CHỖ NGỒI KHÔNG TẠO NÊN CÔNG LÝ

Tôi loay hoay một hồi mới đến được trụ sở mới Tòa án nhân dân tỉnh B.- một tỉnh nổi tiếng của vùng miền Đông Nam Bộ với đà tăng trưởng kinh tế đáng kinh ngạc từ chính sách “trải thảm đỏ” kêu gọi các nhà đầu tư...

 

Đó là một tòa nhà được bố trí theo phong cách kiến trúc mới trong một khoảng không gian rộng rãi, với việc bố trí các khu vực phòng xử cách biệt với nơi làm việc của thẩm phán, thư ký tòa án. Các phòng làm việc được trang bị máy lạnh, với các thiết bị vi tính hiện đại. Điều khác biệt duy nhất với trụ sở tòa án các địa phương khác là dưới mỗi biển chỉ dẫn bằng tiếng Việt ở đây còn có tên tiếng Anh đi kèm. Tôi bất ngờ và vui mừng trước sự đổi mới cơ sở vật chất của ngành tòa án, vì so sánh với các trụ sở tòa án cũ được xây từ thời Pháp thuộc, người ta thấy rõ dụng ý của nhà kiến trúc hướng cảm giác con người khi bước vào phòng xử án với tâm trạng run sợ, bị đè nén...

Trong khi chờ đợi bị cáo- thân chủ của tôi là ông H.T.T. trong vụ án liên quan việc hoàn thuế giá trị gia tăng được chở từ trại tạm giam đến phiên tòa, tôi quan sát một phiên tòa dân sự ở bên cạnh đã khai mạc. Ngạc nhiên hơn, đập vào mắt tôi là sự bài trí chỗ ngồi đã có sự thay đổi hoàn toàn so với phòng xử truyền thống. Trước hết, vị trí bàn ngồi của viện kiểm sát và luật sư được bố trí ngang bằng nhau, còn bàn thư ký ngồi quay lưng lại với Hội đồng xét xử, với chiếc máy vi tính trước mặt. Tôi ngờ ngợ việc bài trí này giông giống trong một số phiên tòa hình sự qua phim ảnh của một số nước phát triển. Tuy nhiên, cảm giác về một sự ngang bằng nhau trong vị trí chỗ ngồi khiến tôi thật lòng ghi nhận những đổi mới của lãnh đạo tòa án tỉnh.

Trong khi miên man suy nghĩ về câu chuyện này, tôi giật mình khi nghe tiếng gọi hoảng hốt của hai đứa con ông H.T.T.: “Luật sư ơi, cha cháu đã bị cấp cứu đang điều trị ở bệnh viện tỉnh không đến phiên tòa được. Bây giờ làm sao hả luật sư ?”.  Tôi liền đến gặp kiểm sát viên thực hành quyền công tố trước tòa, bày tỏ sự quan ngại về tình trạng sức khỏe của ông T., bởi chính tôi đã nhiều lần chứng kiến cùng kiểm sát viên khi làm việc với ông trong trại tạm giam, tình trạng sức khỏe bị suy kiệt do căn bệnh tiểu đường giai đoạn II, lại bị huyết áp và trĩ nặng, chảy máu liên tục, trong điều kiện vệ sinh bị hạn chế, nên ông rất sợ khả năng bị ung thư... Ngay vào thời điểm hồ sơ chuyển sang tòa án hơn nửa năm nay, tôi đã liên tục gặp trực tiếp chủ tọa và có nhiều văn bản xin đề nghị cho gia đình bảo lãnh cho ông T. được tại ngoại điều trị và chữa bệnh, nhưng không được hồi âm. Khi nghe ông kiểm sát viên trả lời về yêu cầu xin tại ngoại là “khó lắm, không được đâu”, tôi như thấy hụt hẫng... Vừa lúc ông chủ tọa đến bên cạnh các luật sư, thông báo về việc hoãn phiên tòa đến những ngày đầu tháng 01-2009, mong các luật sư thông cảm, tôi liền đề đạt nguyện vọng xin tiếp tục cho gia đình bảo lãnh tại ngoại, bởi xét cho đến cùng của vụ án này, trách nhiệm dân sự gần như đã được đối trừ, giải quyết.

Bà T.T.L., vợ ông T. cũng là một bị cáo bị quy buộc đầu vụ trong vụ án này đang được tại ngoại, vốn là một doanh nhân cứng cỏi, chai sạn với thương trường kinh doanh hạt điều, cũng rơm rớm nước mắt, tất tả chạy vào bệnh viện chăm sóc cho chồng, bỏ lại sau lưng những ám ảnh về mức án sẽ dành cho mình. Tôi nhìn lên tòa nhà sừng sững giữa tiết trời se lạnh cuối năm, nhìn xuyên ngang phòng xử án được bài trí lại với những chiếc ghế được tô điểm bằng loại gỗ tốt, nước sơn bóng loáng mà thấy se lòng. Nếu được vị trí bình đẳng trong tranh tụng như ước muốn tốt đẹp của lãnh đạo Tòa án tỉnh B. thì mừng cho nghề luật sư của mình quá, nhưng tôi vẫn muốn vị trí ngồi của luật sư ở đâu cũng được, miễn là luôn ở bên cạnh thân chủ của mình. Cũng như mới đây, khi được tham gia hội thảo về mô hình hệ thống tòa án trong tiến trình cải cách tư pháp, tôi nghĩ, ba hay bốn cấp không quan trọng bằng việc tạo một thiết chế như thế nào thật sự đảm bảo khi xét xử, thẩm phán và hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật như Hiến pháp đã minh định.


Ở phiên tòa này, chưa nói đến kết quả tranh tụng giữa công tố và luật sư- nhiều người trong số họ đã chính thức kiến nghị xem xét lại tội danh cho các bị cáo- mà chỉ mới là vấn đề sức khỏe và mạng sống của người bị tạm giam khi bệnh nặng đã chưa được quan tâm giải quyết. Vấn đề bảo đảm quyền con người trong hoạt động tư pháp chính là vấn đề cần được quan tâm nhất hiện nay. Vâng, ai đó đã nói, chiếc áo không làm nên thầy tu, và ở công đường, có lẽ sự thay đổi chỗ ngồi chưa chắc đã tạo nên công lý...


Một ngày cuối năm 2008


Luật sư  Phan Trung Hoài

 

Tin tức khác


   Trang sau >>