MỘT SỐ QUY ĐỊNH MANG TÍNH NHÂN VĂN TRONG PHÁP LUẬT VỀ HÌNH SỰ MỚI

Ngày 19 tháng 06 năm 2009 tại kỳ họp thứ 5 khóa XII Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS) và Nghị quyết số 33 – Nghị quyết này quy định việc thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS được Chủ tịch nước công bố ngày 29/06/2009.

 

 

Luật sửa đổi, bổ sung BLHS phát sinh hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2010.

Quy định nhân đạo của các văn bản liên quan sớm đi vào cuộc sống, tránh xảy ra tình trạng “chờ hướng dẫn thi hành” trong việc áp dụng pháp luật, đặc biệt là pháp luật hình sự hợp lòng người. Để thống nhất trong việc triển khai thực hiện quy định mới của BLHS sửa đổi bổ sung và Nghị quyết số 33 của Quốc hội, ngày 17 tháng 07 năm 2009 Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC) ban hành công văn số 105/TANDTC hướng dẫn thi hành khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 33/2009/QH12 của Quốc hội.

Khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 33 minh thị: kể từ ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS được công bố:


- Không áp dụng hình phạt tử hình khi xét xử người phạm các tội quy định tại khoản 3 Điều 111 (tội hiếp dâm), khoản 4 Điều 139 (tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản), khoản 4 Điều 153 (tội buôn lậu), khoản 3 Điều 180 (tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, công trái giả), khoản 4 Điều 197 (tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy), khoản 3 Điều 221 (tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy), khoản 4 Điều 289 (tội đưa hối lộ) và khoản 4 Điều 334 (tội hủy hoại vũ khí, phương tiện kỹ thuật quân sự).

Như vậy có tất cả 8 điều luật tương ứng loại tội mà trước đây người phạm tội phải chịu mức hình phạt cao nhất là tử hình thì nay hình phạt tối đa là tù chung thân mà thôi.

Quy định pháp luật có lợi cho bị can, bị cáo phải nhanh chóng thực hiện. Do vậy, Công văn số 105 của TANDTC xác định rõ:

1 – Từ ngày 29 tháng 06 năm 2009, khi xét xử sơ thẩm, xét xử phúc
thẩm không áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm một trong các tội được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 1 của Nghị quyết số 33 (không phân biệt hành vi phạm tội được thực hiện trước hay sau ngày 29 tháng 06 năm 2009).

2 – Trường hợp hình phạt tử hình đã tuyên trước ngày 29 tháng 06 năm 2009 đối với người phạm một trong các tội được quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 1 của Nghị quyết số 33 và bản án đã có hiệu lực pháp luật thì chánh án tòa án đã xét xử sơ thẩm báo cáo ngay cho Chánh án TANDTC ra quyết định chuyển hình phạt tử hình xuống hình phạt tù chung thân đối với người bị kết án.

Về định lượng tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự: trước đây các tội chiếm đoạt tài sản từ 500.000 đồng trở lên thì bị xử lý hình sự, nay nâng mức chiếm đoạt từ 2.000.000 đồng trở lên mới bị xử lý hình sự, được quy định tại khoản 1 đối với các tội: “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” (Điều 137 BLHS); “Trộm cắp tài sản” (Điều 138 BLHS); “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (Điều 139 BLHS); “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” (Điều 143 BLHS); “Tham ô tài sản” (Điều 278 BLHS), “Nhận hối lộ” (Điều 279 BLHS); “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” (Điều 280 BLHS); “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” (Điều 283 BLHS); “Đưa hối lộ” (Điều 289 BLHS); “Làm môi giới hối lộ” (Điều 290 BLHS); “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi” (Điều 291 BLHS)
Cũng nằm trong hành vi chiếm đoạt tài sản, nhưng hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” (Điều 140 BLHS) thay đổi định lượng: trước đây chiếm đoạt tài sản có giá trị quy ra tiền là 1.000.000 đồng đã bị xử lý hình sự thì nay mức chiếm đoạt từ 4.000.000 đồng mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Còn hành vi “Chiếm giữ trái phép tài sản (Điều 141 BLHS) trước đây chiếm giữ từ 5.000.000 đồng thì nay mức chiếm giữ trái phép tài sản từ 10.000.000 đồng mới bị xử lý hình sự.

Luật sửa đổi bổ sung một số điều của BLHS quan tâm đặc biệt tới thân phận người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Khi xử lý hành vi phạm luật người chưa thành niên cần quán triệt nguyên tắc: nặng về giáo dục, nhẹ về trừng trị đối với họ. Khoản 5 Điều 69 BLHS mới nhấn mạnh: Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội. Khi áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội cần hạn chế áp dụng hình phạt tù. Khi xử phạt tù có thời hạn, tòa án cho người chưa thành niên phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đã thành niên phạm tội tương ứng. Không áp dụng hình phạt tiền đối với người chưa thành niên phạm tội ở độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người chưa thành niên phạm tội.

Do diễn biến tình hình kinh tế - xã hội, tính chất nguy hiểm của một số hành vi không còn cần thiết phải xử lý hình sự như trước đây. Vì vậy Luật sửa đổi bổ sung một số điều của BLHS.

Không xử lý về hình sự đối với người thực hiện một trong các hành vi sau đây:

- Sử dụng trái phép chất ma túy quy định tại Điều 199 của BLHS (tội sử dụng trái phép chất ma túy)

- Ở lại nước ngoài trái phép quy định tại Điều 274 của BLHS (tội xuất cảnh, nhập cảnh trái phép)

- Các hành vi xâm phạm quyền tác giả quy định tại Điều 131 của BLHS (tội xâm phạm quyền tác giả)

- Các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp quy định tại Điều 171 của BLHS (tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp), trừ hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý;

Các hành vi sau đây cũng không bị xử lý về hình sự, trừ trường hợp có yếu tố định tội khác:

- Hành vi quy định tại khoản 1 Điều 161 BLHS (tội trốn thuế) mà số tiền trốn thuế dưới một trăm triệu đồng;

- Hành vi quy định tại khoản 1 Điều 248 BLHS (tội đánh bạc) mà số tiền hoặc hiện vật đánh bạc có giá trị dưới hai triệu đồng.

Luật sửa đổi bổ sung một số điều của BLHS cũng không xử lý hình sự đối với người thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 các Điều 171 (tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp), Điều 182 (tội gây ô nhiễm không khí), Điều 183 (tội gây ô nhiễm nguồn nước), Điều 184 (tội gây ô nhiễm đất), Điều 185 (tội nhập khẩu công nghệ, máy móc thiết bị phế thải hoặc các chất không bảo đảm tiêu chuẩn bảo vệ môi trường), Điều 191 (tội vi phạm các quy định về quản lý, bảo tồn thiên nhiên) và Điều 248 (tội đánh bạc) của BLHS theo tình tiết “đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính mà còn vi phạm”.

Trường hợp vụ án đang được điều tra, truy tố, xét xử thì phải đình chỉ; trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ thi hành án, thì họ được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại; trường hợp người bị kết án chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn thi hành án thì họ được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt.
Trường hợp vụ án đang trong giai đoạn xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm thì cần phân biệt như sau:

a.  Trường hợp Viện kiểm sát (VKS) có công văn rút lại hồ sơ để điều tra bổ sung làm rõ trách nhiệm hình sự (TNHS) của bị can mà tòa án cấp sơ thẩm xét thấy có căn cứ thì tòa án áp dụng điểm b khoản 2 Điều 176 của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) ra quyết định trả lại hồ sơ cho VKS

b. Trường hợp VKS có công văn (hoặc quyết định) rút quyết định truy tố và đề nghị tòa án đình chỉ vụ án thì thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên tòa xét xử vụ án đó áp dụng điểm d khoản 2 Điều 1 của Nghị quyết số 33 và Điều 181 của BLTTHS ra quyết định đình chỉ vụ án.

c.  Trường hợp VKS vẫn giữ nguyên quyết định truy tố thì thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên tòa (nếu trong thời hạn chuẩn bị xét xử) hoặc hội đồng xét xử (HĐXX) (nếu tại phiên tòa sơ thẩm) áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 1 của Nghị quyết số 33, điểm 2 Điều 107 và Điều 180 của BLTTHS ra quyết định đình chỉ vụ án.

d. Trường hợp vụ án trong giai đoạn xét xử phúc thẩm thì tòa án cấp phúc thẩm phải mở phiên tòa và HĐXX áp dụng điểm đ khoản 3 Điều 1 của Nghị quyết số 33, Điều 107 và Điều 251 của BLTTHS quyết định hủy bản án sơ thẩm, tuyên bố bị cáo không phạm tội và đình chỉ vụ án.

e. Đối với trường hợp được quy định tại  các điểm b, c và d khoản 2 Điều 1 của Nghị quyết 33 chỉ được tha miễn về mặt TNHS, còn các vấn đề khác như trách nhiệm bồi thường thiệt hại, xử lý vật chứng... hoặc xét xử về các tội phạm khác, các bị cáo khác trong vụ án thì vẫn được giải quyết theo thủ tục chung.

Những người đã chấp hành xong hình phạt hoặc được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt hoặc phần hình phạt còn lại thì đương nhiên được xóa án tích.

3 – Vấn đề miễn chấp hành hình phạt quy định tại điểm đ khoản 2 Điều
1 Nghị quyết số 33  được thực hiện:

a.  Đối với người đang chấp hành hình phạt tù, cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội thì chánh án TAND cấp tỉnh, chánh án tòa án quân sự (TAQS) cấp quân khu nơi người bị kết án đang chấp hành hình phạt ra quyết định miễn chấp hành hình phạt còn lại theo đề nghị của cơ quan thi hành án (THA) phạt tù hoặc cơ quan thi hành hình phạt cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội.

b. Đối với người đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ thì chánh án TAND cấp huyện nơi người đó chấp hành hình phạt ra quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại theo đề nghị của cơ quan tổ chức hoặc chính quyền địa phương được giao trách nhiệm trực tiếp giám sát, giáo dục.

c.  Đối với người đang chấp hành hình phạt cấm cư trú hoặc quản chế thì chánh án TAND cấp huyện, chánh án TAQS khu vực nơi người đó chấp hành hình phạt ra quyết định miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú hoặc thời hạn quản chế còn lại theo đề nghị của chính quyền địa phương nơi người đó chấp hành hình phạt.

d. Đối với người đang chấp hành hình phạt cấm đảm nhận chức vụ cấm hành nghề, tước một số quyền thì chánh án TAND cấp huyện, chánh án TAQS khu vực nơi người đó cư trú hoặc làm việc ra quyết định miễn chấp hành thời hạn cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề, thời hạn tước một số quyền còn lại theo đề nghị của viện trưởng VKSND cấp huyện, viện trưởng VKSQS khu vực nơi người đó cư trú hoặc làm việc.

đ. Đối với người bị xử phạt tù, xử phạt cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt, đang được hoãn chấp hành hình phạt hoặc chưa chấp hành hình phạt thì chánh án TAND cấp tỉnh, chánh án TAQS cấp quân khu nơi người đó cư trú hoặc làm việc ra quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại hoặc miễn chấp hành toàn bộ hình phạt theo đề nghị của viện trưởng VKSND cấp tỉnh, viện trưởng VKSQS cấp quân khu nơi người đó cứ trú hoặc làm việc.

e. Đối với người bị xử phạt bằng các hình phạt khác đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt, đang được hoãn chấp hành hình phạt hoặc chưa chấp hành hình phạt thì Chánh án TAND cấp huyện, chánh án TAQS khu vực nơi người đó cư trú hoặc làm việc ra quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại hoặc miễn chấp hành toàn bộ hình phạt theo đề nghị của viện trưởng VKSND cấp huyện, viện trưởng VKSQS khu vực nơi người đó cư trú hoặc làm việc.

Cần lưu ý: khi đình chỉ vụ án cũng như miễn chấp hành hình phạt thì tòa án ra quyết định đình chỉ hoặc quyết định miễn chấp hành hình phạt giải thích cho người được đình chỉ vụ án hoặc được miễn chấp hành hình phạt biết là việc đình chỉ hoặc miễn chấp hành hình phạt này là do chính sách hình sự mới nhân đạo của Nhà nước chứ không phải oan sai do cơ quan tiến hành tố tụng gây ra. Do đó, họ không có quyền đòi bồi thường thiệt hại theo Điều 620 BLDS, Nghị quyết số 388/2003/NQ-UBTVQH10 ngày 17 tháng 3 năm 2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội “về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động TTHS gây ra”.

4 – Đối với các đối tượng được quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản
2 Điều 1 của Nghị quyết số 33 mà đang bị truy nã thì tòa án đã ra quyết định đình chỉ vụ án hoặc miễn chấp hành hình phạt đồng thời phải thông báo cho cơ quan đã ra quyết định truy nã, nếu họ không bị truy nã về hành vi phạm tội khác.

Bên cạnh những ưu điểm, Công văn số 105 bộc lộ một số vướng mắc:

- Theo công văn thì “không áp dụng hình phạt từ hình đối với người phạm một trong các tội...”. Như vậy, người phạm từ hai tội trở lên được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 1 của Nghị quyết số 33 thì họ phải chịu hình phạt như thế nào? Tù chung thân hay tử hình? Nếu chỉ phạt tù chung thân thì trái với quy định của công văn (chỉ phạm một trong 8 tội) mới chịu mức hình phạt cao nhất là tù chung thân). Trong khi người phạm tội lại phạm nhiều hơn một tội (từ 2 đến 8 tội) thì không thể phạt tù chung thân như người phạm một tội mà mức hình phạt phải nặng hơn hình phạt tù chung thân (mức hình phạt cao hơn tù chung thân là tử hình). Nhưng Luật sửa đổi bổ sung một số điều của BLHS và Nghị quyết số 33 đã bãi bỏ án tử hình đối với tám loại tội mà chúng tôi đã liệt kê. Có lẽ chỉ cần quy định “người phạm các tội được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 33 chỉ bị phạm tù chung thân” mới phù hợp với luật sửa đổi bổ sung một số điều của BLHS và nghị quyết số 33 của Quốc hội.

Ngoài ra, theo Công văn 105 thì “TANDTC tạm thời hướng dẫn một số điều...”. Như thế thì: “nếu sau này các cơ quan thẩm quyền ban hành thông tư liên tịch có một số nội dung không phù hợp nội dung của Công văn số 105 thì xử lý như thế nào? Vì công văn 105 mang tính “chữa cháy”, áp dụng tạm thời, còn thông tư liên tịch sẽ được áp dụng lâu dài!


Luật sửa đổi bổ sung một số điều của BLHS và Nghị quyết số 33 của Quốc hội tạo điều kiện để phạm nhân thoát “vòng lao lý” cũng là cơ hội “tìm về sinh lộ” đối với một số người tuy có hành vi vi phạm pháp luật hình sự nhưng tính chất nguy hiểm cho cộng đồng không còn nữa, chỉ cần xử lý hành chính cũng đủ nhắc nhở, thuyết phục người vi phạm cải tà quy chính. Chính sách pháp luật vừa được ban hành và thực thi diễn ra đúng vào mùa vu lan, niềm tin tâm linh “xá tội vong nhân”, đưa đạo và đời xích lại gần nhau.


Luật sư Trần Công Ly Tao

 

Tin tức khác


   Trang sau >>