“NGUYÊN NHÂN BẢN ÁN HÌNH SỰ SƠ THẨM BỊ CẤP PHÚC THẨM HUỶ, SỬA BẢN ÁN”

Ông cha ta lưu truyền câu nói rất chí lý: “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại” (một ngày ở trong tù như ngàn năm ở ngoài đời).

 

 

Chính vì vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng (THTT) phải hết sức cẩn trọng trong việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, đối với những đối tượng có dấu hiệu liên quan tới vụ án hình sự, hạn chế đến mức thấp nhất gây oan sai cho người vô tội.

Lời thật mất lòng. Nhưng vì lợi ích chung của xã hội, chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận: hiện nay, một bộ phận cán bộ THTT: Điều tra viên (ĐTV), Kiểm sát viên (KSV), thẩm phán, hội thẩm nhân dân (HTND) vừa thiếu tầm vừa thiếu tâm. Việc quyết định “số phận” của bị cáo và người liên quan của một vụ án thuộc về cơ quan xét xử: ở toà án cấp quận huyện, hai trong ba thành viên hội đồng xét xử (HĐXX) là HTND. Mà một số HTND, khi tham gia xét xử vụ án hình sự không nắm vững hồ sơ, kiến thức về pháp luật hình sự chưa vững vàng, năng lực đánh giá chứng cứ hạn chế, rụt rè trong thể hiện bản lĩnh, chưa triệt để tuân thủ nguyên tắc khi giải quyết vụ án: HĐXX: “chỉ độc lập và tuân theo pháp luật”; ở giai đoạn điều tra, ĐTV sơ sót trong việc thu thập chứng cứ vụ án, dựng hiện trường, nhận dạng, đối chất. Khi cơ quan điều tra (CQĐT) chuyển hồ sơ vụ án đến viện kiểm sát (VKS) thì KSV thụ lý vụ án hầu như chỉ dựa vào kết quả điều tra để ra cáo trạng truy tố bị can rồi chuyển hồ sơ vụ án đến Toà án để nơi đây tiếp tục giải quyết theo thẩm quyền luật định, chứ ít chú trọng tới việc rà soát để phát hiện “kẻ hở” trong giai đoạn điều tra vụ án của cơ quan cảnh sát điều tra!

Mặt khác, chính sách pháp luật hình sự quy định về tội danh, khung hình phạt trong BLHS, các văn bản hướng dẫn (như nghị quyết của HĐTP-TANDTC, thông tư liên tịch của cán bộ ngành liên quan...) thiếu chặt chẽ .

- Quá trình điều tra, truy tố, xét xử phát sinh một số tình tiết mới cấp sơ thẩm chưa kịp thời vận dụng.

- Biên bản phiên toà sơ thẩm bị chỉnh sửa (gạch, xoá) không có xác nhận hợp lệ .

- Việc định tội hành vi vi phạm pháp luật có sự thiếu chuẩn xác.

- Tống đạt giấy triệu tập những người tham gia tố tụng không đúng quy định (trễ so với thời hạn luật định ít nhất là 10 ngày trước khi đưa vụ án ra xét xử).

- Cẩu thả trong khâu kiểm tra nội dung bản án trước khi phát hành án, để xảy ra nhằm lẫn một số câu chữ trong bản án.

- Thẩm phán thiếu sự chuyên môn hoá, một thẩm phán xử nhiều loại án khác nhau nên không có đủ thời gian tập trung nghiên cứu chuyên sâu một loại án.

- Vận dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ thiếu chính xác, chưa phù hợp quy định pháp luật.

- Thành phần HĐXX đối với bị cáo chưa thành niên không đúng với quy định.

- Lập bản vẽ sơ đồ hiện trường vụ án không chính xác.

Một khi bản án hình sự sơ thẩm bị cấp phúc thẩm huỷ án, sửa án vẫn còn. Như thế có thể nói chất lượng điều tra, truy tố, xét xử án hình sự còn có vấn đề, bất cập dẫn đến án bị huỷ sửa.

Có thể khái quát án sơ thẩm bị huỷ, sửa án do hai nguyên nhân chủ yếu sau:.

Về mặt chủ quan:


Bản án bị sửa chủ yếu là sửa mức hình phạt tù, chuyển án tù giam sang cho hưởng án treo, chuyển án treo thành án tù giam, sửa về trách nhiệm dân sự. Bản án bị cấp phúc thẩm sửa án chủ yếu do các nguyên nhân sau:

+ Những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị can, bị cáo không được phát hiện, điều tra thu thập (như: bị cáo thuộc gia đình có công với cách mạng; thuộc diện xoá đói, giảm nghèo; bị cáo là lao động chính...) Tại phiên toà phúc thẩm ghi nhận và xem xét cho bị cáo được giảm nhẹ một phần hình phạt hoặc cho hưởng án treo... (đây là tình tiết mới phát sinh tại phiên toà phúc thẩm).

+ Một số trường hợp, mức án do HĐXX tuyên đối với bị cáo có sự chênh lệch so với đề nghị của KSV thực hành quyền công tố tại toà. Mức hình phạt mà HĐXX áp dụng đối với bị cáo là quá nhẹ, quá nặng hoặc cho bị cáo hưởng án treo là không phù hợp, nên có kháng nghị đề nghị cấp phúc thẩm xét xử theo quan điềm của VKS. Trong những năm gần đây, tỷ lệ kháng nghị của VKS được toà án cấp phúc thẩm chấp nhận và sửa bản án hình sự sơ thẩm của toà án đạt tỷ lệ cao.

- Bản án bị cấp phúc thẩm huỷ án: do HTND đã bãi nhiệm, nhưng cấp sơ thẩm không nắm bắt kịp thời, nên vẫn mời hội thẩm này tham gia xét xử.
Bản án bị cấp phúc thẩm huỷ án để điều tra, xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm, chủ yếu là do:

- Cấp sơ thẩm điều tra vụ án chưa đầy đủ, bỏ lọt người phạm tội và tội phạm.

- Cấp sơ thẩm vi phạm thủ tục tố tụng: thành phần HĐXX không đúng quy định, (xét xử người chưa thành niên không có HTND là giáo viên, đoàn viên...) bị can, bị cáo không có người bào chữa (trong trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa), cấp sơ thẩm áp dụng các tình tiết giảm nhẹ không căn cứ...

- Ở phần trên biên bản nghị án ghi HTND này nhưng ở phần cuối lại ghi HTND khác.

- Sau khi xét xử KSV tham gia phiên toà đã không kiểm sát chặt biên bản nghị án và nội dung bản án.

- Bản án hình sự sơ thẩm bị huỷ án còn do: vi phạm trong việc khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường mâu thuẫn với lời khai bị cáo, nhân chứng, không có KSV tham gia.

- Huỷ án để xác định lại tuổi của bị cáo, chủ yếu do bị cáo không có giấy khai sinh hoặc giấy tờ có liên quan khác để chứng minh, trong khi đó tài liệu điều tra thể hiện độ tuổi của bị cáo không thống nhất.

- Trong quá trình điều tra, CQĐT đã điều tra không đầy đủ, bỏ lọt tội phạm, khởi tố người chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, quá trình kiểm sát điều tra, KSV thụ lý vụ án không phát hiện ra những sai sót để khắc phục, Toà án cấp sơ thẩm trước và trong khi xét xử cũng không phát hiện, làm rõ. Những sai sót trong quá trình điều tra, truy tố vụ án, dẫn tới khi bản án bị kháng cáo, kháng nghị, cấp phúc thẩm phát hiện thấy những vi phạm trên của bản án sơ thẩm.

- Quan điểm xử lý vụ án và mức hình phạt đối với các bị cáo giữa hai ngành kiểm sát và toà án chưa thống nhất. Mức án HĐXX tuyên chênh lệch với quan điểm của VKS là nguyên nhân để VKS kháng nghị.

- CQĐT đã có những vi phạm trong việc lập biên bản hiện trường, thu giữ vật chứng, nhận định tội danh... KSV được phân công kiểm sát hồ sơ không phát hiện các vi phạm trên. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng hồ sơ truy tố, xét xử khiến một số bản án bị cấp phúc thẩm huỷ án.

- Vấn đề giám hộ và hỗ trợ tư pháp đối với người phạm tội chưa thành niên hoặc người có nhược điểm về thể chất, tâm thần. Trong trường hợp bị can, bị cáo, người đại diện hợp pháp của họ có yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa thì do các cơ quan tiến hành tố tụng chủ quan nên đã vi phạm tố tụng dẫn đến bản án bị cấp phúc thẩm hủy án, sửa án.

+ Điều 57 của Bộ Luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) và hướng dẫn tại điểm 2, 3 mục II Nghị quyết 03/2004/NQ-HĐTP ngày 02.10.2004; Điểm 4.4 mục 4 phần II của Nghị quyết 04 ngày 05.11.2004 của Hội đồng thẩm phán Toà án Nhân dân tối cao (HĐTP TANDTC) nhấn mạnh: “đối với bị can, bị cáo là người chưa thành niên, có nhược điểm về thể chất, tâm thần..., trong trường hợp bị can, bị cáo, người đại diện hợp pháp của họ có yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa thì người có yêu cầu phải làm văn bản đề nghị...”

Cơ quan điều tra chỉ ghi lời từ chối của bị can vào biên bản ghi lời khai mà không yêu cầu họ phải làm thành văn bản riêng. VKS và toà án cũng không chú ý đến vấn đề này, dẫn tới hồ sơ vi phạm thủ tục tố tụng nghiêm trọng nên đã bị toà án cấp phúc thẩm huỷ án với lý do không cho bị cáo, người đại diện hợp pháp từ chối luật sư bằng văn bản.

Bản án hình sự sơ thẩm bị cấp phúc thẩm huỷ án là do lỗi chính tả trong đánh máy: Trình độ nhận thức và kỹ năng nghiệp vụ của đội ngũ ĐTV, KSV và thẩm phán ảnh hưởng rất lớn đến kết quả giải quyết hồ sơ vụ án. Một số KSV trong quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên toà thường quá chú trọng chức năng thực hành quyền công tố như xác định tội danh, bảo vệ Cáo trạng và quan điểm truy tố, mà xem nhẹ chức năng kiểm sát xét xử. dẫn tới có nhiều trường hợp có vi phạm tại phiên toà (như thời hạn tống đạt quyết định đưa vụ án ra xét xử, thành phần hội đồng xét xử khi có người chưa thành niên phạm tội...) nhưng không phát hiện ra, để kịp thời yêu cầu HĐXX khắc phục, hoãn phiên toà hoặc có kháng nghị phúc thẩm nếu vụ án đã được xét xử.
Về mặt khách quan

Các cơ quan THTT còn thiếu cán bộ. ĐTV, KSV, cán bộ toà án (TP, thư ký) tham gia các lớp học bồi dưỡng nghiệp vụ vẫn còn đông. Từ đó, áp lực công việc và khối lượng án đối với từng ĐTV, KSV, thẩm phán rất lớn, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng giải quyết án, dẫn đến tình trạng bản án sơ thẩm bị cấp phúc thẩm sửa án, huỷ án.

Bộ Luật Hình sự (BLHS) năm 1999 không cụ thể hoá tất cả các hành vi phạm tội trong các điều luật. mà quá trình áp dụng luật phải vận dụng các văn bản hướng dẫn dưới luật. nhiều văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật của các cơ quan Trung ương còn chung chung, chưa cụ thể hoá hành vi phạm tội. Từ đó quá trình áp dụng pháp luật chưa được thống nhất trong các cơ quan tiến hành tố tụng và các cấp xét xử. Như Nghị quyết số 02 ngày 17.4.2003 của HĐTP TANDTC hướng dẫn về tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng đối với tội gây rối trật tự công cộng theo khoản 1 Điều 245 BLHS; Trong đó có quy định gây cản trở, ách tắc giao thông đến dưới 2 giờ. Như vậy theo hướng dẫn thi hành vi gây rối trật tự công cộng chỉ cần gây hậu quả là cản trở, ách tắc giao thông là cấu thành tội gây rối trật tự công cộng theo khoản 1 Điều 245 BLHS; hành vi gây cản trở hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế... cũng hướng dẫn chưa được cụ thể. Từ đó, quá trình áp dụng pháp luật chưa thống nhất về tình tiết này.


Ngoài ra, tại phiên toà phúc thẩm bị cáo, bị hại... những người tham gia tố tụng khác đưa ra một số chứng cứ, tài liệu mà cấp sơ thẩm không có cơ sở để thu thập hoặc phát sinh mới, cũng là duyên cớ để cấp phúc thẩm hủy án, sửa bản án sơ thẩm


Luật sư Trần Công Ly Tao

 

Tin tức khác


   Trang sau >>