ I quy định Chủ tịch LĐLSVN do Hội đồng Luật sư toàn quốc bầu trong số Uỷ viên Ban Thường vụ Liên đoàn. Điều lệ mới quy định tại điểm c khoản 5 Điều 6 và khoản 1 Điều 9:  Chủ tịch LĐLSVN do Đại hội Đại biểu luật sư toàn quốc  bầu ra trong số Uỷ viên Ban Thường vụ Liên đoàn.

    + Trong trường hợp chưa bầu được Chủ tịch hoặc khuyết Chủ tịch thì Hội đồng Luật sư toàn quốc chỉ định một Phó Chủ tịch điều hành hoạt động và đại diện LĐLSVN cho đến khi có Chủ tịch mới.

             + Trong thời gian giữa 2 kỳ họp Hội đồng Luật sư toàn quốc, Ban Thường vụ có quyền quyết định tạm đình chỉ tư cách Chủ tịch nếu thuộc trường hợp bị bãi nhiệm và đề nghị Hội đồng Luật sư toàn quốc quyết định tại phiên họp gần nhất.

2-Thường trực Liên đoàn: Điều lệ cũ không quy định cơ cấu Thường trực Liên đoàn. Điều lệ mới, tại khoản 8 Điều 8 quy định: “Thường trực Liên đoàn gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch có nhiệm vụ điều hành hoạt động thường xuyên của Liên đoàn giữa các kỳ họp của Ban Thường vụ Liên đoàn”.

3- Ban Thường vụ Liên đoàn: + Điều lệ mới, tại điểm g khoản 5 Điều 8 quy định: Ban Thường vụ Liên đoàn có nhiệm vụ hướng dẫn thực hiện Điều lệ Liên đoàn; có quyền đình chỉ thi hành, yêu cầu sửa đổi một phần hoặc huỷ bỏ nghị quyết, quy định, quyết định của Đoàn Luật sư trái Điều lệ, nghị quyết, quy định, quyết định của Liên đoàn; kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đình chỉ thi hành, yêu cầu sửa đổi nghị quyết, quyết định, quy định của Đoàn Luật sư trái với quy định của pháp luật.

4- Các cuộc họp HĐLS toàn quốc và Ban Thường vụ Liên đoàn:

     - Điều lệ LĐLSVN nhiệm kỳ I quy định Hội đồng Luật sư toàn quốc họp thường kỳ một năm ít nhất hai lần theo triệu tập của Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư. Điều lệ mới quy định Hội đồng Luật sư toàn quốc họp thường kỳ một (01) lần trong một năm theo triệu tập của Ban Thường vụ Liên đoàn. Ban Thường vụ có thể triệu tập Hội đồng Luật sư toàn quốc họp bất thường khi có yêu cầu của ít nhất hai phần ba (2/3) số  Uỷ viên Ban Tthường vụ Liên đoàn hoặc một phần ba (1/3) số  Ủy viên Hội đồng yêu cầu.

     - Điều lệ LĐLSVN nhiệm kỳ I không quy định về các cuộc họp của Ban Thường vụ Liên đoàn. Điều lệ mới quy định Ban Thường vụ họp thường kỳ 3 lần trong một năm và có thể họp bất thường theo đề nghị của ít nhất một phần hai (1/2)  số Ủy viên Ban Thường vụ hoặc theo quyết định của Thường trực Liên đoàn. Cuộc họp của Ban Thường vụ hợp lệ khi có ít nhất hai phần ba (2/3) số Ủy viên Ban Thường vụ tham dự.

5- Các Ủy Ban của LĐLSVN:

     - Điều lệ LĐLSVN nhiệm kỳ I quy định có 4 Ủy Ban: Ủy ban Bảo vệ quyền lợi luật sư; Ủy ban Giám sát đạo đức nghề nghiệp, khen thưởng, kỷ luật; Ủy ban Đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng, phổ biến pháp luật; Ủy ban Hợp tác quốc tế. Hội đồng Luật sư toàn quốc nhiệm kỳ I quyết định thành lập thêm Ủy ban Phát triển kinh tế.

     - Điều lệ mới quy định có 7 Ủy Ban: Ủy ban Bảo vệ quyền lợi luật sư; Ủy ban Đào tạo bồi dưỡng; Ủy ban Giám sát; Ủy ban Kinh tế tài chính; Ủy ban Khen thưởng, kỷ luật; Ủy ban Quan hệ quốc tế; Ủy ban Xây dựng pháp luật và trợ giúp pháp lý. (Điều lệ mới tách chức năng giám sát khỏi Ủy ban Giám sát đạo đức, khen thưởng, kỷ luật để thành lập Ủy ban Giám sát; đổi tên Ủy ban Phát triển kinh tế tài chính thành Ủy ban Kinh tế tài chính; tách chức năng xây dựng, phổ biến pháp luật của Ủy ban Đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng, phổ biến pháp luật để thành lập Ủy ban Xây dựng pháp luật và trợ giúp pháp lý).

6-Các đơn vị trực thuộc Liên đoàn:

- Điều lệ nhiệm kỳ I không quy định. Hội đồng Luật sư toàn quốc nhiệm kỳ I quyết định thành lập Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ luật sư Việt Nam, Trung tâm tư vấn pháp luật và Tạp chí Luật sư Việt Nam.

     - Điều lệ mới quy định thành lập thêm Câu lạc bộ luật sư thương mại quốc tế Việt Nam, đổi tên Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ luật sư Việt Nam thành Trường đào tạo nghề luật sư và giữ nguyên Tạp chí luật sư Việt Nam, Trung tâm tư vấn pháp luật.

II/- Đối với Đoàn luật sư:

1- Chủ nhiệm:

      + Điều lệ LĐLSVN nhiệm kỳ I không quy định tiêu chuẩn và không hạn chế nhiệm kỳ của Chủ nhiệm, không quy định trường hợp tạm đình chỉ tư cách Chủ nhiệm.

      + Điều lệ mới quy định một luật sư chỉ được bầu là Chủ nhiệm Đoàn Luật sư nhiều nhất 3 nhiệm kỳ liên tiếp, phải có tiêu chuẩn 3 năm hành nghề luật sư. Trong thời gian giữa 2 kỳ Đại hội luật sư, Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam có quyền đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tạm đình chỉ tư cách Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 21, chỉ định 01 Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tạm quyền Chủ nhiệm và đề nghị Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư triệu tập Đại hội luật sư bất thường để xem xét bãi nhiệm Chủ nhiệm Đoàn Luật sư và bầu Chủ nhiệm mới.

2/- Hội nghị luật sư hàng năm:

+ Điều lệ LĐLSVN khóa I không quy định Hội nghị luật sư hàng năm.

+ Điều lệ mới quy định hàng năm Đoàn Luật sư tổ chức Hội nghị để thảo luận, thông qua báo cáo tổng kết hoạt động hành nghề của luật sư, hoạt động của Đoàn Luật sư, báo cáo tài chính trong năm và phương hướng năm tới; quyết định hoặc điều chỉnh mức phí tập sự hành nghề luật sư, mức phí gia nhập Đòan luật sư (nếu có). Hội nghị Đoàn Luật sư hợp lệ khi có trên một phần hai (1/2) số luật sư được triệu tập có mặt. Ban Chủ nhiệm Đòan Luật sư triệu tập và điều hành Hội nghị Đoàn luật sư.

3/- Nội quy Đoàn luật sư:

Điều lệ LĐLSVN mới được áp dụng thống nhất đối với Liên đoàn Luật sư Việt Nam và  các Đoàn luật sư. Điều lệ của các Đoàn Luật sư hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam có hiệu lực (ngày 28-8-2015). Vì vậy, Điều lệ LĐLSVN mới quy định về Đoàn luật sư và luật sư tương đối chi tiết, cụ thể. Tuy nhiên, mỗi Đoàn Luật sư có đặc điểm, quy mô, vai trò riêng . Công việc quan trọng sau Hội nghị này là Ban Chủ nhiệm các Đoàn Luật sư phải nghiên cứu xây dựng Nội quy để quy định chi tiết những vấn đề thuộc nội bộ Đoàn Luật sư phù hợp tình hình thực tế của Đoàn mình. Nội quy Đoàn Luật sư phải bao gồm đầy đủ những nội dung quy định tại khoản 2 Điều 25 Điều lệ Liên đoàn. Nội quy Đoàn Luật sư do Đại hội luật sư quyết định. Tuy nhiên, để bảo đảm các quy định của Nội quy Đoàn Luật sư không trái quy định của pháp luật, Điều lệ Liên đòan, đồng thời tránh xảy ra mâu thuẩn trong quy định giữa các Đoàn, đề nghị Ban Chủ nhiệm các Đoàn Luật sư gởi dự thảo Nội quy để lấy ý kiến của Liên đoàn trước khi tổ chức Đại hội luật sư thông qua Nội quy.

Trong thời gian chưa thông qua Nội quy Đoàn Luật sư, quá trình hoạt động nếu có gặp khó khăn, vướng mắc, đề nghị Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư trao đổi thống nhất với Liên đoàn Luật sư để phối hợp giải quyết.

4/- Về phí đăng ký tập sự, phí gia nhập ĐLS, phí thành viên:

+ Điều lệ Liên đoàn LSVN nhiệm kỳ I quy định các loại phí tập sự hành nghề luật sư, phí gia nhập Đoàn Luật sư và phí thành viên Đoàn Luật sư do Đại hội luật sư của Đoàn Luật sư quyết định. Luật sư nộp phí thành viên Liên đoàn Luật sư theo mức phí thông nhất do Hội đồng Luật sư toàn quốc quy định.

+ Điều lệ mới quy định thống nhất chỉ còn một loại phí thành viên. Luật sư phải đóng phí thành viên. Mức phí, các trường hợp miễn, giảm phí thành viên do Hội đồng Luật sư toàn quốc quy định. Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư có trách nhiệm thu phí thành viên của các luật sư thành viên của Đoàn mình và trích nộp cho Liên đoàn. Tỷ lệ trích nộp phí thành viên do Hội đồng Luật sư toàn quốc quy định.

- Hội đồng Luật sư toàn quốc quy định khung phí đăng ký tập sự hành nghề luật sư, khung phí gia nhập Đoàn Luật sư. Hội nghị luật sư hàng năm quyết định mức thu phí, các trường hợp miễn giảm phí gia nhập.

- Trong khi chờ Hội đồng Luật sư toàn quốc quy định, việc thu các lọai phí nói trên giữ nguyên như hiện nay.

5/- Về xử lý vi phạm nghĩa vụ đóng phí thành viên:

+ Điều lệ LĐLSVN nhiệm kỳ I quy định: Sáu (06) tháng liên tục không đóng phí thành viên Liên đoàn Luật sư, phí thành viên Đoàn Luật sư mà không có lý do chính đáng thì bị xử lý ký luật bằng hình thức kỷ luật xóa tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn Luật sư.

+ Điều lệ mới quy định: 12 tháng không đóng phí thành viên thì bị Đoàn Luật sư thông báo công khai trong phạm vi Đoàn Luật sư. 18 tháng không đóng phí thành viên sau khi đã được thông báo công khai thì đương nhiên bị Đoàn Luật sư xóa tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn Luật sư.

Tin tức khác


   Trang sau >>