CẦN THỐNG NHẤT QUAN ĐIỂM TRONG HOẠT ĐỘNG TỐ TỤNG

Báo Pháp luật TP.HCM số ra ngày 22/7/2009 có bài “Xử tranh chấp đất đai: Còn nhiều cái rối”. Theo chúng tôi, chẳng những chỉ có lĩnh vực tranh chấp đất mà ở các lĩnh vực khác cũng gặp không ít rắc rối.

 

 

Theo bài báo trên đây: Trước đây, khi tranh chấp này ra đến tòa thì đã có tòa nhận đơn thụ lý giải quyết, nhưng có tòa không thụ lý. Sự không thống nhất này khiến người dân phàn nàn khá nhiều về cách làm việc của tòa. Quan điểm chung của ngành tòa án TP.HCM là nếu có tranh chấp về mồ mả thì phần mồ mả tòa sẽ không thụ lý giải quyết.

Gần đây, có người nộp đơn kiện đòi lại “giấy hồng” do người khác mượn Tòa án Nhân dân (TAND) quân Bình Tân không thụ lý đơn. Trả lời người khởi kiện, chánh tòa này viện dẫn: Có trường hợp tương tự, TAND tỉnh KG thỉnh thị ý kiến chỉ đạo của TAND tối cao và đã được TAND tối cao “cho phép” TAND tỉnh KG không thụ lý đơn nên TAND quận Bình Tân căn cứ công văn vừa nêu của TAND tối cao “được phép” không thụ lý đơn của đương sự. Đồng thời TAND quận Bình Tân hướng dẫn đương sự nên làm đơn tố giác tội phạm gởi cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) để được xem xét giải quyết theo thẩm quyền. Những tưởng được tòa mách nước sẽ được CSĐT thụ lý giải quyết. Nhưng nào ngờ CSĐT  cũng từ chối nhận đơn với lý do: Đây là tranh chấp dân sự, thẩm quyền giải quyết thuộc về tòa án! Không thể căn cứ công văn “đơn lẻ” của tòa án cấp trên trả lời tòa án cấp dưới rồi xem đây là “văn bản luật” làm kim chỉ nam để khước từ thụ lý đơn tranh chấp của đương sự như thế được.

Vừa xảy ra tranh chấp quyền nuôi đứa bé do một người đàn bà tốt bụng đứng ra làm thủ tục khai nhận là mẹ (có đăng ký khai sinh) và nuôi dưỡng bé con của bà mẹ trẻ “mang thai ngoài ý muốn”. Ít lâu sau, bà ngoại ruột của bé “dụ” bà mẹ theo pháp luật giao bé cho bà ngoại đem về quê. Thấy lâu mà bà ngoại không trả lại, bà mẹ theo pháp luật nộp đơn kiện ra tòa đòi nhận lại bé, nhưng tòa án khước từ không thụ lý giải quyết. Đây là yêu cầu chính đáng của đương sự, nếu tòa án từ chối giải quyết thì cơ quan nào có thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết? Không thể phó mặc cho đương sự (vụ bà Hạnh đòi bà K. trả con cho bà Hạnh, Công an huyện Đức Cơ chuyển hồ sơ đến UBNd thị trấn Chư Ty. Sau khi hòa giải không thành UBND thị trấn chuyển hồ sơ đến TAND huyện. Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai xác định đây là tranh chấp xác định cha mẹ cho con. Nhưng TAND huyện Đức Cơ đã ra thông báo trả lại đơn kiện của bà Hạnh vì không thuộc thẩm quyền! Chánh án TAND huyện Đức Cơ giải bày: tranh chấp này không được Bộ luật Tố tụng Dân sự qui định nên tòa án không có cơ sở để thụ lý).

Ở các nước có nền tư pháp tiến bộ, tòa án bao giờ cũng tuân thủ nguyên tắc “bất khẳng thụ lý”, khi đương sự nộp đơn kiện thì tòa án phải tiếp nhận đơn để điều tra giải quyết chứ không được từ chối (dĩ nhiên tòa có quyền quyết định bác yêu cầu của đương sự nếu không có căn cứ xác đáng).

Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền, chúng ta đề cao nguyên tắc: Dân được làm việc gì luật không cấm còn Nhà nước chỉ được làm điều gì luật pháp cho phép. Liệu hai phạm trù vừa nêu có mâu thuẫn với nhau không? Khi mà người dân có nguyện vọng yêu cầu chính quyền can thiệp, không trái luật Nhà nước lại không vào cuộc, khiến người dân rơi vào tình trạng bế tắc, không lối thoát. Mọi yêu cầu chính đáng của người dân phải được cơ quan chức năng xem xét giải quyết thấu đáo. Không thể đùn đẩy khiến người dân “chới với” vì các cơ quan bảo vệ pháp luật đều từ chối thụ lý đơn vì “không thuộc thẩm quyền” nhưng lại không chỉ ra được cơ quan nào là cơ quan có thẩm quyền giải quyết! Khiến người có quyền lợi bị xâm hại không có lối thoát! Không thể kéo dài tình trạng “luật pháp bỏ ngỏ”, người dân ngậm đắng nuốt cay như thế mãi.

Lúc hữu sự, tìm đến cơ quan công quyền, đương đơn được giải thích theo kiểu “vòng vo tam quốc” rồi khước từ thụ lý đơn, đương đơn đành “bó tay” vì vấp phải tình cảnh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” giữa các cơ quan có thẩm quyền liên quan.

Chẳng những dân thường chịu cảnh “vô phúc đáo tụng đình” mà ngay cả giới “thầy cãi” lắm khi phải cay đắng “lụy đò” nhưng vẫn khó có thể “qua sống” được. Chuyện luật sư thực hiện quyền năng luật định bị cơ quan tiến hành tố tụng “hành hạ” xảy ra gần như cơm bữa. Khi luật sư chúng tôi có nhu cầu tiếp xúc can phạm tại trại giam công an tỉnh trước khi Tòa phúc thẩm TAND tối cao mở phiên tòa xử vụ án hình sự, mặc dù đã xuất trình thẻ luật sư, giấy chứng nhận người bào chữa do Tòa Phúc thẩm TAND tối cao cấp, giám thị trại giam công an tỉnh vẫn yêu cầu luật sư phải có lệnh trích xuất của tòa mới chấp nhận cho gặp gỡ can phạm, luật sư buộc lòng phải quay lại tòa, nhưng tòa “lắc đầu” không đáp ứng đòi hỏi của cơ quan giam giữ. Thực tiễn hoạt động nghề nghiệp chúng tôi ghi nhận, hầu hết các tòa đều từ chối cấp lệnh trích xuất để luật sư làm việc với can phạm theo yêu cầu của cơ quan giam giữ. Quan điểm của tòa: trích xuất phạm nhân là trách nhiệm của cơ quan giam giữ chứ không phải ở cơ quan tiến hành tố tụng (cơ quan cảnh sát điều tra, viện kiểm sát, tòa án). Điển hình là vụ án Đặng Văn Thân và đồng phạm can tội “giết người”, các bị cáo trong vụ án đang bị giam tại trại tạm giam Công an tỉnh Daklak, Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng đưa vụ án ra xét xử tại trụ sở TAND tỉnh Daklak, TP.Buôn Mê Thuộc vào ngày 13/7/2009. Trước khi mở phiên tòa, lãnh đạo Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng đã cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho luật sư chúng tôi. Dù chúng tôi xuất trình thẻ luật sư và giấy chứng nhận người bào chữa, cơ quan giam giữ vẫn từ chối cho chúng tôi gặp gỡ thân chủ là bị cáo đang bị tạm giam. Tình trạng “đẩy gậy” giữa phòng Cảnh sát giam giữ Công an tỉnh Daklak và Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng khiến chúng tôi bị mất mặt với thân chủ, họ trách cứ luật sư là luật sư không làm tròn trách nhiệm đối với thân chủ.

Tại TP.HCM nơi được mệnh danh là trung tâm của cả nước về mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực tư pháp, cơ quan giam giữ (trại tạm giam Chí Hòa, nhà tạm giữ công an các quận, huyện) chỉ yêu cầu luật sư xuất trình thẻ luật sư, giấy chứng nhận người bào chữa là cán bộ trại làm thủ tục trích xuất can phạm để luật sư làm việc. Chúng tôi được biết cơ quan giam giữ phía Nam không đòi hỏi lệnh trích xuất mà luật sư chỉ cần xuất trình cho giám thị trại giam giấy chứng nhận người bào chữa và thẻ luật sư là đủ rồi. Phải chăng cơ quan giam giữ ở một số địa phương vùng sâu, vùng xa tự đặt ra “luật tục” theo kiểu “phép vua thua lệ làng”. Chúng tôi nghĩ rằng với xu thế phát triển của nền tư pháp nước nhà thời hội nhập biệt lệ nơi này, nơi khác “tự làm luật” phải kịp thời chấn chỉnh, loại bỏ.

Cũng tại TP.HCM, cách thức làm việc của các cơ quan tiến hành tố tụng lắm khi “tréo ngoe”. Việc sao chép tài liệu, hồ sơ vụ án của luật sư cũng gặp phải gian truân không kém: chỉ cần cách nhau một tấm vách ngăn, ở tòa hình sự thì cán bộ tòa án yêu cầu luật sư điền vào phiếu yêu cầu các bụt lục cần sao chụp, hẹn ngày luật sư đến nộp lệ phí và nhận các bản photocopy tài liệu mà luật sư yêu cầu. Còn ở tòa dân sự thì sau khi luật sư điền tiêu đề tài liệu cần tham khảo vào phiếu yêu cầu cán bộ tòa án “cho phép” luật sư dùng máy chụp hình kỹ thuật số chụp các tài liệu mà luật sư đã nêu trong phiếu yêu cầu.

Chưa kể cách nhau chỉ có vài chục bước từ đầu cầu thang đến cuối cầu thang gỗ (từ tầng trệt lên lầu một) thủ tục xin cấp giấy chứng nhận người bào chữa cũng khác nhau: Dưới chân cầu thang (Tòa Hình sự TAND TP.HCM) chỉ cần người nhà (vợ, chồng, cha, mẹ, anh, chị...) của bị cáo có đơn nhờ luật sư bào chữa cho người thân của họ là tòa án cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho luật sư. Còn cầu thang bên trên (Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM) lại đòi hỏi phải có đơn của chính bị cáo đang bị tạm giam nhờ luật sư bào chữa thì tòa mới cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho luật sư.

Luật pháp phải áp dụng thống nhất trên phạm vi cả nước chứ không thể kéo dài tình trạng “tùy lúc, tùy nơi” theo kiểu “phép vua thua lệ làng” được.

Lãnh đạo các cơ quan tố tụng cần để mắt “chấn chỉnh” sớm chấm dứt những “lệ làng” do thuộc cấp tự đề ra. Để luật sư sớm thụ hưởng thành quả cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 08 ngày 2-1-2002 và Nghị quyết số 49 ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị.

Muốn nâng cao uy tín Nhà nước pháp quyền thời đổi mới, Chính phủ và các Bộ ngành quản lý hoạt động tư pháp cần rà soát, phát hiện kịp thời loại bỏ các qui định bất hợp lý để hoạt động tư pháp hiệu l;ực và hiệu quả cao.


Những gì mà chúng tôi đề cập là có thật. Vấn đề đặt ra là tổ chức Liên đoàn Luật sư toàn quốc có đủ bản lĩnh để bảo vệ cho các luật sư và các tổ chức thành viên một cách có hiệu quả! Có lẽ, đây là thử thách không vượt ngoài khả năng của Liên đoàn Luật sư toàn quốc!

Luật sư Trần Công Ly Tao

 

Tin tức khác


   Trang sau >>